Vào những năm đầu Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tôi làm báo ở Sài Gòn và có được đọc một số bài viết và truyện ngắn của tác giả Hòa Vang in rải rác đó đây. Tôi thấy có cảm tình với người viết nhưng không hề biết đó là Nguyễn Mạnh Hùng, một học trò cũ của mình. Mấy năm sau nữa, Hòa Vang xuất bản các tập truyện ngắn gây được sự chú ý của bạn đọc và được nhận giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn của báo Văn Nghệ Trung Ương…thì tôi mới biết rõ tác giả là ai và thầm mừng cho Hùng đã bước đầu thành đạt trong sự nghiệp viết văn. Thế rồi tôi gặp lại Hùng trên trang báo nào đó với hình ảnh một anh chàng để râu để tóc khá dị hợm, làm như một kẻ sĩ thời xa xưa nào đó rất lớn tuổi. Tôi phì cười bởi tôi không ưa cái “mốt” nuôi râu, để tóc dài rất “thiếu vệ sinh” và “phản đối mỹ thuật” của một số văn nghệ sĩ thích chơi trội, khác người…



Nhớ những học trò tài năng mệnh yểu

ĐINH KỲ THANH

 Lại  nhớ về Nguyễn Mạnh Hùng – Hòa Vang, nhà văn giàu trí tưởng tượng và rất hoạt ngôn.

Một người học trò khác mà tôi cũng muốn nói tới nhiều là Nguyễn Mạnh Hùng, bút hiệu Hòa Vang, một nhà văn cũng sớm có được những tác phẩm có tiếng vang trên văn đàn Việt Nam vào cái thời đất nước ta bắt đầu mở cửa chuyển mình theo kinh tế thị trường và cố gắng hòa nhập với thế giới. Anh này sinh năm 1946 và là người con cháu họ Nguyễn của quê mẹ tôi : làng Nhị Khê, thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ. (Xin nói thêm để khoe cùng các bạn, tôi là cháu ngoại đởi thứ 15 của Cụ Tổ Ức Trai, tức Nguyễn Trãi, một nhà văn hóa lừng danh trong lịch sử nước ta, một danh nhân văn hóa thế giới đã được UNESCO chính thức vinh danh). Tôi cũng chưa bao giờ về quê mẹ để điều tra xem Hùng có họ hàng gì với nhà chúng tôi không nữa!

    Nguyễn Mạnh Hùng sinh ra sau Cách mạng tháng Tám, lớn lên trong cuộc chiến tranh gian khổ của toàn dân ta chống lại kẻ thù là bọn xâm lược Pháp, tất nhiên cả tuổi thơ làm sao sung sướng được như bao trẻ em ngày nay. Ngày mà Hùng lớn lên và trở về sống ở phố Hàng Trống, Hà Nội cũng gần nhà tôi, ngõ Hàng Hành, tất cả những nơi ở này đều là những xóm phố cần lao nghèo khổ do dân làng Nhị Khê di dân về lập nghiệp để hành nghề tiện gỗ, khắc dấu… Năm Thủ đô được giải phóng (năm 1954) Hùng mới 8 tuổi, cái tuổi con nít chưa chịu ảnh hưởng chút nào của nền văn hóa cũ của thực dân phong kiến trong lúc lứa tuổi chúng tôi thì mới 15, tuy đã học Trung học, biết ca những bài ca tiền chiến, biết đọc và nói tiếng Pháp, đã đọc và thuộc nhiều thơ ca Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italia và cả Hoa Kỳ…song đâu đã có được một hệ thống tư tưởng tư sản hay tư duy thực dân sâu sắc gì. Vậy mà sau này không biết vì đâu người ta cứ quy cả lũ thày trò chúng tôi là một bọn “tiểu tư sản thối nát, bị đầu độc bởi một nền văn hóa phản động suy đồi, lạc hậu và phản động” (?!) và đòi hỏi các tổ chức Cộng sản trong nhà trường và khu phố phải theo dõi kỹ càng, tìm mọi cách “cải tạo tư tưởng” cho “bọn gốc Hà Nội chúng nó”.

   Khi vừa học xong cấp 3, Nguyễn Mạnh Hùng đã nghe theo tiếng gọi của Đoàn Thanh Niên Lao động hồi đó ( tức Đoàn TNCS ngày nay) ghi tên gia nhập lực lượng Thanh Niên Xung Phong của Thủ đô. Tới năm 1968, khi hết niên hạn phục vụ trở về, Hùng mới được cho vào học tiếp Trường Sư phạm Hà Nội, nơi đào tạo các giáo viên cấp 2 theo hệ chương trình 10+3 mới được triển khai năm đó. Và cũng vì duyên cớ này thày trò chúng tôi mới gặp nhau.

