Về khoa học xã hội và nhân văn, các quan hệ, giao lưu, trao đổi, học hỏi… cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, tiếp thu tri thức từ nhân loại, nâng cao năng lực khám phá, sáng tạo của người làm khoa học,… Tuy vậy, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là khi đưa tin về sự vụ của người Việt ở nước ngoài lại giới thiệu và để mấy người không từ thủ đoạn nào chống phá Việt Nam được phát ngôn trên báo chí Việt Nam; hợp tác quốc tế không phải để “tôn vinh”, “cảm ơn” mấy nhà nghiên cứu đã xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam; tiếp thu thành tựu văn hóa, văn học nhân loại không phải để ca ngợi, quảng bá mấy nhân vật có “thành tích chống cộng” được phương Tây o bế và trao giải thưởng; càng không phải để xuất bản mấy cuốn sách chứa đựng các nội dung ngược lại với bản chất xã hội, với tiến trình phát triển đất nước… 


“Hiện tượng lạ” do vô tình, cố ý hay vì thiếu thông tin?

PHẠM NGUYỄN

Gần đây, vụ án liên quan tới một người Việt Nam xảy ra ở Hoa Kỳ đang là đề tài được một số tờ báo, trang tin ở Việt Nam quan tâm, trong đó đề cập ý kiến, việc làm của hai người Mỹ gốc Việt là Đỗ Phủ, J.Nguyễn. Từ lai lịch của hai người này và từ một số hiện tượng khác nữa, bài viết gồm hai kỳ của Phạm Nguyễn đặt câu hỏi về tình trạng vô tình, cố tình hay do thiếu thông tin đã đưa tới sự xuất hiện một loại “hiện tượng lạ” ở Việt Nam…

Đỗ Phủ và J.Nguyễn - họ là ai?
Với tần suất khá cao về bài vở, có thể nói vừa qua thông tin liên quan một vụ án của người Việt Nam xảy ra tại Hoa Kỳ trở thành đề tài hấp dẫn để một số tờ báo trong nước khai thác, thậm chí có trang báo mạng còn cập nhật tin tức theo giờ. Tuy nhiên, có lẽ do “thiếu tin, cần bài” nên các bài đề cập vụ án chủ yếu là xào xáo, sửa sang, thêm bớt của nhau, từ đó đẩy sự việc đến mức rùm beng. Và trong mớ bòng bong thông tin ấy có tên của hai người Mỹ gốc Việt là Đỗ Phủ - luật sư, và J.Nguyễn - Thượng nghị sĩ của nghị viện bang California (Ca-li-pho-ni-a, Hoa Kỳ). Chuyện không có gì cần bàn khi ý kiến của người Việt ở nước ngoài đăng trên báo chí Việt Nam vốn là việc bình thường, nhưng vì Đỗ Phủ, J.Nguyễn là hai nhân vật đã và đang nổi danh vì có nhiều hoạt động chống phá Việt Nam, thì việc giới thiệu họ trên báo chí Việt Nam là điều cần cân nhắc.
Về Đỗ Phủ, ngày 16-4, một tờ báo trong nước lấy từ bài của Đoàn Hưng trên vietbao.com năm 2009 để quảng bá: “Ngoài công việc chính là luật sư vốn rất bận rộn, anh còn tham gia nhiều hoạt động khác. Anh là Phó Chủ tịch đài truyền hình SBTN. Anh là thành viên của một nhóm motorist của người Việt, hay tổ chức các cuộc lữ hành gây quỹ cho thương phế binh Việt Nam”! Chép lại để giới thiệu như thế, chẳng lẽ tòa soạn tờ báo không tìm hiểu Đỗ Phủ là ai, cái gọi “đài truyền hình SBTN” thực chất là gì? Vậy dưới đây điểm qua một số hoạt động “ngoài công việc chính” của Đỗ Phủ được đề cập công khai tại Hoa Kỳ để bạn đọc nhận diện:
- Ngày 15-5-2012, RFA cho biết, tại Hạ viện Hoa Kỳ: “Luật sư Đỗ Phủ của cơ sở truyền thông SBTN ở Hoa Kỳ điều trần về vấn đề chính quyền Hà Nội đàn áp giới truyền thông độc lập trong nước, cả các hoạt động trên các mạng giao tế xã hội như Facebook, Twitter cũng bị cấm đoán… Ông nhắc đến chiến dịch 150 ngàn chữ ký nạp lên tòa Bạch ốc đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Luật sư Đỗ Phủ cũng yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ nói chuyện với Việt Nam để hủy bỏ luật lệ Việt Nam buộc công dân Hoa Kỳ phải làm nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi về nước, hay cả ở ngoại quốc, ví dụ như làm nghĩa vụ quân sự, vì Hà Nội vẫn đương nhiên coi người Việt hải ngoại như vẫn là công dân Việt Nam… Đỗ Phủ cũng cho rằng hành pháp Hoa Kỳ cả hai nhiệm kỳ vừa qua đều không đủ mạnh mẽ khi bảo vệ cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam”!
