Người ta bảo người già thường hay nghĩ ngợi, hoài niệm về những gì đã qua. Quả thật, ở cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", nhất là vào những ngày năm mới rảnh rang, trong cái man mác của tiết xuân, khí xuân, ký ức về những ngày xa xưa một thời Việt Bắc lại chầm chậm trở về... Tôi nhớ lại ngày nhỏ sống cùng nhiều văn nghệ sĩ ở Khu tự trị Việt Bắc, vào những năm 70 của thế kỷ XX. Có biết bao kỷ niệm về những con người bình dị mà sau này tôi mới hiểu hết được tài năng và đóng góp của họ cho văn học, nghệ thuật nước nhà.



NHỚ QUẢ ĐỒI VĂN NGHỆ Ở VIỆT BẮC

VI KIẾN THÀNH

Năm tôi sáu tuổi, cả gia đình từ Hà Nội sơ tán lên Thái Nguyên, sống trong khu tập thể nhà tranh vách đất liền kề trụ sở cơ quan của mẹ tôi là Sở Văn hóa - Thông tin Khu tự trị Việt Bắc. Bố tôi lúc đó là giảng viên khoa Mỹ thuật của Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Thời đó, các tỉnh có Ty Văn hóa -Thông tin; Sở Văn hóa - Thông tin là của Khu tự trị quản lý và là cấp trên theo ngành dọc của sáu Ty Văn hóa - Thông tin các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

Ngày ấy, mỗi khi bác Nông Quốc Chấn - nhà thơ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa về Sở Văn hóa - Thông tin Khu tự trị làm việc là một sự kiện lớn của cả Sở mà lũ trẻ con lau nhau trong khu tập thể cũng háo hức muốn được ngắm nhìn chiếc xe ô-tô bốn chỗ của bác đỗ trong sân Sở. Sở Văn hóa - Thông tin lúc đó đóng ở một quả đồi gần chùa Phủ Liễn - Thị xã Thái Nguyên. Trẻ con chúng tôi gọi là "đồi ông Tấn", vì đấy nguyên là biệt thự của Thượng tướng Chu Văn Tấn. Toàn bộ khu biệt thự này trở thành trụ sở của Sở Văn hóa - Thông tin.   
                
