Đánh giá của nhà phê bình Nguyễn Thị Thanh Xuân: “Nhân vật của Nhật Tuấn phần lớn là trí thức, họ thường loay hoay, lẩn quẩn, buồn bã trong những dòng suy tưởng riêng tư hơn là hành động thực tiễn. Họ thông minh, nhiều hiểu biết, chịu khó đọc sách. Họ là những văn nghệ sĩ tài ba, hiểu đời, hiểu nghề, nhưng không tránh được áp lực của xã hội, họ chao đảo trong cơn lốc của đời sống khốn khó vây quẩn. Đó cũng là những viên chức trung thành với cách sống và quan niệm một thời, về già sống kham khổ tựa nhờ vợ con. Đó là những cô gái số phận trôi dạt xuống đáy xã hội mà tâm hồn còn ánh lên chất nhân hậu, giàu nữ tính …  Nhưng hầu hết nhân vật của Nhật Tuấn đều không đi đến đích, không thành đạt. Họ mới yếu đuối và cô đơn làm sao trong thế giới này. Luôn luôn run sợ và đầy mặc cảm phạm tội, họ sống thấp thỏm đầy âu lo, thậm chí lâm vào trạng thái tự kỷ ám thị về những điều mình không có. Không đủ sức mạnh để cải tạo hoàn cảnh, họ giữ cái lòng tốt bất lực của mình trong một thái độ sống lơ ngơ, phân vân, buông xuôi; hoặc để chống lại cái ác, họ chỉ có cách hủy hoại mình để khỏi bị vấy bẩn”. 



NHẬT TUẤN NHÀ VĂN CHUYÊN NGHIỆP

NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

Nhật Tuấn bước vào làng văn bằng truyện ngắn. Trang 17, tập truyện đầu tay của ông, xuất bản năm 1978, đã đem đến cho người đọc cảm giác vui mừng và hy vọng về một tác giả có nhiều hứa hẹn. Bên cạnh giọng văn trong sáng, gợi cảm, Nhật Tuấn còn có một kỹ thuật dàn truyện thuần thục, vững vàng. Đó là cái mà nhiều người bảo là “bút pháp chuyên nghiệp”, đã sớm bộc lộ nơi ông. 
Nhưng nếu truyện ngắn của Nhật Tuấn có cái chất thơ, cái bùi ngùi man mác hé lộ từ một trái tim nhạy cảm trước những mẩu đời nhỏ nhoi, bất hạnh, thì tiểu thuyết của Nhật Tuấn (trở thành thể loại chính của ông từ sau 1985) lại đậm chất trần trụi đôi khi đến dung tục, được thể hiện bằng một bút pháp tỉnh táo, uể oải của một người như đã hiểu cuộc đời đến độ nhàm chán, mệt mỏi vì nó. 
Từ 1985, tiểu thuyết của ông xuất hiện đều đặn từng năm một: Bận rộn (1985), Mô hình và thực thể (1986), Tín hiệu một con người (1986), Biển và bờ (1987), Lửa lạnh (1988), Niềm vui trần thế (1989), Nỗi buồn cho em (1989), Đi về nơi hoang dã (1990), Những mảnh tình đã vỡ (1991)… 

Không chỉ chuyên nghiệp nơi bút pháp, Nhật Tuấn đã thực sự là nhà văn chuyên nghiệp với ý nghĩa là sống được với nghề, có khả năng chịu được những thử thách của nền kinh tế thị trường. Sách của Nhật Tuấn bán chạy, ông có độc giả của mình. Với Nhật Tuấn, ta liên tưởng đến lớp nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của nền văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Lan Khai …, những người có cái năng khiếu bẩm sinh, đã chọn đúng nghề của mình, và may mắn tìm được nguồn mạch riêng, một nguồn mạch dồi dào có thể nhẩn nha khai thác đến trọn đời văn nghiệp. 