  Nguyễn Mạnh Hùng về học tại Khoa Văn Sử và là một học sinh xuất sắc, lại có tài ăn nói thuyết phục, có khả năng tập hợp bạn bè vì thế anh vừa được chọn làm Cán Sự bộ môn Văn vừa làm Lớp trưởng một lớp. Lúc đó tôi được nhà trường phân công dạy phần Văn học Việt Nam hiện đại cùng với một số tiết Giáo học pháp bộ môn Văn. Tôi cứ nhớ mãi rằng hồi đó do tuổi đời còn trẻ, tính bốc đồng, tôi thường giảng bài rất ngắn gọn, còn thì dành thời gian giới thiệu các tác phầm văn học, vì thấy các học trò rất ít có điều kiện được đọc các tác phẩm được in lại hay chỉ còn vài cuốn lưu trữ trong thư viện thành phố. (Các em tuy học khoa Văn nhưng đâu có điều kiện để được cấp thẻ vào tham khảo trong Thư viện quốc gia!). Vậy là tôi nảy sáng kiến phân công các học trò đọc từng tác phẩm và yêu cầu làm tóm tắt nội dung, trích các đoạn hay, tiêu biểu để trình bày lại cho toàn lớp. Nhờ sáng kiến này các học trò của tôi có thể mở rộng được kho kiến thức văn chương của mình cũng như càng yêu môn Văn hơn và càng thêm thích thú tìm cách đọc các sách tham khảo khác.  Cũng nhờ các thế hệ học trò của trường tôi lúc đó có khá nhiều em thông minh, có khiếu văn chương nên các em đã hưởng ứng say mê chuyện giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng với nhau. Và trong số các học trò tài hoa kia nổi bật lên Nguyễn Mạnh Hùng, một anh chàng khá lập dị, lúc nào tới lớp cũng mặc nguyên bộ quần áo TNXP màu cỏ và trên đầu thì luôn chụp chiếc nón vải tai bèo cũng màu cỏ úa. Nguyễn Mạnh Hùng lên thuyết trình giới thiệu tác phẩm lần nào cũng làm cho cả lớp mê. Anh chàng ăn nói thật gãy gọn, giới thiệu các trích đoạn thì thuộc lòng, lại biết trình bày lên bổng xuống trầm cứ rót vào tai mọi người nên các bạn học đã phải tặng danh hiệu “cây đọc chuyện đêm khuya”của khoa Văn ! Rất hoạt ngôn và lại rất giàu trí tưởng tượng, có lần tôi thử kể cho Hùng nghe một giai thoại về một văn hào Nga mà tôi mới sưu tầm được trên Tạp chí “Thời đại mới” xuất bản bằng tiếng Pháp vừa được nhập về cho Thư viện Quốc gia thì chỉ sau một ngày thôi tôi đã bắt gặp anh chàng đang say sưa kể lại cho các bạn. Tôi nép kín vào một góc phòng để nghe Hùng kể, thấy rõ anh chàng “thêm mắm thêm muối rất nhiều chi tiết tưởng tượng ra” song càng làm nổi bật cốt chuyện hơn và thấy rõ ràng đông đảo các bạn trong lớp cứ há mồm ngồi nghe đầy thán phục. Từ đấy tôi luôn ghi khắc trong đầu ấn tượng về Nguyễn Mạnh Hùng là một chàng trai giàu óc tưởng tượng và hoạt ngôn. 

  Không chỉ học giỏi đều các môn, Hùng còn là một cây văn nghệ xuất sắc. Anh chàng này có thể hát liền tù tì một mạch 5-6 bài hát từ dân ca quan họ Bắc Ninh tới các khúc quân hành hay các bản tình ca hoặc bản nhạc tiền chiến của Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Tô Vũ… Tôi còn nhớ mãi gương mặt Hùng say sưa đờ đẫn và đôi mắt rưng rưng nhòa lệ khi ca bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong hoặc bài ca Ngày về của  Hoàng Giác. Những lúc “nhập hồn” vào các giai điệu , tiếng hát của Hùng bỗng trở nên sâu thẳm, mượt mà và tình cảm đến bất ngờ….
  Tại các buổi trình diễn văn nghệ trong Khoa hay ở Hội diễn Văn nghệ toàn trường Hùng còn thường làm MC, làm hoạt náo viên, diễn kịch và ngâm thơ rất giỏi nên rất được các nữ sinh hâm mộ. Không biết Hùng có được bao nhiêu mảnh tình vắt vai nhưng dù có nhiều tài lẻ, anh chàng này vẫn luôn “diễn” một gương mặt đạo mạo và nghiêm túc, ra dáng một “cán bộ” về đi học hoặc một cốt cán trong phong trào Đoàn Thanh niên của trường. Chỉ sau này khi các sinh viên cùng khóa với Hùng nói với tôi biệt hiệu của Hùng là Hùng - Ba - Lan thì tôi mới biết hóa ra anh chàng này có tới ba lần Yêu và lần nào cũng “dính” phải một cô gái tên Lan !

