Câu chuyện của nhà báo Nguyễn Hồng Lam: “Khoảng 2012 về sau, tôi có nhiều dịp ngồi với Trần Từ Duy hơn. Nhiều văn nghệ sĩ từ nước ngoài về, gọi tôi đi cà phê với một số đàn anh văn nghệ trong nước, cứ hễ đến là gặp gã Duy Từ Trần (gã tự nhận, nghe nói trung niên thi sĩ Bùi Giáng đặt cho, tôi không láo lếu mà gọi xách qué nhé) đã ngồi sẵn ở đó. Tôi không biết gã quen họ, họ quen gã từ khi nào, nhưng đại khái toàn bậc đàn anh văn nghệ mà tôi ngưỡng mộ. Thơ văn báo chí có Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Đòan Thạch Hãn, Phạm Chu Sa…, điện ảnh có đạo diễn Lê Hoàng Hoa, nhà quay phim Nguyễn Hòe, diễn viên Trần Quang… và thậm chí cả giang hồ già bụng bự như Cung Củ Đậu. Nhiều người nổi tiếng khác tôi không nhớ tên, hoặc….chưa từng biết tên. Người ta đều quý gã, khiến tôi có cảm giác dân văn nghệ, ông thần nào, trẻ hay già cũng đều khoái bốc phét chửi thề”.



BIỂN SÁP THÙ DU THIỂU NHẤT NHÂN

NGUYỄN HỒNG LAM


Một chiều giữa tháng 5-2005, đang sùng sục điều tra vụ giang hồ Đồi Hoa Mai (Hai Chi) ở Hàm Tân, Bình Thuận, bất ngờ tôi nghe chuông điện thoại. Chửi thề như nhai kẹo, đầu dây bên kia buông gọn lỏn: “Xong việc chưa mày?”. Tôi hỏi: “Ai vậy? Xong cái gì?”. Lập tức nghe chửi thề tiếp: “Đậu mía! Mấy bữa này mày cày nát cạnh nhà tao mà giờ hỏi tao là ai vậy? Đất Hàm Tân này có người thứ hai dám chửi thề với mày hả Hồng Lam?”. Đang bù đầu với mớ bòng bong giang hồ các cái, tưởng dân chơi miệt vườn xứ Trần Văn Thời (ý nói bọn trời thần) khiêu khích, tôi bực, quát lại: “Kệ tía ông là ai. Tôi không có thói quen nói chuyện với người không xưng tên. Không rãnh!”. Rồi cúp máy. Bên kia gọi lại: “Đậu mía! Rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt hả mày? Về rẫy tao nhậu, tẩy trần đi. Tao tắm cho mày bằng rượu. Giang hồ xứ này đang tập trung đây hết, mồi mỡ tư liệu gì cũng đây hết rồi, mày tìm đâu cho mệt? Thằng Phương Nam cũng chui vô rẫy tao rồi nè!” .

Tôi giật mình, bỏ mẹ! Tôi, phóng viên báo An Ninh Thế Giới, Phương Nam phóng viên báo Pháp Luật TPHCM và Trung Phương báo Lao Động là ba thằng phóng viên chung lưng sục sạo đất Hàm Tân suốt hơn nửa năm trời mới tìm đủ bằng chứng phạm tội của anh em nhà Hai Chi để phơi lên mặt ba tờ báo, làm cơ sở cho C14 Bộ Công an vào cuộc. Mấy hôm liền, bắt bớ không ít, hăm dọa cũng nhiều. Không lẽ gã "đồng bọn" của tôi gặp chuyện gì rồi. Tưởng bị đàn anh đàn em trong băng Hai Chi khiêu khích, tôi cúp máy nhưng vẫn cẩn thận lưu số vào danh bạ với cái tên Unknown. Ít ngày sau, cứ chiều chiều số máy này lại gọi liên tục, cứ kêu tôi xuống quán Đất Sét gần hồ Kỳ Hòa nhậu. Hỏi ai gọi, chỉ nghe cười lục khục: “Đến đi rồi biết!” mà chẳng thèm trả lời. Dĩ nhiên, tôi không đến. Vốn dĩ không phải cao đồ môn phái nhậu, cái tên Đất Sét dù được gã vô danh kia nhắc nhiều lần cũng chẳng mảy may khiến tôi ấn tượng, ngoài ý niệm duy nhất: đó là một quán nhậu nằm trên ngay trên đường từ cơ quan về nhà, tôi vẫn qua lại mỗi ngày.

