Sau một thời gian khảo cứu công phu, nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận định: “Về mặt kỹ thuật. theo tôi, một yếu tố quan trọng để một truyện dài kỳ thành công là tính chất giáo dục, nhân văn. Tất nhiên, khi viết nhà văn truyện dài kỳ luôn đặt yếu tố hấp dẫn, giải trí lên hàng đầu nhưng nội dung truyện vẫn là cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, đầy đủ ‘nhân, lễ , nghĩa, trí, tín’. Họ thích nhân vật chính là thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo – nghèo mà vẫn giữ được trong sạch – bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Nếu truyện có tướng cướp thì tướng cướp sẽ hoàn lương, nếu có kẻ giết người thì kẻ đó sẽ chết, đi tù hoặc đi tu để trả giá cho hành động của mình. Đọc truyện dài kỳ, người đọc sẽ luôn thấy được sự hướng thiện của tác phẩm, những bài học đạo đức đến từ những niểm hạnh phúc, nỗi đau, cách xử thế của từng nhân vật.



TRUYỆN DÀI KỲ - MỘT CHUYÊN MỤC NHẬT BÁO TRƯỚC 1975

LÊ VĂN NGHĨA

( tiếp theo)

...Vì phải viết cho nhiều tờ báo trong một ngày nên một số ít nhà văn viết TDK đã nhờ người viết thuê ẩn danh để họ ký tên. (Bây giờ gọi là Ghost writer). Việc nầy ít khi được tiết lộ công khai vì thỏa thuận ngầm giữa hai bên nhưng không phải là không có. Theo nhà văn Vũ Bằng, Lê Văn Trương và chính ông cũng nhờ người viết thuê rồi đứng tên là tác giả: ‘Có nhiều truyện của Lê Văn Trương viết mà không phải chữ của Trương. Tôi bảo anh chính là ‘mọi’ viết chớ không phải là anh viết thì lập tức anh thề liền ‘tôi mà nói dối chết một đời cha ba đời con’. Những nhà văn , nhà báo Âu Mỹ nuôi ‘mọi’ để viết rồi ký tên mình vào đó là chuyện thường thấy ,có gì lạ đâu. Tôi đã từng có lúc viết không kịp cũng phải nhờ ‘mọi’ giúp. Đó là thời kỳ 1940-42 tôi đưa ra loạt bài nói về các thứ ma quỷ, siêu hình học ( một ông giáo bây giờ đã qua đời giúp việc cho tôi hàng tháng) lúc tôi viết về loại báo Tabloid của Mỹ đăng trên ‘Trung bắc chủ nhật’. Và lúc tôi nhận viết mỗi tuần một ‘Truyện có thực’ và mỗi tháng một truyện dài hoặc để đăng ‘Phổ thông bán nguyệt san’ hoặc đăng báo ‘Truyền Bá’ (Văn Học- số 74 –sài gòn 1967)

NHỮNG CÂY BÚT TRUYỆN DÀI KỲ CỦA LÀNG BÁO SÀI GÒN.
Tôi chưa có đủ tài liệu để xác định xem người viết TDK đầu tiên trong làng báo Sài gòn là ai nhưng, tạm thời, theo dòng thời gian thì một trong những tác giả viết TDK xưa của Sài Gòn là Hồ Biểu Chánh, tác giả những bộ truyện nổi tiếng Tỉnh Mộng, Cay Đắng Mùi Đời, viết năm 1923, Ngọn Cỏ Gió Đùa, viết năm 1926.Tác giả thứ hai là Phú Đức với những bộ truyện đúng kiểu tiểu thuyết phơi-ơ-tông như Châu Về Hiệp Phố, viết năm 1926, Căn Nhà Bí Mật, viết năm 1929, Tình trường huyết lệ, viết năm 1930..vv. 
