Những bài viết của báo chí trong tù Côn Đảo chủ yếu ký tên tắt. Thế nhưng, cũng có những bài chọn bút danh khá hóm hỉnh, chứng tỏ tinh thần lạc quan của những người theo đuổi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ví dụ, phóng sự “Cuối năm” để bút danh Lè Phè, bài thơ “Liên hoan phòng 7” để bút danh… Cháo Gà. Hơn 40 năm đã trôi qua, bây giờ đọc lại những tờ báo của tù Côn Đảo, có không ít bài vẫn còn nguyên sức lay động. Ví dụ, ghi chép “Một buổi ở chuồng cọp” của ĐS có đoạn rất thú vị: “Trật tự ơi! Cấp cứu phòng 59!”, tiếng kêu dứt thì có tiếng nạt nộ của trật tự: “Ói cơm, ói cá! Tụi bây đấu tranh đòi mở còng, chớ bệnh gì mà cấp cứu. Hễ đến giờ cơm là cấp cứu! Im đi, lát nữa ăn thịt heo là hết bệnh ngay!”. Chỉ mấy dòng ngắn ngủi mà đủ gợi lên bao nhiêu ý tứ để vừa tủm tỉm cười vừa trầm tư nghĩ!




LÀM BÁO Ở ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

LÊ THIẾU NHƠN

Côn Đảo một thời được mệnh danh địa ngục trần gian, trong thế kỷ 20 đã giam giữ không biết bao nhiêu người cộng sản. Thế nhưng, Côn Đảo cũng là trường học cách mạng, với nhiều sinh hoạt phong phú và đa dạng. Chuyện tù Côn Đảo làm báo hoàn toàn xứng đáng được vinh danh một kỳ tích trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Nếu có dịp đến Nhà trưng bày di tích Côn Đảo, sẽ dễ dàng thấy một hiện vật đáng chú ý: hai tờ báo Sinh Hoạt của phòng 8 của Trại 6 khu B. Tờ báo Sinh Hoạt cùng với những tờ báo Rèn Luyện, Niềm Tin, Đoàn Kết, Văn Nghệ là những ấn phẩm cấp… phòng, còn tờ báo Xây Dựng mới tiêu biểu nhất cho Trại 6 khu B – nơi câu lưu những người tù kiên cường!

Tù Côn Đảo bắt đầu làm báo từ khi nào? Theo nhiều tài liệu được xác tín, năm 1935, giáo sư Trần Văn Giàu bị đày ra Côn Đảo và đã cùng bạn tù làm hai tờ báo có tên gọi “Bàn góp và “Ý kiến chung”. Đến năm 1936, tại nhà tù Côn Đảo xuất hiện thêm tờ báo “Người tù đỏ” do Nguyễn Văn Cừ làm chủ bút. Vài năm sau, “Người tù đỏ” được đổi tên thành “Tiến lên” do Phạm Hùng và Lê Văn Lương thực hiện. Khoảng năm 1944, còn có tờ “Độc Lập” của nhà sư lừng lẫy Thiện Chiếu!

Như vậy, báo chí có mặt trong tù Côn Đảo từ trước năm 1945. Đáng tiếc, các ấn phẩm trong giai đoạn này cũng như các ấn phẩm trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đến nay không còn lưu giữ được. Trong kháng chiến chống Mỹ, báo chí tù Côn Đảo phát triển rầm rộ. Nhà thơ Triệu Từ Truyền ( tức Triệu Công Tinh Trung, một thủ lĩnh trong phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên tại đô thị miền Nam) hai lần chịu khổ sai ở Côn Đảo vào năm 1967 và 1971, cho biết: “Vì dung chứa toàn thành phần cứng đầu cứng cổ, nên Trại 6 khu B giống như một vùng giải phóng. Tuy được làm khá bí mật, nhưng báo chí trở thành công cụ học tập và giao lưu rất hiệu quả! Cứ có tờ báo mới ra đời, thì bạn tù chuyền tay nhau đọc, rồi bàn bạc trao đổi rất xôm tụ!’. Mục đích của tù Côn Đảo làm báo có thể nhận diện rõ ràng trong “Lời tòa soạn” của tờ báo Sinh Hoạt: “Bước đầu chập chững trên đường sáng tác phục vụ, Sinh Hoạt hy vọng phản ánh một phần nào cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của chúng ta trong nanh vuốt kẻ thù, để bảo tồn lý tưởng”.

