Khoảng năm 1956,  tuần báo Nhân Loại, tờ tuần báo có nhiệm vụ đấu tranh hiệp thương hai miền Nam, Bắc do nhà văn Ngọc Linh làm tổng thư ký phụ trách tòa soạn. Tờ tuần báo này là nơi tập hợp một số cây bút miền nam  ‘trụ’ như Viễn Phương, Sơn Nam, Tô Nguyệt Đình, Tân Đức, Trường Xuân Trúc, Nhất Tiếu, Kiên Giang… Rồi sau đó, từ tờ tuần báo nầy xuất hiện những truyện ngắn của Trang Thế Hy. ‘Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại’ của Văn Phụng Mỹ (Bút danh của nhà văn T.T.Hy) ra đời từ đây. Một thời gian sau, đánh hơi thấy tờ tuần báo này có ‘khuynh hướng thiên cộng’ nên chính quyền Sài Gòn đã ‘đánh chết’ tờ báo bằng hệ thống phát hành. Và theo Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học Miền Nam “sau khi Nhân Loại đóng cửa thì các nhà văn chạy theo cộng sản”.


TÌNH NGHĨA GIÁO KHOA VĂN

LÊ VĂN NGHĨA

Thông thường,  khi in một quyển sách, nhà văn sẽ liên hệ trực tiếp với Nhà Xuất Bản (NXB). Tuy nhiên, trước năm 75, đến bây giờ , tôi biết có hai trường hợp nhà văn được bạn bè đứng ra in sách giúp mà tác giả chẳng biết.

Khoảng năm 1956,  tuần báo Nhân Loại, tờ tuần báo có nhiệm vụ đấu tranh hiệp thương hai miền Nam, Bắc do nhà văn Ngọc Linh (1) làm tổng thư ký phụ trách tòa soạn. Tờ tuần báo này là nơi tập hợp một số cây bút miền nam  ‘trụ’ như Viễn Phương, Sơn Nam, Tô Nguyệt Đình, Tân Đức, Trường Xuân Trúc, Nhất Tiếu, Kiên Giang… Rồi sau đó, từ tờ tuần báo nầy xuất hiện những truyện ngắn của Trang Thế Hy. ‘Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại’ của Văn Phụng Mỹ (Bút danh của nhà văn T.T.Hy) ra đời từ đây. Một thời gian sau, đánh hơi thấy tờ tuần báo này có ‘khuynh hướng thiên cộng’ nên chính quyền Sài Gòn đã ‘đánh chết’ tờ báo bằng hệ thống phát hành. Và theo Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học Miền Nam “sau khi Nhân Loại đóng cửa thì các nhà văn chạy theo cộng sản”.
  Người bị tù rồi sau đó vào thẳng chiến khu là nhà văn Trang Thế Hy. Năm 1964 Nhà Văn Tô Nguyệt Đình (tên thật Nguyễn Bảo Hóa) (2) mới gom góp những truyện ngắn của nhà văn Trang Thế Hy in thành tập truyện ngắn ‘NĐMQN’. Theo lời nhà thơ Thiên Hà, lúc nầy là người sửa mo-rát tại nhà in. Bản thảo đầu tiên Thiên Hà  đảm nhiệm sửa lỗi   tập  truyện ngắn nầy. Nhà thơ Thiên Hà ngạc nhiên vì trong quá trình sửa, các tác giả thường ghé qua nhà in làm việc với thợ sắp chữ nhưng Văn Phụng Mỹ tuyệt nhiên không một lần xuất hiện. Khi khâu sửa bài hoàn chỉnh, không thấy "cha đẻ" của "Nắng đẹp miền quê ngoại" đến ký xác nhận cho kịp lên khuôn, Thiên Hà hỏi ý kiến nhà văn Tô Nguyệt Đình.  Được nhà văn Tô Nguyệt Đình đồng ý, ông mạnh dạn ký "bon" đúc chì, đưa tác phẩm của Trang Thế Hy lên khuôn in ấn.


  Tác phẩm được ông Tư Khoái, chủ nhà sách Sống Mới nhận độc quyền phát hành. Bút danh Văn Phụng Mỹ còn xa lạ với người đọc nhưng tác phẩm "Nắng đẹp miền quê ngoại" bán rất chạy sau khi xuất bản chưa đầy một tháng. Thời gian nầy nhà văn Trang Thế Hy ở trong chiến khu nên không biết mình có một tác phẩm vừa được chào đời tại Sài Gòn. Còn nhà thơ Thiên Hà đã lãnh nhuận bút gửi về cho gia đình nhà văn . Nhà thơ Thiên Hà cho biết ‘Sau nầy anh Trang Thế Hy cảm ơn tôi nhiều lần và bày tỏ vui mừng vì tôi là người trực tiếp gửi tiền. Nếu là người khác, có thể tiền không đến tay anh ấy. Nhờ có số nhuận bút đó mà gia đình anh trang trải được nợ nần, Trang Thế Hy mới yên tâm đi kháng chiến".
  Thêm một trường hợp giống như trên, nhưng ly kỳ hơn. Trong một cuộc thi, tuần báo Nhân Loại đã trao giải nhất cho truyện ngắn ‘Áo vải tim vàng” của Lê Vĩnh Hòa.(3) Từ đó, nhà văn này thường xuyên viết truyện ngắn với Nhân Loại. Những truyện ngắn như Tam Thương, Thằng Bót, Tiếng hú rừng khuya, Mưa trên sông, Trăng lu, Bên rặng tre già, Chiếc áo màu thiên thanh… lần lượt ra đời trong khoảng hai năm có mặt của tuần báo Nhân Loại. Sau nầy  Lê Vĩnh Hòa còn viết thêm  tùy bút dưới bút hiệu  Dương Nhị Khanh với bút pháp trữ tình, với tấm lòng nhân ái vị tha đối với nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh… càng khiến độc giả yêu mến hơn.
   Khi sinh thời, nhà văn Ngọc Linh kể ‘…Rồi Lê Vĩnh Hòa bị bắt, bị giam cầm suốt 5 năm trong nhà tù của giặc. Một buổi sáng, lúc tôi còn làm tòa soạn báo Lẽ Sống, tôi đi họp báo về trễ, được anh em trao lại một mảnh giấy nhỏ:“Ngọc Linh,Mình mới ra tù, sau 5 năm gian lao cực khổ. Định gặp bạn tâm tình, nhưng đã không may. Thôi, mình đi. Hòa” Đó là những dòng chữ cuối cùng mà Hòa đã gởi lại cho tôi. Sau đó vĩnh viễn không còn gặp lại nhau’

