Đầu năm nay Mai Linh lâm trọng bệnh. Sau ca đại phẫu thuật, hơn nửa năm nay Mai Linh kiên cường chống chọi với căn bệnh quái ác. Giữa những cơn đau quằn quại, Mai Linh vẫn phác thảo những vần thơ gửi lại với đời. Mai Linh vừa là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin vừa là Tổng biên tập Báo Điện tử Tổ Quốc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mai Linh thông minh, thông thạo nhiều ngoại ngữ, học hành có bài bản ở nước ngoài…  Anh đọc thơ nghe hay, trình diễn rất nghệ sĩ, rất ấn tượng nhưng chẳng bao giờ nghĩ tới rủ anh đi giao lưu thơ phú. Mai Linh chẳng giống nhiều nhà thơ lúc nào cũng đọc thơ mình, gặp ai cũng đọc, đọc hôm trước cho ta nghe hôm sau lại đọc như  mới vậy. Cứ ngồi nghe với điếu thuốc phả khói , với chén rượu uống từ từ. Thuốc lá và rượu và thơ – Mai Linh chẳng chừa cái gì .



MAI LINH TRÌNH LÊN TRỜI CAO DẠI DỘT CỦA MÌNH

BÙI KIM ANH

Trên bức tường phòng khách nhà tôi treo bức tranh biển của nhà thơ Mai Linh. Trừu tượng đấy. Nhiều bạn đến chơi đứng bần thần ngắm, rồi mới vỡ ra. Tôi chẳng sành về hội họa nên cũng chẳng nói gì thêm. Tôi đọc thơ Mai Linh nhiều nên hiểu anh. Có gì đấy chất thi sĩ trong tranh anh vẽ
Chơi với nhà thơ Mai Linh không giống như nhiều nhà văn, nhà thơ khác là chỉ gặp nhau nơi hội hè, đọc bài nhau trên mặt báo, chúng tôi là chị em – chơi thân thiết cả hai gia đình, con cháu. Khi ấy nhà chúng tôi gần nhau, Mai Linh thường sang, có khi 9 – 10 giờ  tối mới đến và ngồi uống rượu với vợ chồng tôi tới khuya. Cậu sinh viên – con nhà thơ, hôm nay đang học ở Mỹ lúc đó mới khoảng 3 – 4 tuổi, theo bố sang còn cầm khẩu súng đồ chơi bắn bác pằng…pằng. Cái người đàn ông tí hon/ con vỡ ra một thế giới của Mai Linh đang ở cạnh tôi đây. Thời gian cứ qua đi, người đến và người đi , nhất là trong hoàn cảnh của gia đình tôi – oan trái, hoạn nạn – ngấm cái tình người. Mai Linh vẫn bên chúng tôi chia sẻ đắng cay. Cái nhà thơ đàn ông mà nhỏ nhắn, tóc buông xõa, đôi mắt hấp háy sau cặp kính nhìn thấy ngài ngại mà thật tình nghĩa. 

Kể nhớ Mai Linh
Khi sang nhà tôi chơi lên phòng thấy chồng tôi nằm trên sàn gỗ, Mai Linh bèn đi mua ngay cho anh cái giường nhỏ, kiểu đơn giản, lịch sự kê vào góccho chồng tôi nằm. Thực ra căn phòng cạp thêm này chỉ dùng để làm việc, nghe nhạc vì nó cũng hẹp, nên lát gỗ cho tiện. Cái giường Mai Linh tặng cứ theo vợ chồng tôi dọn tự nơi này sang nơi khác. Có câu – đồ vật tốt khi mới / con người tốt khi cũ . Giường còn đấy vẫn tốt. Bạn thì cũ vẫn tốt . Cứ giữ gìn thì đều tốt.