Riêng nhà văn Phú Đức được cho là người chiếm kỷ lục viết TDK cho năm tờ báo một ngày. Xuất thân từ nghề ‘gỏ đầu trẻ’, đang yêu đương phơi phới, chàng trai tỉnh Gia Định bèn dàn trải mối tình thơ mộng của mình bằng TDK đầu tiên mang tên ‘Câu Chuyện Canh Trường’ trên báo ‘Trung Lập’của ông De Lachevrotière do ông Trương Duy Toản làm chủ bút vào năm 1924. Ai mà dè, từ TDK đầu tiên đó, Phú Đức được ông Trương Duy Toản tiếp tục viết TDK ‘Căn Nhà Bí Mật’, ‘Châu Về Hiệp Phố’. Cả hai bộ TDK nầy đã mang lại cho báo Trung Lập số độc giả kỷ lục trong làng báo thời ấy. Sau đó, ông được nhà báo Nam Đình mời về báo Công Luận làm chủ bút. Ở tờ báo nầy , mang danh là chủ bút, ăn lương ngang với Đốc Phủ Sứ nhưng chỉ có việc duy nhất là viết TDK ‘ Tiểu Anh Hùng Võ Kiết’ rồi ngồi lên xe hơi xì-gà mà rong chơi với các người đẹp ái mộ khắp Sài Gòn. 
Sau thời kỳ ‘nhung lụa’ ngót nghét cũng gần 20 năm, Phú Đức phải còng lưng viết TDK cho 5 tờ báo mỗi ngày. Ông làm việc như công chức, đúng giờ, đúng khắc. Mỗi buổi sáng, ông đến nhà một bạn làng văn, đóng đô ở đó viết cho đến xế trưa là đã xong số lượng trang viết cho các tờ báo đang chờ bản thảo của cây bút được quảng cáo là ‘…Đứa con tinh thần mà tác giả đắc ý nhất, sau bao nhiêu năm dầy công thai nghén một cốt truyện ly kỳ, rung rợn, quyết làm cho độc giả càng đọc càng mê say, cảm động…’. Nhưng thật ra những đưa con tinh thần nầy chính là những TDK đã đăng trên Trung lập và Công Luận rồi được ông xào nấu lại từng kỳ cho các tờ báo đang đói TDK. Hậu quả là vào năm 1952, một tuần báo đã viết bài với cái tít giật gân là Phú Đức: Tiểu Thuyết Gia Bổn Cũ Soạn Lại’. Một nhà văn thiếu nhi cũng là một nhà báo kênh kiệu đã nhận xét ‘Trong lịch sử làm báo duy nhất một nhà văn Phú Đức quyến rũ độc giả ròng rã mấy năm bằng Quách si ma , nhân vật kỳ bí của triền miên phơi ơ tông Châu về Hiệp phố. Nhật báo của ông là … Châu về hiệp phố. Độc giả tranh nhau mua báo của ông chỉ để theo bước chân đi của Quách si ma ! Sức quyến rũ của ngòi bút Phú Đức thật đáng nể. Thời đó, chỉ có một người viết TDK đứng sau Phú Đức là Nam Đình. Dù là chủ tờ báo Thần Chung (1950) cũng thuộc loại có ‘số má’ nhưng ông đích thân viết TDK hàng ngày. Nếu Phú Đức được làng báo lúc ấy phong là người viết TDK ‘Bổn cũ soạn lại’ thì Nam Đình được tặng danh hiệu là ‘đại hải trường giang’. Từ TDK ‘Bà Lớn’ qua ‘Cháu Bà Lớn’ rồi ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cô Bạch Mai’ tới ‘Cháu Ngọc’ Nam Đình đã cứu tờ Thần Chung đang từ chỗ sắp đình bản vươn lên thứ hạng nhất nhì lúc đó. Trước đó thì có ‘Kòn Trô’(1941), ‘Sương Giò Biên thùy’ (1948) của nhà văn Lý Văn Sâm.