Giám đốc Sở lúc đó là nhà thơ Bàn Tài Đoàn, người dân tộc Dao. Ngày đó, tôi cũng chỉ biết rất sơ lược ông là tác giả bài thơ "Muối Cụ Hồ" và tập thơ "Có mắt thấy đường đi". Cái tôi nhớ kỹ hơn về ông lại là những chuyện ngoài thơ ca. Ông bị rắn độc cắn nên phải cưa một chân đến đầu gối, hằng ngày phải lắp chân giả, đi lại khó khăn nên phòng làm việc và phòng ở của ông ở ngay tại tầng hai của ngôi biệt thự.
Cứ chiều tối, hết giờ hành chính, ông thường ngồi ở ban công  hóng mát và tháo cái chân giả ra. Bọn trẻ là con của cán bộ trong Sở kéo nhau lên chơi với ông. Thấy chúng chạy từ dưới cầu thang lên, ông liền thò cái chân bị cụt qua lan can ban công lắc lắc, nhìn đến khiếp! Nhiều đứa sợ bỏ chạy tán loạn, còn ông thì khoái chí cười vang cả tòa nhà.
Một nhân vật hết sức độc đáo để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức thơ trẻ của chúng tôi là họa sĩ Sĩ Tốt. Bọn trẻ con chúng tôi rất sợ nhưng vẫn hay trêu đùa ông.  Phòng làm việc và ở của ông nhìn ngay ra sân chung của cơ quan, nơi tụi trẻ con vẫn dùng làm sân đá bóng. Nhiều lần quả bóng "sút" thẳng vào nhà trong lúc ông đang say sưa vẽ làm ông "cáu tiết". Ông giữ lại hàng mấy tiếng sau mới trả, mặc cho bọn trẻ kỳ kèo, năn nỉ.
Ông to cao như một lão nông, đầu húi cua, thỉnh thoảng lại đem cây súng săn hai nòng và đạn ghém ra cửa ngồi lau chùi kỹ lưỡng, chúng tôi xúm lại xem rất say sưa, kính nể. Mặc dù ông có thú vui vào rừng săn bắn, nhưng chưa lần nào tôi thấy ông mang chiến lợi phẩm về, song riêng khoản trồng cây lấy củ thì rất tài! Tất cả những cây ông trồng đều có củ, quả nhiều và to hơn của người khác trồng, điều này đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiểu vì sao (?!)
Họa sĩ Sĩ Tốt có nhiều tác phẩm sơn dầu được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như: "Đứa nào cũng được học"; "Tiếng đàn bầu"; "Ơ bố" … Ông miệt mài, không ngày nào không vẽ. Đi làm thầy dạy cho các lớp vẽ quần chúng, có những lúc không tìm được mẫu khỏa thân để vẽ nghiên cứu giải phẫu, thầy Sĩ Tốt khỏa thân làm mẫu luôn! Rồi vừa đứng mẫu, ông vừa giảng giải phân tích cấu trúc xương, cơ cho học trò. Ông mất năm 2002, năm 2007 được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ông có tiếng là người tạo được phong trào "nông dân vẽ" khi đưa cả làng Cổ Đô (Ba Vì) quê hương trở thành "làng họa sĩ", thành lập Bảo tàng Sĩ Tốt. Hai người con trai ông đều theo nghiệp cha.
Trong Sở ngày ấy có Phòng Điện ảnh và Nhiếp ảnh. Đoàn làm phim gồm các đạo diễn Chu Thi, Lô Cường; quay phim có Lê Phạnh, Hoàng Bình Hòa, Trần Thông - những người đã làm nên "Việt Bắc với Bác Hồ", bộ phim tài liệu đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Khu tự trị Việt Bắc. Tôi không nhớ đã xem bao nhiêu lần, nhưng đó là bộ phim hay, rất xúc động và chân thực. Sau này, các nhà làm phim đều chuyển sang làm những phóng viên nhiếp ảnh của Khu tự trị Việt Bắc. Nhà quay phim Hoàng Bình Hòa về công tác ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, năm 1979 đi quay phim chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bị thương ở đầu khi đang mải bấm máy, sau này mất vì xuất huyết não.
Một nhân vật giản dị là nhà văn Nông Minh Châu, tác giả cuốn truyện ngắn "Ché mèn được đi học" khá nổi tiếng. Ông Châu nhỏ nhẹ, ít nói, sống một mình trong căn phòng đầu hồi dãy nhà, vừa là phòng làm việc, vừa để ở. Ông lặng lẽ viết văn, viết nghiên cứu sưu tầm và ngày nào cũng phải tiêm thuốc vì bị bệnh tim.
Cách Sở Văn hóa - Thông tin vài cánh đồng là một quả đồi thấp hơn, nơi đặt trụ sở của Đoàn Văn công Việt Bắc. Ở đoàn có nhiều nghệ sĩ nhưng tôi chỉ nhớ được một số người như họa sĩ Đỗ Tố, biên đạo Vương Thào, ca sĩ Lê Khình…
Với tôi, trong khu tập thể Sở Văn hóa - Thông tin ngày ấy, gia đình nhạc sĩ Tuấn Long có nhiều kỷ niệm đặc biệt. Tuấn Long công tác ở Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc, qua ông mà tôi được biết mặt biết tên các nghệ sĩ như nhạc sĩ Nguyễn Lầy, ca sĩ Lê Hằng. Nhạc sĩ Tuấn Long có hai người con trai, sau này đều là những nghệ sĩ tên tuổi của thế hệ chúng tôi. Đó là họa sĩ Tuấn Vinh và nhạc sĩ Thanh Phương.
Tuấn Vinh tài năng và đào hoa. Học mỹ thuật nhưng Vinh chơi ghi ta, thổi sáo đều xuất sắc; tự chế tạo đàn ghi ta điện, làm được sáo Mèo; thời học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Yết Kiêu, Hà Nội), Vinh phá không biết bao nhiêu tủ gỗ của trường để làm đàn ghi ta. Vinh thổi sáo Mèo hay không kém NSND Lương Kim Vĩnh. Tuấn Vinh cũng rất thích đi săn, có thể theo đuổi mấy cánh rừng để săn bằng được một con thú.
Tôi thuộc lứa đàn em, kém Vinh dăm tuổi, khi đó hay đi soi đèn pin trong đêm cho anh bắn chim, xong mò mẫm vào các bụi cây tìm nhặt về cả bọn đánh chén. Vinh thích nuôi sáo và hay "xạo", trêu chọc mọi người bằng cách giả sáo nói. Vinh còn có thú "tầm" xe Vespa cổ, lang thang chở bạn bè đi chơi, đi săn, nhiều lúc xe hỏng giữa đường vừa đi vừa sửa. Có lần, anh chở họa sĩ Thế Minh, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm rong ruổi khắp vùng Bình Gia (Lạng Sơn) ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của nhà sàn với hoa mơ, hoa mận, hoa đào; có ngày làm ông Minh "toát mồ hôi" vì mải theo con mồi cả buổi trong rừng (!)
Vinh dạy Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, là người lãng tử, tài hoa, vẽ ít mà đẹp. Anh từng sáng tạo ra chất liệu nho mài trên giấy đúp-lếch tạo hiệu quả khá lạ; sau này được nhiều sinh viên tiếp tục theo đuổi. Dường như tất cả những gì hấp dẫn của một người đàn ông Tuấn Vinh đều có, tôi không nhớ hết được những người phụ nữ đã yêu anh. Có lẽ cũng vì quá tài hoa nên Vinh ra đi sớm; anh mất trong một tai nạn giao thông ở lứa tuổi ngoài 40 đầy sung sức.
Khác hẳn anh trai mình, Thanh Phương, em trai Tuấn Vinh lại là người trầm tĩnh, kín đáo. Phương là cây ghi ta đẳng cấp và là nhạc sĩ phối khí tài năng; từng tham gia ban nhạc Phương Đông; đệm ghi ta cho các diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh; thu âm cùng ban nhạc Bức Tường, The light; cùng Quốc Trung làm Giám đốc âm nhạc, phối khí cho chương trình Giai điệu tự hào… Trong giới âm nhạc hiện nay Phương có một vị trí không thể phủ nhận...
 Năm 1980, tôi rời "đồi ông Tấn" về Hà Nội học hành, lập nghiệp. Theo năm tháng, những nghệ sỹ ngày đó cũng mỗi người một phương, tiếp tục hành trình, trở thành những tên tuổi trong nền văn nghệ nước nhà, trong đó có những người đã khuất. Vì cuộc sống và công việc, rất ít khi tôi gặp lại họ. Có lần về thăm làng Cổ Đô, tôi được gặp họa sĩ Sĩ Tốt đã ở tuổi ngoài 70, không còn khỏe. Những kỷ niệm xưa cùng chúng tôi sống lại bồi hồi…
Nhớ những ngày ở Việt Bắc, nhớ những văn nghệ sĩ một thời quây quần nơi mảnh đất bình dị, trong một thời điểm đáng nhớ của cách mạng và dân tộc. Thấy mùa xuân này thêm rưng rưng, sâu nặng nhiều điều…