Kể nhớ Mai Linh.
Chàng thi sĩ, nghệ sĩ bạn tôi có một ngôi nhà trên Đồng Mô. Mai Linh đón hai vợ chồng tôi đi thư giãn khi chồng tôi mới qua trận khổ ải trở về. Nơi này có 6 ngôi biệt thự mới xây phần thô nên nội thất theo ý gia chủ. MaiLinh thiết kế theo ý tưởng của riêng mình. Thợ mộc đang xẻ ván đóng phản, làm cửa…. Phía sau nhà nhìn xuống hồ Đồng Mô trong xanh thật trữ tình. Một cây to đã được Mai Linh mua về trồng nơi đây. Trên đường đi lên, mấy anh em dừng uống nước quán bên đường và tôi nghe Mai Linh nói chuyện cây cối gì đó với anh chủ quán. Nghĩ chuyện vui nên chẳng quan tâm. Lên đây mới biết cây được mua  từ những hàng cây bày dọc bên đường. Sẽ là chòi trên cây để uống rượu, đàm đạo bạn bè tri kỷ thật lãng mạn như trong tiểu thuyết đây. Và Mai Linh đã làm xong tất cả.
Nhớ chuyến đi này không phải vì ngôi biệt thự bên hồ mà tôi chưa bao giờ ao ước dù rất thích mà là một quyết định rất tình cảm của Mai Linh với chúng tôi.
- Anh đến báo làm việc với em đi. Mai Linh nói với chồng tôi trong bữa ăn trưa trên đường về. Nói xong , Linh quay sang nói với tôi:
- Chị ủng hộ nhé. Chị cũng quyết định đi
Hai vợ chồng tôi nhìn nhau im lặng. Chồng tôi mới từ nơi giam giữ trở về sau oan trái trong nghề nghiệp. Chồng tôi nghĩ gì tôi rất hiểu. Anh ấy muốn sống lặng lẽ bên vợ con mà thôi. Nhưng Mai Linh đã hiểu anh ấy hơn tôi. Đàn ông với nhau mà. Tôi nhớ câu nói lúc ấy của chồng tôi, sau một thoáng trầm ngâm: “Mai Linh làm những điều mà người khác không dám nghĩ!”
Mai Linh vừa là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin vừa là Tổng biên tập Báo Điện tử Tổ Quốc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mai Linh thông minh, thông thạo nhiều ngoại ngữ, học hành có bài bản ở nước ngoài, công việc kiêm nhiệm này làm đã lâu. Làm cố vấn giúp cho Mai Linh về tờ báo ư – cũng là cách nói thôi. Biết bạn chân tình, thực lòng quý nhau, hiểu nhau và nhất trong hoàn cảnh rất đặc biệt này, vợ chồng tôi nhìn nhau xúc động. Ôi khi hoạn nạn, khi oan trái đè nặng tháng năm thì trong những mất mát rất lớn của cuộc đời là sự quay trở của tình người. Mai Linh thật bản lĩnh khi đưa ra lời mời ấy. Không khóc nổi khi những năm tháng khốc liệt ấy đã làm cạn đi nước mắt vốn dễ giàn giụa của người đàn bà. Mai Linh đã giúp tôi và các con tôi đưa bố các cháu trở lại với công việc, với nghề làm báo với say mê, miệt mài tưởng bị cướp đi. Và đấy là tình bạn rất đời thường nhưng cũng rất thơ. Chồng tôi làm việc cùng Mai Linh và tòa soạn báo từ đó đến nay. Mỗi sáng anh ấy xách túi đi đúng giờ, chiều về đúng giờ hay muộn tùy theo tin tức. Chưa nói với Mai Linh từ ngày đó những gì nghĩ về bạn thì bài này nói thay Mai Linh nhé. Chị mong anh làm việc với em dài ngày tháng với nghề. Từ tòa soạn báo điện tử Tổ Quốc, chồng tôi trở lại nghề báo và cả viết văn nữa chứ. Mai Linh là người đầu tiên đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết mà chồng tôi ôm ấp gần 40 năm, đọc suốt đêm, tới gần 4 giờ sáng thì mail cho chồng tôi cảm nhận tức thì của mình. Và chồng tôi đã đăng nguyên văn và trang trọng những cảm nhận”thăng hoa” ấy như Lời bạt mở đầu cho cuốn sách.  

