Có thể nói thế giới văn chương của Trần Thùy Mai là thế giới của những giấc mơ yêu. Dẫu có là đắng đót và xa xót thì vẫn đẹp, vẫn chở đầy khát khao, vẫn hướng thiện. Những giấc mơ yêu bảng lảng sắc kinh kỳ. Trần Thùy Mai từng thổ lộ: “Tình yêu là đôi cánh giúp con người vượt qua biên giới của chính mình. Dẫu có thấm vị xót xa đi chăng nữa. Bởi thực tế có những giấc mộng không thể đứng vững trước cuộc đời. Nhưng không phải vì thế mà người ta thôi ước mơ, không phải vì thế mà những giấc mơ không đẹp”. Nếu đã đọc những “Bài thơ về biển khơi” (1983), “Thị trấn hoa quỳ vàng” (1994), “Trò chơi cấm” (1998), “Đêm tái sinh” (2003), “Thập tự hoa” (2003), “Biển đời người” (2003), “Thương nhớ hoàng lan” (2003), “Trăng nơi đáy giếng” (2010)… chắc hẳn sẽ không khó để đồng cảm với suy nghĩ trên của chính tác giả.


Nhà văn Trần Thùy Mai:
Những giấc mơ yêu bảng lảng sắc kinh kỳ

VĂN THÀNH LÊ

1.
Nếu tính từ bờ Nam sông Bến Hải trở vào, con sông phân chia ranh giới Bắc - Nam theo Hiệp định Genève, thì Trần Thùy Mai cùng với thế hệ của mình như Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc là những nhà văn nữ cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Cả mênh mông khoảng trời hậu chiến mở ra, mời gọi các cây bút bước vào, tự khai phá dò đường mở lối đi cho trang văn đẫm đầy sức trẻ của mình.
Người Huế, nhưng Trần Thùy Mai lại được sinh ra ở Hội An, vào đúng năm có hiệp định chọn vĩ tuyến 17 ngăn đôi đất nước, 1954, khi mẹ chị làm hộ sinh tại đây. So với bạn bè cùng trang lứa, Trần Thùy Mai phát lộ năng khiếu văn chương khá sớm, từ thời “em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ” với e lệ áo dài nón lá trường Đồng Khánh.
Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, nhà văn tương lai đậu thủ khoa văn Đại học Sư phạm Huế, 1972. Tốt nghiệp đại học, chị được giữ lại làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Nhưng hành trình văn chương của Trần Thùy Mai chỉ thực sự được xác quyết rõ ràng, dấn bước mạnh mẽ và quả cảm hơn, sau mười năm vừa đứng trên bục giảng vừa sưu tầm - biên soạn - khảo cứu ca dao, dân ca Bình Trị Thiên và Quảng Đà. Đấy là năm 1987, chị chuyển công tác về Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Thời điểm ấy gia tài chữ nghĩa của Trần Thùy Mai mới chỉ vỏn vẹn có tập truyện đầu tay “Cỏ hát”, in chung cùng Lý Lan và “Bài thơ về biển khơi”, tập truyện riêng đầu tiên.
Quyết định từ giã bục giảng, thời ấy được xem là thánh đường, nơi sôi động và tràn đầy năng lượng với các thế hệ sinh viên để về cơ quan xuất bản hoạt động thầm lặng hơn, thu mình hơn, quả là táo bạo. Nhất là với một phụ nữ Huế, thường dễ bằng lòng, thậm chí mang đậm màu sắc nhẫn nhịn, có phần cam chịu trong cuộc sống. Phải chăng, cá tính văn chương của Trần Thùy Mai phần nào đã được thể hiện ở chính quyết định xê dịch này?

