Đời sống văn hóa bỗng dưng ồn ào lên vì cuốn hồi ký “Một đời giông bão” của Thương Tín. Rất nhiều ý kiến gay gắt khiến dư luận gợi nhớ đến những rắc rối từ cuốn hồi ký “Lê Vân – Yêu và sống” cách đây không lâu. Thương Tín là một gương mặt diễn viên có thành tựu. Thương Tín không quá đẹp trai phong nhã nếu so sánh những nghệ sĩ cùng thời như Trần Quang hay Nguyễn Chánh Tín, nhưng bằng tài năng của mình vẫn có được chỗ đứng trong lòng khán giả nhiều lứa tuổi. Hồi ký của Thương Tín ngay lần phát hành đầu tiên đã in một vạn bản, chứng tỏ giới kinh doanh sách đã đánh hơi được sức hấp dẫn từ “Một đời giông bão” đối với thị trường.



GIÔNG BÃO THƯƠNG TÍN VÀ KỸ THUẬT HỒI KÝ

LÊ THIẾU NHƠN

Thực chất, “Một đời giông bão” quẩn quanh chuyện yêu đương, chỉ có giông bão… phía ngoài trang sách. Nghĩa là những mối tình được Thương Tín kể lại khiến độc giả cảm thấy bất an và bức xúc. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện cho rằng Thương Tín cần biết giới hạn sự thật và có những điều không nên nói ra, hoàn toàn không thỏa đáng. Hồi ký có thế mạnh giúp con người có được cảm giác an toàn để nhìn thẳng vào sự thật, bằng phương tiện hữu hiệu là độ lùi thích hợp của thời gian. Hồi ký không có biên độ tiết lộ sự thật, mà hồi ký yêu cầu năng lực phô diễn sự thật. Vì vậy, cần minh định, những thị phi xung quanh “Một đời giông bão” không phải câu chuyện pháp lý dân sự, mà là câu chuyện kỹ thuật hồi ký!
Hồi ký xuất hiện rất sớm ở phương Tây, nhưng với các nước phương Đông như Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ. Do đó, độc giả hơi nao núng khi đọc hồi ký, mà tác giả cũng hơi mơ hồ khi viết hồi ký. Về mặt thể loại, hồi ký không có cấu trúc cố định, khác hẳn với tự truyện và tiểu sử nhân vật. Hồi ký tập trung vào những ấn tượng lưu giữ theo năm tháng của tác giả, nên định dạng khá phong phú theo hướng khai thác tối đa cảm xúc và nhận thức cá nhân. Có thể chia ra hồi ký ngoại giao, hồi ký chiến trường, hồi ký giáo dục, hồi ký lập nghiệp hoặc cả hồi ký cày thuê, hồi ký vác mướn. Chính tầm văn hóa của tác giả sẽ xác định vị trí của hồi ký. Cùng tham gia nghệ thuật thứ bảy, hồi ký của Đặng Nhật Minh là hồi ký điện ảnh còn hồi ký của Thương Tín là hồi ký tình ái!
Đã là hồi ký, thì phải chân thành với sự thật đã diễn ra. Trừ những cuốn sách chỉ dùng khái niệm ấy như một cách đặt tên, ví dụ “Hồi ký Hadrien” của nhà văn Pháp - Yourcenar Marguerite là một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời La Mã, hoặc tác phẩm của Marquez “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” hoàn toàn xóa nhòa hư thực để phản ánh sự quẫy đạp của phẩm giá trước mọi nghịch cảnh trớ trêu.
Hồi ký “Một đời giông bão” nhằm chứng minh Thương Tín có số đào hoa, nên không ngần ngại phơi bày những bóng hồng đã từng hẹn hò và yêu đương với nam tài tử. Thương Tín có quyền ấy, và cũng không ai cấm được Thương Tín khoe khoang chiến tích chinh phục đàn bà. Tuy nhiên, trong cơn hào hứng của Thương Tín, “Một đời giông bão” đã bộc lộ hai khuyết điểm về mặt kỹ thuật hồi ký.
Thứ nhất, đối với các nhân vật có liên quan trong hồi ký cần nhất quán về tên gọi, hoặc viết tên tắt, hoặc viết tên thật. Không thể viết chuyện xấu thì bằng tên tắt, viết chuyện tốt thì bằng tên thật. Sự lung tung về ký hiệu đối tượng, vừa trực tiếp tạo nhầm lẫn, vừa gián tiếp… gợi ý cho độc giả suy diễn không hay.
Thứ hai, hồi ký vận hành theo cơ chế trần thuật chủ quan, do đó tác giả phải biết tận dụng sự chi phối yêu ghét và sự xô đẩy quên nhớ của ký ức, để loại trừ những hệ lụy có thể phát sinh nguy cơ mang tính chất trừng phạt hoặc sát thương những đối tượng liên quan. Đòi hỏi kỹ thuật này đã không được xử lý khéo léo trong “Một đời giông bão”.

Trong xã hội văn minh, hồi ký luôn là một thể loại trọng yếu, để cuộc đời với trang sách song hành và thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta đang tập làm quen với hồi ký, vì vậy cả độc giả lẫn tác giả đều phải có chung niềm tin: hồi ký là vũ khí giải mật cho bầu trời quá khứ, và hồi ký cũng là vũ khí giải thiêng cho bóng tối im lặng!