Ở khía cạnh này, Nhật Tuấn như là một dấu hiệu tích cực đáng mừng trong một nền văn học vốn nhiều tính chất nghiệp dư như nền văn học Việt Nam . Đối với một nhà văn, sự xác định về nghề hay nói một cách trang trọng – thái độ dấn thân đến cùng trong con đường văn chương – có lẽ còn quan trọng và ràng buộc anh ta hơn là cái danh hiệu hội viên Hội Nhà văn. Bởi vì, đã là nhà văn chuyên nghiệp, trước hết anh phải làm việc với một kỷ luật khắt khe để có tác phẩm ra đời liên tục; anh phải duy trì và phát triển số công chúng trung thành của mình, anh phải “quen nghề”, “biết việc” như một người thợ giỏi, anh phải nắm bắt nhạy bén thị hiếu của quần chúng và am hiểu rất nhiều những yếu tố bên ngoài tác phẩm để có thể tồn tại được. Tất nhiên, trên hết những yếu tố vừa kể, phải là giá trị của tác phẩm, cái tài của nhà văn.

Sự lựa chọn này đòi hỏi nhà văn phải năng động trong tư duy cũng như trong hoạt động thực tiễn. Có những tương quan tưởng chừng nghịch lý trong nghề mà nhà văn phải luôn luôn ý thức và phải giải quyết tốt bằng những nguyên tắc và những kinh nghiệm riêng của mình, chẳng hạn: vấn đề thị hiếu của người đọc và yêu cầu của nghệ thuật (lâu nay ta thường nói là phổ cập và nâng cao), tính chất kỹ thuật và tính chất nghệ thuật trong một tác phẩm … Việc giải quyết những tương quan này sẽ để lại dấu vết trong tác phẩm của nhà văn. 
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nhật Tuấn đã nói rõ quan niệm của ông về nghề: “Viết còn là hành trình thám sát chính mình, bởi thế tôi thường không vì bạn đọc hay những thứ quan điểm mà người ta hay tranh cãi trên đời mà đánh mất chính mình”. Có lẽ Nhật Tuấn đã thể hiện được ít nhiều quan niệm trên trong tiểu thuyết. Bằng chứng là không như phần lớn những người viết đồng thời, Nhật Tuấn là dấu hiệu khá sớm của số ít người cầm bút không vướng mắc cách nhìn “sử thi”. 
Thế giới nghệ thuật của Nhật Tuấn là thế giới của lớp người trung bình trong xã hội. Tiểu thuyết của ông vắng bóng những nhân vật tầm vóc, những sự kiện lịch sử lớn lao, những vấn đề chính trị nóng bỏng. Ông chú ý hơn đến tiếng rì rầm của cuộc đời thường nhật, đặc biệt rất nhạy trong cảm thức về con người với những mối quan hệ với thời đại, nhìn từ góc độ xã hội học. 

Bận rộn đã được viết với cảm hứng “nỗi cô đơn của con người sống giữa hai làn đạn, một bên là nền “văn minh cán bộ” có đặc trưng tem phiếu và bao cấp, một bên là nền “văn minh thị trường” với mọi vẻ hào nhoáng và băng giá của đồng tiền”. Ở đây, có thể việc dùng các khái niệm của Nhật Tuấn còn chưa ổn – nó mang tính chất đặc thù, sáng tạo của riêng tác giả – nhưng quả thật, đó cũng chính là tư tưởng toát lên từ tác phẩm, dù phần miêu tả nền kinh tế bao cấp còn khá mờ nhạt (mà sau này Nhật Tuấn trở lại làm rõ hơn với “Những mảnh tình đã vỡ” và “Đi về nơi hoang dã”). Chính vì chỗ này, người đọc có thể không rõ lắm nguyên nhân sự ra đi, lìa bỏ Hà Nội của Thanh, nhân vật chính trong tác phẩm. 