Nếu bên Thần Chung có ‘ Cô Bạch Mai’ thì năm 1952 bên Sài Gòn mới của bà Bút Trà xuất hiện ‘Bên Dòng Sông Trẹm’ của cây bút mới toanh Dương Hà. Do nổi tiếng nên truyện được xuất bản thành sách ngay sau khi đăng hết trên báo. Không thua kém, bên báo Tiếng Chuông xuất hiện Ngọc Sơn với những TDK ‘ Ngày Về’, ‘Hồng và Cúc’, ‘Sau Dẫy Nhà Lầu’. Sau 1954 Ngọc Sơn chuyển qua viết TDK trinh thám kỳ tình ‘Bàn Tay Máu’ (có tranh minh họa kèm theo) với bút hiệu Phi Long trên báo Sài Gòn Mới.

Nói đến TDK tâm lý xã hội ăn khách nhất lúc đó không thể kể đến hai cây bút nổi tiếng của những năm 1950 là bà Tùng Long, bà Lan Phương. TDK của các nữ sĩ nầy đều có nhân vật chính là phụ nữ , thường gặp hoàn cảnh éo le nhưng đều vượt qua nghịch cảnh và kết truyện đều có hậu. Tất cả TDK của hai bà đều đề cao tình nghĩa gia đình, đề cao người phụ nữ nên đa số độc giả là nữ đều mê mẩn. Sau năm 1965 nhật báo Sài Gòn có mấy cây viết phơi-ơ-tông nữ nổi tiếng: Túy Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Tôi đọc được trong một cuộc phòng vấn trên báo bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết trên bàn viết lúc nào củng có hai …máy đánh chữ dành để viết hai truyện khác nhau cùng lúc. Khi viết bị bí truyện nầy thì nhảy sang viết truyện kia. 
Không thua bà Tùng Long, Lan Phương các cây bút nam giới cũng có Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc với những truyện dài về sông nước và con nguời nam bộ. Bình Nguyên Lộc đăng đoạn đầu truyện dài kỳ’ Phù sa’, đăng trên báo Thanh Niên năm 1943, với tên Di dân lập ấp. Ông đã mê hoặc được độc giả nhờ truyện nầy. Sau đó, ông viết lại được độ 1/6 tác phẩm, cho in trên tuần báo Nhân Loại. Theo lời Bình Nguyên Lộc, Phù sa là "tác phẩm quan trọng nhất" của ông, làm sống lại cuộc "tiến vào Nam" của đồng bào Nam-Ngãi để dựng nên miền Lục Tỉnh’. Ngọc Linh với ‘Như Hạt Mưa Sa’, Lê Xuyên với ‘Chú Tư Cầu ‘ (Sài Gòn Mai năm 1961), Dân Việt với TDK của Chu Tử: Sống, Yêu, Tình, Loạn xuất hiện năm 1961, 1962.An Khê với ‘ Hai Chuyến Xe Hoa.Lã Phi Khanh, với TDK Lệnh Xé Xác trên báo Tin Sáng. Văn Quang với ‘Đời Chưa Trang điểm’, Nguyễn Đình Toàn với ‘Áo Mơ Phai’,Trọng Nguyên. Dương Trữ La, Lê Minh Hoàng Thái Sơn…đa dạng sắc màu thể loại TDK trên các nhật báo. Ngay cả nhà thơ như Bùi Giáng cũng viết TDK. Khi tìm tài liệu viết bài nầy, tôi bất ngờ nhất là nhà thơ Bùi Giáng cũng viết TDK...võ hiệp. Theo hồi ký của tác giả Kiều Giang thì ‘Bùi Giáng cũng có thời kỳ viết bộ truyện phơi-ơ-tông đăng trên nhật báo sống năm 1970. Anh thường cho hai nhân vật nam nữ khơi khơi dùng thật nhiều hai chữ ‘liên tồn, tồn liên trong truyện, đại khái: 
“Nàng có sắc đẹp tồn liên..
