Quan điểm của nhà báo Nguyễn Công Khế - Nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên: “Báo chí Việt Nam không thể đứng ngoài những tin nóng và cần thiết đó cho xã hội và người đọc. Một là để đáp ứng thông tin của người đọc và phải đưa sớm, đưa đúng sự thật, đưa chính xác để có thể vừa thông tin vừa "đập" lại những tin tức bịa đặt, không đúng sự thật. Tôi nhớ có lần Chủ tịch nước Lê Đức Anh bị bệnh đột quỵ. Không có báo nào ở trong nước đưa tin. Đến nỗi, là Tổng biên tập một tờ báo như tôi sau khi nghe đài BBC đưa ngay vào sáng hôm sau, điện thoại hỏi một quan chức là một người bạn ở Bộ Văn hóa Thông tin có việc đó hay không thì cũng được trả lời "hình như là...". Nhưng điều rất không hay là sau khi đồng chí Chủ tịch nước hết bệnh thì báo chí ta lại đưa tin là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến chúc mừng vị Chủ tịch nước hồi phục và hết bệnh. Biết bao nhiêu chuyện na ná như vậy trong đời sống báo chí chúng ta, thậm chí để cho những luồng thông tin nói bậy về nước mình, về xã hội mình cũng không ai kịp thời lên tiếng…”



TRỞ LẠI TÂM SỰ CỦA MỘT NGƯỜI LÀM BÁO

NGUYỄN CÔNG KHẾ

Ngày báo chí Việt Nam năm 2006, tôi đã có một bài viết trên báo Thanh Niên nói về sự tâm huyết với nghề, với đất nước và cả những suy nghĩ về quan hệ giữa những người cấm bút và những người có quyền lực trong bộ máy ít nhiều có sự va chạm với báo chí. Phần nhiều sự phê phán của báo chí nhắm đến các vụ tham nhũng cỡ lớn như vụ dính líu của một số cán bộ với trùm xã hội đến Năm Cam, PMU 18. Các bài viết về thủ tục hành chính gây rất nhiều phiền hà cho người dân, những vụ đền bù giải tỏa không thỏa đáng, nhìn chung báo chí đưa về các vụ án lớn đều đúng, rất trúng và có trách nhiệm cao. Chính phủ cũng đã có một tổng kết là 95% sự việc báo chí nêu về tiêu cực được kiểm tra lại là đúng.
Rất nhiều vụ đã "đụng" đến một số cán bộ có chức, có quyền, thậm chí có người có chức quyền cao. Tất nhiên, người dân bình thường không thể tham nhũng bởi vì họ không có quyền lực để tham nhũng. Tham nhũng, tiêu cực chỉ rơi vào những người có quyền cho, có quyền cấp phép, có quyền làm ảnh hưởng đến người khác bằng quyền lực của mình để vụ lợi...

Chỉ nhìn một mặt nào đó của một số bài báo chứ không phải toàn bộ hoạt động của báo chí, có vị đã cảm thấy báo chí "tụt khỏi tầm tay", "báo chí dạo này phải dè chừng, phải kiên quyết điều chỉnh", có người còn cho rằng phải “thay đổi nhân sự” chỗ này chỗ kia, phải thanh tra tài chính các hoạt động báo chí để coi nó có tốt hơn chỗ khác không, mà nó có quyền nói...

Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm như thế này: Báo chí Việt Nam cùng sinh hoạt và tuân thủ trong cơ chế chính trị của Việt Nam và phải sống trong luật pháp của Việt Nam như mọi tổ chức, công dân khác và phải bị xử lý bằng luật pháp nếu anh đưa tin sai, vu khống và xúc phạm danh dự người khác (chứ không phải đưa đúng mà đụng chạm vị này vị khác mà phải bị trừng phạt). Chỉ có một điều khác các tổ chức, công dân khác ở chỗ là được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho một sứ mạng cất tiếng nói bênh vực lẽ phải và chống cái ác bằng vũ khí là ngòi bút và trang giấy. Các phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay như báo in, truyền hình, báo điện tử, phát thanh có một tầm ảnh hưởng sâu rộng đến từng người dân, từng đất nước và trên phạm vi cả toàn thế giới. Người đọc, người nghe, người xem ngày nay có số lượng tăng vọt do trình độ dân trí tăng cao, do các phương tiện truyền thông được hiện đại hóa, do nhu cầu cập nhật thông tin của dân chúng và cả nghiệp vụ đưa tin, bình luận, làm phóng sự của các nhà báo và tòa soạn không ngừng cải tiến để phục vụ người đọc và sự cạnh tranh trên lĩnh vực thông tin.