Tất nhiên, không phải những kẻ giam giữ chu cấp vật liệu để làm báo, mà chính những tù nhân Côn Đảo đóng góp từ khoản tiền thăm nuôi của gia đình hoặc bè bạn. Điều ấy thể hiện trên tờ báo Xây Dựng, ở mục “Sổ vàng” công khai: “Anh Đ phòng 8 góp 50 đồng, Anh T phòng 2 góp 100 đồng, Anh D phòng 9 góp 20 đồng…”. Thậm chí, ngay trong “Lá thư tòa soạn” của Xây Dựng số 5 phát hành ngày 30-7-1973, cũng tri ân cụ thể: “Chúng tôi cũng thành thật cám ơn các bạn đã ủng hộ ban báo chí: Bạn Th 10 tờ giấy mỏng, Bạn T 1 cây bút đen và 20 điếu thuốc rê. Bạn S 1 cây bút đen, 1 bút chì và 35 điếu thuốc rê… Chào thân ái và cố gắng”.

Các tờ báo của tù Côn Đảo được trình bày với chữ viết chép tay khá rõ ràng. Những số báo đặc biệt còn có… màu. Vì sao có màu ư? Màu vàng lấy từ bột nghệ, màu đỏ là thuốc đỏ y tế, còn màu xanh là thuốc trị ghẻ. Bút để chép báo chủ yếu sử dụng bút bic với loại mực do các tù nhân tự làm, bằng cách pha trộn thuốc nhuộm với glycerine ( một loại thuốc thụt hậu môn để chống táo bón). Sự lớn mạnh của tờ Xây Dựng được thể hiện ở… tia-ra. Mấy số đầu chỉ chép tay 2 bản, nhưng từ số thứ 5 đã nâng tia-ra chép tay lên đến 5 bản, để các phòng giam được đọc rộng rãi và nhanh chóng hơn.

Theo ông Trần Trọng Tân – một nhân vật có sức ảnh hưởng trong tù Côn Đảo, sau năm 1975 từng làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thì tờ báo Xây Dựng có ban biên tập đàng hoàng. Tổng biên tập là Nguyễn Đằng, bí danh Lê Tú. Còn vai trò Thư ký tòa soạn do Lê Minh Sang đảm nhiệm. Vì được tổ chức chuyên nghiệp nên tờ báo Xây Dựng không những lắng nghe bạn đọc mà cũng chú trọng kết nối cộng tác viên. Tờ báo Xây Dựng số 5 phát hành ngày 30-7-1973, có bài “Tường thuật cuộc họp ban báo chí” rành mạch và cởi mở: “Bạn T phòng 9 nêu lên một nhận xét rất sâu sắc được anh em nhiệt tình tán đồng: “Kết quả của báo chí nó âm thầm, không rầm rộ như văn nghệ, không tế nhị thì không thấy được. Phòng tôi từ ngày có phong trào báo chí, trong sinh hoạt có một sinh khí mới, từng cá nhân có một say mê mới. Anh đơn cử bộ phận quản lý phòng rất thích những bài hồi ký…Cuộc họp bế mạc, anh em ra về không quên hoan hô bạn T “già” phòng 2 đã thết đãi anh em mỗi người một điếu thuốc rê ấm lòng khi bụng đói!”. Còn trên tờ báo Xây Dựng số 7 phát hành ngày 30-9-1973, nhắn tin: “Các bạn TT, HV (phòng 10) S9 (phòng 9): bài các bạn sẽ đăng trong số tới. Bạn S ( phòng 2): Rất tiếc, không đăng được. Bạn TC (phòng 2): Đang xem, cần bàn lại với bạn thêm…”.

Những bài viết của báo chí trong tù Côn Đảo chủ yếu ký tên tắt. Thế nhưng, cũng có những bài chọn bút danh khá hóm hỉnh, chứng tỏ tinh thần lạc quan của những người theo đuổi sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ví dụ, phóng sự “Cuối năm” để bút danh Lè Phè, bài thơ “Liên hoan phòng 7” để bút danh… Cháo Gà, còn bài điểm tin “Vòng quanh trại 6 khu B” với kết luận “Chúng ta mỗi ngày một thêm mới. Mới tốt nhiều hơn mới xấu! Cứ thế mà tiến lên anh em ơi!” được để bút danh… Tai Vách & Mắt Dương!