“Nàng nở nụ cười liên tồn…’
‘ Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…’
Được biết nhà thơ và vì là nhà thơ nên Bùi tiên sinh đã thất bại trong việc viết TDK. Do ‘liên’ (tưởng ) hoài nên TDK của ông không ‘tồn’ (tại) được. Không dễ dàng gì để trở thành một người viết TDK ăn khách nếu không biết kỹ thuật ‘câu rê’ sao cho hấp dẫn mà thời đại ta gọi là câu ‘Viu’ (View). Một bí quyết gọi là ‘nhà nghề’ của Phú Đức là ông viết đến chỗ gay cấn thì cắt ngang, bắt độc giả chờ ngày mai đọc tiếp. Nam Đình thì ra sạp báo, lén nghe ý kiến người đọc để sửa chữa và bổ khuyết cho nhân vật. Viết dài hay ngắn đoạn nào đó là tùy theo sự thích thú của bạn đọc. Câu rê thuộc loại cao thủ là Lê Xuyên. Trong TDK ‘Chú Tư Cầu’, tác giả nầy cho nhân vật nam từ lúc tay run run chuẩn bị mở nút ‘bóp’ (một loại nút áo bà ba miền nam) cho đến lúc mở được đã kéo dài 15 kỳ nhở vào kỹ thuật viết đối thoại bằng những từ bình dân nam bộ, linh động và hấp dẫn. Theo kết luận của một nhà văn lão thành thì ‘…Tuy đăng từng ngày, mỗi ngày một tiểu đoạn, nhưng cách viết và lối dựng truyện phải là những bí quyết sắc bén giam nhốt không rời thần trí và ham thích người đọc, đã bước chân qua cửa truyện, là không thể trở lui, phải từng số từng ngày đợi chờ đọc tiếp.Mở đầu đã đầy đặc những tình tiết bốc cháy từ những dòng mê đắm thứ nhất. Chuyển đoạn vừa đố vừa giảng. Chuyện đang vòm trời hiện tại thoắt đã chân trời tương lai. Bằng những diễn biến bây giờ, bằng hồi tưởng, đột ngột kéo ngược hết về thì quá khứ. Bất ngờ cắt đứt một sáo trộn đóng khung trong một cảnh trí này, ném bỗng sáo trộn ấy vào một cảnh trí hoàn toàn khác biệt. Đang thuật đang tả chuyển thành viết thư, nghiêng sang nhật ký. Và thuật tả cũng luôn luôn phải đối thoại len vào. Trăm nghìn xảo thuật hâm nóng cảm giác, làm ngỡ ngàng mọi tưởng trước, sai lạc mọi phán đoản ấy, đã được chuyên chở bộn bề vào tiểu thuyết đăng báo chúng ta hiện nay, bằng con đường điện ảnh, bằng vay mượn và phối hợp cách thức viết với cách thức thực hiện phim ảnh. Nói chung, đó là kỹ thuật của loại phim truyện trinh thám, nghẹt thở, giật gân, bao giờ cũng tạo được tác dụng làm căng thẳng giác quan ta.’ 
