Chỉ trong vòng một tuần lễ, nghi án đạo thơ của Phan Huyền Thư qua hai bài “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” và “Bạch lộ” lần lượt bị phanh phui, tạo một làn sóng dư luận mạnh mẽ trong xã hội. Đạo thơ không đáng buồn và đáng trách bằng sự lấp liếm ngoa ngoắt của kẻ đạo thơ. Sự việc ê chề này có lẽ cũng nên khép lại ở đây. Ai cũng rút ra được bài học chua chát cho mình, kể cả Hội nhà văn Hà Nội và giới yêu thơ. Còn sự ngoan cố muốn thay trắng đổi đen của Phan Huyền Thư, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cứ phải kiên quyết khởi kiện ra tòa án, nếu kẻ đạo thơ không có một câu xin lỗi đàng hoàng và thừa nhận hành vi lầm lạc! 



NẾU LỠ ĐẠO THƠ, PHẢI LÀM THẾ NÀO?

LÊ THIẾU NHƠN

Trong tất cả loại hình nghệ thuật, thơ dễ bị ảnh hưởng nhất và dễ bị sao chép nhất. Vì ưu điểm của thơ chỉ nằm vỏn vẹn trong khoảnh khắc lóe sáng của hình tượng, của ngôn từ và của cảm giác. Câu thơ của người này rất dễ đồng cảm với người nọ, nên… cũng có lúc khó kiềm chế ham muốn sở hữu thứ tài sản chữ nghĩa mong manh kia. Từ khi nhân loại có khái niệm tác giả thì đã có đạo thơ. Nghĩa là sau khi Khuất Nguyên ký tên mình lên tuyệt tác “Ly tao”, thì nhiều người cũng hứng thú với danh hiệu nhà thơ hoặc thi sĩ!

Cần thẳng thắn với nhau, khi làm thơ đôi khi cũng xảy ra trường hợp ngoài ý muốn là vướng nghi án đạo thơ. Nghi án ấy có thể do chính tác giả phát hiện, và có thể do độc giả phát hiện. Dĩ nhiên, đã mang tiếng sáng tạo mà đối mặt với nghi án đạo thơ, thật chẳng vui vẻ gì. Thế nhưng, điều quan trọng hơn là phải ứng xử ra sao!?

Nóng bỏng trên văn đàn là trường hợp tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư. Bây giờ ít người đọc thơ lắm. Nếu Hội nhà văn Hà Nội không trao giải cho “Sẹo độc lập”, thì cũng chẳng ai quan tâm. Ở đây, đừng lấy cái tâm lý đố kỵ hay tị hiềm để gán ghép cho những ai đả động đến “Sẹo độc lập” sau khi nhận giải. Bởi lẽ, cũng giống như một cô gái vừa đoạt danh hiệu Hoa hậu thì chắc chắn thu hút sự ngưỡng mộ lẫn sự đánh giá của đám đông.

Dù nhà thơ không thể “hot” bằng hoa hậu, song đã chấp nhận phô diễn cá nhân thì phải tình nguyện đón lấy sự phản ứng của người khác, kể cả yêu mến, kể cả trách giận, thậm chí kể cả dày vò. “Sẹo độc lập” đang đứng giữa tâm điểm dư luận vì hai bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” và “Bạch lộ” có giăng mắc với nhà thơ Du Tử Lê và nhà thơ PN Thường Đoan.

Trường hợp thứ nhất: bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” có câu mở đầu “Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển” không khác mấy so với câu “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của Du Tử Lê. Bài thơ của Du Tử Lê đã công bố gần 40 năm trước và được phổ nhạc, nên rất nhiều người biết đến. Phan Huyền Thư viết sau, không thể không thiệt thòi trong phân định tình cảm của người đọc. Phan Huyền Thư có quyền nói rằng mình chưa từng biết đến câu thơ của Du Tử Lê, dù chị tự tin bản thân là nhà thơ chuyên nghiệp và đang được tôn vinh ở một giải thưởng dành cho nhà thơ chuyên nghiệp. Cũng không ai ép Phan Huyền Thư phải thú thật từng nghe qua “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”.