Ít lâu sau, có hai gã bạn giang hồ là… Công an Đắk Nông xuống chơi, chẳng biết đi đâu ngồi, trong óc óc tôi bỗng nhớ ra cái tên Đất Sét khá gần nhà. Ít nhậu, nhưng đã chấp nhận ngồi thì tôi cũng quào sườn bá cổ, la hét, uống ói đủ kiểu mà chưa từng nể mặt cao nhân nào. Đột nhiên, cô bé lễ cắt ngang cơn cao hứng, thưa nhỏ: “Dạ, có người nói con nhắc lại nguyên văn, chú uống bia thì to mồm làm gì. Ổng hỏi chú có uống nổi chừng này không?”. Cái giỏ mang theo chứa khoảng 30 chai Chivas mi-ni, loại rượu mẫu, cô trút hết xuống bàn. Đang bốc vì bia, tôi nói như quát: “Ai mời, kêu ra đây coi. Không ra, không uống!”. Cô bé lễ tân che miệng, cười: “Dạ, tại chú nói to quá nên hổng nghe. Người mời trong….máy chú đó”. Lật đật giở điện thoại, thấy quả thật có 3 cuộc gọi nhỡ của Unknown. Tôi hơi giật mình, tỉnh như sáo. Hóa ra là người quen, biết tôi không chỉ số điện thoại mà cả người ngợm, nghề nghiệp đều biết tuốt. Đang phân vân thì Đông – Ki – Rét họa sĩ, Trần Từ Duy thi sĩ, Duy Từ Trần giang hồ - ba trong một - bước ra, cười rất nham nhở: “Đậu mía! Nể mặt giang hồ, tao mời năm lần bảy lượt, mày đều kêu không uống. Dzậy giờ mày tới quán tao làm gì?”…

Gã này, tôi biết. Sực nhớ không phải rẫy, gã có nguyên một điền trang không thiếu kỳ hoa dị thú ở Tân Minh, Hàm Tân. Một vài lần gặp ở đâu đó trong các quán nhậu khác, tôi chưa từng chào gã mà chỉ muốn đập gã, vì nếu lỡ có lời nào của gã vô tình lọt vô tai tôi thì lời đó ngang đồng với câu cà khịa, chấm câu bao giờ cũng là tiếng chửi thề.

Đó là lần đầu tiên tôi ngồi chung, nhậu chung với Trần Từ Duy. Bữa đó, tôi không nhớ mình nói những gì. Bữa đó, không nhớ mình uống của gã mấy chai Chivas mi – ni. Bữa đó tôi say như chết. Bữa đó tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên giường nhà mình. Bữa đó tỉnh rồi vẫn còn say!

Hóa ra, gã cũng không đáng ghét mấy. Chửi thề, bốc phét, nói chuyện muốn đập lộn nhưng vô hại. Hơn thế nữa, gã hào hiệp. Quan chức, chính khách mà không ưa, gã chửi chó nghe cũng ngượng, không nể nang ai. Nhưng nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nghèo – danh sách này ở Sài gòn và các tỉnh đầy nhóc – hễ ai khó khăn hoạn nạn, gã tự tìm đến giúp ngay. Quen biết, bảo thấy mày chơi được, mà chẳng thấy giảm giá bao giờ, tôi chê: “Quán anh đắt bà cố!”. Gã cười: “Tụi mày đi chơi, bốc phét, việc đ…gì tao phải giảm giá. Tiền dư, tao để cho người nghèo”. Thỉnh thoảng, gã lại lại tự tổ chức một vài chuyến từ thiện, góp học bổng, sách vở cho học trò nghèo ở tỉnh này tỉnh khác....

