Thao thức của nhà văn Chu Lai: “Bỗng tự trong sâu thẳm buồn vui khẽ bật lên một triết lý: Thì ra chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình, là đơn vị đặc công chỉ đóng cách Sài Gòn có 15 cây số mà phải hành quân 10 năm trời mới tới nơi, như vậy mỗi năm chỉ nhích lên được một cây số rưỡi, chỉ có điều mỗi cái rưỡi đó là để lại hàng trăm bạn bè, đồng đội ngã sâu vào lòng đất, là cái sự còn sống trở về của mình cứ khắc khoải như người có tội, vậy thực chất đây là cuộc hành binh trên những nấm mồ đãm máu và nước mắt để ca khúc khoải hoàn tức tưởi giữa Thành Đô. Chiến tranh mười người ra đi, hơn phân nửa không trở về thì sao có thể vô tình gọi là ngày hội?”


                 RA  KHỎI  RỪNG   PHỐ

                                   CHU LAI


Lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc việt Nam, con người Việt Nam dẫu không muốn cũng là dân tộc trận mạc. Lịch sử đa đoan, dân tộc đa đoan, con người cũng lắn nỗi đa đoan. Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm dô hộ giặc Tây. Khuyên ai chớ vội làm giàu, thằng Tây nó cút thằng Tàu nó qua…Số phận non sông, định mệnh xã tắc như được ứng vào câu ca buồn đến não lòng như thế và cũng hùng anh, trung trinh đến quật cường như thế.

Lịch sử chiến tranh cận đại và đương đại Việt Nam là lịch sử của hình hài những chiếc mũ. Mũ Ca lô đội lệch lãng mạn thời kháng Pháp, mũ Cối vững chắc tần tảo thời dựng xây, vành mũ tai bèo kiêu hãnh thời kháng Mỹ và nét vươn kiêu sa của chiếc Kê Pi thời hòa bình.

Chưa ở đâu mà người lính lại phải chịu một cái áp lực tâm lý ghê ghớm của sự vận hành chiến cuộc như ở mảnh đất này, ba lần ra khỏi rừng, hai lần âm thầm trớ lại, mỗi lần trở lại là mỗi lần tan hoang đầu óc phải mất đến mấy mùa trăng mới lấy lại được cân bằng. Lần trở lại thứ nhất là sau cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân Sáu Tám. Và lần thứ hai là sau khi ký Hiệp định Pari năm Bảy Ba. Lần nào đi ra cũng chắc mẩm vận hội đến rồi, lần này sẽ ra luôn, ra hẳn nên nồi niêu soong chảo, các thứ quân dụng quân khí nặng nề ném hết xuống lòng sông lòng rừng để rồi khi ôm đầu máu trở về,  lại lặng lẽ mò lên. Nước sông hay nước mắt chảy tràn trên gò má chinh nhân.  Để rồi, như thể là quá tam ba bận, lần thứ ba, lần hồ nghi ít tin tưởng nhất không ngờ lại là lần cuối cùng cán đích.

Mừng như cha chết sống lại. Mừng như không còn tin ở cảm nhận của mình. Mừng như từ cõ chết âm u trở về .Mừng đến nỗi mấy thằng đặc công ngồi sau xe máy người dân, súng găm về phía trước, mặt ngẩng lên trời, tóc xõa bay tung mà cứ muốn hát vang, muốn văng tục vung vít lên cao xanh một câu gì đó cho hả sự sung sướng đang căng tràn trong lồng ngực.

Nhưng đêm về, một đêm nằm giữa phố phường ồn ã, nằm tênh hênh trên chiếc giường đau nhức hết khớp xương vì tấm lưng chiến trận đã quen nằm võng,  đã quen cả chục năm nằm trong tĩnh lặng sông rừng, mới lặng lẽ khóc cho nỗi nhớ những thằng bạn còn nằm lại trong rừng sâu  không có dịp được ra với đời, cái cuộc đời mà vào những lúc gian truân nhất thằng nào cũng cồn cào mong được húp một tô phở có tương ớt cay xè đầu lưỡi, được nhấp một ly cà fe đen đá quậy cho sủi bọt rồi chết ngay cũng dược.

