Nhóm tác giả và Hội thủy lợi TP HCM vừa tổ chức giới thiệu và phát hành cuốn sách Lịch sử Thủy lợi Việt Nam dày 532 trang do nhà xuất bản Thời đại ấn hành. Tác giả chính kiêm chủ biên công trình trên là Phan Khánh, Kỹ sư cao cấp cùng 2 đồng tác giả là Tiến sỹ khoa học- Anh hùng lao động Nguyễn Ân Niên và Kỹ sư cao cấp Nguyễn Ty Niên. Họ đều là những cán bộ ngành thủy lợi tại thế đã nghỉ hưu, có nhiều công hiến và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan ngành Thủy Lợi cả trong 2 thời kỳ trước năm 1975 và sau năm 1975. Đây là cuốn lịch sử đầu tiên do cá nhân biên soạn và phát hành, nó cũng chẳng là lề trái, cũng chẳng là lề phải mà chỉ là sự thật, trong đó ghi lại trung thực cả thành công lẫn thất bại, cả cao thượng lẫn yếu hèn của một số chính khách là vua quan triều Nguyễn, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.



NHIỀU KHUẤT LẤP ĐƯỢC PHƠI BÀY TRONG “LỊCH SỬ THỦY LỢI VIỆT NAM”

                                   QUANG NGỌC

Trước hết nói về tác giả chính đồng thời là chủ biên. Kỹ sư cao cấp Phan Khánh nguyên là phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bộ Thủy lợi (cũ), người chuyên trách công tác thẩm định các dự án và lập hồ sơ trình duyệt các công trình do bộ này quản lý được bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình điều sang làm phó phòng Tư liệu lịch sử và năm 1981 đã là chủ biên và xuất bản cuốn “sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam tập 1” nhưng cũng năm đó ông Nguyễn Thanh Bình chuyển công tác khác và một vị lãnh đạo Bộ cho gọi Phan Khánh bảo “Đã lỡ xuất bản tập 1 chế độ cũ thì được, còn tập 2 thì tôi cấm. Vì anh không phải là đảng viên nên không đủ tư cách nghiên cứu lịch sử thủy lợi do đảng lãnh đạo”. (Trang 518). Phòng tư liệu lịch sử bị giải thể, Phan Khánh được điều về phòng lưu trữ rồi sang Vụ xây dựng cơ bản nhưng vẫn âm thầm theo đuổi công việc mà mình đam mê.

Những tư liệu lịch sử do Phan Khánh biên dịch được từ tàng thư cổ, đến thời Pháp và thời hiện đại  phác thảo nên truyền thống trị thủy, thủy nông cực nhọc của dân tộc Việt. Hãy nghe lời của 2 nhà lập quốc cách nhau 140 năm. “các ngươi dẫu ngày nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng ngại khó nhọc, quan quân hãy cố gắng” (dụ vua Gia Long khi đào kinh Vĩnh tế – An Giang, Trang 143); “bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng, sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm” (Phát biểu của Hồ Chí Minh tại công trường Bắc Hưng Hải, Trang 283).

Lịch sử thủy lợi Việt nam cũng vẽ nên một chân dung về triều Nguyễn khác xa với chân dung “cõng rắn cắn gà nhà” mà chúng ta từng được học. Năm 1803, khi vừa lên ngôi vua Gia Long đã tuần du, vét kho chi 80.400 quan tiền cho việc tu bổ và đắp thêm 7 đoạn đê mới ở Bắc thành (trang 103), xuống chiếu “trưng cầu dân ý” về việc nên đắp đê hay bỏ đê. Minh Mệnh quyết liệt hơn, năm 1827 đã mở cùng lúc 28 đại công trường đắp đê ở 4 trấn – Sơn Tây, Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định (trang 106). Tuy rất cố gắng nhưng bi kịch “càng đắp đê càng vỡ đê' khiến cho Tự Đức hoang mang và một lại xuống chiếu “trưng cầu dân ý” về việc nên bỏ hay giữ đê “Việc đê điều Bắc kỳ rất lợi hại đến dân … Nay truyền lệnh phải khám xét kỹ, nên đắp, nên thôi, lợi hại thế nào, phải tận tâm trù tính rồi tâu lên để trẫm định đoạt” (trang 127). Nhà Nguyễn là triều đại đắp nhiều đê, đào nhiều kinh nhất, bằng tổng khối lượng của tất cả các triều đại trước cộng lại.

Nhờ có Phan Khánh biên dịch từ đống tài liệu của Pháp để lại mà chúng ta mới biết người Pháp từng ngây ngô khi cho đắp đê bịt sông Đuống, từng thất bại trong đập thoát lũ sông Đáy, từng thu lợi cực lớn khi chỉ đầu tư  54 triệu Franc cho việc đào kinh ở ĐBSCL nhưng đã bán được 235 triệu Franc tiền đất cho các điền chủ, ngoài ra còn thu được 7 triệu Franc/năm tiền thuế xuất khẩu gạo, liên tục trong 54 năm. Cũng qua đây mà chúng ta biết thêm nguyên căn của quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 xóa bỏ khu chậm lũ Vân Cốc vô tích sự, công trình tốn kém hàng chục nghìn tỷ đồng mà trước đây người Pháp từng nghiên cứu và kết luận không khả thi.

Cũng qua các tư liệu lịch sử mà cảm nhận đầy đủ hơn mức độ kỳ vĩ của chiến tích “trị thủy tận gốc sông Hồng” bằng việc xây đập Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và qua đây mới biết thêm một kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tài ba nhưng có lập trường không vững vàng khi vận động BCT (Trang 365) thông qua phương án xây dựng nhà máy phát điện trong lòng núi đá làm thiệt hại 45 tỷ Kwh điện do thời gian thi công kéo dài thêm 6 năm, tăng vốn đầu tư lên 50%, trả thêm 2 triệu rub thiết kế phí và giảm tuổi thọ máy móc.

Không chỉ biết thêm KTS Huỳnh Tấn Phát, mà còn biết thêm một bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh nhu nhược khi đường đường là trung ủy, đại biểu Quốc Hội nhưng lại là người biết sau cùng và cũng không có ý kiến gì khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt bất ngờ đề nghị Quốc Hội khóa VII cho sát nhập Bộ Thủy Lợi vào Bộ Nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm (trang 440)

Lịch sử thủy lợi Việt Nam cũng nhắc lại sai lầm “ 3 chính” khi Trung Ương Đảng ra Nghị quyết thực hiện theo lời khuyên của bà Tiền Chính Anh, thứ trưởng Bộ Thủy Lợi Trung Quốc, mà hậu quả là trong báo cáo tổng kết của Bộ Thủy Lợi ghi “đào được 117.594 ao, giếng; tát nước: 4.270.000 công; ghánh được 13.037.740 ghánh nước” (trang 290), khiến cho tất cả các kỹ sư, trung cấp kỹ thuật của cả ngành đều biến thành dân công.

Còn rất nhiều tư liệu hữu ích khác như vụ án đê Nhật Tân không có bị can, sự thật của thoát lũ ra biển Tây … điều mà chúng ta không đọc được trong các sách sử quốc doanh.


Có thể mua cuốn sách này tại: Hội KH Thủy lợi TP HCM, 1091 Trần Hưng Đạo, Quận 5, ĐT tác giả Phan Khánh: 01683364217.