"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" có doanh thu đến 80 tỷ, so với khoản đầu tư chỉ 20 tỷ đồng, đã tạo nên những hệ quả khá thú vị đối với thị trường văn hóa. Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm qua, tiền đầu tư cho điện ảnh của nhà nước lại phát sinh lãi. Thực chất, câu chuyện của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" mở ra một vấn đề rất sống còn đối với đầu tư nghệ thuật với nguồn vốn nhà nước hôm nay. Thực trạng mỗi năm nhà nước tài trợ, đặt hàng để sản xuất những bộ phim với trị giá cả triệu USD mà kết quả thu lại không được gì vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Đơn cử, năm 2014 và 2015, có hai phim nhà nước đặt hàng là "Mỹ Nhân" (16 tỷ) và "Sống cùng lịch sử" (21 tỷ) thì tổng doanh thu của cả hai phim ấy chỉ là 500 triệu.



Cần điều chỉnh lại phương pháp bao cấp đối với ngành văn nghệ

HÀ QUANG MINH

Năm 2013, nhà nước đặt hàng phim "Những người viết huyền thoại" (10 tỷ) thì doanh thu cũng chỉ có 500 triệu không hơn không kém. Doanh thu đó đồng nghĩa với việc rất ít người xem những bộ phim kể trên và bởi thế, tính về tài chính, tính về mục đích tuyên truyền chính trị, các phim đặt hàng ấy cơ bản là thất bại. Vậy thì tại sao "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" lại có lãi? Đơn giản, đây là nhà nước đặt hàng nhưng cùng đầu tư với một nhà sản xuất phim tư nhân chuyên nghiệp. Vì thế, bộ phim được chăm chút hơn, từ khâu sản xuất cho tới truyền thông, phân phối…

Tất nhiên, để thành công, không hẳn cứ tư nhân tham gia là đảm bảo bởi tư nhân cũng thất bại rất nhiều từ xưa tới nay. Song, chính thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đặt ra một vấn đề quan trọng. Đó là có nhất thiết phải duy trì cơ chế văn nghệ bao cấp cho 100% các đoàn nghệ thuật địa phương; các xưởng phim; các nhà hát địa phương vốn dĩ tiêu tốn rất nhiều tiền của suốt nhiều năm qua hay không, và nhà nước chỉ nên bao cấp cho các hạng mục văn hoá nghệ thuật mang tính chiến lược nào?

Nói chung, nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều nhà hát địa phương hiện nay gần như chỉ tồn tại cho có mà thôi. Họ không tạo ra được doanh thu và quanh quẩn chỉ chờ đợi ngân sách trợ cấp từ nhà nước mỗi năm, gồm cả ngân sách trung ương lẫn địa phương. Để rồi với nguồn ngân sách ấy, nhiệm vụ của họ chỉ là biểu diễn phục vụ các dịp lễ tại địa phương và mỗi năm tham dự liên hoan các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc một lần. Thậm chí, việc tham dự liên hoan kia, với huy chương đạt được này nọ cũng chỉ là sản phẩm đặt hàng những nghệ sỹ chuyên nghiệp.

Đơn cử như ở liên hoan năm 2015 này, diễn ra ở Vũng Tàu, đoàn Đồng Nai đặt hàng nhạc sỹ Đức Trí dựng tiết mục dân tộc; đoàn Hải Phòng đặt hàng nhạc sỹ Sơn Thạch dựng ca khúc về Hải Phòng (và đoạt huy chương vàng). Thậm chí, có nhiều đoàn nghệ thuật địa phương hiện nay còn không có đủ cả nghệ sỹ và phải thuê cả nghệ sỹ ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh về phục vụ tạm thời mỗi khi có "việc được giao". Còn về kịch nghệ, chắc không cần liệt kê ra chúng ta cũng nhận thấy sân khấu kịch thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đa số sống được đều là các sân khấu của những ông bầu tư nhân chứ không phải của các nhà hát được nhà nước bao cấp nữa.

Trong một cơ chế hoạt động đã lỗi thời với hoàn cảnh môi trường văn hóa, kinh tế hiện tại, phải chăng đã đến lúc một bộ phận các đoàn nghệ thuật nhà nước, các hãng phim nhà nước nên được xã hội hoá bằng cách cổ phần hóa để có sự tham gia từ cộng đồng, nhằm mục đích huy động được tối đa trí tuệ bên ngoài? Thực sự, có những địa phương, việc có tồn tại một đoàn nghệ thuật hay không hoàn toàn không  quá quan trọng. Dễ hiểu, các đại diện chuyên nghiệp và tiêu biểu của ngành công nghiệp giải trí ngày nay đã thường xuyên mang những nghệ sỹ được yêu thích đi khắp các địa phương, và điều đó coi như đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của các đoàn nghệ thuật địa phương rồi.

Tuy nhiên, vẫn có một số loại hình đặc biệt cần được duy trì bao cấp bởi chúng mang tính chiến lược về nền tảng sáng tạo của quốc gia. Đó chính là các hội nghệ thuật trung ương, các đơn vị nghệ thuật của các ngành chuyên biệt. Dĩ nhiên, với các hội nghệ thuật trung ương, việc nhận được bao cấp cũng phải song hành với những nhiệm vụ, kế hoạch phát triển văn nghệ cụ thể và được thực thi chu đáo. Còn với các đơn vị nghệ thuật thuộc các ngành chuyên biệt, việc bao cấp sẽ do chính ngành đó chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Chúng ta cần phải nhận ra thời thế đã khác. Ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam đã hình thành, và lớn mạnh đủ để làm nền tảng cho việc xoá bỏ phần rất lớn việc bao cấp văn nghệ như nhà nước đã làm suốt mấy chục năm qua.