                                  
                                          Lê Vĩnh Hòa và Ngọc Linh!

    Theo suy đoán, và nghe ngóng tin tức từ bạn bè  Ngọc Linh biết  biết Lê Vĩnh Hòa đã vào rừng. Tiếc những tác phẩm giá trị của Lê Vĩnh Hòa, sau khi Nhân Loại đóng cửa (1958) không được phổ biến nên nhà văn Ngọc Linh mong muốn in tập truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa tại Sài Gòn. Ông đem ý định của mình bàn với một nhà văn ‘chiến hữu’ thì ông nầy dè dặt ‘cẩn thận, coi chừng đó’. Nhà văn nầy dè dặt cũng đúng thôi vì lúc đó ai bị phát hiện có hơi hướng thiên cộng là khó sống nhưng nhà văn Ngọc Linh nghĩ “Có những việc không cẩn thận được cũng đành phải liều thôi”.
    Trong ký ‘Nhớ Lê Vình Hòa’, Ngọc Linh đã kể như sau. Với máu liều của ‘anh hai nam bộ’, ông gặp Nhàn- nhân viên phòng Kiểm Duyệt của Bộ Thông tin trong một quán nước để xin giấy phép in tập truyện ngắn “Mái nhà thơ” của Lê Vĩnh Hòa. Nhàn trừng mắt, hùng hổ : ‘In sao được ! Lê Vĩnh Hòa đang theo mặt trận giải phóng mà.’
   Với phong cách bất cần đời, Ngọc Linh liệng cho anh ta một gói thuốc Côtáp, trong đó kèm theo 50 ngàn đồng rồi xẵng giọng nói :
-          Có cái đ… gì mà mày sợ.  Nó là bạn tao. Tao muốn kỷ niệm vậy mà…
  Chắc gì món tiền khá ngon hay thái độ không sợ sệt của Ngọc Linh đã khiến tay nhân viên kiểm duyệt nầy chẳng e ngại gì khi cấp giấy phép cho nhà xuất bản Phù Sa sau khi đã bỏ đi 15 truyện ngắn nên tập truyện ‘Mái Nhà Thơ’ của Lê Vĩnh Hòa chỉ còn 10 truyện.  Nhà văn Sơn Nam nói :
-          In đại đi ! Có còn hơn không !
    Quyển sách ra đời năm 1964  khi Lê Vĩnh Hòa đang ở rừng nên không thấy được mặt đứa con tinh thần của mình và vĩnh viễn không bao giờ thấy. Ông đã hy sinh năm 1967 trong một cuộc chiến đấu tại Long Mỹ (Cần Thơ).
   Một hôm  có dịp gặp nhà văn Võ Phiến (4), nhà văn Ngọc Linh hỏi: Tôi biết anh là anh ruột của Lê Vĩnh Hòa. Bây giờ nghe tin nó đã chết. Mình muốn gởi tiền bản quyền “Mái nhà thơ” cho gia đình. Anh có nhận được không?
Võ Phiến ngồi im lặng rất lâu! Sau cùng nói với Ngọc Linh:
-          Hình như vợ nó còn ở Sóc Trăng. Ngọc Linh nên tìm cách gửi về đó thì hơn.
   Nhà văn Ngọc Linh đã gửi tiền nhuận bút về cho gia đình Lê Vĩnh Hòa cùng quyển sách với vài dòng chữ mà ông không kịp viết cho Lê Vĩnh Hòa khi còn sống. Chắc giờ ,trong cõi hư vô Ngọc Linh, Tô Nguyệt Đình, Trang Thế Hy và Lê Vĩnh Hòa đang cùng ngồi chung dưới ‘Mái Nhà Thơ’ nơi có nắng đẹp miền quê ngoại nam bộ, cùng uống trà mà nói về tình nghĩa nhà văn không có trong sách giáo khoa thư.

(1)   Tên thật Dương Đại Tâm , nhà văn, nhà viết kịch(1935-2002) , quê Bạc Liêu.
(2)   Tên thật Nguyễn Bảo Hóa. (1920-1988), người Vũng Tàu .Ông là một trong những người đứng đầu tổ chức ngày Ký giả đi ăn mày trước 1975.Tên ông sau đó được đặt cho một con đường ở Thị xã Bà Rịa.
(3)    Liệt sĩ.Tên thật Đoàn Thế Hối –sinh năm 1933-hy sinh tại Long Mỹ (Cần Thơ) năm 1967.
(4)   Tên thật Đoàn Thế Nhơn- sinh năm 1925 mất năm 2015- anh ruột của nhà văn-liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa.