Nhẽ ra, Cao Như Dương, ông chủ  cửa hàng đồ hiệu Thanh Lịch phải săn đón các "thượng đế" bước xuống từ ôtô bóng lộn, hay từ chiếc xe máy đắt tiền vào chọn đồ tại cửa hàng mình, thì anh lại dửng dưng đứng góc nhà, miệng ngậm thuốc lá, mắt thả sự mơ màng đâu đâu. Anh nghiệm ra, bao năm theo đuổi kinh doanh, hầu hạ thượng đế để kiếm tiền, cho dù những đồng tiền kếch sù, nhưng có khi lại không thú vị bằng lúc cảm nhận được cái hay bất tận của những câu thơ "Cỏ non xanh rợn chân trời", hoặc là "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời…". Cửa hàng đồ hiệu Thanh Lịch khi ấy dần thấy xuất hiện những ông khách kỳ quái. Khi thì một ông tóc dài, râu ria tua tủa. Khi thì ông ăn vận lôi thôi, mắt đỏ lừ như chưa dứt cơn say rượu. Họa hoằn lắm mới thấy mấy ông quần áo bỏ thùng, xách túi, xách cặp, nhưng nom nhôm nhoam, cũ càng. Hầu hết số khách mới này, không phải diện lịch sự, thời trang gì, nhưng lại thấy ông chủ cửa hiệu Thanh Lịch chạy ra vồ vập, săn đón. Thì ra, đó là một lớp khách mới của anh. Không phải họ đến mua sắm đồ hiệu, mà họ là những người làm thi ca, đem đến cho anh một thứ ánh sáng khác



Người mang trăng quê vào phố

VŨ TỪ TRANG

Tôi còn nhớ một dạo, có tờ báo tuần ở Hà Nội liên tục in quảng cáo "Com-lê bạn diện ôi đẹp quá. Sắm ở Thanh Lịch hiệu đó ư?". Cách quảng cáo có phần văn hoa, nhưng gợi sự tò mò cho khách hàng. Điều thú vị hơn, khi biết chủ nhân cửa hiệu quảng cáo đó lại là người làm thơ. Ngày ấy, Cao Như Dương mới bước chân vào thánh địa thi ca. Giữa một cửa hiệu thời trang chật kín những bộ com-lê, cà vạt, măng-séc, giày da kiểu cách của các hãng thời trang thượng hạng trên thế giới dành cho quý ông, thì ông chủ cửa hiệu đó, hình như đã bắt đầu chán những món đồ xa xỉ đó rồi. Chán kiểu cách kinh doanh suốt ngày phải lo lỗ lãi.

Nhẽ ra, Cao Như Dương, ông chủ  cửa hàng đồ hiệu đó phải săn đón các "thượng đế" bước xuống từ ôtô bóng lộn, hay từ chiếc xe máy đắt tiền vào chọn đồ tại cửa hàng mình, thì anh lại dửng dưng đứng góc nhà, miệng ngậm thuốc lá, mắt thả sự mơ màng đâu đâu. Anh nghiệm ra, bao năm theo đuổi kinh doanh, hầu hạ thượng đế để kiếm tiền, cho dù những đồng tiền kếch sù, nhưng có khi lại không thú vị bằng lúc cảm nhận được cái hay bất tận của những câu thơ "Cỏ non xanh rợn chân trời", hoặc là "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời…".

Cửa hàng đồ hiệu Thanh Lịch khi ấy dần thấy xuất hiện những ông khách kỳ quái. Khi thì một ông tóc dài, râu ria tua tủa. Khi thì ông ăn vận lôi thôi, mắt đỏ lừ như chưa dứt cơn say rượu. Họa hoằn lắm mới thấy mấy ông quần áo bỏ thùng, xách túi, xách cặp, nhưng nom nhôm nhoam, cũ càng. Hầu hết số khách mới này, không phải diện lịch sự, thời trang gì, nhưng lại thấy ông chủ cửa hiệu Thanh Lịch chạy ra vồ vập, săn đón. Thì ra, đó là một lớp khách mới của anh. Không phải họ đến mua sắm đồ hiệu, mà họ là những người làm thi ca, đem đến cho anh một thứ ánh sáng khác. Khác hẳn ánh sáng lấp lánh từ những đồ mốt, từ những chiếc xe hơi bóng lộn, từ những đồng tiền mệnh giá cao thấp chon von. Họ trao đổi với anh về những bài thơ, câu thơ hay. Rồi họ ồn ào đọc cho anh nghe những sáng tác mới của họ, hoặc bạn bè họ. Anh nhận ra một vẻ đẹp cao vời, lung linh và huyền diệu từ những câu thơ tưởng chừng vơ vẩn đó.

Rồi anh làm thơ lúc nào không hay. Những câu thơ lẩm nhẩm trong đầu. Những câu thơ được ghi chép lẫn trong sổ bán hàng. Những con chữ xiêu vẹo xếp kề bên những con số tiền hàng, rành mạch và tròn trịa. Rồi anh chọn cuốn sổ tay nhập ngoại bìa da đẹp nhất, đắt tiền nhất trong cửa hàng, để chép những bài thơ run rẩy đầu tiên của mình. Những bài thơ thập thững, ngây dại, nhưng chứa chấp nỗi niềm rưng rưng của anh. Anh thấy quý hơn nhiều những bộ com-lê, những chiếc cà-vạt, măng-séc nhập ngoại đúng mốt, cho dù nó đắt tiền.

Vợ con anh phát hiện ra sự đổi khác trong con người anh. Họ nhìn anh bằng con mắt ngờ vực. Rằng anh đi mê mẩn những thứ thơ phú ấy làm gì? Thơ văn có đem lại tiền bạc cho gia đình không? Họ sẽ hoảng loạn nhường nào nếu biết ý nghĩ bất chợt đến với anh, rằng anh dám đánh đổi cả cửa hàng đồ hiệu sang trọng này để lấy được câu thơ ngẩn ngơ nào đó. Nếu họ đọc ra ý nghĩ bất thần này của anh, thì chắc hẳn họ sẽ nghĩ anh bị điên rồi. Điên nặng rồi!
Trong nhà, chỉ riêng có cô con gái hiểu anh. Cô thầm nhủ, bố cứ đam mê viết thơ đi. Nghệ thuật sẽ có giá trị cao hơn tất cả. Con từng đọc báo, thấy nói một bức tranh của danh họa Picátxô còn bán được tiền cao gấp ba lần giá tiền một nhà máy lớn của Pháp!
Thế rồi cô con gái lẳng lặng đứng trông cửa hàng để anh thả hồn theo những câu thơ chới với. Những câu thơ ban đầu anh viết ra, ít nhiều ảnh hưởng hơi hướng của các nhà thơ tiền chiến. Anh chép những bài thơ của mình vào cuốn sổ tay bìa da lịch sự. Rồi anh ra hiệu vi tính thuê đánh máy và phôtô làm chục bản. Nhóm bạn thơ ca đến chơi, anh phân phát cho họ.

Đọc thơ của anh, không ít người giật mình. Bài thơ cấu trúc chưa chặt, hình tượng chưa bất ngờ, nhưng cảm xúc chân thành thì không lẫn được. Mọi người khuyên anh nên gửi thơ đến các báo. Rồi anh đến tòa báo. Không phải đến để ký tiếp hợp đồng quảng cáo "Com-lê Thanh Lịch hiệu đó ư", mà anh gửi thơ in báo. Ông Tổng biên tập tuần báo bắt tay anh rất chặt, chúc mừng sáng tác mới của anh. Ngày ra báo, anh có niềm vui rưng rưng khi đọc bài thơ của mình được in trang trọng bên cạnh thơ của các nhà thơ tên tuổi. Anh tự hào vì mình được đứng tên trong văn đàn nghệ thuật.
Con đường vào văn chương của anh bất ngờ và dường suôn sẻ vậy. Nhưng sự đời đâu phải thế. Văn chương, nhất là nàng Thơ, vốn như một cô gái kiêu kỳ và đỏng đảnh. Nó khác hẳn công việc kinh doanh đồ hiệu của anh, ngày ngày cứ mở cửa hàng ra là có khách, là có tiền. Ngày trước, anh có thú vui là quần áo thẳng băng, lau đôi giày đúng mốt láng bóng, lái chiếc xe ôtô láng cóng đi ăn sáng, uống cà phê. Có buổi anh ngồi hàng giờ cùng mấy ông chủ cửa hàng như anh, đàm đạo về chuyện thương trường làm ăn.

Từ khi mê thơ, đêm đêm thức khuya đọc sách báo hoặc viết lách, sáng dậy muộn, anh không còn thú vui cà phê nữa. Anh lại có thú vui thũng thẵng cuốc bộ ra quán chè chén đầu phố, ngâm nga uống chè chén và ngắm nhìn cuộc sống nhân gian lầm lũi, bận rộn quanh mình. Anh lắng nghe ông già xích lô ca thán đêm qua đi chở khách bị khách quỵt tiền. Nghe bà bán xôi ngô than vãn thời buổi khó khăn, nên hàng ế ẩm. Chiếc quần ka ki cũ càng, chiếc áo phông đã bạc, đôi dép cũ là trang sức mới cho anh. Ai chợt gặp, hẳn không còn nhận ra anh là chủ hiệu com lê Thanh Lịch nổi tiếng đất Hà Thành một thời.

Nhiều buổi, anh bỏ cửa hàng, đạp xe lang thang dọc phố phường. Anh ngắm nhìn cuộc sống bình dị cuộn chảy trên đường phố. Anh phát hiện ra vẻ đẹp một búp lá trên vòm cây cao. Có khi anh dừng xe, cúi nhặt một chùm hoa còn ngậm sương vừa rụng xuống hè đường. Cảm xúc xôn xao trỗi dậy. Có buổi cao hứng, anh thũng thẵng đạp xe quanh Hồ Tây. Hồ nước ban mai chập chờn sương khói. Những con sóng lan tỏa. Cánh chim cô đơn bay ngang mặt hồ. Có buổi anh mang tệp báo, cuốn sổ thơ vào vườn Bách Thảo. Chọn ghế đá dưới gốc cây tỏa bóng, anh trải báo ra đọc. Rồi anh nghĩ ngợi, viết lách. Có bữa anh ngủ thiếp trên ghế đá, tờ báo che mặt.

