Hồi ức của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền- con gái nhà văn Kim Lân: "Nữ sĩ Anh Thơ đã qua đời 10 năm. Một thập kỷ vắng một thi nhân đã vẽ những bức tranh làng quê thanh vắng và thơ mộng bằng thơ. Một thập kỷ chưa đủ lâu để làm nguôi quên con người đã sống hơn 80 năm, gắn bó nhiều với tỉnh Bắc Giang, nơi có sông Thương. Tên con sông vương vấn bao người, như vận vào bà hồi trẻ. Thời gian - không gian mở ra một vùng mênh mông, không thể đi hết chiều sâu lịch sử mỗi đời người trong những ký ức liên đới. Nhớ về Đồi Cháy, Bắc Giang, tôi lại thấy nữ sĩ Anh Thơ như hơn 60 năm trước..."



ĐỒI CHÁY VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN MÀU THỜI GIAN

NGUYỄN THỊ HIỀN

...Hôm đó, Anh Thơ (Vương Kiều Ân, 1921-2005) xuất hiện trên đồi, cô mặc đẹp lắm, váy dài, áo tứ thân thắt lưng xanh đỏ, tóc xõa ra, trên tóc cài lúc thì hoa sim, lúc dâm bụt, lúc bông hoa dại nào đó cô nhặt ven đường, cô vừa đi vừa múa, vừa hát, vừa cười, vừa khóc. Tôi vừa thích, vừa sợ, cứ đi theo cô tò mò nhìn, cô không giống mọi người, áo cô mặc loè xoè màu xanh, đỏ, vàng tươi rói, tóc xoã bay phần phật trong gió, cô làm tôi lúc thì thích lắm, lúc lại rất sợ, chẳng hiểu vì sao cô lại thế.
Thấy người lớn nói chuyện với nhau cô đang thất tình. Tôi hỏi thất tình là thế nào, bố mẹ nói con còn nhỏ không nên biết làm gì. Câu trả lời đó làm nhân lên lòng tò mò của tôi gấp bội. Lớn lên, tôi hiểu thất tình là gì rồi, nhưng không biết hồi trước cô yêu ai, và ai đã phụ tình cô, để cô đến nỗi thành “Xúy Vân giả dại” như vậy.
Rồi bác Nguyễn Tư Nghiêm (danh hoạ, SN 1918), mọi người bảo bác điên, tôi lại thấy bác hiền lắm, cứ ngồi một chỗ nhìn đăm chiêu, miệng mấp máy, lúc mỉm cười, lúc buồn đến thắt lòng, tôi tò mò cứ đi quanh bác, hoặc núp gần đó quan sát bác. Bác đâu nhìn ai, bác nhìn vào cõi mông lung cứ như muốn hỏi điều gì, bọn trẻ chúng tôi suốt ngày trêu bác - Trẻ con hồn nhiên, đôi lúc chúng chẳng biết chúng vô tâm, độc ác thế nào. Bác không nói gì, chỉ nhìn chúng tôi cười hiền lành chúm chím.
Tôi nghe bố tôi nói bác không điên đâu, bác giả điên đấy, vì bị thúc ép làm điều lương tâm bác không cho phép. Thế rồi bác đã giả điên để tránh né, rồi bác bị đưa vào nhà thương điên. Bố nói, bác bị nhốt chung với anh bộ đội rất hiền lành, song hễ lên cơn là anh bộ đội lại “xung phong” tấn công bác, bởi trong cơn điên, anh đinh ninh bác là bên địch. Bố thương bác quá, tìm đến nhà thương, ghé tai bác: “Thôi anh về đi, không ai bắt buộc anh nữa đâu, về trên đồi ở với chúng tôi!”. Bác Nghiêm đã về đây, trên quả đồi này ngồi lặng lẽ, mắt nhìn vào cõi xa xăm, môi mấp máy lúc như mếu, lúc chúm chím cười, cái cười chúm chím hiền lành của bác. 
Sau này, cứ mỗi lần gặp bác, bác lại nói: “Cháu Hiền ngày xưa nghịch lắm nhé, suốt ngày trêu bác”. Tôi bẽn lẽn nhìn bác cười, nói: “Bác ơi, cháu lúc đó mới 6 - 7 tuổi mà, có biết gì đâu”. Bác là người đầu tiên cùng bác Trần Văn Cẩn (danh hoạ, 1910 - 1994), đã cho tôi thấy những bức tranh, cánh cửa đầu tiên mở ra cho tôi vào thế giới hội họa mà tôi theo đuổi trọn đời.
