Góc nhìn của Nguyễn Công Khế: Cuộc sống của chúng ta hiện nay càng hiện đại bao nhiêu thì càng dẫn đến những hệ lụy khó tưởng tượng nổi. Tôi muốn nói tới môi trường sống của chúng ta hiện nay đang gắn liền với những hệ lụy đó và nó có liên quan tới mạng xã hội, tới internet. Thật thế, mỗi khi có dịp đề cập đến vấn đề này, tôi thường nói với các bạn bè tôi ở  Mỹ và châu Âu rằng, nếu Việt Nam có một môi trường sống mà tôi cho rằng thanh bình nhất, dễ chịu nhất có lẽ là thời niên thiếu của tôi: thời ông Ngô Đình Diệm. Thời đó, cũng có thể đã diễn ra một số cuộc bắt bớ và “tình nghi” nhắm vào những người kháng chiến cũ, nhưng tôi cho “diện” của nó không rộng lắm. 


MÔI TRƯỜNG

NGUYỄN CÔNG KHẾ

Tôi có quen một chị bạn, chị là người phụ nữ mẫu mực và có nhan sắc vào những thập niên 70-80. Hơn thế nữa, chị còn là một người tham gia phong trào sinh viên - học sinh đấu tranh ở đô thị miền Nam từ rất sớm và rất nổi tiếng. Khi hòa bình thống nhất đất nước, chị là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của chính quyền, về chức vụ chị từng đãm trách cũng thuộc loại "nhất, nhị phẩm" của chế độ. Bỗng dưng đến một hôm tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin về chị: Bây giờ, chị có mặt ở các nhà chùa để thiền định và tụng niệm, hiếm khi chị có mặt ở chốn đông người, hạn chế có mặt ở những chỗ gọi là gợi lại kỷ niệm quyền lực xưa cũ, hoặc hội hè đình đám tâng bốc nhau. Một người phụ nữ khác cũng rất xinh đẹp, cũng rất nổi tiếng mà tôi từng biết tương tự, giờ đây chị ấy cũng đã cắt đứt khỏi mọi thứ có mối dây liên hệ với cuộc sống hiện đại này, kể cả internet và điện thoại di động. 

Cuộc sống của chúng ta hiện nay càng hiện đại bao nhiêu thì càng dẫn đến những hệ lụy khó tưởng tượng nổi. Tôi muốn nói tới môi trường sống của chúng ta hiện nay đang gắn liền với những hệ lụy đó và nó có liên quan tới mạng xã hội, tới internet. Thật thế, mỗi khi có dịp đề cập đến vấn đề này, tôi thường nói với các bạn bè tôi ở  Mỹ và châu Âu rằng, nếu Việt Nam có một môi trường sống mà tôi cho rằng thanh bình nhất, dễ chịu nhất có lẽ là thời niên thiếu của tôi: thời ông Ngô Đình Diệm. Thời đó, cũng có thể đã diễn ra một số cuộc bắt bớ và “tình nghi” nhắm vào những người kháng chiến cũ, nhưng tôi cho “diện” của nó không rộng lắm. 

Chiến tranh lúc đó chưa lan ra tới mức: hàng ngàn tấn bom trút xuống đầu làng (nhạc Trịnh Công Sơn) như những năm về sau này. Thời đó, cánh cò bay trong nắng chan hòa, ruộng lúa xanh tươi trên những cánh đồng thẳng tắp, những dòng sông chảy qua các cánh đồng hiền hòa, những con cá rô sống trong ruộng rẫy, ao đầm béo mập bởi được ăn những bông lúa vừa ngậm sữa (còn gọi là đòng đòng) của mùa vụ no đầy... với câu hát thanh bình văng vẳng đâu đây: "đây phương Nam, đây ruộng Cần Thơ no lành". 