Khoảng 2012 về sau, tôi có nhiều dịp ngồi với Trần Từ Duy hơn. Nhiều văn nghệ sĩ từ nước ngoài về, gọi tôi đi cà phê với một số đàn anh văn nghệ trong nước, cứ hễ đến là gặp gã Duy Từ Trần (gã tự nhận, nghe nói trung niên thi sĩ Bùi Giáng đặt cho, tôi không láo lếu mà gọi xách qué nhé) đã ngồi sẵn ở đó. Tôi không biết gã quen họ, họ quen gã từ khi nào, nhưng đại khái toàn bậc đàn anh văn nghệ mà tôi ngưỡng mộ. Thơ văn báo chí có Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Đòan Thạch Hãn, Phạm Chu Sa…, điện ảnh có đạo diễn Lê Hoàng Hoa, nhà quay phim Nguyễn Hòe, diễn viên Trần Quang… và thậm chí cả giang hồ già bụng bự như Cung Củ Đậu. Nhiều người nổi tiếng khác tôi không nhớ tên, hoặc….chưa từng biết tên. Người ta đều quý gã, khiến tôi có cảm giác dân văn nghệ, ông thần nào, trẻ hay già cũng đều khoái bốc phét chửi thề.

Cách đây một tuần, nhân lão thi sĩ Thiên Hà (nguyên phóng viên báo CA TPHCM, đã 75 tuổi) ra tập thơ mới, tôi có dịp gặp một số anh em văn nghệ ở quán Biển Đông của một văn nghệ sĩ – giang hồ cùng đất Hàm Tân khác. Trong bữa nhậu, nhân nói chuyện giáp năm anh Đoàn Thạch Hãn, anh Phạm Chu Sa nhắc: “Mai một có viết về Duy Từ Trần, chỉ nói chuyện nhậu thôi. Đừng ai nhắc gì chuyện vợ con bồ bịch nhé”. Lão thi sĩ Thiên Hà bảo: “Nói gì gỡ vậy? Nó chữa hết bịnh, nhậu tiếp bi giờ, chết chi uổng”. Phạm thi sĩ cười khặc khặc: “Uổng gì. Cả đời rong chơi. Thi họa, bồ bịch, nó có thiếu gì. Sống thì chơi, chết thì vơi, gì mà uổng!”.
Vậy mà Trần Từ Duy thành Duy Từ Trần thật.

Không biết gã vội tìm miền cực lạc làm gì, khi mà ở cõi thế, chính xác là ở Sài Gòn, gã đã cực lạc rồi. Như tự nhận, gã là nhà thơ giàu nhất Việt Nam, suốt ngày vẽ biếm, chửi thề, làm thơ và uống rượu – toàn rượu chai mẫu. Gã làm từ thiện giúp đời nhiều mà bồ bịch, đào hoa cũng đâu có ít.
Gặp ở đâu cũng vậy, tôi cứ lo làm người bấm máy, chẳng mấy khi nhớ để chụp chung một tấm hình có mình trong đó. Sự hiện diện của tôi chỉ là cái hộp quẹt và bao thuốc Hero chung thủy để mép bàn, cạnh cái nắp máy ảnh. Bức “ngũ hiệp văn nhân” , chụp ngày 8-3-2012, lúc 12:49 có Du Tử Lê, Đặng Phú Phong, Trần Từ Duy, Đoàn Thạch Hãn, Phạm Chu Sa, giờ còn chỉ 3 người. Hai người ngồi giữa, cạnh nhau, Đoàn Thạch Hãn và Trần Từ Duy đã thành người thiên cổ, người trước kẻ sau cách nhau chỉ một năm. 

Ngày mai, Trần Từ Duy sẽ vĩnh viễn xa Đất Sét để về với đất hoang. Thêm một văn nghệ giang hồ bỏ cuộc chơi.
“Giao tri huynh đệ đăng cao xứ
Biển sáp thù du thiểu nhất nhân”
(Tri giao huynh đệ lên cao cả
Buồn bẻ thù du vắng một người)
Thơ của Vương Duy, nhà thơ “thi trung hữu họa”, đọc tiễn Trần Từ Duy "tửu trung thi họa" không biết gã nghe có thấy hợp không? Mà hợp hay không thì đã sao? Cùng lắm, như thói quen, gã lại bật dậy văng một tiếng chửi thề!