Trong những nhà thơ mà tôi đã tiếp xúc và quen biết, Pasternak là nhà thơ khó hiểu nhất đồng thời cũng là nhà thơ gần gũi nhất đối với thứ thi ca của âm nhạc; một con người quyến dũ nhất đồng thời cũng là con người khó chịu nhất. Tôi cố gắng miêu tả lại ông như một người tôi từng biết, từng hiểu, chủ yếu về một Pasternak của thời kỳ từ năm 1917 đến năm 1924 khi chúng tôi hay trò chuyện với nhau hoặc trao đổi thư từ thường nhật. Chúng tôi còn gặp nhau thường xuyên vào năm 1926, 1932, 1933, 1934 tại Moskva; năm 1935 ở Paris; sau đó lại gặp ông tại Moskva, vào những tuần đầu tiên của Tháng sáu khi chiến tranh bùng nổ. Chúng tôi không cãi cọ, va chạm nhau, nhưng cũng lặng lẽ chia tay nhau…






CÓ MỘT BORIS PASTERNAK-  NHÀ THƠ
EHRENBURG
 ( từ Hồi ký “Con người, Năm tháng, Cuộc đời” )

I.G Ehrenburg-nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội  nổi tiếng của nước Nga thời kỳ Xô Viết. Nhiều tác phẩm của ông đã được xuất bản ở nước ta như tập tùy bút “ Thời gian ủng hộ chúng ta”,các cuốn tiểu thuyết “ Cơn bão táp”, “Paris thất thủ”..
“Con người, năm tháng, Cuộc đời” là cuốn hồi ký dài vài ngàn trang, cũng là tác phẩm cuối cùng của ông phản ánh những sự biến lịch sử, chính trị, xã hội, văn chương ở Liên Bang Xô Viết và nhiều nước trên thế giới từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thập niên 1960. Trong sách ghi lại chân dung các văn nghệ sỹ có tên tuổi mà Ilya Efrenburg thân thiết hoặc quen biết.
“ Con người, Năm tháng, Cuộc đời” như một cuốn sách được hưởng “Làn gió ấm” tại Liên bang Xô Viết trong thời kỳ trị vì của Nikita Khrutsov nên nhiều sự kiện, nhiều chân dung, nhiều chuyện “ thâm cung bí sử” đã được hé lộ. Tương truyền, nhà văn viết xong mỗi chương đều được Đài Phát thanh Moskva đọc luôn trên sóng. Giờ phát sóng lại trùng đúng thời khắc tan tầm của các công sở, xí nghiệp vào buổi chiếu. Nhưng không ai chịu về nhà mà đều tụ tập dưới những cột loa công cộng nghe như nuốt từng lời.
Xin giới thiệu đoạn trích dưới đây phác họa chân dung của nhà văn, nhà thơ Nga Boris Pasternak-người đã nhận Giải thưởng Nobel văn chương vì cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”…    

           

Chẳng bao lâu sau khi tôi trở về Moskva, tôi đã gặp Boris Leonidovich Pasternak. Ông đưa tôi về nhà ông (hồi ấy ông sống ở gần phố Pretsinxchenski). Trong cuốn sổ ghi chép của tôi có một dòng nhận xét ngắn gọn  như thế này: “Pasternak. Những bài thơ-sự kỳ quái. Chiếc cầu thang”.
            Trên một cuốn sổ ghi chép khác đề ngày 5 tháng 7 năm 1941, sau dòng: “Bọn Đức tuyên bố chúng đã vượt qua Beredina” và “Trước 5 giờ sẽ tới Lodoski”, có một dòng khác:” Pasternak-Sự điên rồ”.
            1917-1941…Trong suốt 24 năm ấy tôi đã gặp Pasternak đôi khi thưa nhặt lại nhiều khi như hàng ngày. Hình như cái khoảng thời gian 24 năm ấy đã đủ để hiểu một con người thậm chí rất phức tạp đi chăng nữa, ấy thế mà Boris Pasternak hiện ra phía trước tôi bao giờ cũng như một câu đố, hệt như trong buổi gặp gỡ ông lần đầu.  Những dòng ghi chép vào năm 1941 đã giải thích rõ điều này: Tôi yêu ông, đã yêu thích và cho đến nay vẫn còn yêu thích thơ của ông. Trong những nhà thơ mà tôi đã tiếp xúc và quen biết, Pasternak là nhà thơ khó hiểu nhất đồng thời cũng là nhà thơ gần gũi nhất đối với thứ thi ca của âm nhạc; một con người quyến dũ nhất đồng thời cũng là con người khó chịu nhất. Tôi cố gắng miêu tả lại ông như một người tôi từng biết, từng hiểu, chủ yếu về một Pasternak của thời kỳ từ năm 1917 đến năm 1924 khi chúng tôi hay trò chuyện với nhau hoặc trao đổi thư từ thường nhật. Chúng tôi còn gặp nhau thường xuyên vào năm 1926, 1932,1933,1934 tại Moskva ; năm 1935 ở Paris; sau đó lại gặp ông tại Moskva, vào những tuần đầu tiên của Tháng sáu khi chiến tranh bùng nổ. Chúng tôi không cãi cọ, va chạm nhau, nhưng cũng lặng lẽ chia tay nhau. Và khi tình cờ gặp lại chúng tôi chìa tay cho nhau bắt, nói với nhau những điều nhất thiết phải nói; rồi lại ngắt đứt tình bạn, chờ tới lần gặp gỡ tình cờ sau đó. Tất nhiên tôi không nuôi ảo tưởng được thể hiện một Pasternak hoàn chỉnh, hoặc thậm chí một Pasternak thời trai trẻ. Trong con người này có nhiều điều tôi không hiểu, nhiều điều tôi không biết. và những gì tôi sẽ viết sẽ  không phải là một bức tranh thánh cũng không phải là một bức biếm họa…Tôi sẽ gắng dựng lên một bức chân dung về ông.

