Không biết do ai gợi ý, quần chúng và những người lính phía cách mạng chúng tôi hễ cứ thấy máy ảnh, ống kính quay phim chĩa vào mặt là mở miệng nở một nụ cười.. lạc quan. Còn phóng viên ảnh, phóng viên quay phim trước khi bấm máy đều kêu lên hoan hỉ: "Cười nhé! Cười lên nào..1,2,3...". Thành thử tôi rất thích những tấm ảnh của tác giả Nguyễn Đạt đăng kèm dưới đây. Vào sáng và trưa ngày 30/4/1975 tay máy nghiệp dư này chạy ra đường, liên tiếp bấm những cú máy vô tư, thích gì thì chụp, không theo sự sai khiến của bất cứ một ai. Hóa ra những bức ảnh của anh đúng nghĩa là 'chân thực", sẽ có sức sống lâu bền với thời gian.

 
NHỮNG BỨC ẢNH KHÔNG THỂ NÀO QUÊN THEO NĂM THÁNG

TÔ HOÀNG

Ví như, trên chiếc mũ của một người lính giải phóng có dòng khẩu hiệu ghi rõ: "Phất cao cờ quyết thắng, đánh mạnh, đánh nhanh, đánh chắc. Táo bạo thọc sâu vào sào huyệt địch sớm nhất, lập công cao nhất chào mừng 3 ngày kỷ niệm lớn 1/5,7/5 và 19/5.". Tôi đã mấy lần định gặp và hỏi tác giả Nguyễn Đạt, anh nhìn thấy chiếc mũ kia úp bên chiếc ba lô của một người lính đang ngồi nghỉ; hay anh nhặt được chiếc mũ ấy lăn lóc trên đường phố khi chủ nhân của nó đã ngã xuống vì một loạt đạn bất ngờ găm vào lưng, đúng trưa ngày 30/4?
                                          

Ví như, những người lính giải phóng bước đi trên đường phố Sài gòn nom tã tời, lôi thôi, mệt mỏi và ..ngơ ngác làm sao ! Đúng là như vậy. Vừa ở rừng ra, vừa thoát khỏi bàn tay tử thần bập ngay vào thế giới hàng hóa, biển hiệu quảng cáo... của Sài gòn, làm sao có thể khác được?
                                              

Còn điếu thuốc lá đầu tiên, anh lính quê Bắc được hút vào giây phút "xả hơi" đầu tiên là thuốc lá gì? Những đôi mắt kia như muốn nói chỉ một điều: "Thoát rồi! Sống rồi! Sắp được về quê với cha mẹ, với anh chị em hoặc với mẹ đĩ để làm một cú " trút lửa căm thù " đây! ". Tuyệt nhiên những cặp mắt ấy không ánh lên một vẻ thắc thỏm, một nỗi hoài nghi, một điều âu lo rằng, kết thúc cuộc chiến tranh này, các anh sẽ còn phải bước tiếp vào một cuộc chiến khác, kéo dài tới tận 41 năm mà chưa ló rạng ngày kết thúc. Một cuộc chiến của mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết; quyền lực và đồng tiền liên minh với nhau để chà đạp lên lương tâm, nhân phẩm, lẽ phải, các nền móng văn hóa, tinh thần kết tụ từ ngàn năm trước...
                                         

Đâu đó vào mùa hè năm 1967, khi không lực Mỹ oanh kích miền Bắc, Tổng thống Mỹ lúc đó là Giôn xơn đã tuyên bố "sẽ đưa Việt nam trở về thời kỳ đồ đá".
                                       

Với cuộc chiến kéo dài 41 năm hiện nay mà chưa thấy dấu hiện vãn hồi, bỗng có cảm giác lão già Giôn xơn đã tiên liệu được tương lai của xứ sở này... Chả lẽ thật thế à?