Trong Bận rộn, tác giả muốn đặt ra vấn đề: con người Việt Nam sẽ ra sao trong những chuyển đổi cơ bản của xã hội Việt Nam hiện thời? Câu trả lời tìm thấy qua nhân vật Thanh, một cô gái Hà Nội có nhiều ưu thế (thông minh, có học, xinh đẹp, sắc sảo, tương lai đầy hứa hẹn …), tóm lại, Thanh là một nhân vật hội tụ nhiều ưu điểm của lớp trẻ lớn lên trong nền giáo dục mới. Nhược điểm lớn nhất của Thanh – và có lẽ là nhược điểm của hầu hết chúng ta – là không được chuẩn bị kỹ để đón nhận những đổi thay này. Thanh đã từ bỏ dứt khoát cái dĩ vãng ấm êm ổn định, mà theo cô là một thứ ao tù trì đọng để cô tìm đến một tương lai mà cô tin là kỳ thú và đầy hứa hẹn. Cô đi tìm một lối thoát, nhưng cô đã bị quật ngã một cách tàn nhẫn, để rồi từ đó cô mới hiểu ra là phải trở về với cội nguồn. Cội nguồn đó ở đâu vậy? Đó là nền giáo dục coi trọng giá trị tinh thần (tr. 245) .
Trong tiểu thuyết của Nhật Tuấn, Thanh là một trong số những trường hợp hiếm hoi có cá tính mãnh liệt, có bản lĩnh và dám thể hiện nó bằng hành động : dám dứt khoát cái cũ và đi về phía cái mới. Thanh muốn “đi thật xa, đi xa khỏi cái nhà mà vết chân của ông nội, của cha, của anh cô đã ăn lõm trên các bậc cầu thang, cái lối đi trong nhà” (tr.6) thoát khỏi “những âm thanh quen thuộc, muôn thuở và lặp lại”. “Thanh muốn sống trong siêu việt, trong hành trình không bao giờ ngưng nghỉ của con người hoà hợp – Thanh ghê sợ sự đơn điệu tủn mủn và chật hẹp, Thanh không chịu được sự nhàm chán trong tù túng “ (tr.87). 
Thanh đã thất bại trong lựa chọn của mình. Bi kịch của đời Thanh diễn ra sau ngày cô vào Sài Gòn nhưng nguyên nhân của nó, thực ra, bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ, tích tụ trong quá khứ. Hành động của cô, cách sống của cô chẳng qua là sự phục thù đối với quá khứ. Ngay từ điểm xuất phát, sự lựa chọn này đã mang tính bi kịch, nó không được thực hiện như một hành động hoàn toàn tự do, chủ động với một ý thức sâu sắc, mà suy đến cùng cũng là một hành động bị chi phối bởi áp lực cũ. Chính ở thế bị động này, Thanh mới dễ dàng bập vào với Quốc – một kẻ tốt mã rẻ cùi – mà không hiểu rằng mình đã nông nổi, lầm lẫn. 

Bên cạnh Thanh, có một số nhân vật khác âm ỉ mầm mống nổi loạn, sự nổi loạn trong đời sống tình cảm (Huệ : Biển bờ, Vân : Lửa lạnh…). Càng về sau này, nhân vật trong tiểu thuyết Nhật Tuấn mệt mỏi, thụ động hơn nhiều. Họ chỉ dám có những giấc mơ thầm lén, những khát vọng vu vơ, họ đầy mặc cảm và có những ám ảnh tội lỗi. Dường như họ chỉ muốn thu mình lại thật nhỏ trong nỗi cô đơn của phận người. 
