Sau đại hội nhà văn xa lắc xa lơ mới gặp một anh bạn. Chưa kịp bắt tay, anh bảo: sao thằng T nó nói xấu ông dữ thế? Nói sao? Nó bảo ông  sống không tình nghĩa.Mấy năm ông làm TBT báo SGGP lỗ mấy trăm tỷ đồng. Tôi ngạc nhiên. Sao lại có thông tin bịa đặt vậy nhỉ? Tôi từng 3 khóa làm phó cho 3 đời Tổng biên tập, một khóa làm Tổng biên tập, chưa nếm mùi báo lỗ bao giờ. Báo SGGP cho đến thời tôi là một tờ báo hùng mạnh về kinh tế, là anh cả đỏ trong làng báo đảng Việt Nam. Chúng tôi có đất và văn phòng  ở nhiều trung tâm quan trọng của cả nước. Lương cán bộ công nhân viên và nhuận bút  thuộc nhóm các tờ báo hàng đầu. Phóng viên chúng tôi đi nước ngoài theo các nguyên thủ quốc gia đều bằng tiền của báo. Chúng tôi tự chủ về kinh tế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho nhà nước và ngân sách cho quỹ đảng, có lãi ròng. Chúng tôi đầu tư xây văn phòng ở Hà Nội, Cần Thơ và chuẩn bị đủ vốn đối ứng để để xây cao ốc 18 tầng tại 34-38 Nguyễn Thị  Minh Khai… Nghe nói báo đã lỗ ngay mấy năm sau đó, nhưng  khi ấy tôi đã rời ghế và thật sự cũng không hiểu vì sao nó lại có thể lỗ...


8 KHÚC ƯU TƯ NHÂN TÌNH THẾ THÁI HÔM NAY

           DƯƠNG TRỌNG DẬT

1.
Vừa  đậu trước cổng tòa soạn, mở cửa xe bước ra, cậu bảo vệ nhìn mái tóc bạc, nghi ngờ:- Bố tự lái xe à?- Ừ,thì sao? – Bố năm nay bao nhiêu?- 70- Ô trời ơi! Đúng là Yamaham. Ông già gân!
Ông già? Mà đúng là già rồi còn gì. Đỗ Phủ nói “ nhân sinh thất thập cổ lai hy”.Cụ Hồ chưa đến lục tuần còn được tôn là “cha già dân tộc”. Còn già mà ham (Yamaha)? Nắm hai  khoa hai trường đại học. Một Hội nghề nghiệp. Một tờ báo? Có quá ham không nhỉ? Không biết nữa. Ham hay không là cách nghĩ của mỗi người. Nhưng thú thật là còn quá nhiều thứ muốn làm. Và vẫn có thể làm. Có những suy nghĩ để trong đầu cứ ngọ nguậy không yên.Hay tại cái tạng con người tôi vốn là một anh nông dân, không làm gì cứ thấy ngứa ngáy chân tay? Với lại, có thực mới vực được đạo. Cũng có thể tại không cam tâm bó thân sống trong khuôn khổ  xấp lương hưu còm, hoặc chịu  lệ thuộc con cái. Nhưng, nói thực có  muốn ham cũng chẳng được. Nếu mình vô tích sự thì có ham cũng không  ai ngó ngàng.

2.
Nhân bàn đến chuyện già, lại nhớ đến chuyện kể của một nhà thơ trẻ. Anh kể chuyện anh đi du lịch ở Singapore gặp những người tuổi về hưu làm lái xe taxi. Thâm ý của anh là nhắc khéo những người ở tuổi chúng tôi rằng, nếu muốn thì cũng chỉ nên… như mấy ông về hưu lái xe taxi ở Singapore. Ơ hay! Anh không hiểu thật hay chỉ biết một mà không biết hai? Singapore có người về hưu lái xe taxi  vì chẳng thể làm gì, nhưng còn có ông Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long, hai cha con “ông già” đã tạo ra điều kỳ diệu của đảo quốc sư tử. Và ở Việt Nam nhiều chính khách cũng thuộc hàng tuổi “ông nội” nhà thơ nọ, đang đứng đầu tứ trụ triều đình: Tổng bí thư, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ. Đứng đầu các thành phố Bí thư, Chủ tịch Hà Nội và TPHCM, Chủ tịch các  hội  VHNT Việt Nam- Hữu Thỉnh, các chủ tịch hội Chu Thúy Quỳnh, Tô Ngọc Thanh… Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thành phố TPHCM- Ca Lê Thuần, Chủ tịch Hội nhà Văn TPHCM - Trần Văn Tuấn…bao  nhiêu tuổi mà vẫn đương nhiệm? Những người ấy, chắc cũng…không kém tuổi ông nội anh?

