Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” đang tạo ra làn sóng mộ điệu dữ dội tại Việt Nam. Vì sao sản phẩm của Hàn Quốc này có sức khuynh đảo đời sống tinh thần nhiều nước châu Á như vậy? Tác động của “Hậu duệ mặt trời” tích cực hay tiêu cực?   “Hậu duệ mặt trời” mang cả ekip sang Hy Lạp quay phim, để thực hiện hoàn hảo nhất từng phân cảnh. 13 tỷ won là con số mà nhà sản xuất công bố đã chi cho “Hậu duệ mặt trời”. Không chỉ đầu tư số tiền rất lớn để dàn dựng, "Hậu duệ của mặt trời" còn rất tỉ mỉ trong khâu hậu kỳ, đặc biệt là việc xử lý hiệu ứng nghệ thuật. Cùng với cơn sốt từ màn ảnh, nhạc phim “Hậu duệ mặt trời” cũng tạo nên một cơn bão càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc tại Hàn Quốc. Từ "Always" của nữ rapper Yoon Mi Rae, "Everytime" của Chen và Punch, "This Love" của bộ đôi đình đám Davichi cho tới "You Are My Everything" của Gummy, những ca khúc này đều ngay lập tức gạt đổ các hit khác để leo lên vị trí dẫn đầu.  Hai góc nhìn dưới đây, của một nhà thơ và của một nhạc sĩ, ít nhiều gợi ý suy tư cho bạn đọc!


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tác phẩm khiến chúng ta phải suy nghĩ thêm nhiều điều
Bộ phim “Hậu duệ mặt trời”của điện ảnh Hàn Quốc đã tạo ra một “cơn sốt” không những ở Việt Nam mà con ở một số nước trên thế giới. Thủ tướng Thái Lan còn mong muốn gặp diễn viên chính của bộ phim này, điều đó chứng tỏ độ phủ sóng vô cùng lớn của bộ phim truyền hình này. Trung Quốc thì tỏ ra quan ngại trước làn sóng hâm mộ của các bà vợ và các thiếu nữ dành cho nhân vật nam chính trong phim. Nhìn chung, bộ phim đã gây được tiếng vang và sự chú ý rất lớn từ công chúng quốc tế. 
Tại Việt Nam, “Hậu duệ mặt trời” đã được mua bản quyền phát sóng. Sẽ chẳng có gì đáng lên án nếu như bộ phim đó không vinh danh quân đội của Hàn Quốc. Những cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội giữa một bộ phận khán giả phản đối chiếu bộ phim này vì bộ phim nói đến quân đội Hàn Quốc. Họ cho rằng chiếu bộ phim này là có tội với nhân dân vì quân đội Hàn Quốc đã có tội với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mỹ trước kia. Còn một bộ phận coi bộ phim này chỉ là một tác phẩm điện ảnh không có độc hại gì với khán giả Việt Nam.
Tôi muốn nói đến tội ác mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra với người dân Việt Nam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ. Ngày đó, chúng ta gọi đội quân đánh thuê cho người Mỹ là “lính Pắc Chung Hy”. Khi nhắc đến lính Pắc Chung Hy là người Việt Nam nghĩ tới sự man rợ không chờn tay của đội quân đánh thuê này. Trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là sau chiến tranh, không ít những câu chuyện rùng rợn về sự độc ác của lính Pắc Chung Hy ở Việt Nam được nói đến. Sự thật lịch sử ấy chúng ta không thể quên. Nhưng liệu chúng ta sẽ ra sao khi lòng vẫn chất chứa thù hận và không thể đi qua được quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn?
Đông đảo người xem cho rằng: Bộ phim này không nhằm kích động một cuộc chiến tranh của quốc gia này với quốc gia khác, không nhằm quảng bá những vũ khí giết người và không bóp méo sự thật trong quan hệ giữa quốc gia này với các quốc gia khác đặc biệt là quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Vì vậy việc chiếu bộ phim này ở Việt Nam là hợp lý và không gây ảnh hưởng gì xấu. 
Về việc quân đội Hàn Quốc tham chiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thực sự đó chỉ là một phương tiện hay là một đội quân bù nhìn, đội quân đánh thuê của chính quyền Mỹ. Người Hàn Quốc cũng đã từng nói đến sự có mặt của quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam là sự hổ thẹn và ô nhục của họ. Chính phủ Mỹ mới là người chủ mưu và phát động cuộc chiến tranh tàn khốc đối với đất nước ta. 
Cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm. Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng ngày càng đi tới một quan hệ song phương và đa diện hơn. Người đứng đầu nước Mỹ, người đứng đầu quân đội Mỹ đã đến thăm Việt Nam. Chính phủ và người dân Việt Nam đã đón chào người Mỹ với danh nghĩa đón chào một người bạn chứ đâu phải đón chào một kẻ thù. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến Mỹ. Đối với người Mỹ chúng ta đã đối xử như vậy thì với những người Hàn Quốc tại sao chúng ta lại không đối xử như một người bạn. Chúng ta không quên quá khứ nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải nghĩ tới tương lai.
Tôi có một người bạn thân. Con trai anh ấy đã yêu và muốn đi tới hôn nhân với con gái của một kẻ đã làm anh đau đớn trong quá khứ. Sau bao ngày đêm giày vò, bạn tôi đã đứng ra tổ chức lễ cưới cho con. Và hạnh phúc thực sự của con trai anh và cô gái ấy sau này đã trút đi hòn đá nặng của sự đau đớn và thù hận trong lòng anh bấy lâu. Anh đã sống vì tương lai của các con anh.
Câu chuyện riêng tư của bạn tôi cũng giống như câu chuyện giữa hai quốc gia với nhau. Trên thế giới, có bao dân tộc đã từng là kẻ thù của nhau trong quá khứ rồi trở thành những người bạn tin cậy. Điều mà chúng ta đáng bàn là những kẻ luôn nói là bạn ta nhưng lại tiến hành những hành động thô bạo và mưu mô chống lại đất nước chúng ta kìa!
Nếu chúng ta cho rằng: Không thể tha thứ cho những quốc gia đã xâm lược chúng ta như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Mông Cổ là đúng thì chúng ta có thấy hạnh phúc không? Chúng ta có lớn mạnh lên không? Chúng ta có tự hào về sự thù hận dai dẳng của chính chúng ta không? Nếu như thế thì chúng ta chỉ đúng với lòng thù hận của chúng ta còn chúng ta lại mắc tội với con cháu chúng ta trong tương lai.  
Tôi đang mạo muội nói về một vấn đề to lớn của đất nước, nhưng thực ra cuối cùng chỉ để nói đến một điều nhỏ bé trong đời sống riêng tư của mỗi cá nhân chúng ta mà thôi, đó là: Chúng ta sẽ sống như thế nào khi lòng mãi mãi ôm hận thù với một người nào đó trong ngôi nhà của ta, trong làng xóm hay khu phố của ta hoặc trong công sở của ta? Sự hận thù mãi làm ta đau khổ, ôm hận, gặm nhấm những thứ đau thương đã qua chỉ làm ta hèn yếu, ích kỷ và sẽ trở thành kẻ độc ác.

                                     

 
Nhạc sĩ Hà Quang Minh: Sự thật buồn giữa hai luồng ý kiến tranh luận
Người ta nói gì khi nói về mặt trời? Đó tưởng như là một câu hỏi “ngớ ngẩn” kiểu “treo ngược tâm hồn trên cành cây” nhưng hoá ra nó lại là câu hỏi thời thượng lúc này.“Hậu duệ mặt trời” đang là từ khoá “hot” nhất, được nhiều người quan tâm nhất kể cả khi họ chưa từng xem bộ phim ấy bao giờ. Nhắc đến “Hậu duệ mặt trời” mới là thời thượng, thời thượng như có lúc người ta đã từng nhắc đến Hà Hồ, “Hoa vàng cỏ xanh”...
Có người nói rằng tôn vinh bộ quân phục Hàn Quốc trong Hậu duệ mặt trời như thần tượng chính là sự phỉ báng lại quá khứ, phỉ báng lại lịch sử, phỉ báng vào nỗi đau đồng bào mình đã phải nhận từ lính đánh thuê Nam Hàn ở một thời kỳ bi thương của dân tộc. Có người nói rằng giải trí chỉ là giải trí, nâng tầm làm cái gì cho mệt mỏi, đâu phải cứ thích “Hậu duệ mặt trời” là quên hết lịch sử đâu mà lo lắng quá.
Hai luồng quan điểm, như hai chiếc xe đua tốc độ cao, ngược chiều nhau, lao vào nhau rầm rầm, đến rã nát. Vậy thì họ tranh cãi vì cái gì? Phải chăng vì họ quá yêu dân tộc này, quá quan tâm đến vận mệnh dân tộc này, quá đau đáu với tương lai của dân tộc này? Được như thế thì phúc cho đất nước này quá. Bao nhiêu trong số ngần ấy con người thực sự vì mục đích cao cả ấy? Bao nhiêu trong số ngần ấy con người va vào nhau như hai cỗ xe ngược chiều chẳng qua cũng chỉ vì chữ “Tranh” ở trong từ “Tranh Luận”? Tức là họ quyết đấu để giành lấy cái đúng về phần mình, giành lấy quyền mình là chân lý độc tôn duy nhất y như hàng ngàn cuộc tranh cãi xoay quanh Hồ Ngọc Hà, vaccine 5 trong 1… Tất cả những người tham gia vào tranh luận kiểu ấy, về Hậu duệ mặt trời, đều nghĩ theo kiểu “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, kiểu chỉ có mình là nhất, là chân lý, là một, là cái đúng tối thượng. Những tôn giáo lớn nhất của loài người đều chung một điểm ở cái “duy ngã độc tôn” ấy.