            Tôi sẽ bắt đầu từ đâu, khi chúng tôi làm quen với nhau, Boris Pasternak 27 tuổi.Còn cái mùa hè năm ấy theo lời Pasternak là như thế này:
Mọi người đều sống trong cơn nắng hạn,
Bữa đói bữa no.
Họ giận sôi lên trong những keo vật lộn
Và phép màu nhiệm của cuộc đời
Lại không hề chạm lướt tới bất cứ một ai…
            Vào năm ấy tôi đang bối rối, ủ đột, còn Pasternak thì hết sức vui vẻ, phấn hứng, đối với ông ta năm ấy là năm đặc biệt đáng nhớ:
Năm ấy không thể nào quên được
Tháng ngày phồng nở to những cơn bụi bặm
Ngọn gió nướng chín những hạt hướng dương
Cãi cọ với những ngọn tùng bách
Những tháng ngày xanh lơ với cây cẩm quỳ Nó dắt tôi đi như một kẻ mù lòa
Để tôi tới cầu xin em
Ở bên mỗi bờ dậu.
           
Boris Pasternak rất hay dùng cách nói kèm theo những thán từ. Ông có một bài thơ mang tựa đề “ Vùng Uran lần đầu tiên’. Bài thơ như một tiếng rống đầy trang trọng. Sức mạnh những vần thơ buổi ban đầu của ông đó là cảm giác được sống lần đầu. Vào những năm tháng đó tuyệt nhiên không bao giờ ông đóng vai trò của một người ở ẩn. Được gặp gỡ, được tiếp xúc với mọi người là một niềm vui đối với ông và những bài thơ của ông dạo đó là những bài thơ dào dạt niềm vui. Đối với tôi, Pasternak là một người hạnh phúc, không chỉ bởi lẽ trời phú cho ông cái nội lực thơ lớn lao mà còn bởi vì ông biết tạo ra một thứ thơ ca cao siêu từ những chi tiết đời thường. Dạo đó, tất cả chúng tôi đều say mê những thứ chữ nghĩa ồn ào, kinh thiên động địa mà các nghệ sỹ thuộc phái tượng trưng thường lạm dụng:” “ cái vĩnh hằng”, “ cái vô biên”, cái vô hạn”, “ sự thối rữa”,tính chất phù du”,”những gianh giới”, “ vận hạn”,số mệnh”.
Là vị thánh đầy quyền năng của Tình yêu, đầy quyền năng của Chi tiết-về một người con gái mà ông yêu, Pasternak đã viết như thế này:
Thật là có tội nếu nghĩ rằng
Em không phải là Ông đầu bếp
Em đi vào với chiếc ghế
Như từ trên giá sách ngồi xuống
Em đoạt chiếm cuộc đời tôi
Và thổi sạch những lớp bụi bặm…
            Không phải vô cớ ông đã đặt cho tập sách của mình tựa đề ” Em gái cuộc đời tôi”.
Khác không chỉ với các nhà thơ tượng trưng thuộc thế hệ già, mà còn là khác hẳn với những nhà thơ cùng lứa tuổi-Pasternak đã sống hòa hợp với cuộc đời.Chủ nghĩa hiện thực trong thơ ca của ông không gắn bó với một đường hướng văn học và cũng không chịu bị chi phối bởi bản thể của nhà thơ. ( Pasternak đã nhiều lần nói rằng những khuynh hướng, những trường phái muôn màu muôn vẻ là hoàn toàn xa lạ với ông). Vào năm 1922 Pasternak đã viết:” Cái thế giới hiện thực sinh động mà một lần ta được chứng kiến sẽ mãi mãi vẫn còn là nguồn kích thích tuyệt vời,vô cùng vô tận cho trí tưởng tượng.Cái thế giới ấy cứ kéo dài mãi mãi qua năm tháng. Nó tác động ngày càng sâu sắc hơn , càng quyến rũ hơn. Nó không làm cho ta tuyệt vọng vào buổi sáng hôm sau. Nó trở thành một mẫu mực đối với nhà thơ ở một mức độ lớn, còn hơn cả bản thể, cả một mẫu hình”.
