Mới đây, khi Google nói rằng, từ khoá được quan tâm, truy cập nhiều nhất trong năm 2015 của người Nhật là “nhà nước Hồi giáo”, của người Hàn Quốc là “dịch Mers”, của người Singapore là “cháy rừng” còn của người Việt Nam là “Vợ người ta”, “Không phải dạng vừa đâu” - tên những bản nhạc thị trường thì chúng ta bắt buộc phải đặt ra nhiều câu hỏi. Đầu tiên chúng ta hỏi nhau, đối tượng, lứa tuổi nào ở Việt Nam vào Google nhiều hơn cả? Thật khó để trả lời chính xác, nhưng nếu căn cứ vào việc Internet khai sinh ở Việt Nam vào năm 1997 và con số 42% người sử dụng Internet ở Việt Nam thuộc lứa tuổi từ 15 đến 24 mà hãng nghiên cứu thị trường Com Score từng đưa ra hai năm về trước, có thể tin rằng những đối tượng truy cập chủ yếu là người trẻ, thậm chí là rất trẻ.



NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM ĐANG NGHĨ GÌ?

PHAN ĐĂNG

Ở một góc độ nào đó thì việc những người trẻ không chọn từ khoá liên quan đến một ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc nào đó, mà lại chọn những từ khoá liên quan đến những sản phẩm ca nhạc, giải trí thuần Việt cũng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi chỉ vài năm trước thôi, với sự xâm lăng ồ ạt của điện ảnh - nghệ thuật Hàn Quốc, và với việc các chàng trai, cô gái xứ ta thi nhau ăn mặc như những “diễn viên Hàn” chúng ta từng sợ hãi rằng đến một lúc nào đó người trẻ Việt Nam sẽ mê đắm và quan tâm đến văn hoá ngoại hơn văn hoá nội.

Tuy nhiên, nếu sự chuyển hướng hình thức từ ngoại sang nội chỉ đem đến một chút phấn khởi thì nội dung của việc quan tâm kia lại tạo một cảm giác không thể phấn khởi như thế. Bởi lẽ, khi người trẻ đặt ưu tiên quan tâm hàng đầu đến những thứ đơn thuần giải trí thì họ sẽ dành bao nhiêu thời gian, tâm lực cho những thứ căn bản và cần thiết khác của đời sống?

Và bởi lẽ, cái thế giới lấp lánh của “Vợ người ta”, “Không phải dạng vừa đâu”... liệu có khiến người trẻ không thể (hoặc không cần) nghĩ đến những thứ liên quan đến sự phát triển thực sự của một quốc gia, dân tộc? Hãy thử tưởng tượng, thay vì “Vợ người ta”, “Không phải dạng vừa đâu”, những từ khoá hàng đầu mà người trẻ xứ mình tìm đến là “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “thảm họa giáo dục”, “tụt hậu kinh tế”...  thì cảm giác của chúng ta bây giờ sẽ phấn chấn như thế nào?

Cách đây chưa lâu, chúng ta từng rùng mình với một kết luận: Mỗi năm, trung bình người Việt Nam đọc chưa đến... một quyển sách. Một khi với sách vở - cái căn cốt để tạo nên những suy nghĩ chiều sâu đang ở thực trạng như vậy, còn với Internet, với Google, thứ ưu tiên quan tâm số 1 lại là “Vợ người ta” hay “Không phải dạng vừa đâu” thì dễ thấy là chúng ta đang có nhiều cái để lo.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện trong cuốn Những tấm lòng cao cả, khi một chú bé người Ý đã ném trả lại những đồng xu mình vừa nhọc công xin được chỉ vì người cho mình đã buột miệng nói xấu nước Ý thân yêu của chú. Rồi tôi lại nhớ câu chuyện một cậu bé Nhật đã từ chối quyền được “xếp hàng ưu tiên” trong dòng người đang nhận đồ cứu tế, sau một thảm hoạ động đất cách đây vài năm. Lý lẽ của cậu bé: Tất cả đều khổ, đều cần đồ cứu trợ như cháu, vậy thì tại sao cháu lại được ưu tiên? Tôi tự hỏi: giả như đối diện với màn hình Internet, với Google, thì từ khoá ưu tiên hàng đầu của những chú bé này là gì nhỉ?

Nhìn sâu vào lịch sử Việt Nam, chúng ta từng chứng kiến một chú bé đã đau đáu vận nước tới mức bóp nát quả cam bên ngoài hội nghị Diên Hồng, rồi chúng ta cũng từng nhìn thấy những chú bé liên lạc sẵn sàng băng qua lửa đạn, đối diện với cái chết để thực hiện bằng được nhiệm vụ cách mạng giao phó.

Nhưng đấy là trong thời chiến, thời mà dòng máu yêu nước luôn cuộn trào, sôi sục. Còn trong thời bình, thời dễ bị thoả hiệp bởi rất nhiều vinh hoa và cám dỗ, phải làm gì để những chú bé - những người trẻ vẫn có thể quan tâm đến những điều liên quan tới sự phát triển đúng nghĩa của một dân tộc? Phải làm gì để một năm, hai năm, ba năm nữa, những từ khoá kiểu như “làm vợ người ta”, “không phải dạng vừa đâu” sẽ chỉ xuất hiện ở những vị trí thứ yếu, chứ không phải là những vị trí đầu tiên trong hành trình truy cập Google của người trẻ Việt Nam?

Vì tương lai dân tộc, chúng ta phải có trách nhiệm trả lời bằng được câu hỏi này!