Năm 1963, Thụy Vân vào vai “Chị Vân” trong “Nổi gió”. Chị đã cuốn hút người xem bằng đôi mắt biết nói của mình. Để diễn ra được số phận phức tạp này, Thụy Vân đã chọn lựa cách thể hiện không khoa trương cường điệu, nhưng cũng không tẻ nhạt đơn điệu. Chị chọn cách diễn, cách nhập vai trung thực vào nhân vật. Hình ảnh “Chị Vân” mặc bộ đồ bà ba đen, ánh mắt bình thản giơ mười ngón tay bị đốt cháy trong “Nổi gió” đã gây ấn tượng mạnh mẽ về một bản anh hùng ca của phụ nữ Việt Nam, của “đội quân tóc dài”. Từ ấn tượng ấy, nghề điện ảnh đã lôi Thụy Vân đi trên các nẻo đường đất nước, cả nước bạn Lào thân thiết nữa. Không chỉ là diễn viên điện ảnh thuần túy. Thụy Vân vừa làm nghề vừa làm thơ. Sang đóng phim ở Lào, Thụy Vân đã từng viết: “Đoàn phim tôi đến bản Săng Lẻ/ như thể anh em ruột một nhà/ Chia vắt cơm làm cùng dưa muối/ Cả tô canh măng tre rừng già…”. Và thêm nữa là những dòng lục bát nhớ con trai: “Lần này mẹ lại xa nhà/ Mẹ đi quay diễn ở xa nước Lào/ Hằng đêm gió vẫn thì thào/ Mẹ nhờ gió thắm ngọt ngào ru con…”.



Gặp lại mỹ nhân phim NỔI GIÓ qua những câu thơ

NGUYỄN THỤY KHA

Thời chống Mỹ, ai đã từng xem phim “Nổi gió” hẳn không thể quên một nhân vật sĩ quan quân đội VNCH là Trung úy Phương do Thế Anh đóng và một nữ cán bộ cách mạng - là chị ruột của Trung úy Phương - mà ta quen gọi là “chị Vân”, do chính một nữ diễn viên trùng tên là Thụy Vân đóng.
“Chị Vân” là một ám ảnh vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam mà những người lính thường xuýt xoa bàn tán dọc đường hành quân. Có người còn mê bóng, mê gió “chị Vân”. Và trong số họ đã bao người không trở về. Họ nằm lại đêm đó trên đất đai xứ sở ôm theo mộng ước về một người đẹp của tuổi thanh xuân.

Thụy Vân tên khai sinh là Nguyễn Thụy Vân. Vì là con gái nhà văn Nguyễn Lương Ngọc - giáo viên trường tư thục Thăng Long, viết cho báo Tinh Hoa, Thanh Nghị và xuất bản nhiều tác phẩm lý luận - Thụy Vân rất yêu văn học. Nhưng khi còn học cấp III tại trường Chu Văn An, Thụy Vân đã có dịp chứng kiến cảnh quay phim bên hồ Tây nên thích thú nghề điện ảnh. Bởi thế, Thụy Vân nộp đơn xin thi tuyển vào trường Sân khấu Điện ảnh khóa I. Khi vào trường, Thụy Vân chỉ mơ ước học đạo diễn, nhưng đôi mắt đẹp của chị đã chống lại ước mơ của chị. Một nhà báo (Đắc Tâm) đã viết khá mùi mẫn về đôi mắt Thụy Vân: “Ôi! Đôi mắt Thụy Vân! Đấy chính là đôi mắt đẹp, trong số không nhiều lắm những đôi mắt đẹp của điện ảnh Việt Nam”. Mắt đẹp nhưng không chịu nổi ánh đèn trường quay nên Thụy Vân đã bị gạt khỏi vai chính phim “Khói trắng”. Chị phải rèn luyện học hỏi mới có thể tự tin bước “ra ràng” cùng Trà Giang, Ngọc Lan, Minh Đức, Tuệ Minh… Một cách bước vào nghề không mấy dễ dàng. Làm đạo diễn thì tuổi đời trẻ quá. Làm diễn viên thì phải thực sự “bắt đèn”. Vậy mà Thụy Vân đã vượt qua.