Thời ấy tôi đi học trên những con đường làng mát rượi bởi bóng của những khóm tre già tỏa xuống đường quê, hay đi dưới những hàng dương liễu xanh rũ bóng. Rau quả bán ngoài chợ chưa bao giờ bị bón chất độc hóa học hay dư lượng thuốc trừ sâu. Đời sống hiền hòa và môi trường trong trẻo đó đã tạo nên người nông dân chân chất, những trí thức ít ỏi nhưng chân thật hết lòng phục vụ khoa học và người dân. Từ ông giáo làng đến cậu học trò tiểu học như tôi đều vô tư như ngọn gió sớm mai trong lành.
Đến một giai đoạn khác, tuy có diễn ra sai lầm trong chủ trương thực hiện đưa nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh sau năm 1975 lúc nước nhà vừa thống nhất. Ở giai đoạn này, đời sống bắt đầu có các tín hiệu bất ổn, nhưng nó vẫn còn cái phần “chân chất” khác, con người không coi chức tước, cái ghế ngồi địa vị phải bằng mọi giá chiếm đoạt được. Con người không hãm hại nhau bằng mọi thủ đoạn gian manh.
Nhưng bây giờ, đến lúc người ta sử dụng những phát minh tối tân, sáng chế công nghệ cao cấp, sáng tạo kỹ thuật hiện đại như: máy tính, thiết bị di động kết nối internet, các mạng xã hội bùng phát... Thực tế đó là những tiến bộ khoa học tuyệt vời của nhân loại, làm cho xã hội trở nên gần gũi và văn minh, mở ra một thế giới phẳng. Tuy nhiên, một số người ác ý đã dùng những phương tiện này như một công cụ cá nhân và biến nó trở thành chiến trường “đánh nhau” của phe nhóm; không những thế, còn lôi kéo một bộ phận xã hội vào những trò chơi vu khống và hãm hại người khác một cách xấu xa. 
Ở các nước tiến bộ, có một nhà nước pháp quyền vững mạnh và nền tảng văn hóa vững chắc thì việc chống lại những kẻ “mạo danh”, “mạo nhận” để hãm hại người khác sẽ được ngăn chặn hiệu quả, hoặc việc dùng thủ đoạn cố ý làm “tổn thương công dân” sẽ bị loại bỏ. Nhưng một xã hội chưa có một nền “pháp trị vững vàng” và nền dân chủ đủ mạnh thì những loại người xấu xa, hiểm ác như nói trên đã tha hồ tác oai, tác quái, dựa vào những quyền lực đen và tiền bạc bất chính mà họ đã “vơ vét” được để thực hiện mục đích cá nhân, đổi trắng thay đen, bất chấp đạo lý, gây nhiễu loạn thông tin...
Thiết tưởng môi trường trong lành không chỉ là sự hít thở không khí hằng ngày xanh và sạch, khi môi trường bị ô nhiễm không chỉ là một dòng sông bị nhiễm độc, luống rau đầy những hóa chất độc hại...mà còn nhiều hệ lụy khác.
Nói rộng hơn, bao quát hơn, môi trường còn là đời sống chính trị, đời sống tinh thần của đất nước, của người dân được giới cầm quyền “chính danh chính diện” trao đầy đủ quyền con người và quyền được sống trong một xã hội lương thiện. 
Tôi từng mơ xã hội Việt Nam ta, khi ra đường không nhìn thấy cảnh  ai đó bị cướp bóc, trấn lột. Tối về nhà ngủ khỏi cần khóa cổng. Giấc mơ của tôi, của chúng ta từ thời tuổi nhỏ đến khi hiểu biết và bắt đầu làm người lớn vẫn đau đáu như thế. Và thế hệ tôi, thế hệ chúng ta đã có hàng hàng lớp lớp người được học, được đào tạo ở những đô thị miền Nam và gia nhập vào hàng ngũ những người đấu tranh cho độc lập tự do, hòa bình, thịnh vượng, dân chủ của đất nước, cũng vẫn đau đáu một niềm mơ ước như thế.
Chắc không chỉ mình tôi mà cả chúng ta đã từng rất hy vọng vào một xã hội tương lai như mơ ước đó. Nhưng, hy vọng ấy đến nay ngẫm ra thật  không dễ chút nào.
Vậy thử đặt một câu hỏi, môi trường nào đang mở ra cho Dân tộc và cho Đất nước chúng ta đây?


Nguồn: Duyên Dáng Việt Nam số Xuân Bính Thân