Vẫn một giọng điệu trầm tĩnh mà nồng ấm, sâu sắc mà trang nhã, Nguyễn Đức Tùng lại vừa hoàn thiện tập sách thứ tư viết về thơ sau “Du Tử Lê, đời sống trở nên mộng hơn” (2006), “Thơ đến từ đâu” (2009), “Đối thoại văn chương” (2012) – mang tên “Thơ cần thiết cho ai”. Tập sách là một cấu trúc mở gồm 3 phần. Phần một bao gồm các bài giới thiệu của nhiều nhà phê bình và nhà thơ về công trình của Nguyễn Đức Tùng. Phần hai chính là công trình của Nguyễn Đức Tùng bình và nhận định về 10 nhà thơ (trong đó có 8 nhà thơ Mỹ và 2 nhà thơ Canada) tiêu biểu của Bắc Mỹ. Phần ba là những những bài nhận định, trong đó có lời bạt của nhà thơ Đỗ Quyên (Canada gốc Việt như Nguyễn Đức Tùng).






THƠ CẦN CHO TẤT CẢ

NGUYỄN THỤY KHA
           
            Tôi không rõ tiêu chí chọn lựa tác giả để bình và nhận định của Nguyễn Đức Tùng, nhưng đọc 10 bài viết của anh thì thấy toát lên một tình cảm thân thiết anh dành cho các tác giả, trong đó có 2 nhà thơ là W.C.Williams và W.Stevens đã được nhóm dịch thuật do nhà thơ Hoàng Hưng tổ chức giới thiệu trong tập “Mười lăm nhà thơ Mỹ thế kỷ XX” (2004). Tuy nhiên, với các nhà thơ Mỹ còn lại mà anh lựa chọn, thì cũng đều được Hoàng Hưng nhắc đến trong bài viết cuối sách “Những trào lưu và sự kiện nổi bật trong thơ Mỹ thế kỷ XX”. Như vậy, bằng tất cả nỗ lực của chính mình, các anh đã lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc nền thơ Bắc Mỹ thế kỷ XX vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Vậy cũng là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Muộn cũng là vì không thể sớm hơn.
            Tôi được Nguyễn Đức Tùng gửi cho bản thảo này trước, nhưng phải đọc đi đọc lại khá nhiều lần. Bây giờ, tôi mới có thể ngồi viết về nó một cách tự tin.

            Thơ Bắc Mỹ thế kỷ XX với sự phát triển phi tuyến của nó, thực ra không phải là thứ thơ dễ đọc đối với độc giả Việt Nam (cả trong và ngoài nước) dù các dịch giả đã cố gắng tới mức không thể cao hơn, chuyển tải trung thực nó đến người đọc. Bởi vậy, sau tập “15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX”, rất cần có một tập như kiểu Nguyễn Đức Tùng vừa thực hiện. Tôi thực sự bị cuốn hút bởi giọng điệu phân tích và nhận định của Nguyễn Đức Tùng về các tác giả, cũng như về những bài thơ của họ. Nếu không thực sự là một “Tử Kỳ” với họ, Nguyễn Đức Tùng sẽ không thể nào khiến ta nhận thức được cái hay của các “Bá Nha thơ Bắc Mỹ”.

            Nói đến W.C.Williams (một nhà thơ hành nghề bác sĩ như Nguyễn Đức Tùng), ngoài những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ này, Nguyễn Đức Tùng nhắc đến bài thơ ông ca ngợi phi công vũ trụ Xô Viết I.Gagarin, một lời ca ngợi rất hay, rất khách quan khiến người ta quên đi I. Gagarin là người nước nào, chỉ biết đó là người đầu tiên của nhân loại này bay vào vũ trụ “Nơi gót chân và ngón chân anh cảm thấy – Như mình vừa nhảy múa xong”. Chỉ từ góc nhìn ấy, Nguyễn Đức Tùng đã mở ra cho ta thấy tính nhân bản sâu sắc của nhà thơ. Với anh, thơ W.C.Williams “Không phải chỉ là ngôn ngữ mà còn là cảm giác”.