- Ngày 16-5-2015, tại lễ Phật đản tổ chức tại thành phố Fountain Valley (Phông-ten Va-lây, California) đã có “cuộc diễu hành đoàn xe Jeeps của các anh em cựu quân nhân quân lực Việt Nam cộng hòa, đoàn xe gắn máy gồm hơn 40 xe phân khối lớn với trưởng đoàn là luật sư Đỗ Phủ và các thành viên Hội VHOC trên xe cắm cờ Việt Nam cộng hòa, Hoa Kỳ, Phật giáo kỳ chạy quanh khu vực”! (haingoaidienbao, ngày 24-5-2015).
- Ngày 7-12-2015, tại buổi đón Đại sứ Hoa Kỳ T.Osius (Ô-xi-ớt) ở thành phố Westminster (Oét-xmin-tơ): “Luật sư Đỗ Phủ đã đại điện các đoàn thể và đảng phái để trình bày 7 điểm quan tâm của họ về mối bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ yêu cầu Đại sứ Osius có những chương trình hành động cụ thể để cải thiện vấn đề tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do thành lập công đoàn, tự do tín ngưỡng (đặc biệt là tự do tôn giáo cho đồng bào Thượng), thả các tù nhân chính trị, bảo vệ các nhà dân chủ, bảo vệ quyền lợi của các hãng kinh doanh và truyền thông của Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam”! (vietbao.com, ngày 13-7-2015)!...
Ở Hoa Kỳ, Đỗ Phủ đã có rất nhiều hoạt động chống phá Việt Nam, nổi lên là việc tham gia khởi xướng trò hề “chiến dịch ký thỉnh nguyện thư vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam” - được người Việt ở Hoa Kỳ coi là “Một cuộc lường gạt chính trị vĩ đại”; biến SBTN thành một địa chỉ truyền thông chuyên đưa các luận điệu bịa đặt, vu khống, vu cáo Việt Nam; Đỗ Phủ là “chủ tịch” của cái gọi “Ủy ban vận động chính trị về nhân quyền Việt Nam” (HRVN PACT) - một tổ chức theo Thông báo số 6 của Nguyễn Thanh Tú (người Mỹ gốc Việt, con trai nhà báo Đạm Phong bị sát hại năm 1983) thì “do các nhân vật đầu lĩnh của SBTN thành lập năm 2012. Nó được dùng để ngụy trang sự hợp tác giữa SBTN và Việt tân. HRVN PACT là một tổ chức được những người chủ chốt của SBTN tạo dựng ra thuộc đường dây băng đảng tội phạm mà Việt tân là đầu não. HRVN PACT đã lợi dụng lòng yêu nước của đồng hương để phục vụ cho lợi ích riêng… Đây là bản cũ xào lại của Việt tân, y hệt khi họ dùng chiêu bài mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam trước đây để quyên góp từ những người Việt tị nạn”. Với bản chất chống cộng, Đỗ Phủ liên tục bịa đặt và vu khống Nhà nước Việt Nam, ngay cả khi làm luật sư cho vụ án liên quan người Việt nói trên, Đỗ Phủ cũng tranh thủ nói xấu Việt Nam, như sau phiên luận tội, người này đã trả lời phỏng vấn: “Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ bỏ trốn, vì ông ấy mơ được tới Mỹ, ông ấy không muốn trở lại một quốc gia áp chế như Việt Nam. Ông ấy muốn ở lại Mỹ”! (VOA, ngày 21-4-2016).