Cách đây không lâu, một bạn trẻ đã nói với tôi Pasternak có lẽ là một con người ảm đạm, cô độc và bất hạnh khôn cùng. Còn tôi vào năm 1921 đã viết về Pasternak như thế này: “ Ông ta vẫn sống, rất khỏe mạnh, rất hiện đại.Trong con người của ông ta không có chút gì của mùa thu, của buổi hoàng hôn, của những gì dịu dàng đáng yêu đấy nhưng không hề đem tới một sự bình tâm, an ủi”. Năm ngoái V.B Skolovsky đã gặp Pasternak ở Berlin và đã viết: “Đó là một con người hạnh phúc.Ông ta sẽ không bao giờ biết đến sự bực bội, giận dữ. Ỗng ta cần phải sống trải cuộc sống của mình bằng những gì vui vẻ, đáng yêu và cao cả”.
Vào năm 1923 Maiacovsky Và O.Brich đã xác lập cái công thức (bằng tiếng lóng của thời đại) những tìm tòi của người nghệ sỹ: “Maiakovsky, kinh nghiệm của những tiết tấu phức điệu trong thứ trường ca muốn ôm trùm lấy xã hội và cuộc sống ngày thường”. “Pasternak, sự áp dụng thứ cú pháp học năng động vào nhiệm vụ cách mạng”.
Những người ở nước ngoài chỉ biết tới sự hiện diện của Boris Pasternak sau năm 1958, năm ông nhận Giải Nobel vì cuốn “Docter Zhivago”.Những bạn đọc ấy sẽ bất hạnh khi phải mặt đối mặt với lịch sử.Thực ra Pasternak là một con người hạnh phúc.Ông ta sống ở bên ngoài xã hội, không phải vì xã hội ấy không thích hợp với ông, mà bởi vì vốn là một người giao du rộng, thậm chí luôn xử sự vui vẻ thân ái với những người khác, Pasternak lại chỉ biết nghĩ đến độc một người khác nói chuyện với mình- người đó chính là bản thân ông.
Vào cuối năm 1918, ông ca ngợi Điện Kremlin:
Sừng sững hiện lên, hình tháp dữ dội
Xuyên qua những gì cản trở trong năm thứ mười chín
……….
Phía sau biển sương của ngày động trời
Tôi đã nhìn thấy trước, như thấy bản thân mình
Cái đã bị đập phá tan hoang
Cái năm 19 không bao giờ xuất hiện
Hãy nắm lấy mà nhào luyện lại từ đầu
(dạo đó Pasternak còn chưa hiểu được rằng không một ai trên thế gian này có thể nắm lấy nó mà nhào nặn lại từ đầu được!)
            Sau này, vào năm 1930, sau vụ tự vẫn của Maiakovsky, Pasternak viết: “…Nhà nước của chúng ta , cái nhà nước đã bị đập vỡ hết trong thế kỷ này để rồi thu nạp lại tất cả-đó là một nhà nước chưa từng có và trước đây không thể có được”. Ông nói về mối quan hệ máu thịt giữa nhà nước ấy và Maiacovsky. Ông đã viết những dòng đầy phấn hứng về cái nhà nước” bị đập vỡ hết trong thế kỷ này”. Ngay cả vào năm 1944 ông khâm phục mọi điều.Ông nói: “Đối với mỗi người, ngay cả đối với một nhà thơ lớn cũng không chỉ có cái trần nhà trên đầu mà còn có cả những bức tường ở bốn xung quanh”. Nhưng xã hội lại ở ngoài những bức tường mà Pasternak nói!