            Nói đến B.Collins, Nguyễn Đức Tùng cũng chỉ rõ cho ta thấy tầm vóc của nhà thơ công huân Mỹ “Các phương tiện báo chí xem việc Collins được chọn làm nhà thơ công huân là thành công vang dội của loại thơ sáng sủa, dễ đọc, bình dân”. Bằng việc phân tích và nhận định B. Collins, Nguyễn Đức Tùng đã lồng vào rất nhuần nhuyễn nhận định của anh về thơ khiến ta thấy thú vị và bất ngờ “Thơ mang lại cho chúng ta những người khác, tâm hồn của họ, nhưng đồng thời cũng đẩy họ ra xa chúng ta hơn”.

            Nói đến M. Oliver, Nguyễn Đức Tùng lại chia sẻ với ta về những giọng thơ phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Lại cũng với cách lồng vào như trên, anh viết “Mỗi lần bắt gặp các chữ trong thơ hiện nay, cả trong nước lẫn hải ngoại, hoặc tình tứ như gió trăng mây nước, hoặc than thân trách phận như sầu muộn, chán đời, hoặc dung tục, được sản xuất ào ạt, có nhà thơ gọi chữ ra vô tội vạ như tiêu bạc giả, tôi đều giật mình vì biết trước rằng thế nào tác giả của những hình ảnh đó sẽ vấp và ngã. Và không đứng dậy được. Trái với nhiều người tưởng, nhà thơ không thể vừa đi vừa nhắm mắt mơ màng”. “Tôi tin rằng để làm mới thơ Việt Nam, cái cần bắt đầu từ chỗ bỏ lối làm thơ và đọc thơ nặng về xúc cảm, hoặc ngược lại, nặng về thực nghiệm hời hợt, tung hứng bề ngoài. Phá phách trong văn chương là tuyệt đối cần thiết: Chỉ có sự trá hình giả tạo của sự phá phách mới là sát thủ của nó mà thôi”. Rồi anh đóng chốt một nhận định về thơ M.Oliver: “Oliver được xem là một trong những nhà thơ viết về thiên nhiên quan trọng nhất của Hoa Kỳ”.

            Nói về L. Cohen, một nhà thơ Canada, Nguyễn Đức Tùng cũng đầy trân trọng: “Thơ Cohen là sự lan tỏa từ tâm hồn đến thể chất, sự xung động của các cảm xúc, của thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác. Ngôn ngữ đầy mặt trời Địa Trung Hải:
Bất cứ cái gì di chuyển đều trắng muốt
Chim hải âu, sóng biển, cánh buồm
Những chuyển động trinh nguyên không cách gì bắt chước
            Không chỉ là nhà thơ, L.Cohen còn viết ca khúc và là nghệ sĩ hát như Bob Dylan. Và Nguyễn Đức Tùng đã sắc sảo nhận định: “Tuy nhiên Dylan càng công chúng chừng nào thì Cohen càng riêng tư chừng ấy … Tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn gần với Cohen hơn là Dylan”. Một nhận định đúng đến ngạc nhiên. Thật vậy, Trịnh Công Sơn chỉ gần với Bob Dylan ở phần ca khúc phản chiến. Phần rộng lớn còn lại gần với L.Conhen.

            Nói về E.Bishop – một nữ nhà thơ Mỹ (sinh ở Worcester – Massachusetts) nhưng tuổi ấu thơ lại ở Canada, bà cũng là thi sĩ công huân Mỹ (1949 – 1950), Nguyễn Đức Tùng cũng tỏ ra đầy năng lực khám phá. Anh đã khẳng định sự độc đáo của bài “Nghệ thuật đánh mất” của bà là viết theo hình thức thơ Villanelle, có cấu trúc riêng của nó. Nhưng đồng thời cũng nhẹ nhàng lướt về những cảm nhận thơ Việt Nam: “Bất cứ nhà thơ nào cũng từng làm một bài thơ về cái chết, về tan vỡ. Nhưng thơ Việt Nam thường viết về sự hóa trang của nó, về mặt nạ của nó, nhiều hơn là tự thân cái chết. Một bài thơ nhân chuyện qua đời của một người bạn, kể về tình bạn với người đã mất, của một người vợ, kể về ơn nghĩa vợ chồng. Thật ra đối diện với cái chết không phải là một truyền thống mạnh mẽ của văn học Việt Nam. Có một nỗi thúc bách lạ lùng đằng sau nó, đằng sau cái chết. Hình như đó là các huyền thoại”.