Bỗng tự trong sâu thẳm buồn vui khẽ bật lên một triết lý: Thì ra chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình, là đơn vị đặc công chỉ đóng cách Sài Gòn có 15 cây số mà phải hành quân 10 năm trời mới tới nơi, như vậy mỗi năm chỉ nhích lên được một cây số rưỡi, chỉ có điều mỗi cái rưỡi đó là để lại hàng trăm bạn bè, đồng đội ngã sâu vào lòng đất, là cái sự còn sống trở về của mình cứ khắc khoải như người có tội, vậy thực chất đây là cuộc hành binh trên những nấm mồ đãm máu và nước mắt để ca khúc khoải hoàn tức tưởi giữa Thành Đô. Chiến tranh mười người ra đi, hơn phân nửa không trở về thì sao có thể vô tình gọi là ngày hội?

Kỳ lạ! Chục năm ở rừng  thiếu thốn đủ điều nhưng không một lần cảm cúm, vậy mà mới có đêm đầu tiên ra với đời thường đã váng mình sốt mẩy, đầu nhức mắt hoa, chui vào nồi lá xông của chị chủ nhà nấu cho chỉ thấy xúc động rưng rưng mà đâu có hay rằng, một cuộc sống mới khó khăn vô cùng đã mở ra sau chiến thắng.

Nhưng vui, vui đến ngỡ ngàng khi mấy thằng lính Giải phóng bước sải chân trên hè phố rẽ vào quán gọi hủ tiếu, gọi cà fe như mong mỏi cháy bỏng bấy lâu nhưng ăn xong lại không muốn” Chết ngay” mà muốn sống tiếp, rồi khi tính tiền ông chủ lại không nhận, còn biếu thêm ghói thuốc Ru Bi thơm lựng.

Lại thấy khuôn mặt một người đàn ông da đen choán cả bức tường mênh mông ngôi nhà mười tầng có hàng chữ đỏ rực bên cạnh “ Thuốc đánh răng Hynos” mà cứ cười thầm trong bụng: kỳ cục, hài hước, chả ra cái thể thống gì,  giống như tấm biển quảng cáo “ A đây rồi! Thịt chó bảy món thế mà ngon!” kia để rồi phải đến hai chục năm sau, khi cả nước cố gồng mình thoát khỏi nền kinh tế bao cấp mới ngộ ra rằng, đó chính là dấu hiệu của cơ chế thị trường .

Và bắt đầu ngó nhìn đến dáng hình con gái. Nếu trước đây, trong đạn bom mù mịt, bóng dáng những cô du kích, những cô pháo binh, y tá, đặc công trong rừng đã làm mềm đi chết chóc, làm dịu đi đau thương, làm cuộc chiến đấu trở nên giàu có hơn, ý nghĩa hơn thì các cô gái ngoài thành sao lại đẹp thế, đẹp chói chang, đẹp nhức mắt và lạ là, cái bụng dưới của mấy cô sao cũng tròn no như thế? Thì ra cả tuổi trẻ đi học ngoài kia có khi nào nhìn thấy con gái Hà Nội bỏ áo trong quần, lại là quần loe đâu nên làm sao có thể biết cái phần bụng chất chứa đầy cảm xúc ấy của họ tròn méo thế nào.

Và bằng vào những ánh nhìn lúc ấy, hóa ra trong tâm hồn các cô gái vùng tạm chiếm, cứ tạm gọi là như vậy, rất thích mô tip Người Hùng mà không mấy để ý đến ba cái  khái niệm chính kiến, bản chất, chủ nghĩa, lý tưởng… rắc rồi nọ kia. Ngày nọ, trên ghế học đường, nếu như cậu bạn ngồi cùng bàn bỗng một ngày nói lời tình yêu là dễ bị các cô từ chối ngay nhưng cũng cậu bạn ấy bị tổng động viên đi Võ bị Đà Lạt hay quân trường Quang Trung trở về mang theo màu da sạm nắng, cái nhìn phong trần, quân hàm trung úy lấp lánh trên ve áo, dận giày cao cổ, nón đội lệch, ngồi ngậm Pip trên xe Zeép phóng cuốn bụi trên mặ lộ là trái tim các cô bất chợt rung rinh. Đến năm Sáu Lăm, khi người Mỹ đổ bộ vào, trái tim các cô lại rung lên một lần nữa mạnh hơn vì chất yêng hùng mang dáng dấp những chàng Caboy bang Teczat phóng xe phân khối lớn tựa những tia nắng bay trên xa lộ. Và, đúng 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 lại có một loại người hùng khác, gầy mảnh, xanh xao màu sốt rét rừng, đi nhẹ, nói khẽ, có duyên thầm đã đánh bại hai người hùng trên tiến vào dinh Độc Lập thì không phải chỉ tim nữa mà cả con người các cô cứ rung lên trong một nỗi cảm xúc thuần giới tính khó tả pha thêm chút sắc màu chính trị thời thượng.