Tôi lại phải nói về “cạnh tranh thông tin” thêm một chút vì sẽ có người nhầm lẫn giữa cạnh tranh thông tin với thương mại hóa báo chí mà ta vẫn thường dùng. Trong thế giới ngày nay, nếu trên báo in và các báo điện tử của Việt Nam như Nhân Dân, Thanh Niên, Lao Động, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Tiền Phong... không đưa được những tin cập nhật trong đời sống hằng ngày mà nhân dân cần thì với các phương tiện thông tin hiện đại người ta sẽ nghe và đọc thông tin ở những nơi khác, không đâu xa mà tràn lan trên các trang điện tử, thậm chí nhiều trang điện tử từ nước ngoài viết không có trách nhiệm và loan tin bịa đặt, có ảnh hưởng không tốt đến xã hội và người đọc.
Thế thì báo chí Việt Nam không thể đứng ngoài những tin nóng và cần thiết đó cho xã hội và người đọc. Một là để đáp ứng thông tin của người đọc và phải đưa sớm, đưa đúng sự thật, đưa chính xác để có thể vừa thông tin vừa "đập" lại những tin tức bịa đặt, không đúng sự thật. Tôi nhớ có lần Chủ tịch nước Lê Đức Anh bị bệnh đột quỵ. Không có báo nào ở trong nước đưa tin. Đến nỗi, là Tổng biên tập một tờ báo như tôi sau khi nghe đài BBC đưa ngay vào sáng hôm sau, điện thoại hỏi một quan chức là một người bạn ở Bộ Văn hóa Thông tin có việc đó hay không thì cũng được trả lời "hình như là...". Nhưng điều rất không hay là sau khi đồng chí Chủ tịch nước hết bệnh thì báo chí ta lại đưa tin là lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến chúc mừng vị Chủ tịch nước hồi phục và hết bệnh. Biết bao nhiêu chuyện na ná như vậy trong đời sống báo chí chúng ta, thậm chí để cho những luồng thông tin nói bậy về nước mình, về xã hội mình cũng không ai kịp thời lên tiếng. Đó là một cách làm khiến cho báo chí thụ động và ỷ lại.

Với những phương tiện thông tin hiện đại và nhanh chóng như hiện nay, từ vụ nhà tù Guantanamo đến các vụ nổ bom tự sát hằng ngày trên đường phố Baghdad làm cho Tổng thống Mỹ G.Bush và chính quyền Mỹ phải nhiều phen "nhức đầu" mặc dù Tổng thống Mỹ không dễ chịu chút nào khi nghe những loại tin như vậy, nhưng cũng phải đành chịu vì đó là những loại thông tin có thật. Và người dân Mỹ cũng như nhân dân thế giới muốn biết sự thật về cuộc chiến tranh đó. Không thể khác.
Tôi thiết nghĩ sự nhìn nhận về báo chí Việt Nam trong người đọc và cả trong lãnh đạo đều không giống nhau và có khoảng cách khá xa. Có nhiều người bảo rằng báo chí Việt Nam rất có công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là sự nghiệp đổi mới và chống tham nhũng. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trước đây từng nói trong nhiều buổi họp mà tôi trực tiếp nghe rằng, nếu không có báo chí thì Tổng bí thư và Bộ Chính trị cũng không biết nhiều sự việc để mà giải quyết, thậm chí ông còn dùng mặt báo để cổ xúy việc chống tiêu cực và phát huy dân chủ. Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng lúc sinh thời khi đến thăm tòa soạn Báo Thanh Niên, ông còn nói một ý mà tôi cho rằng ông rất thông cảm với báo chí: Nếu nói sai, thì đôi khi cả Bộ Chính trị suy nghĩ, tính toán rất kỹ có khi còn sai, huống chi cái sai trong phạm vi một bài báo hay một tòa soạn. Nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp của ta hiện nay cũng thường coi báo chí là một kênh thông tin để lắng nghe, để tìm hiểu và thêm thông tin để giúp cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên cũng không ít người dị ứng với báo chí và cho rằng báo chí chỉ chăm chăm vào chống tiêu cực và thấy mặt trái của báo chí nhiều hơn là những đóng góp của báo chí đối với đất nước và chế độ. Với tư cách là người vừa viết báo vừa làm báo, tôi không cho rằng lúc nào báo chí cũng đúng, nhất là việc một số tờ báo thỉnh thoảng có tin bài không chính xác, không cải chính đúng luật, hoặc nói quá về đời tư của một nhân vật nào đó, có nhà báo sa vào cạm bẫy của đồng tiền bất chính, vi phạm đạo đức nghề nghiệp... Những cái đó không bao giờ là dòng chảy chính của báo chí Việt Nam ngày hôm nay. Và theo tôi, báo chí Việt Nam là một lực lượng có trách nhiệm rất cao với đất nước và nhân dân mình, so với báo chí khu vực và các nước. Đất nước có được ổn định và phát triển, sự nghiệp đổi mới được tiến triển đến như bây giờ, lòng tin của nhân dân vào sự phát triển của đất nước có được như hôm nay, không thể không có sự đóng góp của giới báo chí Việt Nam.

Những người làm tin, viết tin, viết bài, hay là một biên tập viên bình thường trong một tờ báo như Báo Thanh Niên chúng tôi, ngày ngày đều soi đèn để đi tìm những gương tốt, những tin tốt và chỉ cần quốc tế người ta khen Việt Nam có tốc độ xóa đói giảm nghèo đáng nể nhất, một em học sinh Việt Nam được giải quốc tế, thông tin về một bảng xếp hạng về kinh tế nước ta lên được một vài bậc; Việt Nam, một nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng cao... đều được các nhà báo tìm tòi, khai thác đưa lên thành những tin hàng đầu để cổ vũ nhân dân và người đọc.

Theo tôi, cái tồn tại lớn nhất hiện nay đối với giới báo chí là không phải ai cũng hiểu về báo chí và đánh giá đúng mức về báo chí và đội ngũ những người làm báo Việt Nam. Và điều làm chúng tôi day dứt là trong số đó, có không ít những nhà lãnh đạo có trách nhiệm với giới báo chí.


Nguồn: Một Thế Giới