Con người là sản phẩm của môi trường, với Nhật Tuấn đây không phải là một nhận xét dửng dưng mà là một lời báo động. Cảm hứng này xuyên suốt tiểu thuyết Nhật Tuấn. Không dừng lại trên thiểu số cá nhân trội bật, Nhật Tuấn muốn tìm hiểu cái gánh nặng tiêu cực của xã hội đè trĩu trên đôi vai, trên đời sống tinh thần của những lớp người vô danh, những con người bé nhỏ, thành phần đông nhất trong cộng đồng. Ở đây, có những kẻ bị cuốn vào cơn lốc của những ham muốn vật chất, bị trượt dài trên con đường sa đọa. Họ là những kẻ tha hóa chủ động, thô bạo trong cách sống, kiên quyết trong mục đích (Lý Định, Lân …). Cũng có những tâm hồn yếu đuối, le lói ánh sáng của lương tri, nuôi giữ chút khát vọng lương thiện và một ít ảo tưởng lầm lạc thì lại đánh mất mình do áp lực từ bên ngoài : nợ áo cơm, gia đình vợ con, cơ chế xã hội, cuộc va chạm dằng dai với cái ác và cái xấu trong môi trường … 
Loại người thứ hai này là đối tượng mà Nhật Tuấn mê mải thể hiện, hầu như họ trở đi trở lại trong tất cả các tiểu thuyết của ông: Bà D từng là nữ sinh trường Trưng Vương đã bị “biến thành người khác qua các buổi học chính trị, kiểm thảo trong liên tiếp các đợt chỉnh huấn xuân hạ thu đông. Thôi nhé cái “công dung ngôn hạnh” dở hơi thời phong kiến, cũng thôi luôn cái thói cổ hủ xuất giá tòng phu” […]. “Ba mươi năm sống đời cán bộ cho tới khi về hưu, bà D đã có đủ đức tính an phận, ích kỷ, ghen ghét và thích nhòm ngó kẻ khác của nền văn minh “tem phiếu” trong suốt thời kỳ bao cấp. Đôi khi ký ức về cô nữ sinh đoan trang, hiền dịu ngày xưa trở lại, bà thấy ân hận, khóc thương ông và cả chính bà” (Những mảnh tình đã vỡ, tr.47). 
Nhân vật của Nhật Tuấn phần lớn là trí thức, họ thường loay hoay, lẩn quẩn, buồn bã trong những dòng suy tưởng riêng tư hơn là hành động thực tiễn. Họ thông minh, nhiều hiểu biết, chịu khó đọc sách. Họ là những văn nghệ sĩ tài ba, hiểu đời, hiểu nghề, nhưng không tránh được áp lực của xã hội, họ chao đảo trong cơn lốc của đời sống khốn khó vây quẩn. Đó cũng là những viên chức trung thành với cách sống và quan niệm một thời, về già sống kham khổ tựa nhờ vợ con. Đó là những cô gái số phận trôi dạt xuống đáy xã hội mà tâm hồn còn ánh lên chất nhân hậu, giàu nữ tính … 
Nhưng hầu hết nhân vật của Nhật Tuấn đều không đi đến đích, không thành đạt. Họ mới yếu đuối và cô đơn làm sao trong thế giới này. Luôn luôn run sợ và đầy mặc cảm phạm tội, họ sống thấp thỏm đầy âu lo, thậm chí lâm vào trạng thái tự kỷ ám thị về những điều mình không có. Không đủ sức mạnh để cải tạo hoàn cảnh, họ giữ cái lòng tốt bất lực của mình trong một thái độ sống lơ ngơ, phân vân, buông xuôi; hoặc để chống lại cái ác, họ chỉ có cách hủy hoại mình để khỏi bị vấy bẩn. 