So với Đỗ Phủ, J.Nguyễn được giới thiệu ở Việt Nam sớm hơn. Vì sau khi người này đắc cử tại California, một số tờ báo, trang mạng lập tức đưa tin, trong đó có nhan đề dễ gây ngộ nhận J.Nguyễn là nghị sĩ liên bang, trong khi người này là nghị sĩ tiểu bang. Điều cần quan tâm là để đắc cử J.Nguyễn đã làm gì? Dù là thủ đoạn nhằm lấy lòng cử tri hay là bản chất con người của J.Nguyễn, thì ngay từ khi bước vào chính trường, J.Nguyễn đã xác định rất rõ ràng: “Từ ngày chúng tôi bắt đầu làm chính trị, việc làm của chúng tôi đã cho thấy vấn đề tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước là một sự chú trọng đầu tiên. Chúng tôi cương quyết sẽ tiếp tục tranh đấu trong bất cứ vai trò nào trong tương lai” (nguoi-viet.com, ngày 10-12-2014). Một trong những thủ đoạn giúp J.Nguyễn có phiếu của cử tri là lấy lòng họ qua việc chống phá Việt Nam. Và việc J.Nguyễn chớp cơ hội đề xuất ở Thượng viện California dự luật về việc đóng tiền bảo lãnh vẫn không có cơ hội tại ngoại cũng là việc làm của một “chính trị gia” tiểu bang, không liên quan Việt Nam, không đến mức để một số tờ báo, trang tin đề cập như sự kiện quan trọng. Về việc này, một người Mỹ gốc Việt chỉ rõ đó là: “chơi trò kiếm phiếu bằng những chiêu trò mị dân. Mục đích chỉ là để lá cờ vàng sau lưng không hơn không kém” (kbchn.com, ngày 14-4-2016). Nhìn nhận phiến diện, méo mó về tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã đưa J.Nguyễn tới nhiều việc làm can thiệp vô lối vào công việc nội bộ của Việt Nam, mà dưới đây là một số thí dụ cụ thể:
- Ngày 14-4-2015, vì không được treo “cờ vàng” trong phòng, J.Nguyễn đã xuất hiện tại phiên họp của Thượng viện California với khăn choàng có hình hai lá cờ của “thây ma Việt Nam cộng hòa” và Hoa Kỳ, rồi hý hửng: “Họ không cho tôi mang lá cờ vào bên trong, nhưng họ không thể lấy lá cờ trên người tôi”! Tại đây, bà ta phát biểu: “Trong lúc tiếp tục quảng bá cho tự do, dân chủ cho mọi người, chúng ta đừng bao giờ quên tình trạng nhân quyền và tự do tại Việt Nam hiện nay, tiếp tục yêu cầu CSVN phải cải thiện đời sống người dân, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của họ… Quý vị nên nhớ, tháng tư này là tưởng niệm 40 năm ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản”. Sau đó J.Nguyễn cho biết “sẽ tu chính SCR.17 để lá cờ VNCH được hiện diện bên trong Thượng viện trong những dịp tháng tư đen sắp tới”! (nguoi-viet.com, ngày 14-4-2015).
Có thể nói vu cáo, vu khống Việt Nam đã là câu “cửa miệng” của J.Nguyễn, như ngày 14-5-2015, trả lời phỏng vấn của RFA, J.Nguyễn nói xưng xưng: “Chính phủ Việt Nam bây giờ áp dụng đòn đánh người dân, đánh ai cũng được ở ngoài đường. Họ muốn giết người luôn và bắt người vô tù mà người bị bắt không biết tại sao. Họ muốn bắt là cứ bắt… Ở Mỹ chúng tôi và rất nhiều đồng bào tiếp tục tranh đấu và tiếp tục lên tiếng nói mạnh mẽ để cộng sản Việt Nam biết rằng mình không chấp nhận sự đàn áp của họ đối với người dân”!; hoặc tháng 2-2016, J.Nguyễn gửi thư đến Tổng thống B.Obama (B.Ô-ba-ma) yêu cầu ông thảo luận tình trạng đàn áp nhân quyền đang xảy ra tại Ðông - Nam Á, và J.Nguyễn cho rằng: “Chính quyền Việt Nam cho thấy họ không tuân thủ luật lệ quốc tế về nhân quyền. Mặc dù nhiều người lên tiếng cho công lý, vẫn còn nhiều nhà báo, blogger, và nhà hoạt động, phải đối diện với tình trạng khiêu khích và bị bắt mà không đưa ra xét xử một cách công bằng ở Việt Nam”! (baotreonline.com, ngày 20-2-2016)!