Đức Tất Đạt Đa Cồ Đàm tuyên ngôn cái câu “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” kia cũng chẳng khác gì Chúa trong các tôn giáo khởi từ Abraham đều khẳng định mình là duy nhất. Đó là cái thời chuyển giao từ con người cái gì cũng sợ đến mức cái gì cũng thờ (đa thần giáo) sang giai đoạn bớt mông muội hơn, bắt đầu chỉ thờ một thần độc tôn. Nhưng nên nhớ, ở thời chuyển giao đó, xã hội loài người vẫn còn mông muội lắm. Và phải chăng, nó đã để lại một vết hằn trong ký ức nguyên thủy của con người, đến mức sinh ra, lớn lên, họ tôn thờ cái chủ nghĩa độc tôn đến mức chỉ có mình mới là số một, là đúng nhất, là duy nhất, cái sự duy nhất còn tồn dư lại từ những ngày hồng hoang mông muội.
Coi mình là độc nhất, chính là tư duy mông muội nhất. Bản chất đời sống là đa dạng. Đời sống đẹp vì sự đa dạng. Chấp nhận đa dạng mới là văn minh chứ không phải mặc nhiên cấp cho mình cái quyền “số 1” và tước đoạt đi những đa dạng khác biệt khác mới là cấp tiến. Và trong cơn tranh cãi say máu ăn thua về quan điểm liên quan đến Hậu duệ mặt trời, tuyệt nhiên chẳng ai nhắc đến điều “xưa như trái đất” và đã được ra rả nói suốt bao nhiêu năm ròng. Ấy là cái quyền “duy ngã độc tôn” của các kênh truyền hình. Họ mặc nhiên muốn chiếu nội dung gì thì chiếu, bất chấp hệ quả của nó là gì.
Văn hóa nội tại của người Việt đã bị ăn mòn bởi chính những gì họ nhập khẩu về chiếu như Hậu duệ mặt trời, hay Cô dâu 8 tuổi… để đến mức cứ mở truyền hình lên là gặp ngay các series phim truyền hình nước ngoài. Báo chí phản ảnh nhiều rồi. Các nhà văn hóa cảnh báo nhiều rồi. Nhưng các kênh truyền hình thì vẫn mặc kệ. Duy ngã độc tôn mà. Sóng truyền hình như con đường riêng của họ, họ thích chạy xe cách nào là việc của họ. Thích thì xem, không thích thì đừng ý kiến làm gì cho mệt.
Và cái chủ nghĩa duy ngã độc tôn kia cũng chẳng phải chỉ tồn tại trong tranh luận, trong cách làm việc của ngành truyền hình nói riêng. Nó rộng khắp, như một căn bệnh lây rất nhanh của xã hội này. Điện lực thích cắt điện lúc nào thì cắt. Gửi giấy báo tiền điện lần thứ 2 mới được 2 ngày, chưa thấy đóng tiền: Cắt. Vaccine 5 trong 1, báo tin mở cổng đăng ký online lúc 9g sáng, 2500 liều. Vậy mà chỉ mới 9g01 thôi, cổng đăng ký online đã báo “hết thuốc”. Duy ngã độc tôn là ở đấy chứ còn ở đâu nữa? Chẳng quan tâm đến con người ta sống chết thế nào, tôi có quyền mà, thích thì tôi mở, không thích thì tôi đóng, bao giờ có, tôi thông báo bất ngờ…
Và còn biết bao nhiêu dạng duy ngã độc tôn quái gở vẫn còn tồn tại trong xã hội này như một điều bình thường đến mức người ta cứ nhẫn nại mà chấp nhận, nhẫn nại mà chịu đựng, nhẫn nại y như cái cách mà nhân vật Ellis nói với nhân vật Andy trong phim The Shawshank Redemption về bức tường nhà tù vậy. “Đầu tiên người ta sợ nó. Riết rồi người ta quen với nó. Và cuối cùng, người ta phụ thuộc vào nó”. Chúng ta đang ở trạng thái nào? Quen, hay phụ thuộc? Chẳng hiểu nổi. Nhưng rõ ràng, nhìn lại ngay chính mình thôi, mình cũng thấy mình là một thứ “Dị dạng dưới mặt trời”…