Năm 1963, Thụy Vân vào vai “Chị Vân” trong “Nổi gió”. Chị đã cuốn hút người xem bằng đôi mắt biết nói của mình. Để diễn ra được số phận phức tạp này, Thụy Vân đã chọn lựa cách thể hiện không khoa trương cường điệu, nhưng cũng không tẻ nhạt đơn điệu. Chị chọn cách diễn, cách nhập vai trung thực vào nhân vật. Hình ảnh “Chị Vân” mặc bộ đồ bà ba đen, ánh mắt bình thản giơ mười ngón tay bị đốt cháy trong “Nổi gió” đã gây ấn tượng mạnh mẽ về một bản anh hùng ca của phụ nữ Việt Nam, của “đội quân tóc dài”. Từ ấn tượng ấy, nghề điện ảnh đã lôi Thụy Vân đi trên các nẻo đường đất nước, cả nước bạn Lào thân thiết nữa. Không chỉ là diễn viên điện ảnh thuần túy. Thụy Vân vừa làm nghề vừa làm thơ. Sang đóng phim ở Lào, Thụy Vân đã từng viết: “Đoàn phim tôi đến bản Săng Lẻ/ như thể anh em ruột một nhà/ Chia vắt cơm làm cùng dưa muối/ Cả tô canh măng tre rừng già…”. Và thêm nữa là những dòng lục bát nhớ con trai: “Lần này mẹ lại xa nhà/ Mẹ đi quay diễn ở xa nước Lào/ Hằng đêm gió vẫn thì thào/ Mẹ nhờ gió thắm ngọt ngào ru con…”.

Nhờ nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, tôi lần đầu tiên được gặp Thụy Vân vào năm cuối thế kỷ trước. Khi ấy, anh còn là Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hóa ra Ngô Quốc Tính được coi như con trong nhà, vì chơi rất thân với anh Nguyên Lương Tiểu Bạch - nguyên Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam - là em ruột Thụy Vân. Lúc ấy, gia đình chị gặp nhiều chuyện thị phi. Chị chân thành giãi bày cùng chúng tôi và cùng tìm hướng giải quyết. Vậy mà chị vẫn không quên. Lần vào Sài Gòn mới đây, nhân gặp chồng chị ở một cuộc khai trương con tàu mới đóng của công ty Bình An, anh nhắc lại chuyện đó. Và thế là tôi có cuộc gặp lại chị cùng gia đình ấm cúng của chị tại Sài Gòn.

Khi tuổi cao hơn, không còn thích hợp làm diễn viên, Thụy Vân chuyển sang làm đạo diễn khi “nợ điện ảnh” chưa dứt. Lại những cuộc làm phim xa nhà. Lúc đó, chị đã có thêm cháu gái Anh Đào. Cứ đi làm phim và cứ nhớ con, chị lại da diết trong thơ tặng con gái: “Xa con là chuyện bình thường/ Mỗi lần xa nhớ vấn vương mỗi lần/ Quay phim mẹ thích lại cần/ Mẹ mang cái nghiệp vào thân thuở nào…”.

                                        


Tuổi cao hơn nữa, chị mới dứt được “nợ điện ảnh” và chú tâm vào thơ như Trà Giang chú tâm vào vẽ. Từ năm 2009 đến nay, chị đã xuất bản hai tập thơ “Tình đời” và “Từng giọt ngọt đời” đều do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành. Đọc thơ chị, thấy hiện lên nét gia phong nghiêm cẩn của tổ ấm nhà văn Nguyễn Lương Ngọc. Khi ông ra đi năm 1994, chị đã thổn thức về ông qua những vần lục bát: “Vắng xa lòng con thường thường/ Vẫn mơ thấy bóng đại ngàn phương xa/ Bóng ba bao trùm bao la/ Nhớ thương nhớ cả những là lời răn…”.
Rất nhuần nhị với thể lục bát, thơ Thụy Vân hướng về đức hạnh gia đình như một điều không thể phai mờ. Vừa thương nhớ cha, vừa nặng lòng cùng mẹ: “Mẹ già dệt lụa quay tơ/ Cho con tung cánh bến bờ Tây phương/ Ở xa ăn học mà thương/ Mẹ đã vất vả lại thường nhớ con…”.

Rồi chị nhớ về tổ tông qua “Lời dạy tổ tông”, nhớ về anh em trong nhà qua “Chị anh em ta”. Từ cái gốc gia đình ấy, chị hướng cảm xúc ra với cuộc đời. Đấy là cảm xúc về những vùng đất thân quen và gặp gỡ qua “Hoa Lư”, “Sông Hương”, “Huế thương”, “Hà Nội tôi yêu”, “Trời Thăng Long”, “Điện Biên”, “Hải Vân”, “Hội An”, “Tây Bắc”, “Yên Tử” … và hằn lên ấn tượng là “Thành cổ Quảng Trị”: “Thành cổ Quảng Trị ta ơi!/ Ngàn đời ghi nhớ ngàn đời xót thương/ Sinh viên lính trẻ học đường/ Xung phong ra trận kiên cường hy sinh/ Ở đây hàng vạn hùng anh/ Vì dân vì nước đấu tranh trung thành/ Trời thu se lạnh nắng hanh/ Thành tâm thắp nén nhớ anh hương lòng…”.

Trong cảm xúc đầy ám ảnh về người lính một thời trận mạc, Thụy Vân thường thảng thốt sẻ chia qua “Anh lính đặc công và cô gái”, “Người lính”, “Những con tàu vô danh”, “Mẹ em và người lính”, “Bến đợi chồng” … và cảm xúc còn chờm sang cả phía bên kia trong cuộc chiến qua “Hai người lính vô danh” đầy ý nhị và tinh tế: “Trong hoang vắng đêm đông/ Hai bóng người qua lại/ Nào ai có hỏi ai/ Trong chiến tranh khắc khoải/ Tôi, anh ta nằm đây/ Giữa đồi hoang giá lạnh/ Nào ai hay ai biết/ Hai ta người lính vô danh”.
Sao Thụy Vân cứ vấn vương, cứ nặng nợ đời đến thế. Phải chăng từ khi vào vai “chị Vân” trong “Nổi gió” đến giờ chị đã “mang lấy nghiệp vào thân” để mà suy tư, để mà trăn trở.

Có khi, chất thi sĩ chợt lan tỏa vào một tứ thơ rất lạ, tuy đầu đề như một bài thơ định nghĩa về hoàng hôn. Bài “Hoàng hôn” là một bài thơ tránh được tả, kể vì nó đã tìm được cái tứ xuất thần: “Em bế hoàng hôn rải xuống đường/ Con đường trải rộng sắc vàng thương…/ Hoàng hôn hỡi sắc vàng lóng lánh/ Vịn sắc màu đi trong không gian/ Ta vẫn bế hoàng hôn một thuở/ Rải xuống đời ấp ủ hồn ta/ Đời lấp lánh ánh sao vui ca/ Lòng lạc giữa hoàng hôn rộn rã”.

Cũng với cách cảm đó, có lúc Thụy Vân lại “Là sương”: “Đêm qua là sương lùa phòng ngủ/ Quấn chặt anh không cho tự chủ/ Chỉ mình em mơn man ôm anh/ Cho lạnh cóng rồi em tan biến/ Hòa trong hư vô ánh mặt trời”.

Từ con người thực mang tên Thụy Vân, nhập vai vào “Chị Vân” của thời “Nổi gió”, để bây giờ trở thành người thơ Thụy Vân. Nghĩ đời “minh tinh” này cũng thật lắm đa đoan.