Lê Khắc Hân chọn cách điềm tĩnh và tỉ mỉ khi khám phá chân dung mỗi văn nghệ sĩ. Lê Khắc Hân không bị lóa mắt bởi danh vọng của nhân vật, và Lê Khắc Hân càng không khoe khoang cái tôi khi bên cạnh nhân vật. Những tên tuổi như Trà Giang, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Kim Cương, Hồ Kiểng, Măng Thị Hội, Tuấn Phong, Tạ Minh Tâm… chắc chắn không xa lạ với công chúng, nhưng qua ngòi bút của Lê Khắc Hân lại thấy họ ở góc độ khác, gần gũi hơn mà đáng quý hơn. Phải chăng Lê Khắc Hân có bí quyết để viết chân dung nhân vật? Có đấy, bí quyết ấy không lâm ly hay bùa phép gì. Bí quyết ấy rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được: chân thành tin yêu nhân vật của mình, tận tụy tiếp cận nhân vật của mình. Để làm gì? Để hiểu con đường đi đến thành công của họ, không phải nhằm chiếm lĩnh hào quang hư ảo, mà nhằm tìm kiếm phẩm vị làm người biết sáng tạo, biết rung động, biết cống hiến.



CẦU VỒNG PHÍA TRƯỚC CƠN MƯA

LÊ THIẾU NHƠN

Viết chân dung văn nghệ sĩ càng ngày càng khó. Bởi lẽ, xã hội nháo nhào danh lợi, ai cũng thu mình lại, nép vào một góc kín riêng tư nào đó, để tự vệ chính đáng, để mưu cầu an toàn. Mặt khác, sự cạnh tranh đến mức chụp giật của báo mạng và xu hướng trình diễn lấy mắt bù tai, đã trực tiếp làm lung lạc giá trị nghệ thuật. Bây giờ, dù rất ê chề và rất bẽ bàng, chúng ta vẫn phải thành thật thú nhận với nhau: một bức ảnh hở hang hoặc một câu phát ngôn gây sốc, thì phần lớn bạn đọc sẽ hưng phấn hơn một bài đánh giá nghiêm túc về tác giả hoặc tác phẩm!

Vậy mà nhà báo kỳ cựu Lê Khắc Hân vẫn lặng lẽ theo đuổi thể loại bút ký nhân vật. Sự từng trải và sự lịch lãm giúp ông thừa biết rằng, đó là một sự cố chấp. Thế nhưng, ông vẫn tình nguyện cố chấp bằng thái độ của một người trân trọng cái đẹp đích thực!

Thế hệ nhà báo của Lê Khắc Hân có lý tưởng thủy chung với ngòi bút. Không ganh đua cái nhất thời, không chiều chuộng cái diêm dúa, không cổ súy cái kệch cỡm. Mỗi bài bút ký nhân vật, không đặt nặng cốt lỗi ở khen chê, mà giống như một lần đặt cược với danh dự bản thân. Niềm vui của nhân vật thể hiện qua từng câu chữ rạng rỡ, còn nỗi cay đắng của nhân vật lại trở thành tiếng thở dài của người viết bên ngoài bản thảo.

Lê Khắc Hân chọn cách điềm tĩnh và tỉ mỉ khi khám phá chân dung mỗi văn nghệ sĩ. Lê Khắc Hân không bị lóa mắt bởi danh vọng của nhân vật, và Lê Khắc Hân càng không khoe khoang cái tôi khi bên cạnh nhân vật. Những tên tuổi như Trà Giang, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Kim Cương, Hồ Kiểng, Măng Thị Hội, Tuấn Phong, Tạ Minh Tâm… chắc chắn không xa lạ với công chúng, nhưng qua ngòi bút của Lê Khắc Hân lại thấy họ ở góc độ khác, gần gũi hơn mà đáng quý hơn.

Phải chăng Lê Khắc Hân có bí quyết để viết chân dung nhân vật? Có đấy, bí quyết ấy không lâm ly hay bùa phép gì. Bí quyết ấy rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được: chân thành tin yêu nhân vật của mình, tận tụy tiếp cận nhân vật của mình. Để làm gì? Để hiểu con đường đi đến thành công của họ, không phải nhằm chiếm lĩnh hào quang hư ảo, mà nhằm tìm kiếm phẩm vị làm người biết sáng tạo, biết rung động, biết cống hiến.

Một chân dung văn nghệ sĩ rất dễ sa đà vào những tán tụng vu vơ, nếu không hội đủ hai yếu tố then chốt. Thứ nhất, không có sự chênh vênh thẩm mỹ giữa nhân vật và người viết. Thứ hai, người viết phải chọn được chi tiết đặc thù để nhân vật có nét độc đáo. Mỗi bài viết của Lê Khắc Hân đều đáp ứng tương đối trọn vẹn những đòi hỏi của thể loại, nên hoàn toàn thuyết phục độc giả.

13 chân dung nhân vật đứng chung trong cuốn sách “Cầu vồng phía trước cơn mưa” (NXB Hội Nhà văn 11-2015) của nhà báo tuổi tri thiên mệnh Lê Khắc Hân. Không ai nhìn thấy cầu vồng giống ai, và cũng không ai nhìn thấy hết màu sắc của cầu vồng. Lê Khắc Hân không chủ đích áp đặt người khác phải hiểu từng nhân vật theo quan niệm của mình, và cũng không chủ quan nghĩ rằng mình đã hiểu thấu đáo từng nhân vật.

Cầu vồng thường hiện ra sau khi trời vừa dứt cơn mưa. Tên sách “Cầu vồng phía trước cơn mưa” rõ ràng là ẩn ý của tác giả. Thời của Lê Khắc Hân và những nhân vật trong cuốn sách này, họ làm người tử tế trước khi làm người nổi tiếng. Còn hôm nay, không ít người nổi tiếng chưa hẳn đã là người tử tế. Hơn nữa, đời sống văn hóa hiện tại nhiều chao đảo và nhiều lung lạc, khiến những ai nhạy cảm phải hoang mang như đang đứng giữa cơn mưa. Mà làm sao đoán được, sau cơn mưa, có thể thảnh thơi chiêm ngưỡng cầu vồng không? “Cầu vồng trước cơn mưa” như thêm một lần khẳng định, chúng ta đã từng có một thế hệ nghệ sĩ đáng để trân trọng và tự hào!