Câu chuyện của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Để phấn đấu đưa phim ra thị trường nước ngoài thì đó là một chặng đường rất gian nan. Tham gia các LHP thế giới, được các giải thưởng thì chúng ta chỉ mới có mặt trong sinh hoạt của nghệ thuật điện ảnh thế giới. Còn tạo được thương hiệu riêng trên thương trường quốc tế thì phim đó phải được căng pano quảng cáo khắp nơi và thu hút nhiều khán giả mua vé. Cách đây 15 năm, một hệ thống rạp chiếu bóng lớn ở Pháp đã mua phim "Mùa ổi" và công chiếu rộng rãi, quảng bá rầm rộ. Sự kiện này khiến Việt kiều ở Paris hết sức vui mừng. Nhiều Việt kiều gặp tôi tâm sự rằng lâu nay ra đường nhắc đến phim châu Á thì chỉ toàn thấy pano của phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... Nay bỗng dưng thấy pano của phim Việt giăng đầy khắp các đại lộ thì tự hào khôn xiết. Rất tiếc là từ đó đến nay thì hình như không còn phim Việt nào của đạo diễn trong nước được phát hành tại Pháp quy mô như thế nữa….”



ĐIỆN ẢNH LÀ SỨC MẠNH MỀM CỦA QUỐC GIA

ĐẶNG NHẬT MINH

Trong thập niên 60 của thế kỉ trước, một nhà phê bình phim người Pháp đã viết bài báo giới thiệu về điện ảnh Việt Nam, trong đó có câu nhận xét: "Đó là một nền điện ảnh ra đời trên bán đảo Indochina (bán đảo Đông Dương) nhưng nó không Indo và cũng không China". Nghĩa là nó không giống phim Ấn Độ và cũng không giống Trung Quốc. Cách nói ví von, chơi chữ đó muốn nhấn mạnh rằng: khi ra đời, điện ảnh Việt Nam đã có một bản sắc riêng, không lẫn với các nền điện ảnh châu Á khác. Nhớ lại những bộ phim đen trắng thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng như "Con chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", và sau này là "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng 10"... thì rõ ràng không ai nói nó giống phim Trung Quốc hay phim Ấn Độ được. Nó mang bản sắc hồn hậu, chất phác và rất ngoan cường, anh dũng của con người Việt Nam. Với bản sắc riêng ấy,  một thời gian dài điện ảnh Việt Nam đã gây chú ý với bạn bè thế giới. Phim Việt xuất hiện ở nhiều LHP quốc tế, giành được nhiều giải thưởng. Đặc điểm của dòng phim này là thực hiện nhiệm vụ chính trị, phản ánh hiện thực sản xuất chiến đấu của quân và dân. Nó cũng có hàm lượng nghệ thuật cao chứ không khô khan, hô khẩu hiệu.

Đến thời kỳ kinh tế thị trường, điện ảnh không đơn thuần là làm nghệ thuật, phục vụ chính trị mà nó còn là một lĩnh vực kinh doanh. Đã kinh doanh thì lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Thị hiếu của khán giả vì thế được đề cao. Những năm gần đây, có thể tạm coi điện ảnh Việt đã chiếm lĩnh, tạo được thương hiệu với thị trường trong nước. Nhưng bấy lâu nay chúng ta chỉ quan tâm chiếm lĩnh thị trường trong nước, còn thị trường nước ngoài thì chưa được quan tâm đúng mực.

Để phấn đấu đưa phim ra thị trường nước ngoài thì đó là một chặng đường rất gian nan. Tham gia các LHP thế giới, được các giải thưởng thì chúng ta chỉ mới có mặt trong sinh hoạt của nghệ thuật điện ảnh thế giới. Còn tạo được thương hiệu riêng trên thương trường quốc tế thì phim đó phải được căng pano quảng cáo khắp nơi và thu hút nhiều khán giả mua vé. Cách đây 15 năm, một hệ thống rạp chiếu bóng lớn ở Pháp đã mua phim "Mùa ổi" và công chiếu rộng rãi, quảng bá rầm rộ. Sự kiện này khiến Việt kiều ở Paris hết sức vui mừng. Nhiều Việt kiều gặp tôi tâm sự rằng lâu nay ra đường nhắc đến phim châu Á thì chỉ toàn thấy pano của phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... Nay bỗng dưng thấy pano của phim Việt giăng đầy khắp các đại lộ thì tự hào khôn xiết. Rất tiếc là từ đó đến nay thì hình như không còn phim Việt nào của đạo diễn trong nước được phát hành tại Pháp quy mô như thế nữa.
Điện ảnh nằm trong quốc sách của nước Mỹ. Chính phủ rất quan tâm điện ảnh, coi nó như chiến lược để xây dựng hình ảnh đất nước, truyền bá văn hóa, phát triển kinh tế và tăng thêm sức mạnh nước Mỹ một cách hiệu quả nhất. Do vậy, lợi ích của điện ảnh được bảo vệ tối đa. Riêng điện ảnh Hàn Quốc được vực lên như ngày hôm nay là nhờ công của cố Tổng thống Kim Dae-jung. Ông ra nhiều chính sách hỗ trợ điện ảnh như quy định số lượng phim Hàn Quốc chiếu rạp, miễn thuế cho phim nội địa... Giải thưởng Điện ảnh Nobel Hòa bình Kim Dae-jung bắt đầu được thành lập từ năm 2011 và đã trở thành giải thưởng thường niên được trao tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju nhằm khích lệ các nhà làm phim quan tâm tới những vấn đề nóng hổi của xã hội như nhân quyền, tự do, hòa bình và môi trường tự nhiên.

Ở Việt Nam, Nhà nước nên có chủ trương và tiếp tục đầu tư cho những bộ phim nghệ thuật khai thác về con người, về xã hội và có bản sắc Việt. Vì những bộ phim như thế  rất dễ tiếp cận với điện ảnh thế giới. Tôi nghĩ, tất cả các đại sứ và những người Việt ở nước ngoài là một đại sứ của phim Việt. Để tạo nên thương hiệu và tìm lại vị thế của điện ảnh Việt, không chỉ dừng lại ở việc cấp kinh phí, Nhà nước phải quan tâm đến điện ảnh như một phương tiện tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia.