Phải chăng, ở Việt Nam, chúng ta đang quá mẫn cảm và chúng ta đang thiếu lý trí trước những câu chuyện mô hình ấy? Rõ ràng, Phùng Ngọc không đòi hỏi, không kêu gọi ai phải hỗ trợ, giúp đỡ anh cả. Nhưng chính những người kêu gọi sự giúp đỡ cho anh lại đang làm khổ anh. Anh vẫn còn đang làm việc, vẫn còn đang lao động, dù lao động ấy không mang lại nhiều giá trị vật chất. Công việc đó cả trăm, cả ngàn, cả chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người vẫn đang làm mà không một lời thở than nào với cộng đồng cả. Họ có xứng đáng nhận được sự đồng cảm của xã hội hay không hay chỉ vì Phùng Ngọc đã từng nổi tiếng nên mới nhận được ưu ái ấy? Xem ra, chính chúng ta đang tạo ra bất công trong xã hội, một cách rất vô tình.



Đừng vô tình tạo ra bất công trong xã hội

ĐAN ANH

Báo chí làng văn nghệ vừa ồn ào với câu chuyện khá giật gân liên quan đến diễn viên Phùng Ngọc, người đóng vai bé Cò ngày nào trong phim “Đất Phương Nam”. Nhiều người cảm thấy xót xa cho một thân phận. Không ai ngờ, một hình ảnh đáng yêu còn lưu trong tâm trí họ ngày nào bây giờ lại đang vất vả mưu sinh nhọc nhằn, thiếu thốn đủ đường. Rồi họ so sánh với Hùng Thuận, người cùng đóng phim “Đất Phương Nam” với Phùng Ngọc, và thậm chí có những tờ báo còn nhẫn tâm tới mức tung tin rằng Hùng Thuận từng chặn số điện thoại của Phùng Ngọc để không cho mượn tiền. Để rồi sau đó, họ tổ chức màn gặp gỡ tái ngộ "đầy nước mắt".

Câu chuyện của Phùng Ngọc thực ra là một motif quá quen thuộc bấy lâu nay khi có một tờ báo nào đó đột nhiên tìm ra một cá nhân nổi trội nào đó của một thời đang tiều tụy khổ sở ở một nơi nào đó. Từ câu chuyện "lấy nước mắt" theo motif ấy kéo theo là việc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, một cộng đồng dễ xúc cảm và cũng rất vô tư không hề vụ lợi.

Yêu thương người khác là điều tốt, điều thiện và cho dù việc yêu thương ấy được thực hiện thế nào đi nữa cũng không thể nào bị mang ra chê trách. Nhưng đằng sau những câu chuyện ấy là gì? Phải chăng, chúng ta còn chưa suy nghĩ thật sâu sắc về thân phận một cách đúng nghĩa???

Hồi đầu năm 2015, báo chí Anh tình cờ phát hiện ra nam ca sỹ tài danh một thời của ban nhạc Westlife là Mark Feehily hiện nay đang hành nghề bán café và đồ ăn nhanh trên một chiếc xe lưu động nhỏ. Đó là câu chuyện khiến nhiều người đọc bất ngờ bởi Westlife đã từng là ban nhạc triệu đô thời thập niên 90 thế kỷ trước. Nhưng tuyệt nhiên không có phong trào ủng hộ nào dành cho Mark Feehily cả. Đơn giản, xã hội phương Tây nhìn nhận sự việc ấy là bình thường và không ai phải có trách nhiệm đùm bọc cho một người vẫn còn nguyên vẹn sức lao động cả.

Vậy thì phải chăng, ở Việt Nam, chúng ta đang quá mẫn cảm và chúng ta đang thiếu lý trí trước những câu chuyện mô hình ấy? Rõ ràng, Phùng Ngọc không đòi hỏi, không kêu gọi ai phải hỗ trợ, giúp đỡ anh cả. Nhưng chính những người kêu gọi sự giúp đỡ cho anh lại đang làm khổ anh. Anh vẫn còn đang làm việc, vẫn còn đang lao động, dù lao động ấy không mang lại nhiều giá trị vật chất. Công việc đó cả trăm, cả ngàn, cả chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người vẫn đang làm mà không một lời thở than nào với cộng đồng cả. Họ có xứng đáng nhận được sự đồng cảm của xã hội hay không hay chỉ vì Phùng Ngọc đã từng nổi tiếng nên mới nhận được ưu ái ấy? Xem ra, chính chúng ta đang tạo ra bất công trong xã hội, một cách rất vô tình.

Mỗi con người đều có một số phận, như con cò trong ca dao Việt Nam vậy. Con cò đậu cành mềm thì phận nó bạc, thế thôi. Chẳng ai run rủi nó. Nó cũng không tự lựa chọn được điều đó. Tất cả đều là số phận và trước số phận, một người vững vàng là một người phải biết chống chọi lại tất cả nghịch cảnh. Có nhiều người đang chống chọi với nghịch cảnh mỗi ngày và họ không để bất kỳ ai làm cho mình trở nên bi quan, yếm thế. Vậy thì vì lý do nào, đừng vội khoác áo tình thương, để chúng ta làm cho những nghệ sỹ một thời như Phùng Ngọc phải bi quan trong quá trình đối diện số phận của mình.
Câu chuyện của Mark Feehily có lẽ nên để chúng ta suy nghĩ nhiều khi anh tuyên bố với báo chí rằng "Tôi bán café, vâng, tôi yêu thích nghề này và tôi làm với nỗ lực 110%. Còn âm nhạc ư? Tôi vẫn còn nguyên ước mơ với nó, và tôi vẫn sẽ theo đuổi nó khi tích lũy đủ điều kiện".

Nguồn: Văn Nghệ Công AN