Sài Gòn giải phóng, Trịnh Thắng trở về quê hương. Gặp ở TPHCM, vẫn dáng cao to ấy, vẫn nụ cười vốn dĩ rất hiền lành và dường như với ai cũng nở ra rất tươi tắn, anh nói với tôi rằng anh đã tốt nghiệp ĐH TDTT, nhưng không đi làm HLV bóng đá mà đi làm nhà báo ở báo SGGP, cũng không đơn thuần viết về thể thao mà viết về nhiều lãnh vực, nhất là về kinh tế, và ký tên là Nghiêm Minh. Chẳng hiểu bút danh này có liên quan gì đến vợ con anh không, nhưng tôi thầm nghĩ anh ký để tự răn mình với nghề báo: Vừa phải nghiêm, và vừa phải minh (trong sáng, minh bạch). Có lẽ đời làm báo của anh, cho mãi đến cuối đời, nhiều khi cũng xuề xòa không được nghiêm lắm, nhưng minh là chắn chắn…



DẤU ẤN NGHIÊM MINH

TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT

Báo SGGP nơi anh cống hiến  trọn đời ghi nhận về anh- Nhà báo Trịnh Thắng: “Vậy là trước ngày kỷ niệm 40 năm ngày Báo SGGP ra số đầu tiên, những người làm Báo SGGP lại mất đi một nhà báo tài hoa, đã góp phần làm nên thương hiệu “Sài Gòn Giải Phóng”. Anh không chỉ là cây bút “bén”, là “kiến trúc sư” của Tuần san SGGP Thứ bảy, mà còn là “cha đẻ” của nhiều chương trình xã hội giàu tính nhân văn có sức lan tỏa trong cộng đồng”

 Chúng tôi có cùng anh chuỗi ngày tuổi thơ ở khu tập thể 1 Lê Phụng Hiểu HN và sau này cũng thường gặp gỡ nhau ở TPHCM.Ngày ở HN, anh là một chú bé cao to, hiền lành, không mang chất “thủ lĩnh” như anh Tráng anh ruột anh.Tôi nhớ anh là con bác Thị- cán bộ cao cấp miền nam tập kết, là Giám đốc sở Rượu thuộc Bộ Tài chính và mẹ anh là một nghệ sỹ cải lương. Bố mẹ chia tay nhau,các anh chị ở với bố , nét mặt ai cũng hơi buồn buồn vì thiếu vắng hơi ấm người mẹ…
 Khi lớn lên, anh Tráng tình nguyện lên đường nhập ngũ và hy sinh ở Trường Sơn. Còn anh Trịnh Thắng lại sang Từ Sơn học đại học thể dục thể thao, khoa HLV bóng đá.Cứ mội chủ nhật về khu tập thể, tôi hay thấy đầu gối anh đeo băng trắng, hỏi ra mới biết học HLV nhưng bởi học đi đôi với hành, nên ngày nào cũng ra sân cỏ,và sưng chân đau đầu gối là chuyện bình thường, Anh học  có vẻ say mê và học giỏi…

 Sài Gòn giải phóng anh trở về quê hương. Gặp ở TPHCM, vẫn dáng cao to ấy, vẫn nụ cười vốn dĩ rất hiền lành và dường như với ai cũng nở ra rất tươi tắn, anh nói với tôi rằng anh đã tốt nghiệp ĐH TDTT, nhưng không đi làm HLV bóng đá mà đi làm nhà báo ở báo SGGP, cũng không đơn thuần viết về thể thao mà viết về nhiều lãnh vực,nhất là về kinh tế, và ký tên là Nghiêm Minh. Chẳng hiểu bút danh này có liên quan gì đến vợ con anh không, nhưng tôi thầm nghĩ anh ký để tự răn mình với nghề báo: Vừa phải nghiêm, và vừa phải minh (trong sáng, minh bạch). Có lẽ đời làm báo của anh, cho mãi đến cuối đời, nhiều khi cũng xuề xòa không được nghiêm lắm, nhưng minh là chắn chắn…

 Ngoài là nhà báo Nghiêm và Minh, tôi đoan chắc anh là một nhà báo cần mẫn và rất năng động. Không lúc nào gặp anh mà không thấy anh có một sáng kiến mới để báo chí  chúng ta đa dạng phong phú hơn.Ngày ấy, chẳng là ai khác, chính anh với tình yêu thể thao là người có sáng kiến ra tờ báo Khỏe và Đẹp kể như là một trong những tờ báo liên kết đầu tiên về thể thao văn hóa ở TPHCM. Rồi cũng chính anh là “kiến trúc sư trưởng”  ra tờ nguyệt san SGGP thứ bảy có thương hiệu cho đến hôm nay. Cùng biết bao những quỹ học bổng như báo SGGP ghi nhận: “Năm 1998, từ 50 triệu đồng của GS-BS Nguyễn Văn Hưởng gửi tặng Quỹ Từ thiện của Báo SGGP, anh  đã đề xuất với Ban Biên tập triển khai thành Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, với mục đích tiếp thêm “sức mạnh vật chất” cho các em học sinh y, dược có hoàn cảnh khó khăn. Sau thành công đó, trong năm 1998, anh tiếp tục có sáng kiến đề xuất Báo SGGP phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức giải thưởng “Võ Trường Toản” nhằm tôn vinh các thầy cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Giải thưởng nhanh chóng trở thành phần thưởng danh giá đối với những thầy cô giáo TPHCM.

Tiếp nối, năm 1999 anh lại “thiết kế” giải thưởng “Prudential - Văn hay chữ tốt” tại TPHCM. Và chỉ một năm sau, chương trình đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Rồi năm 2000, anh tiếp tục ghi dấu ấn với “Giải thưởng Tôn Đức Thắng” - tôn vinh những công nhân ưu tú của TPHCM.”
 Thật nhân ái,thật năng động,giàu sáng kiến và giàu tấm lòng với cuộc sống,với con người !

 Anh vừa giã từ chúng ta vì một cơn bệnh hiểm nghèo,nhưng cái anh để lại cho đời, cho sự nghiệp báo chí và cho cuộc sống hôm nay, không chỉ một tên tuổi là nhà báo tận tụy, năng động, mà còn là một nhà báo với chữ Nhân đậm đà…