Thơ Mai Linh in chưa nhiều tập – 4, 5 tập thôi, nhưng đã được đánh giá cao và độc đáo. Tập thơ CHO của anh được trao tặng Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005. Tập thơ LỤC BÁT – MÓN ĂN chẳng giống ai. Thơ thì có bài Không đề, có bài nhan đề một chữ như Lụt, có bài đề số 14.2, có bài đề Tôi 3…Món ăn thì không phải kể lể công thức nấu dù trong bài có gặp mà từ nhan đề đến cách viết lại rất thơ. Ví như – Bánh cuốn còn ngon đến tận bây giờ, Chả tôm ngon thế là gì?...rồi Ăn cá mè với ông Thảo – người làm nghề chài lưới, chắc đánh lưới được con mè này nhậu với nhau. Không dừng ở công thức nấu ăn mà là thưởng thức món ăn. Không là ăn gì mà ăn như thế nào, ăn với ai đây. Ăn kiểu nhà thơ ăn là như vậy đấy. Dù là cá, lươn, là rắn hay bánh trái thì đều là nghệ thuật ẩm thực trong bài viết của Mai Linh. Món ăn mà in cùng thơ lục bát thì cũng giàu chất thơ. Dân gian trong thơ và món ăn. 
Mai Linh là như vậy đó. Làm thơ nhanh, hứng lên là viết ngay. Anh đọc thơ nghe hay, trình diễn rất nghệ sĩ, rất ấn tượng nhưng chẳng bao giờ nghĩ tới rủ anh đi giao lưu thơ phú. Mai Linh chẳng giống nhiều nhà thơ lúc nào cũng đọc thơ mình, gặp ai cũng đọc, đọc hôm trước cho ta nghe hôm sau lại đọc như  mới vậy. Cứ ngồi nghe với điếu thuốc phả khói , với chén rượu uống từ từ. Thuốc lá và rượu và thơ – Mai Linh chẳng chừa cái gì .

Có một lần, không hiểu có là lần duy nhất không Mai Linh cùng nhà thơ Nguyễn Duy vào Huế đọc thơ và rủ hai vợ chồng tôi cùng đi. Một đêm thơ đầm ấm và thật đặc biệt. Có lẽ là một đêm thơ đầu tiên được tổ chức như vậy. Hai nhà thơ, hai hồn thơ xứ Thanh giữa xứ Huế thơ và mộng. 

Tấm thiệp mời thật độc đáo – bìa cứng khổ 10 x 20 nền đen, chữ ghi. Một bên in hình nhà thơ Nguyễn Duy với chiếc áo ghi lê quen thuộc đang cầm micrô đọc thơ rất tươi. Một bên in hình nhà thơ Mai Linh với mái tóc dài xõa, cặp kính lãng tử. Cùng với ảnh 2 nhà thơ là giới thiệu sơ lược tiểu sử  tác giả, tác phẩm, là bài thơ Tưởng niệm của Nguyễn Duy, là bài thơ Hồi ức chuồn chuồn của Mai Linh. 

Trời có vẻ muốn mưa và cứ thỉnh thoảng lại lác đác mưa. Con đường đến với đêm thơ hơi xa. Con đường rẽ vào một  xóm nhỏ yên tĩnh. Cứ từ từ từng tốp, từng đôi người bạn đến với Nguyễn Duy và Mai Linh. Những người yêu thơ. những bạn bè văn chương ở Huế và không phải Huế đã tới. Gặp ở đây trong tiếng cười, trong bàn tay nắm chặt và thân thiết của dịch giả Bửu Ý, của các nhà văn nhà thơ Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Nguyễn Khắc Phê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Hồ Thế Hà...Gặp ở đây một Văn Công Hùng từ Tây Nguyên về, một Phùng Tấn Đông từ Hội An ra, một số nhà thơ từ Hà Nội vào. Gặp ở đây những thày cô giáo dạy văn , những nhà báo, nhà nhiếp ảnh, những kiến trúc sư, những vị cao niên, những bạn trẻ yêu thơ...ở Huế. Đầm ấm tình bạn. Đầm ấm tình thơ. Và một sự sắp đặt đầy ý tưởng nghệ thuật của đôi họa sĩ song sinh Thanh – Hải đã làm nền cho những tứ thơ bay trên một không gian lãng mạn.  