Dù không quy kết động cơ chính trị về đăng tải tin bài, chỉ với các trích dẫn trên cũng đã đủ để đặt câu hỏi: Có nên giới thiệu và để cho Đỗ Phủ, J.Nguyễn xuất hiện trên báo chí trong nước?

“Hiện tượng lạ” cần cảnh báo, ngăn chặn
Đúng lúc sự việc nói trên đang “nóng” trên một số tờ báo, trang mạng thì sự kiện một tác giả người Mỹ gốc Việt nhận giải Pulitzer năm 2016 tiếp tục trở thành đề tài được quan tâm. Liên quan cuốn sách này, theo facebook của dịch giả Phạm Viêm Phương thì: “tháng 5-2015, Ban Tu thư ĐHHS được yêu cầu thẩm định tác phẩm này (lúc đó vừa xuất bản và có tiếng vang trên báo chí Mỹ),… bản thẩm định khiến Ban Tu thư quyết định không mua bản quyền cuốn để dịch” (ĐHHS - Đại học Hoa Sen?). Và ngày 21-4, trả lời phỏng vấn VOA, tác giả cuốn sách cho biết: “đã có hợp đồng với một nhà xuất bản ở Việt Nam và họ đang trong quá trình dịch cuốn tiểu thuyết… Cuốn tiểu thuyết có những điều gây bực mình đối với mọi người - người Mỹ, người Nam Việt Nam, những người cộng sản, đảng cộng sản, những người Việt Nam đã chiến thắng. Nếu những đoạn tiềm tàng gây khó chịu cho chính phủ, đảng cộng sản mà bị kiểm duyệt sẽ làm cho cuốn tiểu thuyết trở nên vô dụng. Vì vậy, có điều khoản trong hợp đồng nói rằng nếu bản dịch bị kiểm duyệt, tôi sẽ nhận lại bản dịch”. Nếu đúng vậy, để có thể in và phát hành liệu rồi đây ai đó có sử dụng thủ pháp nhập nhèm như đổi tên sách “Trại súc vật” thành “Chuyện ở nông trại”, “Nền dân chủ Mỹ” thành “Nền dân trị Mỹ”,… hoặc cố tình vi phạm pháp luật bằng cách phát hành trước khi hết thời hạn nộp lưu chiểu, để cơ quan chức năng chấn chỉnh, đình chỉ phát hành, thì làm ầm lên là sách bị cấm?
Phải nói rằng gần đây, việc đưa tin, bình luận một số sự kiện, giới thiệu, trao giải thưởng,… cho một số cá nhân vốn thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam, đã xuất hiện một cách bất thường trên báo chí, hoặc do một vài tổ chức nhân danh khoa học thực hiện. Như đã có trang mạng ca ngợi J. Steinbeck (J.Sten-bếc) - giải Nobel văn học, trong khi đây là người từng rủa xả cách mạng Việt Nam, ca ngợi lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Trước đó, năm 2010, Trịnh Hội được trao giải “diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Giải Cánh diều, cho dù người này đã bị trục xuất, cấm nhập cảnh. Sau khi Trịnh Hội nhận giải, một blogger nổi tiếng đã viết: “Trịnh Hội khá được trọng vọng săn đón ở trong nước. Rất nhanh sau đó, Trịnh Hội bị phát giác tham gia đảng Việt tân, một tổ chức bị liệt vào hàng khủng bố do từng dùng vũ trang xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Tất cả các nhân vật liên quan đến đảng này đều automatic miễn vô. Không những thế, Trịnh Hội còn chủ xướng thành lập VOICE, quy tụ giới văn nghệ sĩ trí thức, có lẽ để phản biện cái gì đó. Sau khi bị cấm nhập Việt Nam, Trịnh Hội qua Cam-pu-chia tiếp tục gây dựng phong trào”. Năm 2015, S.Alexievich (S.A-lếch-xi-ê-vích) nhận giải Nobel văn học và lập tức báo chí tràn ngập thông tin, thậm chí tại Hà Nội, Đà Nẵng còn tổ chức để một nhà văn nói chuyện về S. Alexievich. So sánh sự xăng xái có phần thái quá với ý kiến vạch rõ xu hướng chống cộng của tác giả này (như ngày 31-10-2015 trang nguoi-viet.com nhận xét: “riêng với bà Alexievich, giải Nobel văn chương cho thấy rõ tính cách chính trị. Bà là người chống chế độ độc tài cộng sản”) và trong diễn từ tại lễ trao giải, S. Alexievich không cần giấu giếm quan điểm “chống cộng” của bà, thì có nên nghi ngờ mục đích của nhà văn nọ? Cũng cần lưu ý, ngay sau khi giải Nobel năm 2015 được trao, vì phẫn nộ mà nữ nhà văn Thụy Sĩ H. Richard-Favre (H. Ri-xác-Fa-rơ) gửi thư ngỏ đến S. Alexievich, trong thư có đoạn: “Tất cả chúng ta phải lựa chọn đề tài để viết. Bà đã có sự lựa chọn của mình, và có được một lượng độc giả ngưỡng mộ vì lựa chọn đó. Nhưng bà - người đã lấy nền tảng các sáng tác của mình là đấu tranh với sự dối trá, thì sao lại có thể tuyên bố là 86 % người Nga vui mừng vì cái chết của những người dân ở Donbass? Thưa bà, khi tuyên bố như vậy, bà đã không đơn giản là dối trá, bà không đơn giản là sai lầm, mà bà đang tỏ ra khinh miệt thực tế”!