  Những năm đó vì nhận thấy các sinh viên rất ít có dịp được đọc các tác phẩm hoặc được tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ, Khoa Văn và Nhà trường đã có sáng kiến mời các nhà văn nhà thơ tiêu biểu đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh kế cận tới thăm nhà trường để nói chuyện với sinh viên về cuộc đời và sự nghiệp của mình cùng giới thiệu các sáng tác mà mình yêu quý. Tôi là người dạy môn Văn học Việt Nam hiện đại nên thường được phân công đi tiếp xúc các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học để mời họ về nói chuyện cùng thày trò của khoa. Nhờ vậy tôi đã có được mối liên hệ với các “cụ” nhà thơ cự phách như Tú Mỡ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Trinh Đường, Phạm Hổ…và các nhà văn cây đa cây đề lúc đó như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Huy Phồn… cùng hàng loạt nhà văn nhà thơ mới nổi khác như Đào Vũ, Chu Văn, Xuân Vũ, Lê Khâm, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phan Thị Thanh Nhàn, Trúc Thông, Trần Nhật Lam, Tạ Vũ… Tôi cũng hay tới sinh hoạt với tiểu ban Thơ của Hội Văn Nghệ Hà Nội và nhận lời làm cộng tác viên cho các báo và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Tôi  đặc biệt thích và gắn bó với chương trình phát thanh Thành Thị Miền Nam, bởi các anh phụ trách chương trình này ( trong đó có các bạn tôi là Trần Nhật Lam, Trúc Thông và Tuấn Vinh) hay cung cấp cho tôi các tác phẩm hoặc báo, tạp chí của miền nam trong vùng kiểm soát của Mỹ Ngụy. Nhờ con đường này tôi được biết khá rõ cuộc  sống ở các đô thị miền nam để viết bài và có được nhiều tư liệu quý về nền văn học đô thị  miền Nam lúc đó. Tôi đã thật sự ngạc nhiên khi được đọc nhiều tiều thuyết và truyện ngắn rất hay của Sài Gòn, tôi mê và thuộc nhiều thơ của Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Trầm Tử Thiêng…ngay từ những năm đó. Nhiều lần trong lúc giảng bài cho sinh viên, tôi còn cao hứng trích dẫn những câu thơ hay của Nguyên Sa trong “Áo lụa Hà Đông” hay thơ Tô Thùy Yên trong “Qua sông”…và có ý ngầm so sánh với thơ khô cứng phục vụ chính trị sống sượng hoặc thơ hô khẩu hiệu lên gân của một số nhà thơ trẻ miền Bắc.

  Những năm ấy thày trò chúng tôi có lắm người tài phải chịu “ẩn mình” vì nếu chỉ “hở ra” chút gì là có “cá tính”, có tư tưởng “lạ” là sẽ bị quy chụp, kết án ngay; thậm chí trai gái chỉ yêu nhau hơi lộ liễu thôi thì cả hai đã có thể bị Chi Đoàn lôi ra kiểm điểm vì “thoái hóa về đạo đức, không lành mạnh trong sinh hoạt”. Chính tôi trong những lần sinh hoạt Chi Đoàn cũng đã từng bị lên án và phải kiểm điểm vì những câu thơ viết hơi “lả lướt não tình, thiếu tính chiến đấu và lạc quan cách mạng”, có thể làm ảnh hưởng tới khí phách của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Ở góc độ cá nhân, tôi dù là Bí thư Chi Đoàn, cảm tình Đảng nhưng vẫn cứ là “kẻ đáng ngờ”, “khó ưa” với các vị lãnh đạo vì thỉnh thoảng lại “lòi ra cái đuôi tiểu tư sản”, hay đọc và khen thơ “mất lập trường, phản động” của lũ “văn nghệ sĩ thối nát” trong vùng miền Nam tạm bị chiếm (!?)
   Có lần, khi tôi thắc mắc về chuyện không được Chi Bộ Đảng cho đi học lớp bồi dưỡng đối tượng, vị Bí thư - Trưởng khoa còn gọi tôi lên Phòng ông để lên lớp rằng: “lí lịch của anh có vấn đề”, cha anh xuất thân công chức cao cấp của thực dân Pháp, dù sau này ông cụ có giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến, trở thành cán bộ tốt của mặt trận Tổ quốc, song người  cậu của anh lại là sĩ quan cao cấp của quân Ngụy đang làm việc ở Sài Gòn, như vậy gia đình anh chưa phải là gia đình cơ bản(?!) Còn  bản thân anh là học sinh, sinh viên tiểu tư sản của Hà Nội cũ, chưa qua thử thách nhiều…lại hay có những biểu hiện lãng mạn, cá nhân… tốt nhất anh nên phấn đấu làm một thày giáo giỏi, một công dân gương mẫu và trở thành “một người Cộng Sản ngoài đảng” thì hơn! Càng thắc mắc đòi hỏi, đảng càng mất niềm tin vào “đồng chí” !  Chính với những hoàn cảnh riêng của mình tôi càng thông cảm hơn với các sinh viên “gốc tiểu tư sản Hà Nội” như Hùng…( Cũng may sau này khi chuyển vào công tác ở miền Nam, tôi không hề thấy “người ta” nghĩ về tôi như vậy mà tổ chức đảng còn gần gũi, tin tưởng tôi hơn, có thể nói là đã sẵn lòng mở cửa đón rước tôi! Và tôi đã cảm thấy thật chua chát khi có vị cán bộ lãnh đạo thành ủy còn tuyên bố hùng hồn với một số lãnh đạo cơ quan tôi : không kết nạp được đồng chí Thanh vào đảng thì chỉ gây “thiệt thòi” cho đảng ?! )