Tờ báo Xây Dựng không chỉ nhiều thông tin có giá trị đến hôm nay, như mục “Những con số cần nhớ” nhắc nhở sự ngược đãi ở nhà tù Côn Đảo: “Địch bỏ đói 10 lần, từ ngày 18-9-1971 đến ngày 30-9-1972. Số gạo chúng lấy: 19 tấn 320 kg. Số khô mắm chúng lấy: 2 tấn 760 kg. Tính trung bình, cứ 8 ngày chúng bỏ đói ta một ngày”, mà còn cho thấy trình độ tương đối cao của những tù nhân làm báo qua bộ tranh lược thuật đời sống chính trị từ ngày 20-7-1954 đến ngày 27-1-1973 với 12 bức tranh liên hoàn có chú thích của H.N.  

                                


Hơn 40 năm đã trôi qua, bây giờ đọc lại những tờ báo của tù Côn Đảo, có không ít bài vẫn còn nguyên sức lay động. Ví dụ, ghi chép “Một buổi ở chuồng cọp” của ĐS có đoạn rất thú vị: “Trật tự ơi! Cấp cứu phòng 59!”, tiếng kêu dứt thì có tiếng nạt nộ của trật tự: “Ói cơm, ói cá! Tụi bây đấu tranh đòi mở còng, chớ bệnh gì mà cấp cứu. Hễ đến giờ cơm là cấp cứu! Im đi, lát nữa ăn thịt heo là hết bệnh ngay!”. Chỉ mấy dòng ngắn ngủi mà đủ gợi lên bao nhiêu ý tứ để vừa tủm tỉm cười vừa trầm tư nghĩ!

Dù có rất nhiều chuyên mục, từ luận đàm chính trị đến tìm hiểu ca cổ, nhưng tính văn học cũng là một ưu điểm nổi trội của báo chí trong tù Côn Đảo. Không khó khăn gì để tìm được những lời lẽ chân thành như bài thơ “Thư gửi vợ trong đô thị bị tạm chiếm” ký bút danh Sáu, viết vào tháng 5-1973: “Nơi Côn Đảo tháng năm trong ngục tù. Nghe thư nhà, nguồn khích lệ của quê hương. Của người thân giặc chia cắt tình thương. Của mẹ già vừa lau nước mắt. Của vợ nghèo son sắt thủy chung…”. 

Bên cạnh những ký sự ấn tượng như “Những ngày ở lao 2”, “Người tù trong biển lửa Điện Biên” hay “Trao trả tù binh”, thì không thể không nhắc đến “Chiếc nút ve dầu Nhị Thiên Đường”. Trên tờ báo Xây Dựng không ghi rõ thể loại, nhưng có lẽ đây là một truyện ngắn dựa theo nguyên mẫu có thật.
“Chiếc nút ve dầu Nhị Thiên Đường” của HT, kể chuyện một cán bộ cách mạng tên Mười bị địch tra tấn dã man. Lúc hấp hối, Mười gọi các đồng chí lại gần và dặn dò: “Anh không còn ở lại với các em được nữa. Anh đi, các em đừng buồn gì cả. Các em hãy vui lên. Con người có sống thì có chết. Anh không có gì hối tiếc. Anh đã làm xong nhiệm vụ. Các em còn lại phải cố gắng thương yêu giúp đỡ nhau, cố gắng học tập, giữ vững lập trường khí tiết, đừng bao giờ ly khai khuất phục kẻ thù”. Bạn tù hỏi có ước nguyện gì trước khi nhắm mắt không? Mười thì thào: “Giờ mà có một hớp nước nóng uống thì sướng quá!”. Để giúp Mười được thỏa mong mỏi bé mọn kia, Năm lục tung cả phòng giam để tìm một cái nút ve của chai dầu Nhị Thiên Đường mà người khác đã vứt đi, và “Năm lấy cái muỗng xăm nát chiếc nút ve như xăm trái ớt. Đoạn anh rót chút nước vào, lấy muỗng nhào đi nhào lại, cà vụn nút điên điển như bắt chúng phải nhả ra cho hết hơi dầu còn thấm lại”. Kết quả, Mười được uống ly nước nghe ấm người như nước nóng, trước giây phút giã biệt nhân gian!

Chi tiết độc đáo, cộng với cách hành văn và bố cục hoàn chỉnh, “Chiếc nút ve dầu Nhị Thiên Đường là một truyện ngắn có sức cảm hóa người đọc. Người viết HT không biết là ai, cũng không rõ sống chết ra sao sau khi đất nước thống nhất. Tuy nhiên, nếu HT vẫn tiếp tục cầm bút sau ngày 30-4-1975, chắc chắn sẽ thành một tác giả lớn!

                                                             Sài Gòn, 6-2015