Trường hợp khác không thể không nhắc đến là việc một số tờ báo trong nước ca ngợi A. Solzhenitsyn (A. Sôn-den-nít-sin) - Nobel văn học năm 1970, là: “một trong những nhà văn lớn, nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền văn học Nga trên nhiều phương diện, một người suốt đời tận tụy và kiên trì đấu tranh cho sự chiến thắng của nghệ thuật, của sự thật đối với cái xấu, cái ác”, “ông còn là một nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc, hoạt động xã hội tích cực”… Tuy nhiên, có lẽ người viết và tòa soạn đã bỏ qua các uẩn khúc đằng sau nhân vật này? Sang phương Tây cư trú, dù chỉ nhận nhuận bút ít ỏi từ số sách bán được, nhưng Solzhenitsyn lại có một đời sống vật chất trên cả sang trọng, dù ngoài viết văn ra, ông không làm thêm việc gì khác? Với Solzhenitsyn, không thể không nhắc tới sự kiện tháng 5-1974, ông ta đã tuyên bố: “Tôi sẽ đến Hoa Kỳ, sẽ nói chuyện tại Thượng viện, tôi sẽ nói chuyện với Tổng thống, tôi muốn tiêu diệt Fulbright và các thượng nghị sĩ khác có ý định tìm đường đi tới thỏa hiệp với những người cộng sản. Tôi cần phải làm sao để người Mỹ gia tăng áp lực tại Việt Nam” (inance.ru, ngày 11-10-2015). Và ngay sau ngày 30-4-1975, ông ta dự báo bừa bãi: “Nhìn thảm họa đáng sợ ở Việt Nam từ xa, tôi có thể nói với các ngài rằng, 1 triệu người sẽ bị tiêu diệt, và khoảng 4-5 triệu người sẽ bị đi đày trong các trại tập trung”! Rõ ràng không thể vì “hào quang” của giải Nobel mà bỏ qua một số phát ngôn rất đáng phê phán của Solzhenitsyn về Việt Nam, để từ đó ca ngợi, đánh giá thiếu khách quan khiến độc giả nhầm lẫn. Tới gần đây, một quỹ văn hóa tại Việt Nam lại trao giải cho sử gia người Mỹ K.Taylor (K.Tay-lo) với lời cảm ơn “vì tình yêu chân chính, nỗ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam”! Trong khi trên thực tế, các kết quả nghiên cứu của K.Taylor là chia cắt Việt Nam một cách siêu hình thành các vùng miền rồi kết luận các vùng miền này thường xuyên mâu thuẫn, xung đột; biến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của người Việt thành nội chiến, phủ nhận các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, giải phóng dân tộc ở Việt Nam; cho rằng Việt Nam không có lịch sử, văn hóa thống nhất, và liên tục. Tương tự, là giải thưởng nghiên cứu mà quỹ văn hóa nói trên trao cho “những công trình nghiên cứu độc đáo trong một số lĩnh vực lịch sử và văn hóa Việt Nam” của tác giả nọ, mà đọc các công trình đó thì thấy đúng là rất “độc đáo”, đại loại: Ngô Đình Diệm là “Việt gian không bán nước, mà chống Cộng!”, “Trớ trêu là chính thực dân Pháp đã canh tân Việt Nam với quy mô và tốc độ gấp 5, gấp 10 mơ ước của cụ Nguyễn Trường Tộ”, “ta giành được chính quyền là nhờ nắm được thời cơ (Nhật diệt Pháp, rồi đầu hàng phe Đồng Minh) chứ không phải ta đã gây dựng được bạo lực đủ đè bẹp Pháp và Nhật”…!