   Xin lỗi các bạn vì tôi đã quá lan man những chuyện xa xôi, nay xin trở lại câu chuyện về Nguyễn Mạnh Hùng…
   Những ngày chúng tôi đưa sinh viên đi kiến tập và thực tập giảng dạy tại các trường cấp 2 tại các quận huyện trong thành phố, Nguyễn Mạnh Hùng càng nổi bật và được các em học sinh tại các trường mà anh về hoạt động rất yêu quý. Chúng tôi luôn nghĩ rằng sau này khi ra trường Hùng sẽ mau chóng trở thành một thày giáo dạy giỏi, một nhà sư phạm ưu tú của ngành.
   Thế nhưng, khi vừa chuẩn bị thi tốt nghiệp thì chiến tranh càng ác liệt và Nhà nước ta quyết định Tổng động viên. Hàng loạt sinh viên của chúng tôi đã trúng tuyển Nghĩa vụ quân sự và phải từ giã nhà trường lên đường ra mặt trận. Nguyễn Mạnh Hùng cũng nằm trong số đó. Riêng trong gia đình tôi, chú em thứ tư là Đinh Hùng Sơn, một sinh viên năm thứ hai khoa Toán cùng trường, cũng trúng tuyển và lên đường một lượt với Hùng.

   Ngày đưa tiễn các em lên đường làm nghĩa vụ quân sự, tất cả thày trò và phụ huynh của sinh viên toàn trường lại vô cùng xúc động nghe Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt những người sắp ra đi cứu nước đọc bản Quyết tâm thư gửi Ban Giám Hiệu và các thày cô, các bậc cha mẹ và các anh chị em. Giọng anh sang sảng hùng hồn nghe hừng hực lửa nhiệt tình cách mạng và cũng tràn đầy dũng khí  xông lên quyết chiến và quyết thắng. Khi đoàn quân trẻ lên xe hướng về doanh trại tân binh, tôi thấy hàng ngàn cánh tay giơ lên vẫy chào cũng như chứng kiến nhiều giọt lệ đã rơi… Từ đấy mấy năm liền chúng tôi chỉ còn nghe tin về em Sơn, em Hùng qua những thông báo chung chung qua Đài phát thanh hay báo chí của Nhà Nước về các đơn vị của họ (thuộc các binh chủng khác nhau) hoặc họa hoằn nhận được những phong thư viết vội của các em từ chiến trường ác liệt gửi về. Khoảng cuối năm đó tôi cũng được Sở và Bộ gọi đi tập trung huấn luyện để “đi B” nhằm xây dựng các cơ sở giáo dục trong vùng giải phóng miền Nam. Thế là từ đó tôi và các lớp học trò Hà Nội ở miền Bắc gần như mất liên lạc hẳn.