Đó là về mặt kỹ thuật. theo tôi, một yếu tố quan trọng để một TDK thành công là tính chất giáo dục, nhân văn. Tất nhiên, khi viết nhà văn TDK luôn đặt yếu tố hấp dẫn, giải trí lên hàng đầu nhưng nội dung truyện vẫn là cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, đầy đủ ‘nhân, lễ , nghĩa, trí, tín’. Họ thích nhân vật chính là thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo – nghèo mà vẫn giữ được trong sạch – bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Nếu truyện có tướng cướp thì tướng cướp sẽ hoàn lương, nếu có kẻ giết người thì kẻ đó sẽ chết, đi tù hoặc đi tu để trả giá cho hành động của mình. Đọc TDK, người đọc sẽ luôn thấy được sự hướng thiện của tác phẩm, những bài học đạo đức đến từ những niểm hạnh phúc, nỗi đau, cách xử thế của từng nhân vật. Tóm lại khi chữ Hết được đặt dưới TDK, người đọc đã tìm ra Chân, Thiện, Mỹ. Bà Tùng Long đã kể trong hồi ký ‘ Có lần tôi đang viết một câu chuyện dài, có chiều hướng không cho hai nhân vật yêu nhau đi đến hôn nhân, thì một buổi sáng vừa để cái cặp lên bàn, toan ngồi lại làm việc thì bà Bút Trà– chị dâu của tôi mà cũng là chủ nhiệm của báo Sàigòn Mới lúc bấy giờ – cho người mời tôi vào và nói:
- Thím không định cho Yến và Thanh kết hôn sao?
Thấy tôi cười mà không trả lời thì chị tôi nói:
- Thím nên cho tụi nó kết hôn với nhau, như thế mới hợp tình hợp lý và mới đúng với cái tên tiểu thuyết mà thím đặt Gương Vỡ Lại Lành.’

LÀ NHÀ VĂN HAY NHÀ BÁO?
Dù những TDK trên các nhật báo đã làm say sưa bạn đọc nhưng người viết vẫn không được xem là nhà văn, thậm chí còn có khuynh hướng xem đây là ‘tiểu thuyết ba xu’. Khuynh hướng nầy đã có từ những nhà văn Pháp vào cuối thập niên thế kỷ 19. Nhà văn Pháp Eugène Sue với những tác phẩm nổi tiếng lúc ấy vẫn chỉ được xem là Feuilletonniste chứ không gọi là nhà văn. Còn ở Sài gòn thời ấy, theo Trần Quân (Hồi Ký Bà Tùng Long) ‘…Mặc dù không có một quyển sách nào của bà được các nhà phê bình đem ra phê bình như một tác phẩm văn học của những nhà văn được coi là trí thức lúc bấy giờ, chính bà Tùng Long cũng tự nhận mình không phải là một nhà văn…’ 
Có lẽ nhà văn Võ Phiến là người không xem trọng TDK như N.H.Qviết : ‘ Trước 1975, dù biết phơi-dơ-tông rất được ưa chuộng, dù hiểu nguyên nhân của sự ưa chuộng ấy nằm ở phần đàm thoại, song tự thâm tâm, tôi đoán, Võ Phiến có chút khinh rẻ loại văn chương nhật trình mà ông, cũng như nhiều người khác nữa, không coi là văn chương thực sự.’ 
Trong một bài viết của mình, nhà văn Võ Phiến đã cho rằng các nhà văn viết TDK đã đi vào xu hướng bình dân:
‘…Mặt khác, viết tân văn tiểu thuyết đăng nhật báo, một việc như vậy không phải chỉ ảnh hưởng đến túi tiền của nhà văn mà thôi, nó còn ảnh hưởng đến bút pháp, văn phong, rồi có thể dần dần đến quan niệm sáng tạo của nhà văn nữa không chừng. Mai Thảo có lần nhận rằng: "Hiện tượng của truyện dài viết từng đoạn, đăng từng kỳ nơi trang trong các nhật báo (...), đẩy hầu hết những cây bút sáng tác chuyên nghiệp hiện nay tới kiếm tìm một văn thể mới, áp dụng một bút pháp mới." Quả thật phải có văn thể bút pháp khác: truyện nhật trình không thể là thứ truyện cô đọng, văn nhật trình không thể là thứ văn chương cầu kỳ, bí hiểm. Đã chấp nhận viết nhật trình, chấp nhận "xuống đường", thì phải hòa mình vào quần chúng. Mà một khi hòa mình đôi ba năm liền vào quần chúng, các vị cao sĩ kiểu cách làm sao còn giữ nguyên được kiểu cách xưa! Cho nên xuề xòa như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... thì thêm một tí xuề xòa nữa sau thời kỳ trăm hoa đua nở của nhật trình; còn các nữ sĩ thoạt tiên ngại ngùng e lệ như Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca v.v..., viết nhật trình riết một lúc rồi ai nấy lưu loát mạnh dạn, ai nấy ào ào như gió táp mưa sa, nữ cũng bạo mồm bạo miệng không kém nam; đến như Mai Thảo, như Thanh Tâm Tuyền v.v..., thuở suy tư trên Sáng Tạo và lúc dạn dày trên các trang nhật trình phong cách thật khác xa!’