3.
Sáng đi tặng sách cho trẻ em nghèo gặp một bạn thơ. Lúc lên tặng sách xong, anh nắm tay tôi, vẻ thông cảm: hôm trước đọc bài viết của anh về Đại hội nhà văn, thấy đầy tâm trạng, thương quá… Rồi anh nói thêm: chỉ là một cuộc chơi thôi anh ơi! Buồn làm gì? Bỏ đi…
Buồn ư! Có buồn. Nhưng không phải buồn vì cái quả mà buồn vì cái nhân. Cái nhân ấy ở đâu ra và cho ra cái quả gì, thì thiên hạ đã thực mục sở thị. Phật  dạy nhân nào quả ấy. Còn cuộc chơi? Đúng là một cuộc chơi. Nhưng nếu là cuộc chơi của những kẻ cờ gian bạc bịp thì chẳng nói làm gì? Đàng này  lại là cuộc chơi của giới tinh hoa. Vậy mà đủ mánh lới của bọn du thủ du thực, đá cá lăn dưa, của những toan tính láu cá vặt  tiểu nông. Mà lại là cái hội của những người làm nên giá trị văn hóa tinh thần. Mới chợt giật mình. Vậy đất nước chờ mong gì ở những người được gọi là “ kỹ sư tâm hồn” ấy nhỉ? Bỏ qua thì dễ rồi. Chỉ cần bịt miệng quay lưng. Nhưng liệu mình có rơi vào cái vòng xoáy của sự vô cảm đang tràn ngập đời sống. Sự vô cảm làm rã rời những mạch vữa bền vững gắn  con người với con người đang đe dọa sự bền vững,thậm chí sự tồn vong của một xã hội.

4.
Sau đại hội nhà văn xa lắc xa lơ mới gặp một anh bạn. Chưa kịp bắt tay, anh bảo: sao thằng T nó nói xấu ông dữ thế? Nói sao? Nó bảo ông  sống không tình nghĩa.Mấy năm ông làm TBT báo SGGP lỗ mấy trăm tỷ đồng. Tôi ngạc nhiên. Sao lại có thông tin bịa đặt vậy nhỉ? Tôi từng 3 khóa làm phó cho 3 đời Tổng biên tập, một khóa làm Tổng biên tập, chưa nếm mùi báo lỗ bao giờ. Báo SGGP cho đến thời tôi là một tờ báo hùng mạnh về kinh tế, là anh cả đỏ trong làng báo đảng Việt Nam. Chúng tôi có đất và văn phòng  ở nhiều trung tâm quan trọng của cả nước. Lương cán bộ công nhân viên và nhuận bút  thuộc nhóm các tờ báo hàng đầu. Phóng viên chúng tôi đi nước ngoài theo các nguyên thủ quốc gia đều bằng tiền của báo. Chúng tôi tự chủ về kinh tế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho nhà nước và ngân sách cho quỹ đảng, có lãi ròng. Chúng tôi đầu tư xây văn phòng ở Hà Nội, Cần Thơ và chuẩn bị đủ vốn đối ứng để để xây cao ốc 18 tầng tại 34-38 Nguyễn Thị  Minh Khai…
Nghe nói báo đã lỗ ngay mấy năm sau đó, nhưng  khi ấy tôi đã rời ghế và thật sự cũng không hiểu vì sao nó lại có thể lỗ. Sao lại có sự tráo trở đổi trắng thay đen vậy nhỉ ? Mà là ai mới được chứ! Một người bạn do tôi đề bạt và rất ưu ái. Còn tình nghĩa? Chắc anh quên là tôi  đã cứu anh khỏi cái án kỷ luật ở cơ quan cũ, khi xin anh về báo SGGP. Một người từ ống tay áo mình chui ra. Lại thêm một vụ trở mặt. Một con thò lò 4 mặt. Tôi không băn khoăn vì sự tráo trở của anh. Tôi chỉ có điều băn khoăn: vì sao sự phản phúc lại trở thành đức tính phổ biến của nhiều người trong xã hội đương thời, không chừa cả những người bạn đã vào sinh ra tử với mình?