            Robert Frost thì tôi đã từng đọc, nhất là bài thơ “Dừng chân tuyết xuống rừng chiều” (qua bản dịch ở Sài Gòn trước 1975), nhưng qua phân tích và nhận định của Nguyễn Đức Tùng, ngoài những cảm nhận chung như nhau, tôi vẫn nhận thêm ở Nguyễn Đức Tùng nhiều điều mới về bài thơ cổ điển này của nhà thơ từng đọc thơ trong lễ nhậm chức của tổng thống J.F.Kennedy. Anh viết: “Frost viết về nhiều đề tài. Thành công cả ở hai thể tự sự và trữ tình. Trong bài thơ Dừng chân tuyết xuống rừng chiều, hai nghệ thuật ấy đều được thể hiện. Đặc điểm của thơ ông là sự quan sát tinh tế, lối mô tả đầy kịch tính … Thơ Frost đi xuyên qua các khung cảnh khác nhau không phải chỉ bằng các chuyển động không gian mà còn trong thời gian”.

            Tôi đặc biệt hiếu kỳ khi Nguyễn Đức Tùng nói về Naomi Shihab Nye – một nữ nhà thơ Mỹ thuộc thế hệ chúng tôi (sinh 1952). Anh đã viết: “Đối với tôi, thơ của bà kết hợp được phong cách dữ dội, nổi loạn của Lucille Clifton, Maya Angelou và tính dịu dàng nhưng cương nghị của Mariane Moore, Nikki Giovanni”. Với cái nhìn thơ Châu Âu trừu tượng hơn, thơ Mỹ hiện thực hơn, Nguyễn Đức Tùng nhận thấy thơ Naomy Nye có phần ảnh hưởng “Thơ xưng tội” khởi từ Robert Lowell và Anne Sexton. Điều này thật lý thú như thơ Thiền Việt Nam ảnh hưởng “Kinh sám hối” trong “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông. Anh cũng đưa ra tổ hợp ẩn dụ biểu tượng trong thơ Naomi Nye như “Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng rằm” là tổ hợp ẩn dụ của Tuệ Sỹ”, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” là tổ hợp biểu tượng của Quang Dũng “Bộ lạc ta xưa mất hải tần” vừa là ẩn dụ vừa là biểu tượng của Đinh Hùng.

            Nguyễn Đức Tùng đã chọn một nhà thơ có vẻ ít nổi tiếng ở Hoa Kỳ là W.Stafford với bài thơ rất nổi tiếng “Đi qua bóng tối”. Đây là nhà thơ đã phản đối thế chiến thứ 2 và bị đưa vào trại cải tạo lao động có hai câu thơ thật đáng nể: “Tự do không chảy trên dòng sông – nhưng tự do sẽ chảy theo dòng”. Và thật thích thú khi anh viết: “Thơ Stafford không làm người đọc ngạc nhiên hay sợ hãi, trái lại chúng kéo dài triển hạn đời sống của chúng ta, như phong tục giỗ kỵ của người Việt Nam làm nối dài những số phận cá nhân trong tấm lưới cộng đồng của gia tộc và làng xóm” hay “đó là những bài thơ về sự sống sót trong một xã hội tan rã và một thiên nhiên đầu đe dọa”.

            Thêm một nhà thơ Canada được Nguyễn Đức Tùng giới thiệu là P.Lane qua bài thơ “Những đứa trẻ ở Bagota”. Anh viết: “Thơ của Lane không dành cho những người thích sự uyển chuyển, sự ngâm ngợi, lối thương cảm đầy rẫy có thể thấy trong các nền thơ hiện nay, mặc dù thật ra ông vốn dùng một ngôn ngữ dễ hiểu … Đôi khi thơ của Lane cũng đầy chất hư vô như thể cuộc đời là hoang dại vô nghĩa, là sự chán nản, phủ màu ảm đạm” và để chứng minh cho phân tích trên, anh đã trích P.Lane thật hiệu nghiệm: “Những khi sợ hãi tôi tìm đến núi rừng – Nhiều cây cối. Hàng dương đứng ngẩn ngơ u tối – Chúng sống còn, chỉ vì vô dụng”.