Từ ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mở cửa hợp tác với các nước trên thế giới. Tổ quốc đã đón nhiều người Việt từ nước ngoài về thăm quê hương, làm ăn và sinh sống. Đó là cơ sở để tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, Thuận, Nguyễn Đức Tùng,… xuất bản trong nước; là cơ sở để một số nghệ sĩ từ hải ngoại như Tuấn Ngọc, Tuấn Anh, Vũ Khanh, Thu Phương, Quang Lê, Bằng Kiều, Chế Linh,... về nước biểu diễn; các đạo diễn Hồ Quang Minh, Victor Vũ, Charlie Nguyễn,… về Việt Nam làm phim. Sau khi đã chứng kiến, tiếp xúc những điều tốt đẹp trên quê hương, có người từng thù địch với Việt Nam đã nói chân thành: “Một số người Việt ở Mỹ cho rằng còn lâu Việt Nam mới dân chủ như ở Mỹ, nhưng theo ý tôi, họ đã sai lầm vì điều đó không phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam” (Nguyễn Cao Kỳ), “Tôi nghĩ đã đến lúc thôi đối đầu mà cùng nhau đối thoại. Yêu nước là phải cùng nhau làm giàu cho đất nước” (Nguyễn Ngọc Lập)… Về khoa học xã hội và nhân văn, các quan hệ, giao lưu, trao đổi, học hỏi… cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều. Đó là tiền đề quan trọng để chúng ta đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, tiếp thu tri thức từ nhân loại, nâng cao năng lực khám phá, sáng tạo của người làm khoa học,… Tuy vậy, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là khi đưa tin về sự vụ của người Việt ở nước ngoài lại giới thiệu và để mấy người không từ thủ đoạn nào chống phá Việt Nam được phát ngôn trên báo chí Việt Nam; hợp tác quốc tế không phải để “tôn vinh”, “cảm ơn” mấy nhà nghiên cứu đã xuyên tạc, bóp méo lịch sử Việt Nam; tiếp thu thành tựu văn hóa, văn học nhân loại không phải để ca ngợi, quảng bá mấy nhân vật có “thành tích chống cộng” được phương Tây o bế và trao giải thưởng; càng không phải để xuất bản mấy cuốn sách chứa đựng các nội dung ngược lại với bản chất xã hội, với tiến trình phát triển đất nước…
Những năm qua, báo chí và xuất bản ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, khoa học xã hội và nhân văn cũng đã đạt một số thành tựu mới. Đáng tiếc phải nói là gần đây, loại “hiện tượng lạ” như bài viết này đề cập lại xuất hiện ngày càng nhiều, và đó là điều rất không bình thường. Có thể giải thích “hiện tượng lạ” này từ các lý do khác nhau: Vì áp lực trong cạnh tranh thông tin, để thu hút người đọc và cả thói chụp giật, vô trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận,… nên một số tờ báo, trang mạng và nhà xuất bản đã không kiểm chứng, hoặc dễ dãi không kiểm chứng thông tin trước khi công bố trên báo chí, không cẩn trọng xem xét, khảo sát kỹ về tác giả, tác phẩm trước khi xuất bản? Vì một số người lợi dụng sự dễ dãi, hiểu biết còn hạn chế của một số tờ báo, trang mạng, lợi dụng khoa học để truyền bá, quảng bá loại thông tin, tác giả, tác phẩm có quan điểm phiến diện, thù nghịch?... Dù vô tình, cố ý, hay do thiếu thông tin thì vẫn phải cảnh báo, ngăn chặn. Bởi, nếu không cảnh báo, ngăn chặn, “hiện tượng lạ” này có thể làm công chúng nhiễu loạn nhận thức, không phân biệt đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu, đâu là nghiên cứu khoa học đích thực, đâu là nghiên cứu chỉ nhằm xúc phạm, hạ thấp uy tín của dân tộc Việt Nam…

Nguồn: Nhân Dân