Ở Việt Nam, những người giàu tầm cỡ thế giới thì chưa có, nhưng những người giàu để mặt bằng chung thế giới phải nể thì không thiếu. Đã có những đại gia Việt Nam khiến cho người đại diện hãng Rolls Royce phải há hốc mồm kinh ngạc khi đưa ra yêu cầu mua một phiên bản hạn chế xe Rolls Royce cụ thể kèm theo bổ sung "dát vàng vào những chi tiết trang trí đang sử dụng kim loại cho tôi". Song, ở Việt Nam, không có những người giàu biết trân trọng giá trị của văn hoá như cách họ trân trọng giá trị của tiêu thụ xa xỉ. Định nghĩa về nghệ thuật của họ cũng tầm thường đến vô cùng. Đơn cử, một tổng giám đốc một tập đoàn lớn từng thổ lộ rằng thầy phong thủy yêu cầu nhà nên treo tranh có yếu tố "cát" ở trong đó. Và ông ta đã bất lực trong việc lùng một bức tranh có vẽ cát, như bờ biển; bãi sông chẳng hạn, ở khu Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Có thể nói, một bộ phận những người giàu Việt Nam hiện nay khá thảm thương khi họ mới chỉ là tập hợp của 2 con người: người tạo ra giá trị và một kẻ tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng đến mê muội.



ĐẠI GIA XỨ TA SAO GIỐNG NHƯ TRỌC PHÚ?

HÀ QUANG MINH

Trong cuộc đánh giá lại tài sản gần nhất, vào tháng 10/2015, Bill Gates đã bị ông chủ của tập đoàn thời trang tiêu dùng Zara đánh bại ở vị trí người giàu số 1 thế giới. Khối tài sản trị giá 101 tỷ USD của ông trùm công nghệ Bill Gates nay chỉ còn ở mức 40 tỷ USD mà thôi. Nhưng trong mắt rất nhiều người trên thế giới, Bill Gates vẫn là người giàu số 1. Đơn giản, họ không chỉ nhìn vào bao nhiêu tỷ USD mà ông đang có. Họ nhìn vào tấm lòng, con người, tâm hồn của Bill Gates. Với họ, ông giàu nhân đức, khi sự sụt giảm tài sản đến già nửa kia đến từ nguyên nhân chính: ông cống hiến tài sản của mình vô điều kiện cho các qũy từ thiện, một hoạt động mà ông say mê nó y như người bạn thân của mình, tỷ phú Warren Buffet.
Song, nếu xét ở một khía cạnh khác, Bill Gates cũng là một người giàu bậc nhất thế giới. Đó là khía cạnh văn hóa. Ông say mê sưu tầm những bản thảo viết/vẽ tay của danh họa Leonardo Da Vinci, đặc biệt là những bản thảo thiết kế của danh họa kiêm bậc thầy sáng tạo kỹ thuật người Ý. Song song với các bản chép tay huyền thoại đó, Bill Gates say mê hội họa. Ông lừng danh trong việc sưu tầm những họa phẩm của họa sỹ Mỹ thế kỷ 19 Winslow Homer và chính ông là người đã đưa Winslow Homer thành họa sỹ Mỹ có tác phẩm được bán với giá đắt nhất trong lịch sử khi mua bức "Lost on the Grand Banks" (vẽ năm 1885) với giá 36 triệu USD.
Trước đó, Bill Gates cũng từng nổi danh khi mua đấu giá những bức tranh như "Distance Thunder" (1961-của hoạ sỹ Andrew Wyeth - 7 triệu USD); "The Nursery" (của William Merritt Chase, 10 triệu USD); "Polo Crowd" (George Bellow, 28 triệu USD); "Room of Flowers" (Childe Hassam, 20 triệu USD). Một huyền thoại công nghệ khác, Steve Jobs, cũng là một nhà sưu tầm tranh có tiếng. Chính đam mê hội họa đã khiến Jobs định nghĩa về công nghệ như một sản phẩm nghệ thuật, một khái niệm rất rộng, và mơ hồ, và không dễ thẩm thấu.
Và đặc biệt, họ có "chơi" không? Họ rất dân chơi, với cả những bộ sưu tập siêu xe khủng thực sự, những siêu xe hàng hiếm, và thuộc phiên bản hạn chế của những nhà sản xuất hàng đầu.
Vậy là những người giàu ấy là tập hợp của những con người cụ thể: một người tạo ra sản phẩm; một người của chủ nghĩa tiêu thụ và một nhà văn hóa đúng nghĩa.
Ở Việt Nam, những người giàu tầm cỡ thế giới thì chưa có, nhưng những người giàu để mặt bằng chung thế giới phải nể thì không thiếu. Đã có những đại gia Việt Nam khiến cho người đại diện hãng Rolls Royce phải há hốc mồm kinh ngạc khi đưa ra yêu cầu mua một phiên bản hạn chế xe Rolls Royce cụ thể kèm theo bổ sung "dát vàng vào những chi tiết trang trí đang sử dụng kim loại cho tôi".
Song, ở Việt Nam, không có những người giàu biết trân trọng giá trị của văn hoá như cách họ trân trọng giá trị của tiêu thụ xa xỉ. Định nghĩa về nghệ thuật của họ cũng tầm thường đến vô cùng. Đơn cử, một tổng giám đốc một tập đoàn lớn từng thổ lộ rằng thầy phong thủy yêu cầu nhà nên treo tranh có yếu tố "cát" ở trong đó. Và ông ta đã bất lực trong việc lùng một bức tranh có vẽ cát, như bờ biển; bãi sông chẳng hạn, ở khu Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Có thể nói, một bộ phận những người giàu Việt Nam hiện nay khá thảm thương khi họ mới chỉ là tập hợp của 2 con người: người tạo ra giá trị và một kẻ tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng đến mê muội.
Người giàu, ở những nước văn minh, là những người không chỉ sung túc của cải, mà họ còn sung túc cả văn hoá. Sự sung túc song song ấy biến họ thành một con người ở đẳng cấp khác. Và khi mặt bằng chung xã hội nhiều khát vọng phấn đấu muốn được như họ, tất cả đều phải tự ý thức rằng mình phải sung túc cả hai mặt: vật chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó, ở Việt Nam, dường như chỉ cần sung túc một nửa, tức của cải, là đã đủ. Và bởi thế, chính những người giàu Việt đã định nghĩa ra một tiêu chuẩn phấn đấu thấp kém cho những người bình dân. Từ đó, cả một xã hội đua nhau phấn đấu để trở thành những người có của, những người, dù không muốn, vẫn phải gọi họ là "trọc phú".
Bill Gates từng nói một câu rất hay về bộ sưu tầm bản thảo của Da Vinci rằng, "Tôi có những giấc mơ lớn về chúng từ thời thơ ấu. Và điều tuyệt diệu nhất là khi trưởng thành, tôi đã có thể được đọc thêm rất nhiều từ đó". Vâng, ông đã giàu thêm rất nhiều từ đó, sự giàu có đúng nghĩa của một con người vẫn còn nguyên khát vọng, đam mê, và một tâm hồn rộng mở, khi ông đã ở vào tuổi 60.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần phải có một định nghĩa lại về sự giàu, để ở Việt Nam, phải có những con người giàu có thực thụ về của cải vật chất và gia tài văn hóa mà họ bảo tồn và gìn giữ.