Ở tận đáy sâu thăm thẳm ấy, người hát nhạc Bolero như đang hát về hoàn cảnh, về tâm sự của chính mình và người nghe thì cảm thấy như lòng mình được xoa dịu bằng những giai điệu, ca từ thật ngọt ngào, sâu lắng. Một đặc tính khác khiến cho dòng nhạc Bolero được khán giả ưa chuộng, đó là trong khi điệu Bolero nguyên thủy là loại nhạc được viết theo nhịp 3/4, sau khi du nhập vào Việt Nam lại được viết theo nhịp 4/4. Cách chia tiết tấu này rất phù hợp với giai điệu các bài dân ca miền Nam, hợp với làn điệu "Vọng cổ" của âm nhạc tài tử và cải lương. Đây chính là yếu tố giúp cho người thưởng thức "hứng khởi" mỗi khi nghe nhạc Bolerovì họ cảm thấy nó rất thân quen, gần gũi.



KHÚC TỰ TÌNH BOLERO

PHẠM THÁI BÌNH

Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước Bolero du nhập vào Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, dòng nhạc độc đáo này không chỉ góp phần làm thêm sự phong phú cho nền âm nhạc nước nhà, mà nó vẫn còn hiện hữu trong trái tim của giới mộ điệu âm nhạc.
Đôi điều về nhạc bolero
Bolero là điệu nhảy dân tộc của Tây Ban Nha sáng tạo bởi vũ sư Sebastian Zerezo vào năm 1780 và phát triển sang các nước Châu Mỹ La tinh (nhất là Cuba) sau đó một thế kỷ. Có nguồn gốc từ Ma-rốc, nó được nhảy solo hoặc nhảy đôi, với trống lắc tay, phách, đàn guitar và giọng nói của các vũ công như phần đệm. Nguyên thủy ban đầu của điệu Bolero có tiết tấu nhanh, mạnh và phù hợp với bước nhảy của các vũ công.
Tại Việt Nam, điệu Bolero du nhập vào miền Nam vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 20, lúc phong trào tân nhạc đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhạc sĩ ở miền Nam bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống trong những sáng tác của mình.
Hai thập niên 60-70 của thế kỷ 20 là đỉnh điểm phát triển thịnh hành của dòng nhạc Bolero. Với phong trào "Thời trang nhạc tuyển", đâu đâu cũng có hiện tượng "người người hát Bolero, nhà nhà nghe Bolero". Do vậy mà rất nhiều bản nhạc Bolero với ca từ và giai điệu mộc mạc, bình dị được thu âm vào băng cassette hoặc đĩa nhựa và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời điểm lúc bấy giờ ở miền Nam.
Âm nhạc có ba yếu tố chính đó là người sáng tác, người biểu diễn và khán giả. Ba trụ cột đó luân chuyển theo vòng tròn. Dòng nhạc Bolero hội đủ tương tác của cả ba yếu tố quan trọng này. Người chơi nhạc thuộc lòng các bản nhạc, còn khán giả thì luôn hứng khởi khi hát theo những điệu nhạc đang được ca sĩ trình bày.
Vì sao nhạc Bolero vẫn bền bỉ với thời gian?
"Ca từ giản dị, gần gũi, giai điệu nhẹ nhàng, êm ái nên dễ được mọi người yêu thích" - đó là nhận xét của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, người từng thành công với những ca khúc mang giai điệu Bolero khi nói về dòng nhạc đặc sắc này. Nhạc sĩ Tiến Luân lại cho rằng:  "Sở dĩ dòng nhạc Bolero nó vẫn còn chỗ đứng cho đến ngày hôm nay là vì cuộc sống bây giờ hối hả, tấp nập quá… đôi khi con người ta cần có những giây phút tĩnh lặng để thư giãn, nghỉ ngơi. Những ca khúc thuộc dòng nhạc Bolero đáp ứng được nhu cầu đó vì tiết điệu của nó khá chậm rãi, lời ca giàu chất văn học, ý nghĩa sâu sắc, trùng hợp với tâm trạng của nhiều người nên nó được ưa chuộng".
Quả thật, dòng nhạc Bolero thường có giai điệu đơn giản và trữ tình nên dễ đi vào lòng người. Nó chạm tới hoàn cảnh của số đông người nghe, tạo cho họ một khoảng lặng như được an ủi, vỗ về bởi những đồng cảm rất sâu và rất thực. Từ những ca khúc mang âm hưởng đồng quê như: "Gạo trắng trăng thanh" của Hoàng Thi thơ, "Khúc ca ngày mùa" của Lam Phương, "Lối về xóm nhỏ" của Trịnh Hưng, "Nắng lên xóm nghèo" của Phạm Thế Mỹ… người nghe như được thấy quê hương Việt Nam luôn yên bình, thơ mộng; cho đến những bản nhạc tự sự trữ tình như: "Hàn Mặc Tử" của Trần Thiện Thanh, "Chuyện tình Lan và Điệp" của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh v.v... hay những bản nhạc hoài niệm về ngày tháng cũ, về thân phận cô đơn và chia ly như: "Đường xưa lối cũ" của Hoàng Thi Thơ, "Buồn trong kỷ niệm" của Trúc Phương, "Hoa mười giờ" của Đài Phương Trang, "Cho vừa lòng em" của Mặc Thế Nhân, "Gái nhà nghèo" của Cô Phượng, "Sầu lẻ bóng" của Anh Bằng… là những vần điệu tình tứ và riêng tư về cuộc đời dâu bể đa đoan. Chúng đã dìu người nghe vào tận ngút ngàn nỗi buồn nhân thế, nhưng lại không quá bi lụy hay đẩy cao oán hờn.
