Trong cuốn Những điều lạ thời Trần trang 153, tác giả Trần Đình Ba có trích dẫn một bài thơ mà Nguyễn Trung Ngạn tự khen mình, tuy nhiên phần dịch thơ mà tác giả Trần Đình Ba sử dụng lại giống y chang bản dịch trong Đại Việt sử ký toàn thư (trang 111, tập 2). Trang 72-76 tác giả cũng có trích dẫn ba bài thơ, một bài của sứ nhà Minh là Điển bạ Ngưu Lượng viếng vua Trần Dụ Tông; một bài thơ mà Trần Phủ làm để tiễn Ngưu Lượng về nước và một bài thơ mà Trần Phủ để lại cho em mình là Cung Tuyên Vương (sau này là vua Trần Nghệ Tông)… đều chép từ Đại Việt sử ký toàn thư (trang 146, 147 và 150, tập 2) mà tác giả lại không hề ghi tên người dịch, cũng như trích dẫn tư liệu liên quan đến tác phẩm.



THỰC TRẠNG ĐẠO VĂN TRONG CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC XÃ HỘI

Kỳ cuối: “Lạ” vì “Những điều lạ trong lịch sử Việt Nam”

BA ĐÌNH

Tác giả Trần Đình Ba không ghi chú thích là hành động phớt lờ tiền nhân và bỏ qua chữ “tín” trong nghiên cứu khoa học.
Bộ sách “Những điều lạ trong lịch sử Việt Nam” của tác giả Trần Đình Ba, do NXB Văn hóa Thông tin, phát hành năm 2015, nằm trong loạt sách Kể chuyện lịch sử Việt Nam bao gồm 7 cuốn: Những điều lạ thời Bắc thuộc, Những điều lạ thời Ngô-Đinh-Tiền Lê; Những điều lạ thời Lý; Những điều lạ thời Trần; Những điều lạ thời Lê SơNhững điều lạ thời Lê Trung hưng. Bước đầu có thể ghi nhận đây là một bộ sách giúp độc giả tiếp cận lịch sử Việt Nam qua những câu chuyện thú vị, kỳ lạ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bộ sách này vẫn còn những “điều lạ” mà chúng tôi thấy rằng cần phải có một vài ý kiến bàn thêm cho rõ.

Sử dụng thông tin, bài viết trên Internet để viết sách
Ngay trong những trang đầu của cuốn sách Những điều lạ thời Trần (trang 9), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tác giả trích dẫn những thông tin trên trang web: http://www.vietnamgiapha.com khi viết về tiểu sử của Trần Lý. Cũng tại trang đó, ngay đoạn kế tiếp tác giả đã sử dụng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia khi nói về những người thuộc thế hệ đầu tiên của nhà Trần thường mang tên các loài cá.
Và cũng tiếp tục sử dụng thông tin từ Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở, Trần Đình Ba đã sử dụng đồng tiền “Khai Thái nguyên bảo” để minh họa cho tiền “Đại Trị thông bảo” thời Dụ Tông (trang 216). Ở đây cần phải nói rõ: Khai Thái là niên hiệu của vua Trần Minh Tông, từ 1324-1329. Vua Trần Minh Tông là cha của vua Trần Dụ Tông. Trần Đình Ba là thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử trung đại, biết Hán Nôm, mà lại để sai sót đáng tiếc này trong cuốn sách thì thật không hay chút nào.
Từ một số ví dụ nêu trên, chúng tôi đặt câu hỏi: Wikipedia hay các trang web khác có thực sự đáng tin cậy? Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, tư liệu trên Internet thực sự dồi dào, tuy nhiên người nghiên cứu bất cứ lĩnh vực nào mà sử dụng tư liệu từ Internet đều phải hết sức cẩn trọng. Càng phải cẩn trọng hơn đối với người nghiên cứu và viết sách về lịch sử. Điều này cho thấy tác giả Trần Đình Ba chưa chắt lọc thông tin. Việc dựa vào Internet để tìm kiếm luận cứ là vô cùng nguy hại, như con dao hai lưỡi.

