Là ca khúc được biết đến rộng rãi nhưng thật lạ, tác giả của bài “Chân tình”, nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh lại không được nhiều người biết, cả về đời tư và quan hệ âm nhạc với các ca sỹ, nhạc sỹ đương thời khác. Phần vì anh đang sống ở nước ngoài và phần nữa quan trọng hơn, anh có thói quen tránh những ồn ào, xô bồ mà chọn cho mình một lối nhỏ lặng lẽ đi về thế giới nhỏ bé của riêng mình, i chang như bố anh, nhà văn Trần Hoài Dương, một trong những cây bút xuất sắc đã dành trọn cả đời cho các sáng tác của văn học thiếu nhi Việt Nam. Và, tác phẩm của nhà văn quê Hải Dương này cũng may mắn được trích in trong chương trình Sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 3 (tập 1). Chia sẻ cùng chúng tôi, Quỳnh chỉ cười, mỗi bài hát, trang văn cũng như một cuộc đời, hãy để nó tồn tại trong một đời sống riêng, đâu đó sau những mối tình đầu, trước tâm hồn người đang yêu, ngoài góc phố hay đơn giản hơn, réo rắt trong những quán cà phê vỉa hè cũng được. Hãy để tất cả được “êm đềm như những sớm mai…”, đừng bắt tác phẩm gánh thêm những gì khác quá lớn lao, to tát ngoài lời ca, tiếng nói của tâm hồn.



