Lê Bá Thự là dịch giả nổi tiếng về văn học Ba Lan. Gắn bó với đất nước Ba Lan từ thời sinh viên Khoa Trắc địa bản đồ Đại học Bách khoa Warszawa, về nước dạy đại học, chuyển sang công tác ngoại giao ông trở lại Ba Lan làm Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam từ 1996 - 2000. Nhờ năng khiếu văn chương, ông trở thành một trong những nhịp cầu nối văn hóa Ba Lan - Việt Nam, được Tổng thống Ba Lan tặng Huân chương Công trạng năm 2012. Mới đây, ông trình làng tác phẩm dịch thuật thứ 25 của mình, đó là tập truyện ngắn "Vợ chưa cưới chủ nhật" của nữ nhà văn Hanna Samson.
 
Dịch giả Lê Bá Thự  - Nhịp cầu nối văn học Ba Lan  và Việt Nam

                                                                                        PHAN PHÚ YÊN

     Dịch giả Lê Bá Thự đam mê văn học từ lúc học cấp 3. Ông từng 3 năm liền là học sinh giỏi văn Trường cấp 3 Lam Sơn Thanh Hóa, được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 năm 1963, ông thi đậu vào Khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng sau đó được cử sang Ba Lan học Đại học Bách khoa Warszawa.
     Ông tâm sự: “Công tác trong ngành ngoại giao nhưng trong người tôi lúc nào cũng hừng hực máu văn học. Tôi luôn nghĩ, phải trở lại với văn học dẫu văn học đã tuột khỏi tay tôi ngày nào. Và dịch thuật văn học là con đường khả dĩ nhất cho niềm khát khao văn học của tôi, bởi tôi thông thạo tiếng Ba Lan, lại từng là học sinh giỏi văn, đây chính là lợi thế của tôi. Tuy nhiên, đó chỉ mới là duyên cớ chủ quan, còn duyên cớ khách quan nữa là tôi thực sự đam mê nền văn học Ba Lan, cả cổ điển cũng như đương đại. Đất nước này có tới bốn nhà thơ và nhà văn được giải Nobel. Tôi muốn đưa những tác phẩm văn học Ba Lan đến với bạn đọc Việt Nam. 25 tựa sách văn học Ba Lan mà tôi đã dịch và ấn hành chính là sản phẩm của những tham vọng và nỗ lực văn chương của tôi”.
     Trao đổi về cái khó khi là một dịch giả, ông Lê Bá Thự nói: “Tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Đó chính là cái khó bao trùm nhất đối với người dịch, vì người dịch luôn luôn ở vị thế thụ động. Dịch giả chẳng thể đòi tác giả phải viết những gì mình biết để cho dễ dịch. Trái lại, dịch giả phải dịch tuốt tuột những gì tác giả viết, bất kỳ đề tài nào, bất kỳ lĩnh vực nào, bất kỳ đối tượng nào…”. Theo ông, ngoài những yêu cầu như phải giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt, người dịch phải có phông văn hóa rộng là một yêu cầu không kém phần quan trọng. Người dịch càng từng trải, càng uyên thâm, càng hiểu nhiều, biết lắm thì càng thuận lợi, tự tin trong công việc, có thể chuyển ngữ đúng và hay bất kỳ tác phẩm nào của tác giả. Cái tài của người dịch cũng chính là ở đó.
     Có lẽ dịch giả văn học Ba Lan hay bất kỳ dịch giả văn học nào cũng đều có những khó khăn và thuận lợi như nhau. Và dịch giả văn học Ba Lan phải là người am tường văn hóa, phong tục tập quán, tính cách của người Ba Lan. Các tác phẩm văn học điển hình hóa đời thường, các nhân vật văn học sống cuộc sống đời thường, họ giao tiếp, ăn nói theo ngôn ngữ đời thường, sử dụng nhiều khẩu ngữ, phương ngữ, thành ngữ đời thường, cho nên người dịch văn học Ba Lan sẽ dịch đúng và dịch hay nếu am hiểu sâu đời thường của người Ba Lan.
     Trong số 25 tác phẩm văn học Ba Lan mà dịch giả Lê Bá Thự đã dịch và xuất bản ở Việt Nam, ông cảm thấy tâm đắc nhất trước tiên là Pharaon, bộ tiểu thuyết lịch sử khá đồ sộ của nhà văn Boleslaw Prus, viết về Ai Cập cổ đại thế kỷ XI trước Công nguyên. Đây là một tác phẩm hay về phương diện tiểu thuyết, đồng thời cũng là một cuốn sách rất giá trị, đầy ắp những kiến thức về Ai Cập cổ đại, giúp người đọc có thể hiểu biết các Pharaon (các vị vua Ai Cập), khám phá các công trình thế kỷ là biểu tượng của nền văn minh Ai Cập, như Kim tự tháp Kheov, tượng nhân sư và đền ngầm Horus, mê cung Lope-ro-hunt, hồ nhân tạo Moeris rộng 300km² hay tục ướp xác và các phong tục tập quán khác của người Ai Cập cổ đại.
     Theo kế hoạch, NXB Văn học sẽ in tiểu thuyết Pharaon bộ mới vào cuối năm nay. Các tác phẩm tiếp theo ông tâm đắc là Quà của Chúa, Xin cạch đàn ông, Hy vọng, Những khoái cảm khác (tiểu thuyết), Ban công lên trời, Con voi, Vợ chưa cưới chủ nhật (tập truyện ngắn). Dịch giả Lê Bá Thự nói: “Tiêu chí chọn tác phẩm để dịch của tôi là phải hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của mình cũng sẽ thích. 25 tác phẩm văn học tôi đã dịch và xuất bản ở Việt Nam về căn bản đều thỏa mãn tiêu chí này”.
     Nói về việc văn học Việt Nam được dịch thuật và đón nhận ra sao ở Ba Lan, dịch giả Lê Bá Thự cho biết, đã có trên 30 tác phẩm văn học Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng Ba Lan. Năm 1929, Nhà xuất bản Rój ở Warszawa đã in Truyện Kiều của Nguyễn Du. Năm 1966 và năm 1975 Truyện Kiều lại được in ở Ba Lan. Trong số các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Ba Lan phải kể đến: Thơ Việt Nam (1962), Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh (1963), Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan (1965), Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi (1970), Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (1995)…
     Theo dịch giả Lê Bá Thự, nhìn chung văn học Việt Nam còn khá khiêm tốn ở Ba Lan, chưa xuất hiện nhiều và chưa có nhiều người đọc. Nguyên do, theo ông là chưa có nhiều tác phẩm văn học trực dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ba Lan. Ông nói: “Tôi hy vọng sẽ đến lúc văn học nước ta hiện diện mạnh mẽ ở Ba Lan như văn học Ba Lan đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này trông cậy rất nhiều vào các dịch giả trẻ người Việt cũng như người Ba Lan trẻ tuổi thông thạo tiếng Việt sẽ xuất hiện trong tương lai”.