Thực tế, con người có một nhu cầu không giới hạn về thông tin và chính nhu cầu đó đã tạo nên sự tò mò trong mỗi cá thể sống. Con người tò mò đủ thứ, từ những thứ cao siêu thuộc về thế giới khoa học, tâm linh… cho tới những thứ phàm tục như chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt của những cá nhân nổi trội trong cộng đồng. Đó là thứ nhu cầu phản ánh đúng tính hai mặt của một sự vật, hiện tượng nào đó. Nó có thể là một nhu cầu tốt nếu sự tò mò là để phát triển kỹ năng, trí tuệ hay kinh nghiệm. Song nó cũng có thể là một nhu cầu vô cùng dã man khi nó soi mói vào tận sâu những khoảng lấp riêng tư nhất mà quyền cá nhân của mỗi người trong xã hội đều cần được tôn trọng.





CÒN HƠN CẢ TIN TỨC

HÀ QUANG MINH

Giữa tháng Sáu bộn bề những sự kiện, có hai sự kiện nghe có vẻ không liên quan đến nhau nhưng thực chất lại có một mối liên hệ mật thiết mang tính thời đại. Thứ nhất là sự kiện một nhân vật trong "tập đoàn Thánh cô cô bóc" bị bắt khẩn cấp để phục vụ điều tra và thứ hai là việc Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách "Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí" của tác giả Mitchell Stephens.

Chắc sẽ có người cảm thấy ngạc nhiên bởi mối liên hệ mật thiết mang tính thời đại giữa cái tập hợp hổ lốn những con người ẩn mình sau các tài khoản ảo để tung thông tin ảnh hưởng đến đời tư của người khác với một cuốn sách mang tính học thuật hoàn toàn sẽ là cái gì? Đó là sự ngạc nhiên bình thường bởi nghe chừng hai sự kiện ấy xa vời nhau quá. Nhưng thực chất, chúng ta sẽ đi từ sự ngạc nhiên bình thường ấy tới sự kinh ngạc thực sự nếu nhìn sâu vào vấn đề ẩn chứa đằng sau cả hai sự kiện trên.

Cuốn "Hơn cả tin tức" được coi là một cẩm nang mới cho những người làm báo, cả ở công tác quản lý lẫn ở cương vị của ký giả, phóng viên. Nó được xuất bản đúng vào lúc làng báo toàn cầu đối diện cuộc khủng hoảng sâu rộng tới mức nhiều tờ báo uy tín đã phải đóng cửa vì không thể đủ tài lực để tiếp tục các hoạt động truyền thống của mình. Cũng ở cùng thời điểm với việc cuốn sách này ra mắt, lá thư ngỏ của chủ bút tờ New York Times, Jeff Bezos, cũng gây nhiều chấn động khi khẳng định rằng "nội dung tốt là chưa đủ" đối với một ấn phẩm báo chí.

Jeff Bezos nhấn mạnh vào cách làm báo nhiều hơn là cách sản xuất nội dung báo chí và cuốn sách của Mitchell Stephens cũng đề cập nhiều đến quan điểm đó mà ngay ở trong những trang mở đầu, Stephens đã nói đến chuyện cần phải quên đi công thức làm việc của một ký giả mẫn cán vốn dĩ đã tồn tại từ thế kỷ XIX tới nay.

Thực tế, con người có một nhu cầu không giới hạn về thông tin và chính nhu cầu đó đã tạo nên sự tò mò trong mỗi cá thể sống. Con người tò mò đủ thứ, từ những thứ cao siêu thuộc về thế giới khoa học, tâm linh… cho tới những thứ phàm tục như chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt của những cá nhân nổi trội trong cộng đồng. Đó là thứ nhu cầu phản ánh đúng tính hai mặt của một sự vật, hiện tượng nào đó. Nó có thể là một nhu cầu tốt nếu sự tò mò là để phát triển kỹ năng, trí tuệ hay kinh nghiệm. Song nó cũng có thể là một nhu cầu vô cùng dã man khi nó soi mói vào tận sâu những khoảng lấp riêng tư nhất mà quyền cá nhân của mỗi người trong xã hội đều cần được tôn trọng.