   Vào những năm đầu Sài Gòn và miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tôi làm báo ở Sài Gòn và có được đọc một số bài viết và truyện ngắn của tác giả Hòa Vang in rải rác đó đây. Tôi thấy có cảm tình với người viết nhưng không hề biết đó là Nguyễn Mạnh Hùng, một học trò cũ của mình. Mấy năm sau nữa, Hòa Vang xuất bản các tập truyện ngắn gây được sự chú ý của bạn đọc và được nhận giải thưởng cuộc thi viết truyện ngắn của báo Văn Nghệ Trung Ương…thì tôi mới biết rõ tác giả là ai và thầm mừng cho Hùng đã bước đầu thành đạt trong sự nghiệp viết văn. Thế rồi tôi gặp lại Hùng trên trang báo nào đó với hình ảnh một anh chàng để râu để tóc khá dị hợm, làm như một kẻ sĩ thời xa xưa nào đó rất lớn tuổi. Tôi phì cười bởi tôi không ưa cái “mốt” nuôi râu, để tóc dài rất “thiếu vệ sinh” và “phản đối mỹ thuật” của một số văn nghệ sĩ thích chơi trội, khác người… Tôi cho rằng Nguyễn Mạnh Hùng – Hòa Vang đã sớm học đòi những chuyện nhố nhăng của Văn nghệ sĩ xứ “Giao Chỉ” ít được giao tiếp rộng với thế giới bên ngoài và luôn kiêu căng cho mình là cả “một bầu trời độc đáo” chẳng giống ai. Em Sơn của tôi có vào chơi Sài Gòn và kể chuyện về Hùng –Hòa Vang song tôi không liên hệ gì với người học trò cũ đó. Cũng xin nói ngay rằng qua 14 năm dạy học và đã có hàng ngàn học trò, tôi đã tự rút ra châm ngôn riêng cho mình là : hãy để học trò nhận ra thày cũ chứ không bao giờ thày chủ động nhận trò cũ, nhất là với các học trò đã có chút ít tiếng tăm hay có chút địa vị trong xã hội! Bởi thế khi biết Hòa Vang là Nguyễn Mạnh Hùng tôi cũng chỉ im lặng để bụng không nói với ai.
   Rồi vào khoảng mùa Hè năm 1993 thì phải, giới nhà Văn phía Bắc lại làm rùm beng lên chuyện hai nhà văn trẻ tổ chức “đi bộ xuyên Việt” để tìm hiểu thực tế cả nước và tạo nguồn cảm hứng sáng tác mới…Hai người tham gia chuyện này là nhà văn Hòa Vang và nhà thơ trẻ Nguyễn Lương Ngọc đều chưa phải thuộc hàng nổi tiếng gì, vì vậy tôi càng cho đây là trò “đánh bóng tên tuổi” của họ, một thứ “P.R” rất lộ liễu theo kiểu phường tuồng mà tôi không mấy ưa. Khi họ tới Sài Gòn, tôi cũng chẳng tham dự cuộc gặp mặt với họ, dù tôi cũng muốn coi lại gương mặt anh chàng học trò Nguyễn Mạnh Hùng rất hay “diễn” những năm trước.

   Thế  rồi khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, ban lãnh đạo báo yêu cầu tôi đi học hỏi thêm về các định chế kinh tế kỹ thuật mới, tìm hiểu các công nghệ hiện đại, các phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh và cả các cung cách quản lý hiện đại để có thể viết bài phản ánh sâu hơn việc các cơ sở kinh tế của ta đang vật vã chuyển mình, liên doanh hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài lo chuyển giao công nghệ, nhập dây chuyền thiết bị mới, lo tổ chức sản xuất các sản phẩm và tìm cách tiếp cận các thị trường mới để tạo đà cho đất nước mình cất cánh đi lên. Tôi ghi danh đi học ngoải giờ rất nhiều môn, kể cả việc học lại Anh ngữ. Tôi tham dự hàng loạt cuộc hội thảo ở trong nước và cũng được tham gia nhiều tốp đi tham quan tìm hiểu công nghệ mới, thiết bị mới và cả các sản phẩm mới tại các công ty lớn ở nước ngoài. Nhờ viết về kinh tế tôi đã có dịp đi nhiều nơi ở Đông Nam Á rồi sau đó là đi tới các nước châu Á khác, rồi mở rộng sang các nước Đông Âu, Tây Âu và Bắc Mỹ xa xôi. Những chuyến đi ban đầu chỉ là để tham quan tìm hiểu về sản xuất kinh doanh song vì “máu viết văn” tôi đã xin kéo dài thời gian để kết hợp tìm đến thăm các viện bảo tàng của các danh nhân văn hóa, tìm đọc các tác phẩm văn chương mới của họ cũng như tìm hiểu sâu về các phong tục tập quán, lối sống riêng của các dân tộc…Tôi đã tới thăm được trang trại của bá tước L.Tolstoi, nhà riêng của Shakespeare, căn hộ của Beethoven, biệt thự nhỏ của Hemingway, nhà thờ Đức Bà ở Paris (khung cảnh chính của tiểu thuyết Thằng Gù của Victor Hugo); thăm các cung điện và lâu đài của Hoàng gia Anh; thăm được Holywood và một số đô thị tuyệt vời như Paris, London, Toronto, Ottawa, Amsterdam, Brussels, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hongkong, Los Angeless…Nhờ các chuyến đi này tôi  viết được khá nhiều tùy bút, bút ký, phóng sự điều tra, các đoạn ghi chép và khắc họa chân dung văn nghệ sĩ ở nhiều nước mà tôi hằng yêu thích như các nhà thơ nhà văn của Nga, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ba lan, Italia, Romania, Canada và Hoa Kỳ… Tôi cũng viết được hàng loạt bài báo về các danh lam thắng cảnh và đôi nét cuộc sống của dân các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Hongkong, Trung Hoa lục địa, Mexico và Ecuador…