            W.Stevens là nhà thơ cuối cùng được Nguyễn Đức Tùng lựa chọn trong 10 nhà thơ Bắc Mỹ để phân tích và nhận định (cũng là tác giả đầu tiên trong tập “15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX). Anh viết: “Thơ Stevens là thơ trữ tình nhưng đôi khi ông vượt qua ranh giới của các kinh nghiệm cá nhân và tiến vào thế giới siêu hình. Đó là cách ông đối diện một thế giới bạo lực, để đối kháng với các dòng văn học kêu gọi hận thù và cách mạng mà ông tin chắc rằng nhân loại sẽ loại bỏ và vượt qua” hay “Trong các nhà thơ cùng thời, Stevens triết học nhất. Nhưng tài hoa ngôn ngữ mới quyết định. Tôi chú ý đến ẩn dụ trong thơ Stevens, tìm cách không những thấu hiểu chúng mà còn để cắt nghĩa các chỉ định của chúng”. Và anh phân tích bài thơ “Mười ba cách ngắm con chim sáo đen”.

            Làm tập sách này, tôi cứ băn khoăn, nếu để trả lời câu hỏi “Thơ cần cho ai” thì anh có thể chọn 10 bài thơ Việt Nam mà phân tích và nhận định. Nhưng có lẽ anh nghĩ, đó là việc của các nhà thơ trong nước. Là một người Việt ở hải ngoại, Nguyễn Đức Tùng muốn “một công đôi việc”, vừa có thể giới thiệu được nền thơ Bắc Mỹ đến người đọc trong nước, vừa có thể vì sự hấp dẫn khác lạ của nền thơ này mà không mấy người đọc trong nước được tiếp xúc, để thu hút và để chứng minh rằng nếu thơ vẫn còn cần thiết cho tất cả thì đó chẳng thể phân biệt là thơ nước nào, miễn nó là thơ và hay. Đọc tập sách của anh riêng tôi là một người làm thơ thì thấy rất hữu dụng cho quá trình tiếp tục sáng tác của mình, để cố gắng không viết như đã từng viết, để tự khác mình nhưng vẫn phải hay. “Trình độ có thể điếc nhưng cảm xúc thì không điếc”. Với cảm xúc không điếc mà trình độ đỡ điếc dần thì chắc sẽ đóng góp nhiều hơn.

            Tập sách còn chứa đựng một lời thỉnh cầu tha thiết với tất cả mọi người (yêu thơ hoặc chưa yêu thơ) rằng hay đừng bỏ quên thơ, nhất là khi ta cảm thấy cô đơn nhất, tuyệt vọng nhất. Con người được sinh ra trong hát ru và ra đi khỏi cõi đời có âm nhạc đưa tiễn. Nhưng trước khi ra đi, hình như người ta lại nghĩ đến một câu thơ. Thế nên chăng hãy nhớ câu thơ này của W.Stevens:
            Trong ánh sáng chập chờn của sự thật đơn côi
            Bình đẳng cùng sự sống đổi thay cùng ánh sáng
            Nơi anh gặp em chúng ta ngồi bên nhau im lặng
            Trong một giây thôi tâm điểm của vòng đời

            Tôi còn nhận ra một gửi gắm ngầm mà Nguyễn Đức Tùng muốn chuyển đến mọi người rằng thơ còn cần thiết cho sự hóa giải của tất cả những con người trên tinh cầu trong đó có Việt Nam. Khi con người còn thấy thơ cần thiết cho mình thì mỹ cảm chưa bị tiêu diệt trước đời sống thực dụng bị che lấp bởi thế giới đồ vật khổng lồ. Và khi đã cùng yêu thơ thì thật dễ dàng cởi bỏ những vướng mắc, tha thứ những lỗi lầm, bao dung những hạn hẹp, độ lượng trước định kiến để chung sống cùng nhau cởi mở hơn, chia sẻ hơn.