Báo chí là một công cụ để thỏa mãn cái nhu cầu tò mò ấy của con người và bởi thế, cũng có báo chí sạch sẽ và báo chí lá cải là vậy. Nhưng ở thế kỷ XXI này, khi công nghệ thông tin bùng nổ, báo chí truyền thống (báo in) đã và đang bị đe dọa mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện của báo điện tử chính là điểm mấu chốt khiến báo in sẽ phải khai tử. Nhưng theo sự phát triển của thời đại, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hai "kẻ thù" nguy hiểm nhất của báo chí truyền thống là google và các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook.

Với các tài khoản cá nhân, thực sự mỗi người đều có khả năng trở thành một "ký giả" một cách tự nguyện và vô ý thức. Nhìn thấy một đám cháy, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người ta đã có thể làm một cái tin hiện trường đa phương tiện, với độ lan truyền nhanh hơn bất kỳ một tòa soạn đồ sộ nào. Và những người làm nội dung trang cá nhân của mình thu hút, những người đó càng có khả năng lôi kéo một lực lượng độc giả lớn, những người tuần tự sau đó bỗng trở thành những "đơn vị phát hành" tự nguyện và hùng hậu.

Tập đoàn "Thánh cô cô bóc" chính là một dạng "báo chí phản báo chí" của thời đại như thế. Nó đánh vào cái thói quen thích soi mói, thích "lật tẩy" người khác, một thói xấu hèn hạ của con người. Và trong lúc nhiều người lên án một lực lượng không nhỏ những người làm báo là kền kền thì chính những kẻ quá bận rộn với việc theo dõi các nội dung tương tự kiểu "Thánh cô cô bóc" mới là kền kền thực sự, với cái xác chính là những nội dung vô nhân tính của những kẻ ưa "hạ nhục người khác giữa chợ" vẫn tồn tại mỗi ngày.

Rõ ràng, sự tồn tại của "Thánh cô cô bóc" hay một loạt trang thông tin cá nhân tương tự chính là kiểu biến tướng mới của báo chí hiện đại, thứ báo chí "vượt qua cả tin tức", một biến tướng không lành mạnh và thậm chí nó còn nguy hại hơn cả báo lá cải. Nó đánh đúng vào tâm lý chung, thói xấu chung của đám đông và cung cấp những thứ không hẳn đã là sự thật hay chưa nhưng có sức hút đủ khiến người ta dễ dàng tin vào đó.

Ngày xưa, khi chưa có mạng xã hội, người đọc rất dễ tin vào báo chí và họ vẫn thường dẫn chứng rằng "báo đăng như thế" để làm cơ sở của niềm tin. Nhưng ở thời đại kỹ thuật số này, người ta thậm chí khước từ tin vào báo chí chính thống bởi họ cho rằng đó là thứ còn có kiểm soát để cả tin hoàn toàn vào những tài khoản mạng xã hội có sức lan tỏa. Đó chính là sự đổ vỡ niềm tin đến từ những nhiễu loạn thông tin mang tính thời đại mà các cơ quan báo chí thực sự phải nghiêm túc suy nghĩ về cách làm, hướng làm để củng cố lại niềm tin ở độc giả.

Song, vượt lên hết vẫn phải là cơ chế tự lọc của người đọc. Hãy hình dung thế này, bạn sẽ làm được thêm bao nhiêu việc nữa, bạn sẽ có thêm được bao nhiêu thời gian nữa, bạn sẽ có thêm bao nhiêu niềm tin tích cực nữa nếu như bạn bỏ được thói quen mỗi ngày phải lần mò vào các trang thích "bóc trần" người khác kiểu như "Thánh cô cô bóc"? Chỉ cần trả lời câu hỏi ấy thôi, rồi khước từ cái thói quen đến ''nghiện'' ấy của mình, bạn đã một phần giúp cho xã hội trở nên văn minh hơn, với những giá trị được tôn trọng hơn mà vượt trên tất cả là giá trị của nhân cách và nhân bản.