Ngày mai, 16-6-2015, Đại hội Hội Nhà văn TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ khai mạc. Nhà văn Hoàng Đình Quang có bài ghi chép rất đáng để những ai quan tâm đến hội tham khảo: “Theo đúng nguyên tắc, mọi sự sẽ được Đại hội định đoạt, nhưng cũng không phải không có những chuyện người ta đã (và tìm cách) xếp đặt ở hậu trường. Tôi tự nhận thấy tôi là người “không liên kết”, nhưng có tham gia vào 1 số chuyện họp hành, mà thấy bứt rứt. Nói ra, hay không nói ra? Hội NV TPHCM là một Hội nhỏ, hội địa phương, không lớn và tập trung nhân tài như Hội nhà văn Trung ương (HNVVN). Tuy vậy, cũng có sự phức tạp của nó. Phức tạp về tổ chức, về đội ngũ và cả về nghĩa vụ, quyền lợi. Tôi đã tham dự tất cả các kỳ đại hội từ khi nó được thành lập năm 1981. Ngay kỳ đại hội đầu tiên (tập hợp người viết lại gọi à “hội viên sáng lập”) có một người đã khóc. Đó là nhà văn Sơn Nam, ông khóc vì sự đố kỵ, sự tố giác. Bây giờ thì cả người tố giác và nhà văn rơi lệ đều đã qua đời. Thử hỏi, có Hội nào mà có người phải rơi nước mắt không? Không có, ngoài HNV”.



CHUYỆN DÔNG DÀI TRƯỚC ĐẠI HỘI NHÀ VĂN TPHCM

HOÀNG ĐÌNH QUANG

Chuyện 1: Sao lại là 1,3?

1,3 là con số tương đối chỉ tỉ lệ giữa số người được đề cử vào BCH và số người được bầu. Mới nghe, tôi cũng không hiểu. Sau được giải thích: tức là chỉ đưa ra 1,3 người để bầu lấy 1. Nếu Đại hội quyết định là BCH khóa này sẽ có 11 người, thì số đề cử sẽ là 11 x (nhân) với 1,3 = 14,3 người, sau “làm tròn số” thành 15. Trong khi đó BCH cũ giữ quyền giới thiệu 11 người rồi (trong đó có tôi), nghĩa là Đại hội chỉ có quyền giới thiệu thêm 4 người nữa. Ai không nhanh miệng, đến người thứ 5, Chủ tịch đoàn sẽ cắt.
Đại hội Hội NVTPHCM thường là nhanh gọn trong khâu bầu cử BCH, nhưng chưa bao giờ có quy ước này. Được hỏi thì biết: gợi ý (hay quy định ?) của Đảng Đoàn.
Không nói xa xôi, chỉ ngay với khóa trước thôi, tất cả thành viên BCH cũ, và được BCH giới thiệu chỉ có nhà thơ Trương Nam Hương được bầu lại, còn thì đại hội không bầu.
Tôi còn nhớ, trong kỳ ĐH ấy, tôi không được giới thiệu, và cũng không ứng cử, thậm chí tôi còn được bố trí làm trưởng ban kiểm phiếu, nhưng bất ngờ có người giới thiệu. Tôi giật mình và xin từ chối, nhưng có bạn giữ tôi lại, bảo: cứ để đấy! Nếu theo quy chế như khóa này đề ra, có thể tôi đã được Chủ tịch đoàn cắt, và sẽ không có tôi trong số 8 người của BCH khóa vừa rồi.
Những ai đã tham dự các Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, chắc khó quên các kỳ (họp đại biểu) những năm 2000, 2005.
Đại hội 7 năm 2005, nhà văn Đức Hậu, thư ký đại hội đã trình ra đại hội 1 danh sách gồm xấp xỉ 330 người được đề cử bầu vào ban chấp hành. Danh sách ấy anh Hậu đọc rất lâu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ngồi dưới nghe hết rồi mới xin phép đại hội vì bận việc ra về.
Trong bản tấu ấy có hàng trăm người chỉ được 1 hoặc 2 ý kiến đề cử. Không loại trừ những người tự giới thiệu mình, nhưng nếu hiểu được các nhà văn thì sẽ thấy khác. Họ rất hay đùa bông lơn, vì họ thừa hiểu, danh sách này không có giá trị. Họ giới thiệu bạn mình như một trò chơi. Chính tôi giới thiệu Nguyễn Trí Công, và Công cũng giới thiệu tôi. Đừng tin nhà văn trong việc bầu bán khi họ trà dư tửu hậu. Trước mặt nhau, họ có thể nói: Nhất định em sẽ bầu cho bác. Nhưng trong là phiếu kín của họ, sẽ không có “bác” đâu. Danh sách ấy sau rút gọn, bỏ ra những người từ chối, xin rút (bằng cách phải viết vào giấy, ký tên, tự bỏ vào hòm phiếu). Tổng Bí thư tươi cười bắt tay từng người một, khi họ đi qua trước mặt ông để đến hòm phiếu xin rút.
Cuối cùng còn lại 40 người, để bầu lấy 15 người vào BCH. Và kết quả là chỉ có … 4 người quá bán.
Bầu lại lần 2, trong số những người có số phiếu cao hơn, nhưng chưa quá bán. Kết quả là thêm được … 2 người. BCH HNVVN khóa ấy có 6 người: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh và Hồ Anh Thái.
Chuyện ấy lọt ra ngoài, trở thành câu chuyện ly kỳ. Những người có thói quen tuân thủ “đảng đoàn” sẽ công kích các nhà văn. Những người ưa chuyện giang hồ sẽ châm chọc nhà văn. Hầu hết các nhà văn đều thấy bình thường. Chỉ có những ai bầu mà không trúng thì có thể khó chịu.
Riêng tôi, tôi nghĩ đó là một đại hội dân chủ hiếm hoi, mà tôi từng biết, từng dự.

Chuyện 2: Dân chủ là thế nào?     
      
Tôi có thể mạnh mồm dự đoán: đến 90% hội viên Hội NV TPHCM đến đại hội là để vui chơi. Tuy thế trong tổng số 417 hội viên, liệu có được 209 (già nửa) người có mặt không thì còn phải chờ. Thẳng ra mà nói, họ rất ít quan tâm đến các văn kiện, mà thường chú ý đến khâu bầu bán. Nhưng nay cả khâu bầu bán, họ cũng mơ hồ, chểnh mảng. Không những không biết, mà còn không hiểu về nhân sự, về quy chế, về cách thức. Sẽ có những là phiếu không hợp lệ.
Mặc cho những xếp đặt và gợi ý, cái còn may là quy chế bầu cử của ta (nói chung cho các kiểu bầu) là quyền của người bỏ phiếu được lựa chọn lần cuối, khi thả lá phiếu vào thùng. Đó là không được thêm, nhưng được bớt. Có đôi người chưa biết, hoặc không nhớ, hoặc hững hờ với lá phiếu của mình. Nếu ai đi dự bầu thì phải lưu ý điều này:
Phiếu không hợp lệ là:
- Phiếu trắng : là phiếu gạch hết, không chừa 1 ai trong danh sách.
- Phiếu trống: là phiếu không gạch 1 ai, cứ để nguyên danh sách.
- Phiếu dư: là phiếu bầu (để lại) số người nhiều hơn quy định, (Ở đây là 11, nếu để lại 12, 13, 14 là không có giá trị).
Quyền của Hội viên trong bầu cử vẫn còn rất lớn. Đó là có quyền bầu số người ít hơn quy định. Tức là không nhất thiết phải bầu đủ 11 người, mà có thể là 2, hoặc 4-5 trong danh sách ấy. Nói tóm lại là Phiếu hợp lệ là bầu (để lại, khôn gạch) từ 1 đến 11 người. Quyền ấy lớn lắm, không ai can thiệp được, trừ chính họ.
Nhà văn cũng là người. Chủ tịch Hội hay ủy viên BCH cũng là người.
Sáng tác là công việc tài năng của nhà văn. Sự vận dụng và biến hóa cũng là tài năng

Chuyện 3: Ban chấp hành để làm gì?