Ở tận đáy sâu thăm thẳm ấy, người hát nhạc Bolero như đang hát về hoàn cảnh, về tâm sự của chính mình và người nghe thì cảm thấy như lòng mình được xoa dịu bằng những giai điệu, ca từ thật ngọt ngào, sâu lắng. Một đặc tính khác khiến cho dòng nhạc Bolero được khán giả ưa chuộng, đó là trong khi điệu Bolero nguyên thủy là loại nhạc được viết theo nhịp 3/4, sau khi du nhập vào Việt Nam lại được viết theo nhịp 4/4. Cách chia tiết tấu này rất phù hợp với giai điệu các bài dân ca miền Nam, hợp với làn điệu "Vọng cổ" của âm nhạc tài tử và cải lương. Đây chính là yếu tố giúp cho người thưởng thức "hứng khởi" mỗi khi nghe nhạc Bolerovì họ cảm thấy nó rất thân quen, gần gũi.
Một đặc điểm quan trọng nữa khiến cho điệu Bolero được nhiều người yêu thích là do kết cấu phân nhịp và bố cục giai điệu trong những bản Bolero thường tiến dẫn một cách nhịp nhàng, đều đặn, ít có những nốt cao trào đột biến như những tiết điệu khác, nên Bolero có đặc trưng tạo ra một chuỗi giai điệu chậm rãi, pha lẫn chút ngậm ngùi... Và những ca khúc gợi nhớ về dĩ vãng hay tâm sự riêng tư rất thích hợp với loại tiết điệu này. Bolero vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân còn vì nó mang đủ thứ âm hưởng buồn não nề, thê lương, nghẹn ngào, đau đớn, tiếc nuối, ngầm chan chứa nỗi bất hạnh…, nhưng không hề toát ra nỗi uất hận người, hận đời. Nó vẫn còn ẩn mang một khát khao vượt thoát, một sự khoan thứ cao thượng, một sự nâng niu trân trọng tất cả những gì quý giá còn lại, dù là mỏng manh nhất, trong những gì bị coi là đổ vỡ, bị coi là thất bại.
Cần một sự nhìn nhận đúng đắn
Chính sự đa dạng đề tài trong dòng nhạc Bolero là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho ta có thể hát và thưởng thức những tình khúc của dòng nhạc này hàng giờ liền mà không biết chán. Cũng chính sự bình dị, mộc mạc, gần gũi ấy khiến  Bolero còn có tên gọi khác là nhạc "sến". Nếu cho rằng, nhạc Bolero là nhạc "sến", là nhạc bình dân với ý nghĩa khinh miệt thì đó là một sai lầm rất lớn. Đem so sánh những giai điệu, những lời ca của nhạc Bolero và dòng nhạc trẻ bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Ca từ trong những bài nhạc của các nhạc sĩ: Trúc Phương, Thanh Sơn, Tô Thanh Tùng, Mặc Thế Nhân... rất chau chuốt, chan chứa hồn thơ trong từng ý nhạc mà những bài nhạc trẻ bây giờ hầu như không có, không đạt đến. Dù có bị cho là "sến", nhưng ngay những lớp người sang cả cũng không giấu được sự thích thú khi thưởng thức hoặc tự họ hát lên một bản nhạc Bolero trong một giây phút nào đó.
Dòng nhạc Bolero như mạch nước ngầm, di chuyển, thẩm thấu vào tận sâu thẳm đáy tâm hồn của khán giả yêu nhạc, nó đưa họ vào thế giới thanh thản của hiện tại, đặc biệt là gợi lại muôn vàn ký ức trong quá khứ, dù đó là quá khứ đắng cay hay mộng đẹp. Nó có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Trong các quán karaoke, cà phê, phòng trà, tỷ lệ nhạc Bolero chiếm khá cao.
Một dòng nhạc, một bài hát luôn có không gian riêng và chỉ khi thuộc về không gian riêng đó hiệu ứng mới đủ làm nên cảm thụ sâu sắc. Nếu nhìn từ góc độ đó, không gian tình tự Bolero quả thật rất rộng và sâu. Bolero là không gian tự sự - tự tình.  Tình tự Bolero đều có sẵn trong mỗi con người. Điệu Bolero Việt luôn là một cơn gió mát thổi qua và làm rung lên những mạch cảm xúc của mỗi người. Rẻ tiền có, quý giá có, thô vụng có, tinh tế có nhưng hơn hết là rất "người" và không cần che giấu.
Dù trong một thời gian dài, gần như trên các sân khấu ca nhạc, các phương tiện truyền thông đại chúng, các ấn phẩm âm nhạc vắng bóng những nhạc phẩm Bolero, nhưng dòng nhạc này chưa bao giờ mai một. Bây giờ, dòng nhạc này lại được xuất hiện trong rất nhiều chương trình truyền hình như: "Tình khúc vượt thời gian", "Sol vàng" (VTV9); "Solo cùng Bolero", "Tình ca Việt" (THVL), "Những khúc vọng xưa" (Kênh Today  - VTC7)… Bolero đang sống lại, bừng tỉnh?
Giữa dòng nhạc Bolero và người Việt Nam luôn tồn tại lặng thầm một mối đồng vọng mênh mông.

Nguồn: Văn Nghệ Công An