Quan điểm của nhạc sĩ – nhà báo Hà Quang Minh: “Tình trạng chung của xã hội Việt Nam hiện giờ khá lộn xộn và do đó, nhất thiết cần khuyến khích xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, thậm chí có thể có thêm cả sự hỗ trợ của pháp luật để các bộ quy tắc ứng xử đó có sức mạnh hơn nữa. Đơn cử như trong làng báo chí thôi, chúng ta vẫn nhận ra rằng có nhiều nhà báo lại đang hoạt động tay ngang ở các lĩnh vực dễ mâu thuẫn quyền lợi giữa cái riêng với cái chung của nghề. Nhà báo kinh tế thì đỡ đầu doanh nghiệp; nhà báo thể thao thì tham gia làm môi giới cầu thủ; nhà báo văn nghệ thì bảo kê cho nghệ sỹ… Tất cả những hoạt động đó đều vi phạm nghiêm trọng quy ước ứng xử (nếu có) và nó đã hình thành nên những hệ lụy đáng để thở dài”.




ĐÃ TỚI LÚC PHẢI CÓ NHỮNG QUY ƯỚC ỨNG XỬ CHUNG

HÀ QUANG MINH

Sinh sống, tồn tại, hoạt động trong một quốc gia nào, chúng ta phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó. Đấy là điều không cần phải nhắc lại với bất kỳ ai, bởi nó không chỉ thể hiện trách nhiệm của một cá nhân với cộng đồng mà nó còn cho thấy rằng cá nhân ấy là một con người có đầy đủ tri thức, kiến thức tối thiểu để hoà nhập với cả một xã hội. Pháp luật và thượng tôn pháp luật là những yếu tố cần phải có với mỗi xã hội và đủ để xã hội ấy phát triển như một cơ thể lành mạnh thực sự. Song, không phải lúc nào pháp luật cũng có thể can thiệp đến từng chi tiết của đời sống được. Và bởi thế, vẫn sẽ có những mâu thuẫn xảy ra, mà soi chiếu theo các khung của luật pháp, các bên tham gia trong mâu thuẫn ấy không ai phạm pháp cả. Tuy nhiên, giữa các bên tham gia đó vẫn sẽ phải có một phía có lý hơn, đúng đắn hơn phía còn lại. Và chính vì thế, để những mâu thuẫn như thế không thể phát sinh, đã có một công cụ dưới luật được sử dụng phổ biến ở rất nhiều nơi, nhưng tiếc rằng lại chưa hề phổ biến ở Việt Nam cho dù tình hình Việt Nam hiện nay cần tới công cụ ấy hơn bao giờ hết.

 Đó chính là quy ước, quy tắc ứng xử chung (code of conduct) cho từng cá nhân, cộng đồng cụ thể.
Theo định nghĩa, quy ước hành xử là một bộ nguyên tắc chỉ ra các tiêu chuẩn chung, các quy ước, các trách nhiệm của một cá nhân, một tập thể, một tổ chức nào đó và chúng có liên quan đến các ý niệm bao hàm đạo đức, danh dự, nguyên tắc luân lý và tín ngưỡng. Nói chung, các bộ quy ước này thường được xây dựng cho một cộng đồng nào đó, có thể là một làng (như chúng ta vẫn có hương ước trước đây); một dòng họ; một tổ chức ngành nghề; một công ty; tập đoàn; một hội đoàn; thậm chí là một hệ thống công sở của nhà nước. Chính cái quy ước chung ấy sẽ là điều ràng buộc những cá nhân tham gia cộng đồng và trong trường hợp cá nhân nào đó vi phạm quy ước chung, anh ta nghiễm nhiên bị loại khỏi cộng đồng ấy. Tuy nó chỉ là những quy định dưới pháp luật rất nhiều nhưng nó lại có sức ràng buộc rất lớn. Hãy hình dung thế này, ta có thể ở khía cạnh nào đó, thời điểm nào đó, làm những điều vi phạm pháp luật nho nhỏ mà không ai để ý tới và ta cũng mặc kệ, cho qua, không thấy ân hận. Song, nếu ở trong một cộng đồng, ta làm sai quy ước của cộng đồng đó, ta lập tức sẽ bị nhìn nhận như một “con cừu đen” và rõ ràng cảm giác bị cô lập là thứ không ai thích chút nào. Thậm chí, có những quy ước còn ngặt nghèo đến mức người đã từng vi phạm sẽ vĩnh viễn không được chấp nhận tái nhập cộng đồng ấy nữa. Thậm chí, có những quy ước hành xử của những cộng đồng còn được hỗ trợ mạnh mẽ bởi luật pháp. Hãy thử tưởng tượng nếu một luật sư vi phạm quy ước hành xử của giới luật sư, và sau đó không được phép hành nghề như luật sư nữa, người ấy sẽ nghĩ gì trước khi hành động? Chắc chắn, để bảo vệ danh dự, uy tín và vị thế của mình, quy ước hành xử của nghề luật sẽ không bao giờ bị người luật sư ấy xé rào.