  Càng được đi nhiều và mở rộng tầm mắt, tích lũy nhiều vốn hiểu biết mới, tôi càng tiếc cho Nguyễn Mạnh Hùng – Hòa Vang chưa có dịp hay chưa có điều kiện xuất ngoại để tích lũy vốn sống, nâng cao hơn sự hiểu biết của mình… để viết những tác phẩm mà anh thường tưởng tượng ra …cho cụ thể, chính xác hơn, sống động thuyết phục hơn và có được tầm triết lý cao hơn. Tôi tin nếu Hùng có được điều kiện đi xa ra ngoài biên giới nhiều lần chắc chắn anh cũng thấy mình cần sửa lại nếp sống của mình, sửa cả cách ăn mặc kỳ kỳ như người dân thiểu số và cũng sẽ chẳng còn để râu tóc khác người nhằm tự xác định mình là dân “Văn Nghệ sĩ” như một số người cầm bút trẻ khoái chơi ngông ờ xứ ta vậy… Bản thân tôi đã thấm thía nhiều về chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” của các “nhà văn hóa” nước ngoài khi họ sống thật giản dị, không hay làm khác người, họ khiêm tốn và chịu thu mình lại để hòa nhập tốt với chung quanh. Tại Anh quốc, Hoa Kỳ, Đức, Pháp…tôi đã gặp những trí thức lớn, những nhà văn lớn tự xách làn đi siêu thị mua đồ, tự lái máy cắt cỏ vườn nhà hoặc xoay trần tỉa lá, cuốc đất, nấu ăn, hay chơi hockey, chơi cricket… cùng trẻ em hàng xóm rất thích thú. Tôi cũng đã được tiếp xúc với các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Nghị sĩ…rất trẻ trung, mặc áo thun, quần Jean… Có vị còn thoải mái dắt tay tôi vào một quán giải khát hay tiệm ăn nhỏ ở ngoại ô hoặc ven bờ biển để đãi tôi một chầu cà phê hay một bữa ăn hết sức giản đơn mà vô cùng ấm tình hữu hảo. Còn khi hỏi chuyện họ, tôi nhận ra ở họ một kho kiến thức mênh mông và những suy nghĩ độc đáo tới bất ngờ. Họ thật khiêm nhường, giản dị và không hề có chút làm bộ làm duyên nào khi tiếp xúc với một nhà báo nhà văn Á Đông đến từ một nước chưa phát triển như tôi. Những lúc tiếp xúc với họ, tôi càng thấy rõ khoảng cách giữa giới trí thức Việt Nam và giới trí thức các nước tiên tiến còn dài, còn xa hút mắt….

  Trở lại chuyện về nhà văn Hòa Vang và các sáng tác của anh. Tôi đọc và nhận ra rằng Hòa Vang rất thích viết những chuyện tưởng tượng về các xứ xa xôi nào đó không thực nhưng lại gài ngầm, ám chỉ những chuyện tiêu cực, xấu xa của thói tật người đương thời. Cái lối viết đó dường như là cái “mốt thời thượng”của một thời ở Việt Nam ta, hồi thập kỷ 90 của thế kỷ trước.  Cũng vì ra đời đúng lúc, mang chở được những thông điệp mà quần chúng độc giả đông đảo đang trông chờ, ít nhiều giúp giải tỏa được những ẩn ức, những bức xúc có tính thời sự…nên nhiều người đọc đã nhiệt tình chào đón tác phẩm của anh. Một số bạn bè lại tung hô anh, tìm cách “lăng xê” cho một xu hướng mới, phải chăng vì thế mà Hòa Vang sớm mãn nguyện, sớm tự đánh giá cao bản thân mình và từ đó dẫn anh tới chuyện rời bỏ môi trường làm việc tù túng và đơn điệu để hy vọng sống một cuộc đời “nhà văn tự do” rất khó mà tồn tại trong xã hội chúng ta vào lúc  đó. Phải chăng quyết định đó của anh là vội vã và sai lầm vì anh đâu phải “típ” nhà văn có thể “hùng hục”viết như trâu kéo cày ( như Xuân Diệu “cục ta cục tác”, hết đẻ trứng này tôi đẻ trứng khác) và hy vọng các tác phẩm của anh sẽ được “bán giá cao” với những đồng nhuận bút khả dĩ có thể nuôi được bản thân anh và con cái của anh. Phải chăng cái ngông của tuổi trẻ và sự khích lệ vô lối của một số bạn bè đã khiến anh có những ảo tưởng bốc trời?!