Sử dụng, trích dẫn tư liệu mà không ghi nguồn gốc
Trong phần này chúng tôi có sử dụng tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư (Bản in Nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 - 1697) bản in 4 tập, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, NXB Khoa học Xã hội, 1998 để làm tư liệu để đối chiếu với bộ sách của tác giả Trần Đình Ba.
Toàn bộ mục Mẹ vợ không bằng vương pháp (trang 31-32) trong bài Hai vị con rể trích từ cuốn Những điều lạ thời Trần, tác giả đã chép theo Đại Việt sử ký toàn thư tập 2, trang 102 và 109. Hay bài viết Vì mối cừu thù chân không chạm đất cũng trong sách Những điều lạ thời Trần trang 36-37, tác giả đã sử dụng hầu hết tư liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư tập 2 (trang 89-90) nhưng lại không đề trích dẫn, hay chú thích.
Đáng chú ý nhất là các phần dịch thơ mà tác giả trích dẫn trong bộ sách này rất nhiều bài Trần Đình Ba không ghi người dịch, hay xuất xứ bài thơ. Chúng tôi xin dẫn một vài ví dụ dưới đây:
- Trong cuốn Những điều lạ thời Lý trang 97: Phần dịch thơ bài Diên Hựu tự của Huyền Quang thiền sư là do Nguyễn Huệ Chi dịch, tuy nhiên tác giả không ghi tên người dịch.
- Trong cuốn Những điều lạ thời Trần trang 153, tác giả Trần Đình Ba có trích dẫn một bài thơ mà Nguyễn Trung Ngạn tự khen mình, tuy nhiên phần dịch thơ mà tác giả Trần Đình Ba sử dụng lại giống y chang bản dịch trong Đại Việt sử ký toàn thư (trang 111, tập 2). Trang 72-76 tác giả cũng có trích dẫn ba bài thơ, một bài của sứ nhà Minh là Điển bạ Ngưu Lượng viếng vua Trần Dụ Tông; một bài thơ mà Trần Phủ làm để tiễn Ngưu Lượng về nước và một bài thơ mà Trần Phủ để lại cho em mình là Cung Tuyên Vương (sau này là vua Trần Nghệ Tông)… đều chép từ Đại Việt sử ký toàn thư (trang 146, 147 và 150, tập 2) mà tác giả lại không hề ghi tên người dịch, cũng như trích dẫn tư liệu liên quan đến tác phẩm.

Ngoài ra, còn những lỗi khác như:
- Trang 20 cuốn Những điều lạ thời Trần tác giả Trần Đình Ba có nhắc đến một đoạn trong thiên Học nhi sách Luận ngữ: “Cha còn sống, con không được chuyên quyền”. Chi tiết này là không chính xác vì câu trích dẫn trên chỉ là lời chú thích của Chu Hy cho câu “Phụ tại, quan kỳ chí” (Cha còn thì xét chí hướng) trong thiên Học nhi sách Luận ngữ mà thôi. Có lẽ khi sử dụng thông tin này từ Đại Việt sử ký toàn thư Trần Đình Ba đã bỏ qua chữ “chú” mà các dịch giả trong Đại Việt sử ký toàn thư có chú thích.
- Trong cuốn Những điều lạ thời Ngô Đinh Tiền Lê, để minh họa cho các chi tiết, dữ kiện liên quan đến thời kỳ Ngô - Đinh - Tiền Lê, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger – một công trình nghiên cứu về văn minh vật chất của vùng Hà Nội đầu thế kỷ XX, cách nhau gần 10 thế kỷ. Liệu có phù hợp chăng?

Nghiên cứu khoa học cần dựa trên những bằng chứng cụ thể, tư liệu chính xác và cần công phu khảo cứu kỹ càng, tỉ mỉ. Đặc biệt, cần tôn trọng công sức của tiền nhân, của những người đi trước. Trong bộ sách Những điều lạ trong lịch sử Việt Nam, tác giả Trần Đình Ba không ghi chú thích là hành động phớt lờ tiền nhân và bỏ qua chữ “tín” trong nghiên cứu khoa học./.