Những câu thơ được viết ra dưới vòm cây, bên ghế đá công viên, hoặc lẩm nhẩm trong đầu khi anh ngồi ở quán chè chén đầu phố. Những câu thơ phơi nỗi niềm buồn vui của anh. Có thể là một đêm phố cổ. Những cảnh vật thân quen, bình dị "Có người bảo vệ thay ca/ Bước đi thũng thẵng như là lãng quên". Nét chấm phá không cầu kỳ, dễ gây ấn tượng "Xích lô một bác tạm dừng, đã xa". Để rồi đêm phố cổ lại như chìm vào bí mật "Ngoài thềm lá gió vẫn lay/ Tường cao mái thấp vẫn đầy tối tăm".
Anh là con trai phố cổ. Phố cổ mái ngói rêu phong cũng đang thời thay đổi. Sau cái vẻ đẹp cao sang và kiêu kỳ của nó, anh thấp thỏm lo nỗi đổi thay tình người. Bài thơ "Mang trăng vào phố" là nỗi buồn bảng lảng mà anh không giấu được. Hình ảnh cô thôn nữ chất phác về thành phố tìm chàng trai kinh kỳ sau lần gặp gỡ tình cờ và lời hẹn hò bâng quơ. Lòng thật thà cả tin của cô gái quê chỉ biết đem sản vật quê đẹp nhất, thật thà nhất của mình về làm quà dâng cho người hò hẹn. Đấy là ánh trăng quê. Cô thầm tin trăng quê có vẻ đẹp trong sáng hơn hẳn vầng trăng thành phố.
Gói tròn một đẫy trăng xa
Mang lên thành phố làm quà tặng ai?
Người đựng quà quê trong đẫy (loại túi khâu bằng chéo vải), chứ không phải đựng trong chiếc cặp, chiếc túi, chiếc ví da kiểu cách. Quà quê không phải là hoa quả vườn nhà, hoặc đỗ lạc khoai củ đồng nhà. Nó lại là một đẫy trăng quê. Thì rõ là cô gái quê cả tin và lãng mạn quá rồi. Chính sự cả tin, cô đã bị thất vọng: "Ai ơi! Phố như giăng chài/ Lầu cao khó ngắm, nhà dài khó xem/ Khó nhìn một ngọn gió êm/ Khó coi vài áng mây mềm rong chơi". Cả tin lời hò hẹn. Rồi đi tìm người hò hẹn giữa phố xá phồn hoa. Cô gái quê càng thất vọng:
Em đi tha thẩn mọi nơi
Chẳng tìm thấy bóng dáng người hôm nao.
Để rồi cô đành thốt lên với chính mình "Hóa ra mình đã rơi vào vu vơ". Kết cục về sự cả tin với tình trai phố thị, cô gái quê thật thà tội nghiệp chỉ còn biết: "Dừng chân ghế đá bên hồ", để rồi buồn bã cởi tay đẫy "Lặng lẽ thả trăng mơ về trời".
Có lẽ đây là bài thơ hay nhất viết về phố cổ của anh. Bài thơ chả chê trách, đay nghiến, nhưng đọc xong, người lặng buồn. Hẳn có người vội trách, thì ai bảo dễ tin, cho chết. Nhưng người đọc lại thấy nỗi thông cảm bùi ngùi lan tỏa. Thời trước, thi sĩ Nguyễn Bính đã phải kêu lên "Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi" với cô thôn nữ bỏ làng lên phố, bị thành phố nhuộm màu văn minh, dần mất chất chân quê. Ở bài thơ "Mang trăng vào phố" của Cao Như Dương, lại như một nỗi hận phố phường. Thơ hay, tạo ra sự lan tỏa âm thầm. Nó mê hoặc, dẫn dụ người đọc đi từ cảm xúc đến nhận thức. 
Chân dung ông chủ cửa hàng đồ hiệu thời trang thưở nào, quần là áo lượt thẳng băng, hai tay áo cài hai măng-séc đắt tiền, mái tóc chải bồng óng mượt, râu quai nón tỉa kỹ, sức  nước hoa thơm nức, dần bị những câu thơ mê mị và lãng đãng bỏ bùa. Có lúc anh sở hữu bốn ngôi nhà mặt tiền phố cổ, rồi lần lượt bán hết, anh rút về ở một căn hộ khiêm nhường trong ngõ nhỏ để làm thơ. Chả biết có phải tại làm ăn buôn bán trắc trở, thua lỗ, hay tại Thơ hành hạ? Thơ anh vẫn viết về hương vị quê, hòng tìm lại sự mộc mạc giản dị.