Đêm thơ không có chương trình định sẵn mà được thả theo cảm xúc của hai nhà thơ. Đêm thơ không có người dẫn chương trình bởi lẽ cả hai nhà thơ là hai diễn giả tự trình bày thơ mình và dẫn giải thơ người khác rất tự nhiên. Không định sẵn nên thoải mái, nên xúc cảm của người nghe cũng thoải mái  cuốn theo với ý thơ, câu thơ, tâm hồn nhà thơ. Đêm thơ như bừng lên với Nhìn từ xa Tổ quốc; Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ;  Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy và lại lắng xuống với Lục bát và món quê, Hồi ức chuồn chuồn … của Mai Linh. Tôi đã viết về hai nhà thơ Nguyễn Duy và Mai Linh trong đêm thơ ấy với bài nhan đề Rau má về quê.
Mai Linh gặp cháu Thiện Nhân đã xúc động liên hệ đến thế giới người cũng đang phải “đi cà nhắc” để tiến lên trong vòng quay của thiện – ác. Bài thơ mở ra không còn dành cho một chú bé nữa. Tấm lòng nhà thơ là cả một rung cảm sâu sắc ở đời
..
Thế giới đi cà nhắc
một chân có chân không
một nửa trong mê loạn
một nửa vẫn ân cần
con khóc trong tim mẹ
có ru được mẹ không

Nữ sĩ Bình Nguyên Trang trong bài viết về Mai Linh có đoạn - Mai Linh là kiểu nhà thơ không thích đứng cạnh những bài thơ của mình. Ông thích trốn biệt, để cho thơ được sống cuộc đời của chính nó, trải nghiệm số phận của chính nó, mất còn trong sự định đoạt của độc giả. Vậy thì đừng ép Mai Linh đọc thơ của anh, ngay cả khi có đôi ba người bạn. Đọc thơ nhau trên tập vàqua những trang báo thôi. Tôi cũng thích như vậy. Đọc thơ bạn khi yên tĩnh và lắng xuống bao ưu tư việc đời
Tập thơ đầu tay của Mai Linh là Hồi ức chuồn chuồn ( NXB Thanh niên – 1995). Tôi đã đọc và bình bài thơ nhan đề của tập thơ ấy.

Hồi ức là con chuồn chuồn
đậu lại bay đi
đôi cánh mỏng dính một ngày nắng
con chuồn chuồn cõng qua cơn mưa một ngày ráo tạnh
đã một thời ta đứng tiếc ngẩn ngơ
bắt hụt con chuồn chuồn màu đỏ ớt
con chuồn chuồn vụt lên như giọt sáng bất ngờ



Bài thơ có 3 khổ, không gò vào số câu, không dồn thi tứ vào số chữ của thể thơ truyền thống, cũng không bươn chải xa xôi như lối thơ hiện đại. Thơ Mai Linh phóng túng mà cụ thể, lãng đãng mà gần gũi như cánh chuồn chuồn ấy đậu rồi bay đi rồi đậu xuống lòng ta. Ba khổ đều bắt đầu cùng một câu thơ Hồi ức là con chuồn chuồn – đưa đến một định nghĩa, hình như chưa có ai định nghĩa vậy, về hồi ức.
Con chuồn chuồn tuổi thơ cánh mỏng, con chuồn chuồn trong câu ca xưa bay thấp thì mưa / bay cao thì nắng bay vừa thì râm đậu trong thơ Mai Linh gợi về hình ảnh đẹp đến mong manh mỏng dính một ngày nắng, đẹp đến siêu thực khi cái mỏng dính như mơ hồ, như không nắm bắt được ấy lại cõng một ngày ráo tạnh qua cơn mưa…