5.
Nhân chuyện ông bạn vàng, chợt nhớ vụ thảm án ở Bình Phước. Một chuẩn con rể, dù không được ưng thuận cũng  có thể coi là người thân thuộc với gia đình. Nhưng không chỉ có thế. Thời gian gần đây những vụ án mạng liên quan đến việc cháu thủ ác với ông bà, con thủ ác với cha mẹ,osin giết gia chủ…có chiều hướng gia tăng. Những chuyện người làm trung thành với gia chủ từ đời nọ sang đời kia trở thành của hiếm. Vì sao vậy? Chưa có ai giải thích về điều này. Nhưng hình như sự tráo trở,l ật lọng, phản bội khởi nguồn từ cải cách ruộng đất khi các ông “đội “cổ vũ, phóng tay phát động phong trào tố điêu” của bần cố nông. Con cái tố bố mẹ. Người làm công tố ông bà chủ. Thậm chí con dâu tố bố chồng…hãm hiếp mình. Lễ giáo phong kiến bị lật nhào đã đành. Hình như cái phẩm chất trung thành, thủy chung của con người Việt  Nam cũng bị thổi bay đi bởi cơn bão cải cách, vốn là tiền thân của cách mạng “thổ cải” bắt nguồn từ phương Bắc. Công cuộc xây dựng XHCN nhập khẩu rập khuôn thứ chủ nghĩa xã hội phong kiến kiểu Mao  không coi trọng con người đã làm rã rời thêm mối qua hệ xã hội vốn đang thiếu những chuẩn mực đạo đức mới làm riềng mối. Phẩm chất này lại bị giáo dục bồi thêm một đòn. Nhà trường dạy các em tình yêu đất nước, nhân dân, tình yêu lý tưởng  là cần. Nhưng người ta lại quên dạy học trò về chủ nghĩa nhân văn, về tình yêu đối với bố mẹ, gia đình, bạn bè, người thân, về phẩm chất trung thành, về lòng chung thủy…Liệu có khiên cưỡng không khi nói rằng, có thể đó là lý do khiến phẩm chất người bị bào mòn, là mảnh đất tốt cho sự lật lọng, tráo trở, phản phúc, ăn cháo đái bát…Và,liệu nó có liên quan gì đến trò chơi hai mặt và triết lý ứng xử của ông bạn láng giềng “không có đồng minh suốt đời, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu”…

6.
Cũng sau đại hội nhà văn Việt Nam, nhân chuyện vãn lúc trà dư tửu hậu, tôi hỏi một người bạn văn: nghe nói hôm trước ông ứng cử? Giỡn chút cho vui ông ơi! Thử xem không khí dân chủ ra sao? Nhưng sao bảo nhiều người ủng hộ ông? Ủng hộ mồm thôi. Nhà văn ấy mà. Nhiều người tuyên bố: tôi sẽ bỏ cho ông. Nhưng rốt cuộc họ không bỏ. Không phải họ ghét gì mình. Có khi tại cái tâm lý tiểu nông “xấu đều hơn tốt lỏi”, không thích ai hơn mình và cái chất đố kỵ nằm trong máu mỗi người.
Một câu chuyện tiếu lâm hiện đại rất hay về chuyện này. Có 3 người một Tây, một Tàu, một Việt bị đày xuống địa ngục. Diêm Vương lệnh bỏ họ vào vạc dầu. Nhưng vạc dầu nấu mãi mà không chìm. Bỏ thêm một con đầm vào, xác Tây lập tức chìm. Bỏ một cuốn Mao tuyển, xác người Tàu chìm theo. Nhưng người Việt vẫn nổi. Bộ hạ loay hoay không biết làm sao đành xin lệnh Diêm vương. Diêm vương cười: sao các khanh ngu thế, bỏ thêm một người Việt khác vào. Quả nhiên, khi bỏ thêm người Việt khác vào, hai cái xác lập tức kéo nhau chìm xuống…