Theo Nhật Tuấn, để thoát ra khỏi tình trạng tha hóa, biến dạng, con người phải trở về với bản chất nguyên sơ, thuần khiết ban đầu. Cô gái trong Những mảnh tình đã vỡ là hình ảnh về Con Người (viết hoa), là cái đẹp mà nhà văn khao khát, ngưỡng vọng, mơ ước :“Nàng, một thiếu nữ mỏng manh, thanh nhã …”, “Nàng, trái tim nhạy cảm và vẻ đẹp thuần khiết, cặp mắt lo âu, ngỡ ngàng, ít nói. Nàng đẹp, thứ nhan sắc cổ tích, không mảy may gợi dục tính. Bên nàng chỉ có sự cảm thông của tình yêu thương, mọi ý nghĩ, mọi việc làm của tôi nàng điều biết cả và chả nói năng gì, nàng chỉ giữ nụ cười ấm áp trên môi – nàng mang đến cho tôi sự an nhiên tĩnh lặng trong cái cuộc đời chán ngán này. Nàng là hình ảnh thuần khiết chưa bị nhiễm độc, con người nguyên sơ, chưa tha hóa. Nàng văn minh của tôi, nhân loại của tôi, cộng đồng của tôi. Bên nàng, tôi như được gặp lại người mẹ hiền dịu ngày xưa […] ngay cả những ý nghĩ cũng biến sạch, trong tôi tràn ngập nỗi hứng khởi thiêng liêng mang tính cách tôn giáo mà ngôn ngữ người đời khó diễn tả nổi” (tr.116). Ở đây, bút pháp của Nhật Tuấn mang nhiều tính chất huyền thoại. Cô gái ấy đã thiếp trong một giấc ngủ dài sau hành vi thô bạo của người bố và chỉ tỉnh lại vào mùa trăng. Một ngày kia, cô đi vào cõi vô cùng, biến mất, không để lại dấu vết. 
Cô gái đó là sự nối kết giữa truyện cổ tích (Người đẹp ngủ trong rừng) và tiểu thuyết hiện đại (La Barrière, Paven Veginov) mà Nhật Tuấn với biện pháp liên tưởng, đã đưa vào tác phẩm của mình, để nói lên tình trạng xuống cấp của môi trường và con người. Một lần khác, ông lại sử dụng biện pháp này để nói lên nỗi ám ảnh bị biến dạng (thành con bọ hung) giống như Biến dạng của Kafka. 
Trong những năm 80 thế kỷ trước, với tiểu thuyết, Nhật Tuấn có vài cột mốc đáng kể : Bận rộn, Đi về nơi hoang dã, Những mảnh tình đã vỡ, còn ngoài ra là những dấu đệm khá mờ nhạt. Ở những tác phẩm không thành công, Nhật Tuấn đã không trung thành với nguyên tắc của chính mình. Ông đã tỏ ra thỏa hiệp, nhượng bộ dưới một áp lực nào đó của đời sống thị trường, hay là sự dễ dãi với chính mình? Dấu vết của sự vội vã, giản đơn lộ rõ trong cấu trúc tác phẩm, trong cốt truyện nặng về tính chất tiểu thuyết hình sự, trong câu văn và việc trùng lặp trong cách xây dựng nhân vật, ngay cả một số nhan đề cũng mang chất mùi mẫn không phù hợp với cái cảm hứng ban đầu mà tác giả chớm có: Tiếng gọi lúc mờ sáng (1986), Xác chết trên sông (1989). 
Trong những tiểu thuyết thành công, theo tôi, Đi về nơi hoang dã là một tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất. Những đối thoại trong tiểu thuyết này giàu sắc thái, đa dạng, phù hợp với tính cách của từng nhân vật. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết này vô cùng lớn và gai góc. Sự phí hoài đáng sợ nhất là phí hoài con người (năng lực, tuổi trẻ, hạnh phúc) vào những điều vô nghĩa, lầm lẫn. “Giật mình ngoảnh lại thấy mình tay không”, nỗi buồn ở đây xót xa, thấm thía và tuyệt vọng, vì mỗi một con người chỉ có một cuộc đời. 