2.
Huế. Sáng đầu xuân cách đây 8 năm. Tôi, cậu sinh viên năm thứ tư, đạp xe ngược dốc Điện Biên Phủ, qua chùa Từ Đàm, sang đường Phan Bội Châu theo hướng đàn Nam Giao. Trên ấy, trong một kiệt nhỏ (ngoài Bắc gọi là ngõ, trong Nam gọi là hẻm) có khu nhà tập thể của Trường Đại học Sư phạm Huế đã hóa giá từ lâu. Trong hàng loạt căn nhà hóa giá và được xây mới lại, có căn nhà be bé xinh xinh của nhà văn Trần Thùy Mai.
Nhìn lại số nhà, thêm giàn hoa giấy niềm nở khoe sắc đỏ khẳng định đặc điểm nhận dạng duy nhất đúng như lời chị chỉ dẫn, tôi rụt rè bước vào cổng trước mốc thời gian cuộc hẹn khoảng năm phút. Cũng là lúc chị kết thúc cuộc gặp gỡ, trao đổi với một bạn khoa Ngữ văn đang làm khóa luận tốt nghiệp về tác phẩm Trần Thùy Mai.
Căn nhà be bé, giản dị mà ấm cúng. Nơi đây, người chồng đồng môn rồi đồng khoa đã tạm biệt ba mẹ con lên đường đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ. Hành trình tưởng ngắn mà thành dài, thăm thẳm chẳng thấy ngày về. Hạnh phúc từ đây mà vết thương cũng từ đây. Và chỉ văn chương với phác - đồ - điều - trị - con - chữ mới giúp Trần Thùy Mai đi qua tháng ngày giông bão ấy. Đúng như chị từng tâm sự: “Hạnh phúc của người phụ nữ viết văn giống như niềm vui của cái cây được mọc lên trong đất và khí trời để sống. Niềm hạnh phúc ấy giúp tôi sống và vượt qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời”.
Trong cuộc trò chuyện, Trần Thùy Mai cho người đối diện cảm giác chị luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ, gần gũi, nhẹ nhàng, dung dị. Cung cách ấy, con người ấy, dường như ướp đẫm chất Huế. Có lẽ ai đấy hùng hùng hổ hổ hay đao to búa lớn ở đâu khi ngồi lại với chị cũng trở nên đằm lại. Rất tự nhiên. Chẳng chút gì của diễn xuất hay gò bó. Thi thoảng chú chó nhỏ và chú mèo lại vờn nhau, chú mèo nhảy lên lòng chị, cuộn tròn chờ bàn tay vuốt ve lim dim ngủ.
Tôi hiểu tại sao chị lại gắn bó mãi với không gian này. Phải là ở đây, nhẹ nhàng và thư thái như vậy, mới có thể cho ra đời được những tác phẩm đã làm nên văn hiệu Trần Thùy Mai, như “Quỷ trong trăng”, “Thương nhớ hoàng lan”, “Gió thiên đường”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Mưa đời sau”, “Trăng hoàng cung” v.v…

3.
Văn chương xứ Huế, trước Trần Thùy Mai có nhiều cây đa cây đề, không ít gương mặt tài hoa, như Nguyễn Khoa Điềm, vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Phục, Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ và sau này là Nguyễn Khắc Thạch, Văn Cầm Hải (hiện đang ở Mỹ), Nguyễn Xuân Hoàng (đã mất) v.v…
Cảm thức Huế được phóng chiếu vào tác phẩm của hầu hết những tên tuổi nơi đây. Chẳng hiểu sao tôi cứ mung lung thấy trong đội hình hùng hậu và lắm vẻ nhiều sắc vô cùng đẹp ấy, thì Huế nhiều nhất, Huế từ sắc thái câu văn cho đến không gian, tinh thần nhân vật, Huế xuyên suốt cả gia tài tác phẩm, là ở các trang viết của Trần Thùy Mai. Không biết có phải do mảnh đất - con người Huế gần với tính nữ nhiều hơn, người phụ nữ làm nên gương mặt Huế rõ nét hơn người đàn ông, mà Trần Thùy Mai lại là nữ, nên văn chương nhẹ nhàng như… hơi thở.
Kể cả khi Trần Thùy Mai làm mới trang văn của mình để độc giả đỡ chán với đất trời xứ Huế, hoặc không định danh không gian hoặc không gian vươn ra ngoài biên giới, như truyện trong các tập “Mưa ở Trasbourg”, “Một mình ở Tokyo”, “Onkel yêu dấu”, thì người đọc vẫn dễ dàng nhận ra chất Huế thanh dịu ẩn sau lớp ngôn từ.
Có thể nói thế giới văn chương của Trần Thùy Mai là thế giới của những giấc mơ yêu. Dẫu có là đắng đót và xa xót thì vẫn đẹp, vẫn chở đầy khát khao, vẫn hướng thiện. Những giấc mơ yêu bảng lảng sắc kinh kỳ. Trần Thùy Mai từng thổ lộ: “Tình yêu là đôi cánh giúp con người vượt qua biên giới của chính mình. Dẫu có thấm vị xót xa đi chăng nữa. Bởi thực tế có những giấc mộng không thể đứng vững trước cuộc đời.
Nhưng không phải vì thế mà người ta thôi ước mơ, không phải vì thế mà những giấc mơ không đẹp”. Nếu đã đọc những “Bài thơ về biển khơi” (1983), “Thị trấn hoa quỳ vàng” (1994), “Trò chơi cấm” (1998), “Đêm tái sinh” (2003), “Thập tự hoa” (2003), “Biển đời người” (2003), “Thương nhớ hoàng lan” (2003), “Trăng nơi đáy giếng” (2010)… chắc hẳn sẽ không khó để đồng cảm với suy nghĩ trên của chính tác giả.