TRẦN LÊ QUỲNH LỐI RIÊNG LẶNG LẼ…

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Như chưa từng có những phút lìa xa…
Cuộc sống có nhiều điều kỳ lạ. Kiểu như Thượng đế ban cho người này giọt sương nhưng người kia là cả hồ nước. Và âm nhạc Trần Như Quỳnh cũng vậy. Anh viết không nhiều, số tác phẩm đếm qua, đếm lại trên đầu ngón tay nhưng cứ in vào, mãi mãi trong tâm trí và trái tim khán giả, với những ca từ giai điệu mềm mại, thướt tha và đẹp đẽ như những giọt sương ban mai đầy tinh khiết. Vì thế, dù nhỏ bé và mong manh nhưng giọt sương lại ám ảnh hơn cả hồ nước mênh mông.
Có lẽ nghệ thuật là số phận. Có người cả đời viết trăm bản nhạc nhưng không có gì để lại cho đời còn Trần Lê Quỳnh thì ngược lại. Ngay từ ca khúc đầu tay, anh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ bằng những ca từ có phần yếu đuối. Thế rồi, với cảm nhận của nhiều người, âm nhạc của anh đã…dừng lại vì không phải những ca khúc sau mà rất ít ca khúc nào khác viết về tình yêu hay hơn được “Chân tình”. Thế nhưng, Quỳnh lại không đồng ý, anh bảo tôi, với mình, ca khúc hay nhất là bài Cô gái đến từ hôm qua. Tuy nhiên, Chân tình vẫn rất đặc biệt với anh bởi khi những giai điệu bài hát này được viết ra cũng là lúc trái tim của chàng sinh viên năm cuối ở Sài Gòn khi ấy tan vỡ bởi mối tình đầu. Cũng như nhiều tác phẩm khác, hầu như tác giả không bao giờ biết số phận của nó cho tới khi được khan giả đón nhận. Và Quỳnh cũng thế. Anh bảo lúc viết ra, anh không kỳ vọng đó là ca khúc để đời hay bất cứ một điều gì mà đơn giản chỉ là sự khỏa lấp đi những mất mát quá lớn sau một mối tình của những rung cảm đầu đời. Có lẽ vì thế mà âm điệu bài hát không gò bó, không chau chuốt nhưng lại mượt mà, êm mướt như một ban mai tinh sương còn ướt rượt cỏ cây…
Có thể có những bài hát về tình yêu rất hay, có những lời thơ về tình yêu sâu sắc, nhưng không bao giờ có được những giai điệu về tình yêu nào trong trẻo và thánh thiện như những lời ca của Chân tình bởi đơn giản, đó là mối tình đầu tiên, mối tình duy nhất đóng đinh như định mệnh của mỗi con người, không bao giờ thay đổi hay xóa bỏ được. Và, đó có lẽ là lý do mà Chân tình mãi mãi là khoảnh khắc đẹp đẽ, trong ngần như đôi mắt người yêu vậy.
Tôi đã hỏi Trần Lê Quỳnh rất nhiều về bản thân và anh cũng vui vẻ chia sẻ. Là người quê gốc Hải Dương nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Quỳnh theo cha mẹ vào Sài Gòn sinh sống từ khi còn khá nhỏ. Anh học cấp 2, cấp 3 và đại học ở thành phố này và tiếng Anh là sở trường cũng như môn học giỏi nhất của anh. Sau này, anh giành được suất du học, rồi định cư làm việc ở nước ngoài cũng nhờ thành tích tiếng Anh xuất sắc so với bạn bè cùng khóa. Kể về cuộc sống hiện tại, cha của hai người con nhỏ tươi cười, mình lấy vợ được mấy năm rồi. Cô ấy là một người bạn quen biết từ lúc còn rất nhỏ, hình như mới lớp 5 nhưng sau một thời gian dài mất liên lạc vì học hành, hai người gặp lại nhau ở Anh quốc và quyết định đi tới hôn nhân. Hiện, vợ anh đang làm phân tích rủi ro cho một ngân hàng của vùng Tây Á. Mỗi năm, gia đình anh thường về Việt Nam vài lần vì người thân và bè bạn và gia đình vẫn ở đây.
Yêu hơn từ ngày bố mất
Bất cứ điều gì bất ngờ cũng luôn để lại những hụt hẫng và đến bây giờ, sau gần năm năm ngày bố anh, nhà văn Trần Hoài Dương mất vì đột quỵ tại nhà riêng, Quỳnh bảo anh vẫn cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh mỗi khi nhớ đến. Vì thế, mặc dù ở xa nhưng năm nào vợ chồng anh cũng cố gắng thu xếp đưa các con về quê thăm ông bà ngoại, thăm bà nội và để anh thăm căn nhà, những cuốn sách cũ kỹ, một thế giới vô cùng thân thuộc của bố anh cả đời gìn giữ.
Nhiều bạn bè thân thiết với nhà văn Trần Hoài Dương đều nói ông là người cam chịu, mặc dù trong văn chương, tâm hồn ông thật trong trẻo, thanh khiết. Về chuyện này, Quỳnh cho biết, không phải cha anh cảm chịu mà vì hết mực thương con. Dường như, ngoài văn chương thì cả cuộc đời, điều ông lo lắng nhất chính là anh, đứa con duy nhất của ông. Trước đây, sau khi từ bỏ công việc ở một Nhà xuất bản danh tiếng, nhà văn Trần Hoài Dương sống và nuôi gia đình bằng ngòi bút đúng nghĩa với số tiền nhuận bút của những tác phẩm văn chương chỉ dành cho thiếu nhi. Và những ai từng sống bằng những đồng nhuận bút mới hiểu cảm giác chật vật của những năm tháng sau này của ông. Thế nhưng, thật lạ, tất cả những gì ông dành cho Trần Lê Quỳnh vẫn là một thế giới yêu thương đầy trong trẻo và bảo bọc. Dường như, không riêng gì Quỳnh, hầu như bất cứ người trẻ nào cũng mê mải đeo đuổi theo chân trời riêng của mình. Có lẽ đó cũng là ước mơ, là niềm đau đáu của những bậc cha mẹ, trong đó có nhà văn Trần Hoài Dương để những năm tháng về già, muốn gặp con cháu, ông đã hai lần lặn lội tới tận xứ người xa xôi.
Tôi cũng may mắn gặp ông, trong một bữa tiệc tất niên ở cơ quan cũ khoảng năm 2010, cùng với nhiều bè bạn văn chương lớn tuổi khác. Thật tiếc cho mình, một cậu nhóc mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn khi ấy chưa biết nhiều, đã không trò chuyện và tìm hiểu nhiều về ông. Nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt thăm thẳm, mái tóc dài nhưng khá thưa và cái áo khoác dày dù trời không lạnh khi ông ngồi lặng lẽ bên nhà văn Trần Quốc Toàn, ai hỏi gì thì mủm mỉm cười, rồi thôi.
Về các dự định tương lai, Trần Lê Quynh tâm sự, thời gian sắp tới, ngoài công việc, anh sẽ dành nhiều hơn cho cuộc sống riêng tư và nghệ thuật với việc bắt đầu viết nhạc lại sau nhiều năm bẵng quên và in một cuốn sách tuyển tập những tác phẩm chọn lọc của bố anh, nhà văn Trần Hoài Dương. Có thể nói, ngay từ khi còn trẻ, làm viên tập của tạp chí Học tập (sau này là Tạp chí Cộng Sản) cho tới khi dạy học, rồi làm trưởng Ban văn xuôi báo Văn nghệ, trưởng ban biên tập nhà xuất bản Măng non (NXB Trẻ), nhà văn Trần Hoài Dương vẫn giữ cho mình được một tâm hồn trong trẻo, một thế giới sáng tác không bị ảnh hưởng bởi bất cứ những đổi thay của cuộc sống, chỉ hướng tới cái đẹp thuần khiết êm đềm của thế giới tuổi thơ đầy ảo mộng. Suốt cuộc đời, ông chỉ tâm niệm là mang đến cái đẹp, dù một chút thôi, như viên sỏi lặng lẽ thả xuống ao bèo cuộc đời này cũng được. Đó không chỉ là văn chương, là ám ảnh mà đó chính là cuộc đời, lẽ sống của ông. Sau này, khi bất ngờ ra đi ở tuổi 69 vì tai biến, ông vẫn còn nhiều dự định và những bản thảo chưa kịp công bố và thời gian tới đây, Trần Như Quỳnh cho biết anh sẽ cùng một vài người bạn văn chương của bố anh tiếp tục hoàn thiện những gì mà bố mình để lại.
Hy vọng, thời gian sắp tới, những tác phẩm còn dang dở hoặc đã hoàn thành nhưng chưa kịp xuất bản của nhà văn Trần Hoài Dương sẽ được con ông, nhạc sỹ Trần Lê Quỳnh tập hợp, đưa đến tay độc giả để làm giàu thêm không gian văn học của nhà văn với những mảng màu quen thuộc mà đẹp đẽ mà cả đời ông đeo đuổi.


Nguồn: Tinh Hoa Việt