  Tôi không muốn nói nhiều về các tác phẩm của Hòa Vang. Bình giá các sáng tác của anh có lẽ có người cảm thông nhất và viết hay nhất là Văn Giá. Còn viết về tính tình và phong cách sống của anh đã có anh bạn Nguyễn Quang Lập tức Bọ lập của Quê choa. Tôi không phải là người cùng thế hệ Nguyễn Mạnh Hùng và cũng không gắn bó với anh lúc anh đã trở thành nhà văn Hòa Vang nên chỉ xin trích một số đoạn nhận xét về các tác phẩm của anh của “nhà phê bình”Văn Giá :  
  “ …Cả đời sống Hòa Vang, cả văn chương Hòa Vang lúc nào cũng mang mang một điệu hồn cổ tích.
  Có một điều thật lạ là : thế giới và con người trong cái nhìn tổng quát của Hòa Vang rất phân minh, mạch lạc, trong sáng vô ngần. Vẫn biết cuộc đời này trong đục, trắng đen chẳng phải lúc nào cũng rạch ròi, nhưng Hòa Vang không muốn chấp nhận điều ấy. Cái tạng anh không thích thế thôi. Người đã tốt là tốt tận cùng. Người đẹp là đẹp đến độ. Văn Hòa vang toàn những người đẹp người tốt dạo gót vào từng trang viết. Người đẹp và người tốt. Chẳng phải đó là niềm theo đuổi lớn nhất của loài người, của mọi thời đó sao? Quả đúng là cái nhìn mang màu cổ tích.
   Không chỉ có vậy. Tinh thần cổ tích còn chi phối cả vào cách ứng xử đối với các nhân vật. Trong các tác phẩm, Hòa Vang để cho những người đẹp người tốt này thế nào cũng gặp những khổ nạn khôn lường. Nhưng rồi cuối cùng thế nào cũng lại vượt qua, cũng được đền bù. Cái cách xử lý này đặc biệt cổ tích. Thi pháp cổ tích triển khai nhân vật đều theo cung cách như thế. Ban đầu cho nhân vật chịu thiệt thòi, trải qua nhiều khổ nạn, rồi được người khác (kể cả Bụt, lực lượng phù trợ) giúp đỡ, cuối cùng thoát khổ thoát nạn và sung sướng. Trong truyện ngắn Hòa Vang, đa số hành trạng các nhân vật đều mang cái ách nặng của những khổ ải đa đoan. Khổ ải trong  thân phận. Khổ ải trong tâm hồn…