            Sklovsky đã mắc một sai lầm khi ông viết:” Con người hạnh phúc và tầm cỡ này ở giữa những con người mặc áo bành tô, miệng nhai bánh mì kẹp chả đứng vây quanh cây cột “ Bản tin”- con người ấy đã cảm thấy sức hút của lịch sử”. Pasternak cảm nhận được thiên nhiên, tình yêu, Goeth,Shakespeare, âm nhạc, triết học cổ điển Đức, hội họa Venise, ông cảm nhận được bản thân mình, số người gần gụi với ông..nhưng ông hoàn toàn không cảm nhận được lịch sử. Ông nghe được những thanh âm mà người khác không nắm bắt được; ông nghe được tiếng đập trái tim trong lồng ngực, tiếng cỏ bật mầm nhưng ông không nhận ra nhịp đi của thời đại.
            Mấy chữ “tự kỷ trung tâm luận” đã bị dùng nhiều đến độ trở nên mòn vẹt đi, nhưng trong mấy chữ ấy vẫn chứa đựng một điều gì đó rất đặc thù; nếu cần một từ khác nữa thì tôi không thể tìm ra. Boris Pasternak sống không phải vì mình. Ông không bao giờ là một kẻ ích kỷ.Nhưng ông sống trong mình, với mình và bằng mình.Tôi nhớ lại những lần gặp gỡ đã trở nên xa xưa giữa chúng tôi. Đó là hai chuyến tàu hỏa lao đi vùn vụt,nhưng mỗi chuyến lại chạy trên đường rày của mình. Tôi biết Pasternak nghe tôi nói đấy,nhưng ông không hiểu gì hết.Ông không thể nào thoát ra khỏi những ý nghĩ, những cảm xúc, những liên tưởng của bản thân. Những cuộc trò chuyện với ông, dù là những cuộc trò chuyện rất nồng nhiệt đi nữa vẫn giống như có hai cuộc đối thoại.

            Tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện vui vui, mùa hè năm 1935, Pasternak có mặt tại Paris trong cuộc Hội nghị bảo vệ văn hóa. Đoàn đại biểu các nhà văn Liên Xô đã đến từ trước.Sau đó theo yêu cầu của các nhà văn Pháp Pasternak và Baben được bổ xung thêm. Pasternak bực bội, ông nói ông không muốn tham dự hội nghị, không muốn phát biểu ý kiến.Nhưng rồi ông vẫn đăng đàn. Trong bài diễn văn ngắn gọn của mình ông nói rằng không việc gì phải tìm thơ ca trong mây, trong gió. Cần phải biết cúi xuống mà nhìn: thơ ca nằm giữa những thảm cỏ xanh. Có thể, những lời lẽ như vậy, hoặc nói đúng hơn gương mặt của Pasternak đã khiến cử tọa xúc động.. Mọi người vỗ tay hoan hô ông nhiệt liệt.Vài ngày sau ông nói với tôi ông muốn tiếp xúc với một số nhà văn Pháp. Chúng tôi quyết định mời họ ăn trưa. Vợ tôi gọi điện cho Pasternak mời ông ta đến khách sạn vào một giờ trưa.Pasternak bực bõ:” Tại sao lại sớm như thế?Tốt nhất là hãy mời họ vào khoảng 3 giờ”.Liuba giải thích cho ông rõ ở Paris mọi người thường dùng bữa trưa vào khoảng từ 12 giờ đến 2 giờ và dùng cơm chiều từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Vào lúc 3 giờ các khách sạn đều đóng cửa. Nghe nói vậy, Pasternak tuyên bố: “Không, vào lúc 1giờ thì tôi chưa muốn ăn!”.

            Cái đức tính quá chú ý đến bản thân mình (đức tính này theo năm tháng càng tăng trưởng ở ông) không cản trở -nói đúng ra là không thể cản trở Pasternak trở thành một nhà thơ lớn. Chúng ta theo một thói quen thường hay nói rằng nhà văn phải là người hay quan sát. Trong những cuốn nhật ký của N. Afinoghenov mới được công bố cách đây không lâu có một đoạn khá thú vị như sau: “Nếu cái tài của nhà văn là ở chỗ biết quan sát con người thì vị bác sỹ và các viên dự thẩm, người giáo viên và nhân viên soát vé trên xe hỏa, những ông Bí thử Đảng ủy và các vị tướng soai sẽ là những nhà văn trác việt nhất.Nhưng không phải như thế. Bởi lẽ tài năng của nhà văn chính là ở chỗ biết quan sát bản thân mình!”. V.Afinoghenov đã đúng khi bác bỏ khái niệm cũ về ”năng lực quan sát “ của nhà văn.Trong việc tạo ra các nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch đóng vai trò hết sức lớn lao là những gì nhà văn đã sống trải, đã ý thức được. Bởi lẽ cái thế giới nội tâm của những người khác mà nhà văn hiểu được đều chỉ thông qua những dục vọng này dục vọng khác quen thuộc và tất nhiên là có thể hiểu được đối với chính nhà văn.

( Còn nữa )
TÔ HOÀNG

( Dịch qua bản tiếng Nga )