Trong tập sách “Quê hương tuổi thơ” không thiếu những trang văn dung dị, kĩ lưỡng. Ba mươi chín mẩu chuyện, ba mươi chín kỉ niệm, thực ra không có gì khác biệt so với các làng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng cái khác ở đây là tác giả đã thả hồn mình vào từng trang sách, từng kỉ niệm, tạo nên nét riêng của văn ông, một giọng văn trau chuốt và đầy biểu cảm. Tác giả Lê Hữu Tỉnh lớn lên ở làng Hạ, ra đi từ làng Hạ. Ông trở thành một nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học giáo dục. Tập sách là những gì còn lưu giữ sâu đậm trong kí ức của ông về một ngôi làng thuở ấu thơ. Nó là sợi dây kết nối những giá trị truyền thống với xã hội hiện đại, góp phần giúp độc giả nhỏ tuổi hiểu quá khứ đẹp đẽ của làng quê Việt trong một thời đại mà văn hóa mạng đang lấn át văn hoá nguồn cội.




Một cuốn sách đánh thức hồn quê, hồn làng

(Nhân đọc "Quê hương tuổi thơ", tản văn của Lê Hữu Tỉnh, NXB Kim Đồng, 2015)

NGUYỄN TRÍ HUÂN

Hạ Mỗ là một làng Việt cổ. Cho đến bây giờ, người dân trong làng vẫn không thể cắt nghĩa được vì sao làng lại có nhiều dòng họ đến thế. Hơn ba mươi dòng họ chung sống hợp thuận, đan cài, giao hoà trải qua nhiều đời tạo nên một quần cư đông đúc. Một ngôi làng cổ với những gốc đa, giếng nước, những con đường lát gạch nghiêng đỏ au và một hệ thống đình, đền, miếu, đặc biệt là miếu thờ thần linh được dựng lên ở tất cả các ngõ xóm...

Làng gối đầu lên bờ sông Hồng. Đồng làng màu mỡ do được tắm gội phù sa của dòng sông Cái. Người làng Hạ có câu: "Chuối trại trên, cau trại dưới, ngô đồng ngoài, khoai chùa Hộn". Làng có trại trên, trại dưới, có xóm Chùa, xóm Ngõ ngoài, xóm Duyên, xóm Cuống cà, xóm Lẻ... (Xóm Lẻ là sinh quán của danh nhân Tô Hiến Thành). Đồng làng có Đồng trong, Đồng ngoài, Đồng sâu, Đầm mát, đồng Giềng, đồng Mả đọ... Tất cả những tên gọi ấy đã gợi lên nét đặc trưng của một làng quê thuần Việt thuộc châu thổ sông Hồng.

Tác giả tập sách "Quê hương tuổi thơ", Tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh sinh ra và lớn lên ở một làng quê như thế. Vào những năm 60 của thế kỉ trước, khi tác giả mới bảy, tám tuổi, người dân làng Hạ vẫn gọi lối đi ra giếng là "chổ", gọi túi áo là "mòi", những người phụ nữ trong làng vẫn giữ tục nhuộm răng đen, mặc váy dấn nâu, nhuộm bùn, đàn ông vẫn đi guốc mộc...

Bằng một giọng văn giản dị, đôn hậu, tác giả kể lại những kỉ niệm về những bờ tre, nơi "... mấy con trâu khoan khoái nằm dưới bóng tre chậm rãi, thong thả nhai khan, khiến ta có cảm giác thời gian dường như chùng lại", về cây đa làng "... có một điều thú vị là chẳng bao giờ nhìn thấy cây đa trổ hoa nhưng lại có quả. Quả đa xanh hay chín đều ăn được...".

Người ta nói kí ức là một loại "dược liệu" có tác dụng chữa trị những căn bệnh trong đời sống tinh thần của con người. Ở "Quê hương tuổi thơ", một kho kí ức của tác giả đã được đánh thức. Đó là những lần đi cất vó tôm, đi úp cá ở đồng sâu, những buổi trưa giúp mẹ xay thóc giã gạo... cả những con rối tự tạo vào ngày Rằm tháng tám cũng đang cựa quậy, trở nên sống động qua giọng kể đầy xúc cảm của tác giả.

Đối với những người con xa quê, làng gắn liền với những kỉ niệm về mẹ. Làng quê có thể khác nhau nhưng mẹ ở bất kì làng quê nào cũng đều giống nhau ở sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Với những người con đi xa, dù ở chân trời góc bể nào cũng không ra khỏi sự vây bọc trong tình thương lớn lao của mẹ. Với tác giả "Quê hương tuổi thơ", mẹ là nơi đưa cậu học trò mới lớn đi xa, cũng là bến bờ neo đậu để người con trưởng thành trở về. Tác giả đã có những kí ức thật cảm động về mẹ. Khi mẹ ông đổ bệnh, mỗi lần từ nơi công tác trở về thăm mẹ, ông đều phấp phỏng, nghĩ khôn nghĩ dại: "biết đâu giờ này mẹ tôi đột ngột chuyển bệnh..."; "Thế là cứ về đến đầu làng, khi tôi chào bà con trong xóm, trong làng, tôi luôn chú ý xem họ có biểu hiện gì khác thường không. Nếu họ không nói gì, tôi mới an lòng".

Cũng có những trang văn, tác giả viết thật hay, thật tinh tế về quá trình làm bánh "nổ nén", một đặc sản của làng Ha: "Đầu tiên người ta chọn thóc nếp đều hạt, già nắng rồi đổ thóc vào ngâm trong nước lá duối. Lá duối tươi luộc kĩ, chắt ra lấy thứ nước sánh đặc, để âm ấm rồi đổ thóc nếp vào ngâm. Sau khoảng một tuần, vớt thóc đem rang, giã, sàng sảy để được những hạt cốm dẻo thơm. Phun một ít rượu thơm vào thúng cốm, trộn đều rồi đem cốm rang thành bỏng. Những hạt cốm nở vừa, không phồng to cũng không dẹt, đều tăm tắp".

Trong tập sách không thiếu những trang văn dung dị, kĩ lưỡng như vậy. Ba mươi chín mẩu chuyện, ba mươi chín kỉ niệm, thực ra không có gì khác biệt so với các làng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng cái khác ở đây là tác giả đã thả hồn mình vào từng trang sách, từng kỉ niệm, tạo nên nét riêng của văn ông, một giọng văn trau chuốt và đầy biểu cảm.

 Tác giả tập sách lớn lên ở làng Hạ, ra đi từ làng Hạ. Ông trở thành một nhà giáo, nhà báo, nhà khoa học giáo dục. Tập sách là những gì còn lưu giữ sâu đậm trong kí ức của ông về một ngôi làng thuở ấu thơ. Nó là sợi dây kết nối những giá trị truyền thống với xã hội hiện đại, góp phần giúp độc giả nhỏ tuổi hiểu quá khứ đẹp đẽ của làng quê Việt trong một thời đại mà văn hóa mạng đang lấn át văn hoá nguồn cội.

Một tập sách đánh thức hồn làng, hồn quê, đánh thức tình yêu quê hương xứ sở vốn tiềm ẩn trong đáy sâu tâm thức của con người. Đó cũng là cách mà ông, Tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh trả nghĩa cho làng quê của ông và vì thế nó là tập sách không chỉ dành riêng cho tuổi thơ mà còn rất hữu ích với thế hệ những người lớn lên từ làng, ra đi từ làng...