4.
Những giấc mơ yêu bảng lảng trong văn Trần Thùy Mai ngân lên và chạm vào bước - sóng - xúc - cảm - nguyên - thủy của độc giả. Đồng thời được các đồng nghiệp, các hội đoàn nghề nghiệp ghi nhận với khá nhiều các giải thưởng uy tín, như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô, Giải thưởng thường niên của Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt nhất, vượt ra ngoài khuôn khổ chuyên môn, khẳng định văn chương Trần Thùy Mai đi vào đời sống, là nhà văn được Ủy ban kết nghĩa thành phố San Francisco - TP Hồ Chí Minh trao tặng Giải cống hiến vì cộng đồng năm 2011.
Nhiều tác phẩm của Trần Thùy Mai còn có duyên “đi bước nữa”, có đời sống mới nhiều màu sắc hơn. Đấy là được chuyển ngữ qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Đấy là làm nên những cuộc hôn phối giữa văn chương và sân khấu, văn chương và điện ảnh. Tiêu biểu là truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng” được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, đoạt giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2008 và giải Cánh diều Vàng dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn của Hồng Ánh. Cũng phim này, tại liên hoan phim quốc tế Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), diễn viên Hồng Ánh được xướng lên với danh hiệu nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Đạo diễn kỳ cựu Nguyễn Vinh Sơn, đạo diễn “Trăng nơi đáy giếng” cũng là đồng hương xứ Huế với Trần Thùy Mai, khi trao đổi xung quanh việc thực hiện bộ phim, đã nói:“Cảm nhận của Trần Thùy Mai đầy Huế. Chất thơ là thuộc tính của người Huế từ cung cách đi đứng, nói năng đến lối sống thâm trầm, sâu sắc, tinh tế...”.

5.
 Ba năm trở lại đây, vì công chuyện gia đình, nhà văn Trần Thùy Mai vào Nam sống cùng con gái, giảng viên một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Cậu con trai học xong và ở lại Singapore làm việc. Căn nhà ở Huế được người cháu họ trông nom, là nơi “ru” chị mỗi khi trở về.
Lần gần nhất tôi gặp chị là tại Vũng Tàu. Ăn sáng và uống cà phê, cùng một nhà thơ bạn chị, ngay bên bờ biển. Được biết, giờ chị thường dành cho mình những chuyến “xách ba lô lên và đi” nhiều hơn, cả trong và ngoài nước. Sáng ấy, trời Vũng Tàu nằng nặng âm u chực muốn mưa, nhưng chị, với dáng vóc nhỏ nhắn, vẫn cho người đối diện cảm giác đầy năng lượng, nhiệt huyết với trang viết và cuộc đời. Và bởi thế, tôi lại càng tin và mong chờ cuốn tiểu thuyết mang tên Trần Thùy Mai như có lần chị đã nhắc đến!