Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bức xúc về cuộc họp “toàn thể hội viên” vừa được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức: “24 phút của cuộc họp, có khoảng 10 phút thuộc về nhạc sĩ Trần Long Ẩn thay mặt Đảng ủy Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố  đọc lướt cái tạm gọi là quy chế bầu chọn nhân sự Ban chấp hành, mà mấy chục năm qua, trước bất cứ đại hội nào, ai cũng phải nghe đến thuộc lòng. 14 phút còn lại thuộc về hai ông Lê Quang Trang và Trần Văn Tuấn thay nhau nói… Sự kiện lừa bịp, nhập nhằng đánh lận con đen, xúc phạm nặng nề đến toàn thể Hội viên này, chưa từng bao giờ diễn ra tại Hội Nhà văn Thành phố, từ ngày giải phóng đến nay, là lỗi tại ai? Từ động cơ muốn thăm dò tín nhiệm để tìm cách tham quyền cố vị, hay do những người chỉ đạo lo sợ các nhà văn không tin mình? Những người có trách nhiệm với sự kiện trên cần nghĩ rằng, nếu những sự kiện này được dung dưỡng thì tự họ đã làm mất lòng tin ở các nhà văn, không cần phải chờ đến các kỳ Đại hội”.




AI  CÓ LỖI VỀ SỰ XÚC PHẠM NÀY?

NGUYỄN MẠNH TUẤN

            Trích nội dung giấy mời “Toàn thể Hội viên” đề ngày 03/04/2015, ký tên:  Chủ tịch Hội Nhà Văn TP Hồ Chí Minh - Lê Quang Trang:

            “Kính gửi: Toàn thể Hội viên.
Theo chỉ đạo, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2015 – 2020…Nhằm góp phần cho Đại hội thành công tốt đẹp, Ban Chấp hành Hội kính mời Toàn thể Hội viên đến dự buổi họp để Ban Chấp hành báo cáo thông tin về Đại hội, góp ý về chương trình công tác và giới thiệu nhân sự lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới… Do tính chất quan trọng của buổi họp đề nghị các Hội viên bố trí thời gian đến dự đầy đủ”.

            Đây là giấy mời gửi tới từng cá nhân Hội viên, mỗi người đều có họ, tên, không thể thay bằng tờ hiệu triệu “Toàn thể Hội viên”. Rồi “Theo chỉ đạo, Hội Nhà văn …sẽ tổ chức Đại hội…”. Ai chỉ đạo? Lỗi văn bản ở trên, thể hiện sự lười biếng, cẩu thả; còn lỗi ở dưới là muốn tránh chữ “Theo chỉ đạo của lãnh đạo ( hay Tổ chức) Thành ủy” vẫn quen dùng. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là sự xúc phạm “toàn thể hội viên” tại cuộc họp mà bất cứ ai có mặt cũng hết sức phẫn nộ.

            Nội dung cuộc họp, ghi rất rõ: “để góp ý về chương trình công tác và giới thiệu nhân sự lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới”.

“Do tính chất quan trọng của buổi họp”, các Hội viên hôm đó tề tựu khá đông. Phần lớn là các Hội viên ở tuổi ngoài sáu, bảy chục; nhiều người già yếu, mắt đã kém, chân đã chậm; có người phải nhờ con, cháu hoặc vợ dìu đến; có nhà văn lão thành, vợ bị ung thư đang nằm bệnh viện; một số tác giả sống nhờ con, từ Đồng Nai, Bình Dương cũng ráng về thành phố đúng giờ. Nhiều người vì lý do này, khác, rất ít tham gia sinh hoạt Hội cũng ráng thu xếp có mặt.

            Vậy mà cuộc họp diễn ra đúng 24 phút.  “Góp ý về chương trình công tác và giới thiệu nhân sự lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới”, là phần mà quyền dân chủ của Hội viên được tôn trọng nhất, bị những người điều hành trắng trợn lờ đi.

            24 phút của cuộc họp, có khoảng 10 phút thuộc về nhạc sĩ Trần Long Ẩn thay mặt Đảng ủy Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thành phố  đọc lướt cái tạm gọi là quy chế bầu chọn nhân sự Ban chấp hành, mà mấy chục năm qua, trước bất cứ đại hội nào, ai cũng phải nghe đến thuộc lòng. 14 phút còn lại thuộc về hai ông Lê Quang Trang và Trần Văn Tuấn thay nhau nói. Suốt cuộc họp, cả ba ông đều loáng thoáng nhắc đến việc sẽ phát tờ phiếu, không rõ hẳn là đề cử hay thăm dò,  cùng tuyệt nhiên tránh nói nội dung tờ phiếu, nên ai nấy dự họp đều nghĩ mình sẽ nhận tờ phiếu có danh sách Hội viên, để đề cử ai vào Ban chấp hành thì để lại, không đề cử thì gạch tên, hoặc nhận tờ phiếu trắng, để đề cử ai vào Ban Chấp hành thì ghi tên, sau đó, Ban Tổ chức tổng kết danh sách, đến đại hội sẽ  bầu chính thức, như các kỳ đại hội trước. Khi mỗi người được nhận duy nhất một tờ phiếu, mới biết nội dung không ra phiếu thăm dò tín nhiệm, cũng không ra đề cử, chỉ cho riêng chức Chủ tịch Hội.
           
Việc thăm dò tín nhiệm ai là Chủ tịch Hội cũng có thể thực hiện trong toàn thể Hội viên, nhưng với  một việc này, chỉ cần gửi phiếu đến từng Hội viên, việc gì phải triệu tập toàn thể? Còn nếu hiểu việc triệu tập này như cơ hội để các hội viên đề cử Chủ tịch Hội thì hoàn toàn sai điều lệ.

            Sự kiện lừa bịp, nhập nhằng đánh lận con đen, xúc phạm nặng nề đến toàn thể Hội viên này, chưa từng bao giờ diễn ra tại Hội Nhà văn Thành phố, từ ngày giải phóng đến nay, là lỗi tại ai? Từ động cơ muốn thăm dò tín nhiệm để tìm cách tham quyền cố vị, hay do những người chỉ đạo lo sợ các nhà văn không tin mình? Những người có trách nhiệm với sự kiện trên cần nghĩ rằng, nếu những sự kiện này được dung dưỡng thì tự họ đã làm mất lòng tin ở các nhà văn, không cần phải chờ đến các kỳ Đại hội.