Lại nhớ một hôm, tôi đang ngồi ở cửa, bỗng một ông già mặc bộ quần áo nâu rách bươm, đội nón mê, đeo bị cói, gầy khẳng khiu tiến vào nhà. Nhìn người này từ xa tôi sợ quá, chạy tọt vào nhà, chui xuống gầm giường trốn, bỗng nghe từ bóng người gày gò đó thốt lên: “Hiền ơi, thầy đây!”. Đúng tiếng bố tôi rồi, lồm cồm bò ra khỏi gầm giường, ngỡ ngàng sợ sệt nhìn bố ông ăn mặc rách rưới, gầy hốc hác, đeo bị cói, đầu đội nón mê, mắt trũng sâu đứng chằm chằm nhìn tôi, lại cất lên: “Hiền ơi, thầy đây!”. Rồi ông ngồi thụp xuống ôm siết tôi vào lòng. Thương bố quá, sao bố lại ra nông nỗi này, trông giống y lão ăn mày vậy.
Mãi đến bao nhiêu chục năm sau tôi mới biết, đó là chuyến đi của bố tôi và bác Nam Cao vào vùng địch hậu. Bị địch phát hiện bắn đuổi theo, bố chạy một ngả, bác Nam Cao chạy đi một ngả. Trong chuyến đi này, bác Nam Cao đã hy sinh, còn bố tôi chạy thoát, chạy miết về lại Đồi Cháy. Bố tôi lúc đó đã từ cõi chết trở về, ông muốn xác nhận với tôi: “Hiền ơi, thầy đây”. Thầy đã thật sự vẫn còn tồn tại, ông vẫn sống và đang ôm tôi trong vòng tay khẳng khiu của mình. Có hơi ấm của sự sống thật sự.
Sau này nhớ bạn, bố tôi đã đóng vai lão Hạc trong phim truyện nhựa Làng Vũ Đại ngày ấy. Nhà biên kịch Đoàn Lê viết kịch bản phim này theo ba truyện ngắn: Lão Hạc, Sống mòn, và Chí Phèo của bác Nam Cao... Đạo diễn phim này là Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Khoa (1913 - 1992) - cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam - cũng là bạn của bố tôi.
Bác Ngô Tất Tố (1894 - 1954) cũng làm tôi thắc mắc lắm. Bác lúc đó với tôi đã là già lắm, bác có hai vợ. Bà cả sống ở đồi phía bên đường đất đỏ, bà hai sống ở cuối đồi bên nhìn ra cánh đồng. Cứ buổi chiều chập choạng, bác Tố chống gậy đi xuống nhà bà hai, có một con vịt lạch bạch theo sau. Sáng hôm sau, bác lại chống gậy lên nhà bà cả, con vịt lại lạch bạch theo sau. Ngày nào cũng như ngày nào, chẳng hiểu bác luyện con vịt thế nào mà cứ lúc nào thấy bác tôi lại thấy con vịt lạch bạch theo sau, tôi cứ lấp ló đứng ở vườn nhà, đợi nhìn bác sáng đi tối về qua cổng vườn nhà tôi cùng con vịt như vậy, lòng lấy làm kỳ lạ lắm.
Ở trên đồi, tôi sợ bác Tố nhất, bác già rồi, lại uy nghiêm, không ồn ào, vui vẻ như bố tôi và các bạn của ông. Đến như bố tôi vẫn phải gọi là cụ Tố, bác Tố, chẳng ai dám cười kha kha, khơ khơ trước mặt bác như lúc các bạn của bố tôi, bác Nguyên Hồng, bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Tô Hoài, bác Nguyễn Đình Thi, bác Văn Cao, các chú Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán,… uống rượu, cười nói với nhau cả. Vì thế, tôi cũng sợ bác lắm, chỉ dám đứng từ xa nhìn thôi, thế rồi bỗng một hôm tôi thấy bố tôi cùng các bác buồn rầu lo lắng ra mặt, đi ra đi vào thì thầm nói cụ Tố không chịu ăn uống gì, kiểu này chết mất thôi - mọi người bồn chồn lo lắng nhưng chẳng làm được gì - rồi bác Tố mất - vào năm 1954. Việc bác mất là một bí ẩn đối với tôi, bác không ăn gì, bác quyết ra đi!