  Thế đấy ! Đừng vội quy cho Hòa Vang là người đơn giản. Anh thấu hiểu nỗi nông sâu bất trắc của đời sống. Các nhân vật được miêu tả không hề đơn giản. Ở đó không chỉ có bi kịch của mưu sinh, của quan hệ nhân thế, mà còn cả những bi kịch đau khổ tinh thần. Nhưng lòng mong mỏi của anh đối với cuộc đời, với cõi người này mạnh mẽ đến nỗi, chung cục, tất cả đều được quy về mẫu số : quyền được hạnh phúc. Những người đẹp người tốt  được quyền đón chờ và hưởng thụ hạnh phúc. Tại sao lại không! Chính cái nhìn cổ tích đó chi phối cách lựa chọn, miêu tả và triển khai các nhân vật trong các truyện ngắn, kể cả tiểu thuyết của Hòa Vang.
  Lý giải về cái nhìn cổ tích này, tôi cho rằng trong bản chất tinh thần, Hòa Vang là một kẻ sĩ, từ đó mà suy tôn và dẫn dắt các nhân vật của mình theo tinh thần kẻ sĩ. Tinh thần kẻ sĩ trước hết thể hiện ở chỗ sống bất khuất. Không một bầm dập nào của đời sống có thể làm cho con người ngã quỵ. Các nhân vật của Hòa Vang cứ đi qua các khổ nạn, rồi kết cục lại ngạo nghễ sống, ngạo nghễ giữ lấy giá người. Sau nữa là sự coi khinh cái xấu, cái ác, cái mưu mô xảo trá, danh lợi và đồng tiền bất chính…
  Vì mang một cái nhìn cổ tích như vậy, cho nên các nhân vật của Hòa Vang toàn là “những hạt bụi bay ngược”. Thế giới nhân vật trong văn Hòa Vang có hai loại : các nhân vật mang tính huyền thoại và các nhân vật của cuộc sống thường ngày. Loại thứ nhất chủ yếu được khai thác từ văn hóa, văn học truyền thống, cả dân gian lẫn thành văn, cả phương Đông lẫn phương Tây, mà phương Đông là chính. Nhưng cho dù ở thể loại nào thì phần căn cốt của các nhân vật vẫn là những con người trần thế. Hòa Vang tôn vinh cõi người, tôn vinh hạnh phúc nơi trần thế, hạnh phúc theo kiểu trần thế…
 Không phải ngẫu nhiên mà những truyện thành công nhất của Hòa Vang đều được gợi từ huyền thoại gốc, hoặc là từ vốn văn hóa văn học truyền thống (Nhân Sứ, Bụt mệt, Sự tích con lợn ống tiền…, và đỉnh cao là Sự tích những ngày đẹp trời). Nhất quán trong một trường nhìn cổ tích, Hòa Vang đã hướng về lưng vốn văn hóa truyền thống mang tính cổ tích làm đối tượng khám phá. Mượn cách nói trong âm nhạc, anh đã biến tấu trên chủ đề cổ tích. Cũng là cách ….bay ngược, bay ngược về nguồn cội. Trước các giá trị nguồn cọi tưởng như đã ổn định, anh nghĩ lại, đánh giá lại dựa trên những khai phóng của tư duy con người hiện đại. Nếu quá khứ là một văn bản tĩnh thì Hòa Vang đọc lại văn bản ấy với một ngữ nghĩa mới, đem lại cho văn bản một hàm nghĩa sống động, mới mẻ. Điều này cũng giải thích vì sao văn Hòa Vang ham triết lý. Trên cơ sở văn bản gốc ấy, anh xây dựng những ngữ nghĩa mới, suy tưởng về nó ở một chiều sâu mới. Văn anh có được phẩm chất khai sáng. Bảo văn Hòa Vang kén người đọc có lẽ do từ cái điểm này. Bởi người đọc Hòa Vang ít nhất cũng cần phải có một vốn liếng tri thức văn hóa tương tự làm nền…”

  Những đánh giá trên không chỉ là của riêng Văn Giá. Rất nhiều bạn viết khác cùng thời cũng đã cảm thông và đánh giá các tác phẩm của Hòa Vang là những “trang viết gan ruột, tỉ mỉ, kỹ càng và hết sức công phu”.  Văn của Hòa Vang lôi cuốn mọi người và có nhiều phát hiện lý thú. Tiếc rằng khi anh đang độ sung mãn về ý tưởng, khi đang “chín dần” các thủ pháp nghệ thuật cấu tứ, xử lý hình ảnh và ngôn ngữ…để đủ điều kiện vươn lên thành cây bút chuyên nghiệp vững vàng và có tài năng thì anh lại mắc bạo bệnh và sớm phải ra đi. Phải chăng chuỗi ngày gian khổ thiếu thốn mọi thứ ở chiến trường đã tàn phá ngầm cơ thể anh ngay từ thời trẻ rồi cộng với cái thú “uống rượu thả dàn” tưởng như muốn đốt cháy ruột gan khi “đàn đúm” với bạn bè…cả hai thứ đã hùa nhau vào quật ngã anh. Hòa Vang đã từ giã cõi đời khi chưa tròn 60 tuổi. Anh đã trở thành một hạt bụi bay vào cõi vô thường . Tuy nhiên anh đã trở thành một hạt bụi bay ngược như anh từng viết. Hạt bụi Hòa Vang đã bay ngược trở về đậu trong lòng đông đảo người đọc Việt Nam và luôn sáng lấp lánh cái ánh sáng của một hạt bụi vàng trong văn đàn Việt Nam đương đại.

  Giờ này ở thế giới bên kia xa thẳm hẳn Nguyễn Mạnh Hùng – Hòa Vang lại đang vui vẻ bốc trời, lại quần tụ “đấu rượu” với bạn bè cũ mới và để hào hứng cao giọng kể những chuyện mà anh vừa tưởng tượng ra với tất cả sự say sưa tinh quái của một kẻ rất hoạt ngôn ?!