Tiểu thuyết của Nhật Tuấn có nhiều chi tiết miêu tả sinh hoạt tính dục. Dường như ông muốn nói với người đọc rằng đó là một nét trong sinh hoạt bình thường của con người. Khía cạnh tính dục mà Nhật Tuấn thể hiện có hai phương diện : Một, là những sinh hoạt cụ thể của đời sống, nó xuất hiện bên cạnh những mối tình vụn, những cuộc dan díu thoáng chốc, như một nhu cầu cần giải tỏa của con người chứ không phải là sự đi đến tận cùng của một tình yêu nồng say. Ở đây, sinh hoạt tính dục không được nâng lên cấp độ thăng hoa của tình yêu. Tác giả không tô vẽ, chiêm ngưỡng nó mà chỉ miêu tả nó như một sức mạnh bản năng ở con người, một quan hệ tính giao cần thiết. Hai, là những sinh hoạt tiềm tàng ở bề sâu nội tâm con người. Những khát khao dồn nén, những ẩn ức lâu ngày, có khả năng chi phối những hoạt động khác của cá nhân. 
Nhìn chung, dù trên cả hai phương diện, rõ ràng Nhật Tuấn không có sự say sưa trong việc miêu tả quan hệ tính giao này, cũng như tình yêu. Vì thế, theo tôi, nó không có tác dụng tạo nên sự lôi cuốn, mà ngược lại, đem lại sự nhàm chán, bão hòa. Phải chăng đây cũng là một dụng ý của Nhật Tuấn, như trong việc tạo ra cái thế giới nghệ thuật của riêng ông ? 
Tôi muốn nói đến bút pháp tiểu thuyết của Nhật Tuấn. Truyện của ông không phải luôn luôn có cái hấp dẫn của tình tiết, không phải luôn luôn có cái nhẹ nhàng trong sáng của hình ảnh để làm thư giãn đầu óc của con người. 
Những cốt truyện đôi lúc dàn trải, nhân vật uể oải trong những suy tư vụn, những độc thoại nội tâm dài, hay những cơn hoang tưởng, mê sảng, không gian truyện lờ lững xam xám và lẩn quẩn một nỗi buồn, thường đem lại cho người đọc một cảm giác mệt mỏi, chán chường. 
Nếu quả thực tác giả có dụng ý trong bút pháp thì ở đây ông đã thành công phần nào. Từ tất cả những cảnh đời đó, Nhật Tuấn muốn nói với chúng ta: cuộc sống là như vậy, con người mãi hoài lẩn quẩn trong nợ áo cơm, trong những ràng buộc không cùng của xã hội, trong những giới hạn của chính mình. Ở đó, con người nửa vời về tính cách, con người trong sáng nhưng ít ý chí, hoặc con người có mục đích nhưng thỏa hiệp, cơ hội, trâng tráo, vô sỉ đều bị biến dạng như nhau, đều thảm hại như nhau. Chỉ có tình yêu và nghệ thuật mới có thể giúp con người thoát khỏi ám ảnh bị biến dạng. Nhưng rồi để thoát khỏi sự biến dạng một cách dứt khoát, cần phải thực sự thay đổi hoàn cảnh, cải tạo môi trường. Đó là ý nghĩa nằm ngoài những hàng chữ của tiểu thuyết Nhật Tuấn, bởi ông chỉ có mục đích làm cho ta ghê sợ cái cảnh đời và cuộc sống đang có ở đâu đây để mà ý thức và tìm cách từ bỏ nó. 
Khát vọng được chia sẻ luôn luôn là khát vọng muôn thuở của nhà văn, nhưng từ khát vọng đó đến nhận thức được nhu cầu của người đọc là một khoảng cách không nhỏ. Nhật Tuấn dường như đã tìm được lớp độc giả cho mình: đó là lớp người, giống như một nhân vật của anh: “Đọc sách như người ta dạo chơi, nhìn ngắm, thở hít và lặng im” và “đọc đủ mọi thứ sách không có một mục đích quá cụ thể rõ ràng”. 
Hay đó cũng chỉ là một thủ-pháp-giả của ông để tạo ra tác-dụng-ngược cho tác phẩm ?