7.
Đọc FB của nhà văn Bích Ngân, thấy ảnh giới thiệu lễ ra mắt Hội đồng Văn xuôi. Tìm hiểu thì được biết Ban chấp hành Hội vừa họp Hội nghị khóa 3 thành lập các Hội đồng và các ban chuyên ngành của hội. Cuộc ra mắt các hội đồng và các ban văn học khá rầm rộ. Các Hội đồng văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, ban văn học thiếu nhi, ban nhà văn trẻ, ban nhà văn nữ…Chỉ không biết các chi hội sẽ hình thành và hoạt động như thế nào. Nhưng cần thiết phải cổ vũ cho những nỗ lực đầu tiên của Ban chấp hành. Sau mấy tháng được bầu BCH có vẻ đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ mới
Chỉ có một điều phân vân. Các hội đồng, ban bệ tuy đủ lệ bộ, nhưng có vẻ giống như cơ cấu tổ chức hoạt động của Hội nhà văn thời Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi. Lại những chuyến đi thực tế, trại sáng tác kiểu những năm 60 của thế kỷ trước, được sao y bản chính từ hoạt động của Hội nhà văn thời Liên Xô. Nhiều vấn đề được bàn thảo ở đại hội có vẻ chưa được bàn tới. Chẳng hạn cơ chế nào để đưa các nhà văn đến với các vấn đề chính trị xã hội nóng của thành phố Hồ Chi Minh? Làm thế nào để nối kết nhà văn với xuất bản? Tờ báo, cơ quan ngôn luận của hội, nguyện vọng của đông đảo các nhà văn hội viên đã được tính toán ra sao? Giải thưởng Hội hàng năm sẽ được nâng tầm và đổi mới như thế nào? Liệu có thể huy động sức mạnh xã hội hóa để thành lập một quỹ bảo trợ phát triển văn học TP Hồ Chí Minh…?
Có lẽ không phải các anh chị không nghĩ ra. Các thành viên BCH đều là những chủ thể sáng tạo sung sức, là tinh hoa của giới tinh hoa. Cũng không phải tại tư duy cũ. Các anh chị hầu hết là những nhà văn thế hệ sau năm 1975, trưởng thành cùng với công cuộc đổi mới. Vậy chỉ là vấn đề thời gian. Và chúng ta hy vọng. Việt Nam được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao, có thể vì hy vọng chăng? Vậy hãy kiên nhẫn chờ, đơn giản hy vọng không mất tiền và cũng chả ai đánh thuế cả.

8.
Nhận làm Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM, ngoài tờ báo, chọn khởi động hoạt động bằng chương trình xã hội từ thiện “Trung thu cho em” ở thành phó Hồ Chi Minh và Bình Phước. Tiếp xúc với các em càng thấy xã hội nhiều vấn đề rất đau lòng. Hàng trăm trẻ em khuyết tật cần được giúp đỡ. Hàng trăm trẻ em cơ nhỡ, lang thang. Hàng trăm trẻ em mới chỉ vài ba tuổi bị bỏ rơi, đang tá túc trong các cơ sở tôn giáo. Vài trăm phần quà ngày Trung thu, sách vở cho các em theo học chỉ là những giọt nước nhỏ, nhưng cần thiết góp phần làm dịu đi cơn khát của những nỗi đau trong sự phân hóa ngày càng khốc liệt của xã hội. Nhưng làm những chương trình như thế này mới thấy lòng nhân ái của con người vẫn tràn đầy.
Mới chợt nghĩ, các nhà văn cũng không thiếu những tấm lòng như thế. Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thành Biền không mệt mỏi với hành trình trên những chiếc xe máy đến vùng sâu vùng xa. Nghe nói nhà văn Hiền Phương  cũng miệt mài với việc làm từ thiện. Nhiều nhà văn ở báo SGGP trước đây đã cùng sát cánh với chúng tôi trong những hoạt động xã hội của báo: cứu trợ đồng bào lũ lụt, những nạn nhân bị tai nạn thiên nhiên. Chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo, xây trường cho các địa phương khó khăn ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, tặng bò cho đồng bào sóc Bom Bo và nhiều địa phương khác ở Lâm Đồng, Yên Bái, Hà Giang. Xây nhà ở cho các giáo viên vùng sâu,vùng xa ở Tây Bắc, chợ tình Khâu Vai. Nhiều nhà văn tham gia nhiệt tình trong chương trình “cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Nhà văn Triệu Xuân từng có sáng kiến cùng báo SGGP lập ra quỹ hỗ trợ tài năng văn học. Hai nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên tài trợ xuất bản cho những người yêu văn chương không có điều kiện ra sách. Và còn biết bao những tấm lòng khác chúng ta biết và chưa biết.
 Nhưng vì sao các nhiệm kỳ Hội nhà văn từ xưa đến nay không ai nghĩ đến việc khai thác mỏ vàng này nhỉ? Hay làm từ thiện xã hội không phải trách nhiệm của hội Nhà văn? Và nếu không quan tâm đến vấn đề này thì phải quan niệm thế nào về vai trò xây dựng tâm hồn và nhân cách con người của văn học?
Thôi thì lại chờ đợi và hy vọng vậy: xã hội hóa tất cả, chỉ trừ Hội nhà văn?