Dù TDK có được xem là văn học hay không nhưng vào thập niên 1960, nhiều nhà văn Miền Nam, có số lượng sách khá đồ sộ nhờ viết TDK cho các nhật báo. Bà Tùng Long cho biết là ‘tôi đã xuất bản độ 70 bộ truyện dài và truyện vừa. Truyện đã đăng báo nhưng chưa in thành sách vẫn còn khoảng chục bộ. Truyện nhi đồng viết vì yêu cầu của nhà xuất bản Nhi đồng khoảng vài chục truyện. Còn truyện ngắn cũng vài trăm cái.’

Các tờ báo nhờ TDK mà sống thì chính TDK cũng làm các tác giả trở nên nổi tiếng, gần gũi với công chúng. Ngay ở Mỹ, từng phần của truyện Love story ban đầu được đăng trên tạp chí The Ladies' Home Journey[ đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng. Giống như Kim Dung với những bộ truyện võ hiệp, nếu hàng ngày không viết từng trang cho Minh Báo thì ông sẽ không thể có Trương Vô Kỵ, Vi Tiểu Bảo, Lệnh Hồ Xung. Nhà văn Sài Gòn cũng vậy. Mỗi tác giả đều có một gia tài tác phẩm đáng thèm muốn như nhà văn Võ Phiên nhận định ‘Nhận viết truyện cho báo hàng ngày tức là ép mình vào một thế kẹt: đã "dính" vào là bị lôi đi tuồn tuột, không thể dừng được. Thành thử trong thời kỳ này sức sáng tác của tiểu thuyết gia bỗng tăng vọt lên. Cùng lượt viết cho năm ba tờ báo một lúc, viết liền trong đôi ba năm, mỗi tác giả đã có vài chục tác phẩm xuất bản”

Công bằng mà nói, những TDK sau nầy được in thành sách do sự hấp dẫn của nó, không phải không có những quyển tiểu thuyết có giá trị. Đóng góp vào sự ‘giàu có’ của văn học miền nam (tập trung là ở Sài gòn), bên cạnh những tác phẩm văn học in thành sách hoặc trong các báo, tạp chí của các nhà văn nổi tiếng lúc đó như Vũ Hạnh với ‘Bút Máu’, ‘Lửa Rừng’, ‘Ngôi Trường Đi Xuống’, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Trang Thế Hy, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Lê Vĩnh Hòa (em ruột nhà văn Võ Phiến), nah2 văn Vũ Bằng, nhà văn Nguyên Hùng, nhà văn Ngọc Linh, Cô Hợp Phố … thì các tác giả viết TDK cũng có mặt một số tác phẩm. Những tác giả, những quyển tiểu thuyết còn ‘sống’ đến hôm nay, được độc giả và các nhà phê bình văn học nhắc đến chứng tỏ nó đã vượt qua cái ngưỡng oan nghiệt của cụm từ ‘phơi-dơ-tông’. Ở Sài gòn thì không thiếu những tác giả và tác phẩm vẫn còn được nhắc và nghiên cứu đến tận ngày nay. Thời gian và văn học sử sẽ đem lại sự công bằng cho họ, cho một chuyên mục báo chí đã từng một thời gây mưa gió trong nền báo chí Việt Nam.