Sau này tôi đã tìm đọc các tác phẩm Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng của bác, bác còn dịch Kinh Dịch và nhiều sách nữa, hóa ra bác là một học giả uyên thâm, một nhà báo nổi tiếng với 59 bút danh, với gần 1.500 bài báo: “Di sản báo chí ông viết để lại đã là những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toàn diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20” (NXB Hội Nhà văn, 2004). Bác thông hiểu kim cổ, tác phẩm của bác để lại, có những tác phẩm đến bây giờ người bình thường đọc cũng rất khó khăn và không hiểu nổi, cần phải có kiến thức cao, nghiên cứu rất nhiều mới hiểu được. Bố tôi và bác Nguyễn Tuân đã đóng phim Chị Dậu dựa theo tác phẩm Tắt đèn của bác Ngô Tất Tố, vẫn của đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân Phạm Văn Khoa.
Nhớ ngày nọ, chú Phùng Cung (nhà thơ, 1928 - 1997) lên đồi, mang cho tôi con búp bê to như một em bé, có hai cái răng cửa trắng lấp lánh, mắt xanh biếc, biết nhắm mắt, mở mắt, tóc vàng bồng bềnh. Búp bê mặc váy như cô tiên, lại biết khóc, biết cười. Cúi xuống đưa búp bê cho tôi, chú nói: “Chú tặng cháu Hiền đấy”.
Tôi ôm búp bê trong tay, mắt ngước nhìn chú, nghẹn ngào sung sướng nói không lên lời. Ôi món quà đẹp tuyệt vời đầu tiên tôi có trong đời, trên quả đồi đất đỏ Bắc Giang chỉ có nắng, gió, cây cối, chim chóc, ruộng vườn, lần đầu tiên một cô tiên búp bê giáng trần, nằm trong tay tôi, chú Phùng Cung cho tôi, là của tôi. Tôi ôm ghì búp bê vào lòng, ăn ngủ lúc nào cũng bế nó. Rồi bỗng nhiên tôi thấy nhiều người đi lại suốt ngày đêm, âm thanh rầm rì, rầm rì, các đoàn dân công, bộ đội đi lại rậm rịch trên đường đất đỏ, bụi hồng cuốn mịt mù, lạ quá. Sao mọi người đi lại rậm rịch suốt ngày đêm nhỉ? Lại cả ôtô nữa chở kín người ngồi bên trên.
Thế rồi, tôi lại thấy mẹ tôi chuyển xuống chân đồi, trên đường đất đỏ, mở quán nước, cô tiên búp bê của tôi bày trong tủ kính, sáng rực cả một góc trời, các đoàn người, xe cộ đi lại nườm nượp, bụi hồng cuốn tung trời, mọi người ghé vào quán uống nước, ăn kẹo bánh ở quán mẹ tôi, ai cũng trầm trồ khen ngợi, sao mà lại có một cô tiên búp bê đẹp đến thế. Tôi tự hào quá, búp bê của tôi đấy, chú Phùng Cung tặng tôi đấy! Con búp bê đầu tiên của tôi mà chú Phùng Cung cho ở trên đồi, được tôi đan cho chiếc áo len hồng gửi về quả đồi để mẹ tôi mặc cho nó. 
Khi mẹ và các em tôi về Hà Nội, mẹ tôi đã cho một ai đó trên đồi, một cô bé nào giống tôi cũng thích búp bê hay sao mà tôi không thấy mẹ mang về Hà Nội. Tôi đã khóc mãi vì nhớ nó, tôi đã không bao giờ gặp lại nó, con búp bê đầu tiên trong đời của tôi cũng như tôi đã không gặp lại được chú Phùng Cung sau này. Chú đã bặt vô âm tín trong tuổi thơ của tôi. Nhưng đáy sâu trong lòng tôi, chú cao cao, gầy gầy, mắt trìu mến nhìn tôi, tay đưa con búp bê ra cho tôi trong sự sung sướng đến thảng thốt của tôi, trong tuổi thơ nghèo khổ của những đứa trẻ tản cư theo kháng chiến. Đúng là câu chuyện cổ tích, có bà tiên hiện ra lộng lẫy sáng bừng, sâu đậm trong tuổi thơ của tôi không bao giờ tôi quên được.