Đến nỗi, người lính đội nón tai bèo bình dị ấy chỉ cần nhìn sâu vào đôi mắt cô nào một chút thì lập tức cả linh hồn cô gái ấy bỗng hướng tỏa vào anh. Không, không phải hướng tỏa vào một giá trị cá thể mà hướng tỏa vào vầng hào quang chung đang phủ lên đôi vai người chiến thắng.

Đến nỗi tại một lớp học, cô trung úy cảnh sát trong diện cải tạo kia ngày nào cũng nhìn lên, cũng hớp từng câu nói của người lính vốn sinh viên gốc Hà Nội ấy rồi đâm ra nhớ nhung, đâm ra ám ảnh rồi đâm ra…phải lòng, sự phải lòng cũng thuần giới tính vẫn mang theo hơi hướng ngưỡng mộ Người Hùng chứ không có một chút ranh giới người thắng kẻ thua hay có ngầm ý trục lợi nào. Và sau lớp học, cô có nhã ý mời ông thầy bất đắc dĩ về quê em Bến Tre chơi, má em cũng là người hoạt động cách mạng. Song người lính không đám đi, không thể đi và cũng thật may, chuyến đi ấy sẽ là chuyến đi cuối cùng, chuyến đi định mệnh vì sau đó cô trung úy có đôi mắt to không trở lại, nghe nói cô đã vượt biên cùng gia đình. Năm tháng qua đi, không biết lúc này em sống ra sao, ở đâu, làm gì? Chắc rằng em đã trở thành bà nội bà ngoại nhưng khoảnh khắc sau ngày hòa bình đó, với trái tim  con gái, em đã biết sống đúng lòng mình.

Xin nghĩ tiếp về bóng hình con gái. Mười năm ở rừng, chỉ bạt ngàn những cánh rừng đàn ông khét lẹt, xuống đến vùng ven mới bắt đầu có dáng dấp con gái và cái dáng dấp ấy,  nếu nhan sắc không có gì quá tệ thì trước con mắt khao khát của đám đàn ông lính chiến tất thảy họ đều là hoa của đất, là tinh túy của rừng hết, thậm chí là cả động cơ chiến đấu đánh sao cho thắng trận này để đêm về được ngả lưng trên võng, tiếp nhận tô cháo gà rừng thơm nồng hương xả của cô du kích ấy đưa cho.

Nhưng mấy tuần sau, khi công việc đã rảnh rảnh, mấy thằng rủ nhau trở lại thăm địa bàn, thăm các má cơ sở trong ấp, thăm lại các em mà sửng sốt như không còn nhận ra nữa. Nước da các em sao xạm quá, người thô quá, bàn chân bàn tay, cái miệng, đôi mắt, đôi môi  sao cứ dày cộp, cứ ngoãng ngoãng ra thế nào? Song, sau phút hụt hẫng hơi khó xử đó, một cảm giác khác lại dần dần nhen lên, cái cảm giác không gì có thể thay thế trước nét buồn buồn, tồi tội của các em, biểu tượng đau thương kiêu hãnh một thời con gái đi qua cánh rừng. Giữa phố phường ánh ỏi, giữa những nhan sắc đời thường muôn nẻo, hình ảnh các em, nước da các em, ánh nhìn trong đôi mắt các em vẫn là những gì đó quá đỗi thiêng liêng, như là điểm tựa, giá đỡ cho linh hồn bất diệt một thời và muôn thời.

Vậy mà chỉ mấy tuần sau, khi đội quân chiến thắng huyền thoại đó nhận được lệnh đi phép, hối hả bước vào chợ Bến Thành, hối hả bước ra, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bên vai phải là một chiếc khung xe đạp, vai trái là con búp bê to tổ chảng thì các cô mới chợt nhận ra đó là một đội quân nhà nghèo và, như một lẽ tất nhiên,  trái tim vẫn rung nhưng rung một cách có cân nhắc hơn. Nghèo mãi cho đến cả gần hai chục năm sau, nghèo như một đám đông vô tích sự, như một thế hệ đã đánh tuột vai trò lịch sử ra phía sau thì độ rung đó mới dần được phục hồi khi cuộc sống bắt đầu đi lên, hình ảnh người lính cũng nhúc nhích đi lên theo.

Dặm dài năm tháng. Ký ức cá nhân gắn liền với ký ức dân tộc. Đối với người lính từ trong rừng ra năm ấy, mảng ký ức về những ngày hòa bình đầu tiên sẽ mãi là dấu mốc tâm hồn thăm thẳm, xanh tươi nhất./.