Thế nhưng, về mặt quy luật sáng tạo, cái ra trước không thể sao chép của… cái ra sau. Mặt khác, câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” nằm trong chỉnh thể ý niệm bài thơ của Du Tử Lê. Tất cả những nhà thơ đang sống trong nước đều không thể gây rung động cho độc giả, nếu viết câu thơ ấy. Ngược lại, với Du Tử Lê, câu thơ ấy nói lên nỗi lòng của người Việt tha hương bên kia bờ đại dương chỉ khao khát khi lìa trần được thỏa nguyện lá rụng về cội. Vì vậy, câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” mang dấu ấn của Du Tử Lê. Và khi Phan Huyền Thư viết một câu tương tự, dù để triển khai nội dung hoàn toàn khác, thì cần thiện chí khẳng định đã tạo ra một tác phẩm phái sinh. Chúng ta phải sòng phẳng với nhau rằng, dẫu những câu đơn giản nhất trong Truyện Kiều như “Trăm năm trong cõi người ta” hay “Đau đớn thay phận đàn bà”, thì hậu sinh cũng không có thể viết  y chang mà xem như sáng tạo tuyệt vời của mình. Đó là luật bất thành văn, thể hiện sự kính trọng giữa thế hệ sau với thế hệ trước!

Trường hợp thứ hai: bài thơ “Bạch lộ” có nhiều câu, nhiều chữ giống hệt bài thơ “Buổi sáng” của PN Thường Đoan. Khi vừa bị phanh phui, Phan Huyền Thư đã gọi điện cho nhà thơ đàn chị để khóc và xin bỏ qua. Thế nhưng, sau đó Phan Huyền Thư lại tường trình mình đã viết bài thơ “Bạch lộ” vào năm… 1996, và đã gửi in bên… Mỹ nhưng thất lạc bản thảo gốc. Khi bẽ bàng hứng chịu áp lực nào đó, người ta hay tìm cách chống chế, cũng là điều dễ hiểu. Theo phân bua rất bài bản và rất lớp lang của Phan Huyền Thư, thì bài thơ “Bạch lộ” ban đầu đặt tên “Độc ẩm với bình minh”, sau đó đổi thành tên “Độc ẩm cuối thu”, rồi khi in mới chọn tên “Bạch lộ”.

Có ba câu hỏi đặt ra. 
Một, bài thơ gắn bó với nhiều kỷ niệm như vậy, tại sao tập thơ đầu tay “Nằm nghiêng” in năm 2002 và tập thơ tiếp theo “Rỗng ngực” in năm 2005, Phan Huyền Thư không đưa vào mà phải đợi đến tập thơ “Sẹo độc lập” in năm 2014? Phàm đã làm thơ, ai cũng hứng thú công bố những bài thơ tâm đắc khi có cơ hội. Hơn nữa, gia tài thơ của Phan Huyền Thư không quá đồ sộ, để đắn đo và sàng lọc lao tâm khổ tứ mỗi lần chuẩn bị bản thảo để in thơ.
Hai, nếu đã viết từ… lâu lắm, sao khi gọi điện cho nhà thơ PN Thường Đoan thì chị không xác định ngay bản quyền minh bạch của mình, mà phải đợi qua một đêm suy tư “nhất dạ sinh bách kế” mới… sực nhớ ra hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Nếu bài thơ “Bạch lộ” được giấu kỹ trong ngăn kéo của Phan Huyền Thư, hoặc đã gửi qua Mỹ vào lúc nào không rõ, thì không lẽ nhà thơ PN Thường Đoan có mắt thần để liếc qua đọc trộm à? 
Ba, bài thơ “Buổi sáng” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Catinat cà phê sáng” từ năm 2000, sau đó in vào tập nhạc kèm theo album “Về lại phố xưa” do NXB Âm nhạc- DIHAVINA ấn hành năm 2001. Phan Huyền Thư thổ lộ từng nghe ca khúc “Catinat cà phê sáng”, sao chị không phản ứng gì? Chị độ lượng đến mức không thèm chấp nhạc sĩ Phú Quang lẫn nhà thơ PN Thường Đoan xâm phạm tác phẩm của mình ư? Xin lưu ý, Phan Huyền Thư là một người hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực âm nhạc, từng làm giám khảo âm nhạc trên truyền hình và đang giữ vai trò quan trọng của chương trình “Giai điệu tự hào” hoành tráng đấy nhé. Một người có thu nhập thường xuyên từ âm nhạc, mà thờ ơ với bản quyền âm nhạc ư?

Chỉ cần trả lời ba câu hỏi trên, chắc chắn bạn đọc sẽ có câu đáp án thỏa đáng.

Đạo thơ, lắm phen ngoài ý muốn, nhưng đừng để tai nạn nghề nghiệp ấy làm thui chột nhân cách của người sáng tạo. Một thái độ thừa nhận lỗi lầm luôn luôn cao đẹp hơn hành vi lấp liếm thiếu sót một cách ngoan cố!