Một trong những cơ sở đầu tiên của các bộ quy ước hành xử chính là lời thề Hippocrates của ngành Y. Còn ở Việt Nam, các lệ làng, hương ước, quy ước của dòng họ cũng là một dạng quy ước hành xử ấy. Nhưng ở ngày hôm nay, dường như người Việt đã bỏ qua tầm quan trọng của nó và điều đó dẫn đến quá nhiều sự việc không hay. Đơn cử như chuyện những nhân viên lên facebook xúc phạm cơ quan mình đang làm việc chẳng hạn. Tiêu chuẩn chung của rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề trên thế giới là nghiêm ngặt cấm việc bôi nhọ đồng nghiệp, tổ chức trên mạng xã hội và đưa nó vào bộ quy tắc ứng xử của mình. Chính vì thế, những cá nhân thuộc các tổ chức nằm trong quy chiếu của dạng quy tắc ứng xử đó luôn luôn có ý thức trách nhiệm rõ ràng trước khi đăng tải bất kỳ điều gì lên mạng xã hội.

Trong khi đó, tình trạng chung của xã hội Việt Nam hiện giờ khá lộn xộn và do đó, nhất thiết cần khuyến khích xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, thậm chí có thể có thêm cả sự hỗ trợ của pháp luật để các bộ quy tắc ứng xử đó có sức mạnh hơn nữa. Đơn cử như trong làng báo chí thôi, chúng ta vẫn nhận ra rằng có nhiều nhà báo lại đang hoạt động tay ngang ở các lĩnh vực dễ mâu thuẫn quyền lợi giữa cái riêng với cái chung của nghề. Nhà báo kinh tế thì đỡ đầu doanh nghiệp; nhà báo thể thao thì tham gia làm môi giới cầu thủ; nhà báo văn nghệ thì bảo kê cho nghệ sỹ… Tất cả những hoạt động đó đều vi phạm nghiêm trọng quy ước ứng xử (nếu có) và nó đã hình thành nên những hệ lụy đáng để thở dài.

Nếu có những quy ước ứng xử rõ ràng, minh bạch, thậm chí chúng ta còn giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn mà đơn cử là quỹ lương công chức. Có nhiều vị trí công tác ở các đơn vị hành chính nhà nước buộc phải sử dụng công chức, chuyên viên chứ không thể thuê lao động hợp đồng bên ngoài bởi những gì người công chức ấy làm ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo của cơ quan. Chính vì thế, nạn tiêu cực thi tuyển công chức mới có cơ hội phát sinh. Nhưng giả sử như có những bộ quy ước ứng xử chuẩn mực, chỉ cần một người lao động hợp đồng hiểu việc, hiểu nghề và biết tuân thủ theo quy ước kia một cách nghiêm túc, rủi ro ảnh hưởng uy tín của đơn vị sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Nói chung, quy ước hành xử sẽ giúp con người ta soi chiếu lương tâm mình có công chính hay không mỗi giờ, mỗi ngày. Và xây dựng những quy ước hành xử cũng chính là việc góp phần xây dựng một lương tâm xã hội chung đầy liêm chính, đúng đắn, trách nhiệm…, điều mà chúng ta vẫn mong mỏi bấy lâu nay.