Một logic biện chứng: Có hội viên thì mới có Hội. Có Hội mới có BCH, và có BCH thì mới
có Chủ tịch. BCH, hay Ủy hội do Đại hội bầu ra. Đại hội là cơ quan lạnh đạo cao nhất của
Hội. Tôi cho rằng, rất nhiều hội viên chưa chắc đã biết BCH làm những việc gì? Tôi cũng vậy.
Chỉ đến khi tham gia vào BCH khóa 6 vừa rồi, tôi mới biết công việc của BCH, mà thực chất
là của Chủ tịch.
Theo điều lệ được Sở Nội vụ phê duyệt: HNV là Hội Chính trị, Xã hội, Nghề nghiệp. Cái phần “chính trị” là phần “ăn tiền” nhất bao giờ cũng do chủ tịch đảm nhận. Đó là công việc báo cáo, giao tiếp, che chắn, lèo lái sao cho “đúng với đường lối lãnh đạo của Đảng”. Không cần nói ra thì trong ý thức của mỗi ủy viên BCH đều biết và biết rõ điều đó. Hội viên cũng biết thế. Từ đây, ngân sách sẽ cấp cho Hội, lương cho chủ tịch, phó chủ tịch thường trực, ô tô (và lái xe) cho chủ tịch. Và 1 số khoản tiền khác nữa cho văn phòng, cho sáng tác, giải thưởng… Đây là một con số bí mật. Không biết các anh trong thường vụ có biết không, nhưng với ủy viên như tôi thì không bao giờ được nghe. “Chính trị” đưa vai trò của chủ tịch hội lên ngang tầm của người lãnh đạo cấp Giám đốc 1 sở, trong mọi hoạt động có liên quan và không liên quan. 
Phần “xã hội” thực ra không có gì đáng nói. Vì nhận thức về xã hội hóa là thế nào, thì đối với nhà văn không quan trọng. Họ cần “xã hội hóa” in và bán sách. Nếu xã hội hóa sáng tác, điều đó nhà văn sẽ là lao công, “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Thăm nom người ốm, viếng người chết… hoặc thành lập ra các ban, như ban phụ nữ, ban trẻ… Tính “xã hội” cuat HNV cũng giống như các hội khác, nghĩa là ai muốn vào thì vào, ai muốn ra, thì ra. Người ta hay nhắc nhở: Phải có "tâm". Rất đúng, nhưng chưa đủ. Tôi đã thấy những "cái tâm" như một sự "mị dân" khéo léo. Làm lòng người râm ran. Hết mùa lại thôi.
Phần “nghề nghiệp” là cái đinh, đặc thù của HNV. Muốn thế, BCH và Chủ tịch phải là người có chuyên môn, nghề nghiệp. Nói cách khác, phải chuyên nghiệp. (Chữ chuyên nghiệp ở đây phải hiểu là tinh thông nghề nghiệp. Nói vắn tắt là có tài trong sáng tác, có tác phẩm). 
Được làm việc với 7 thành viên BCH khóa vừa rồi, tôi thấm thía điều này. Khi được phân công làm “Chủ tịch (lại chủ tịch!) Hội đồng văn xuôi”, tôi cũng thấy ngại, và cũng thấy yên tâm. Ngại vì mình không tài hơn người, yên tâm vì chỉ làm chuyên môn. Tôi chọn 4 thành viên vào hội đồng là Bích Ngân, Bùi anh Tấn, Nguyễn Thu Phương và Triệu Xuân . (Tôi có đề xuất Dạ Ngân nhưng không được chấp thuận). Vô tình mà thành ra trong 5 người, thì có đến 4 người làm xuất bản, trừ Nguyễn Thu Phương và tất cả (lúc ấy) chưa ai về hưu. 
Xét giải thưởng: Năm đầu tiên tôi bỏ cách thức biểu quyết, thay vào bằng cách chấm điểm. Nhận số tác phẩm dự thi hơn 20 cuốn, chủ tịch phải giao cho các thành viên đọc trước cả tháng. Trong phiên họp mọi người trao đổi rồi chấm điểm cho mỗi tác phẩm trên thang điểm 20. 5 thành viên là 100 điểm. Kết quả, cuốn nào có số điểm cao nhất, nhì, ba… đưa lên chung khảo. Tôi làm thế vì không muốn biểu quyết để hoặc “gạt phắt” cuốn khá, hoặc “OK” cuốn kha khá. Năm ấy chúng tôi chọn được cuốn “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín, một họa sĩ. Mặc dù lúc ấy (và cho đến bây giờ) anh Tín không phải là hội viên HNV, và cuốn sách ấy viết về cuộc nhiến thành cổ Quảng Trị năm 1972, đề tài không liên quan đến thành phố.