Tôi thích đọc thơ lục bát của Mai Linh. Có lẽ bởi nó hợp với tạng của tôi.Tôi thuộc câu thơ này
Hồng xác pháo dưới gót chân
Quay về nhan sắc có gần không em?
và nhiều câu lục bát khác của anh

Chàng thi sĩ này nghĩ gì về thơ? Cũng chẳng giống ai
Tôi nghĩ: làm thơ rất dễ vì nước ta có cả triệu… làm thơ
Tôi nghĩ: làm thơ rất khó triệu làm thơ mới có một người thơ
Tôi nghĩ: làm thơ rất khổ vì thơ hay như bánh nóng ra lò
Tôi nghĩ: làm thơ buồn lắm lơ ngơ thơ mới không bị làm ngơ

                                 
Tôi đang đọc lại tập thơ CHO và ngoài kia mưa to – những cơn mưa cuối hạ hay đầu thu mà xối xả vậy. Một bài thơ  Ám ảnh của bạn trong tập viết về mẹ và quê hương của anh thôi và những ám ảnh trong tôi khi đọc và viết về anh. Đầu năm nay Mai Linh lâm trọng bệnh. Sau ca đại phẫu thuật, hơn nửa năm nay Mai Linh kiên cường chống chọi với căn bệnh quái ác. Giữa những cơn đau quằn quại, Mai Linh vẫn phác thảo những vần thơ gửi lại với đời. Trong bài Hạnh phúc, năm xưa thi sĩ viết
Ôi,
xin lỗi mình
chuyện ấy còn xa
anh nghĩ dại lúc hai ta còn trẻ
hãy thương lấy anh
em!
ta hãy thương lấy nhau như thể
cỏ trên mồ vẫn cỏ lúc ta yêu

                                    cuối năm 1989

Mai Linh còn trẻ và đúng là chuyện ấy còn xa. Tôi có niềm tin như vậy. Mai Linh với nỗi buồn trong đến đáy. Mai Linh - Ta chẳng tin tái tê là cái chết.Và trong thơ anh, trong tâm hồn anh – Hôm nay là đông sao ta không đông…Bạn tôi vẫn mạnh mẽ trong ý chí.
Tuyển tập của nhà thơ Mai Linh đang sắp xếp. Những bức vẽ đang bày trong phòng chờ hoàn chỉnh. Chỉ bạn bè gần gũi biết anh đang vẽ. Người này đa tài lắm.
Nơi làm việc của anh là nơi một số bạn là nhà thơ, nhà báo, đạo diễn điện ảnh… hay ghé chơi. Nơi này anh đã đón 5 nữ sĩ đúng vào ngày dự đoán là tận thế - 21/12/2012. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Bính Hồng Cầu và Bùi Kim Anh. Thế là như Mai Linh viết trên báo điện tử Tổ Quốc – 5 nữ sĩ trên con thuyền tận thế. Vẫn vui mà, cái phòng làm việc ríu rít mấy chị em trong một buổi trưa, khề khà mấy ông văn sĩ cũng nhiều trưa vui mà.
Làm sao thiếu vắng nhau đây
Ngoài kia vẫn mưa. Năm nay nhiều nơi mưa lớn, lụt sâu, lũ mạnh.
Mai Linh ơi,
Chị đang đọc Thơ lụt của em – tôi đi chống lụt bằng thơ. / tôi đi chống lụt bằng tôi.
Chị đang đọc bài thơ Hoa dại có câu mở đầu hợp với chị em mình – Trình lên trời cao dại dột của mình