Tôi còn muốn công khai số phiếu bầu chọn cho từng tác phẩm của từng thành viên Hội đồng sơ khảo và chung khảo trên Website, nhưng bị “cho qua”. (Chiêu này tôi học từ Nhà văn Sơn Nam, khi ông kể lại ông làm giám khảo cho giải thưởng “Tổng thống” trước năm 1975 ở SG). 
Những năm sau, quy chế có khác, là chỉ xét tác phẩm của hội viên. Việc đó làm chúng tôi phải thay đổi cách làm việc. Có những cuốn sách khá hay, nhưng tác giải lại chưa phải hội viên. Đó là các tác giả trẻ. Thế là BCH phải nhanh chóng làm thủ tục kết nạp họ để đồng thời trao giải thưởng. Trường hợp của Trần Minh Hợp chẳng hạn. 
Tôi nói với anh em: Hội đồng văn xuôi không nhộn nhịp bằng Hội đồng thơ. Âm thầm và nặng nề hơn. Chỉ đọc tác phẩm thôi cũng rất vất vả, thù lao 300 hoặc 500 ngàn đồng cho một kỳ xét.  Có 1 năm Văn xuôi không có giải. Cả hội đồng ngẩn ngơ, nhưng biết làm sao. Năm ấy tôi biết có cuốn tiểu thuyết “Những mảnh ghép” của Cao Chiến, theo tôi là rất khá. Chiến là bạn tôi, và cũng chính tôi biên tập cuốn đó khi tôi còn làm cho NXB Hội nhà văn. Nhưng tôi không dám đưa vào, chỉ vì cuốn ấy Chiến đã không đi qua con đường thủ tục: qua văn phòng Hội, giới thiệu lên Hội đồng văn xuôi. Khi Phan Hoàng hỏi tôi, tôi cũng trả lời thế. 
5 năm qua, chúng tôi không để có sai sót nào đáng kể.
 Phiên họp cuối cùng, cuối năm 2014, cô em Út Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “5 năm anh em làm việc thân thiết như gia đình”. Chiều hôm ấy, Chủ tịch chiêu đãi một chầu cà phê (có số tiền 300 ngàn thù lao cho mỗi thành viên). Bích Ngân tìm mua được một bịch khoai lang chiên. Nghĩ lại mà vui, mà rưng rưng cảm động. 
Thỉnh thoảng vẫn có ý kiến vu vơ, nói vô trách nhiệm. Chẳng hạn như “thiếu 1 tấm lòng”, chẳng hạn như “Thiếu người làm việc, thừa người không làm gì”. Vân vân... 
Cá nhân tôi có khi cũng phải chịu áp lực từ… trên. Ví dụ như tôi (và quá bán) biểu quyết không nên đầu tư cho tác phẩm ấy. Nhưng rồi qua điện thoại tôi cũng phải nói “Tùy anh”. Ngày hôm sau có 1 biên bản đánh sẵn, cho tôi ký tên. 
Lại nhớ có 1 ông xin vào Hội bằng tác phẩm văn xuôi. Cả Hội đồng đều nhất trí không giới thiệu kết nạp. BCH chưa xét tin ấy đã lọt ra ngoài. Khi BCH họp, tôi lại đang ở Nghệ An, tôi nhận được điện thọai của ông ấy, nói: “Tôi cũng viết văn xuôi, “liền liền” mà sao không kết nạp tôi?. “Tác phẩm của anh là tạp ghi báo chí, hội đồng đã đọc và nhất trí để lại”. Ông ấy quát tôi: “Tôi đã gặp anh T rồi. Mà vào hội cho vui chứ làm cái con c. gì?”. Tôi lập tức nhã nhặn: “Đúng. Hội thì vui rồi! Nhưng Hội nhà văn không chỉ có vui”.
5 năm qua hội ta như thế nào thì phần lớn Hội viên đã thấy, nhưng cũng chưa chắc biết được BCH làm những gì.