Tập chân dung “Nhà văn độc hành độc bộ” của Vũ Từ Trang do NXB Phụ Nữ ấn hành, trừ ba người làm mỹ thuật, còn lại hai mươi bảy người là dân văn chương: văn, thơ, phê bình, dịch thuật. Có những tác giả nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ như  Quang Dũng, Yến Lan, Nguyễn Xuân Khánh, Thợ Rèn, Lưu Quang Vũ, Hoài Anh, Thanh Tùng, Dương Tất Từ, Võ Văn Trực, Nguyễn Xuân Thâm... Lại có tên tuổi còn mới lắm đối với đông đảo bạn đọc, dù đời viết của họ đã đi qua hay tuổi tác cũng không còn trẻ nữa như Nguyễn Ngọc Ly, Phương Thúy, Nguyễn Hữu Cung, Thím Phụng... Nghĩa là phần đóng góp văn chương của họ dày mỏng rất khác nhau. Vũ Từ Trang không chọn vào tài năng để viết. Tiêu chí ông chọn lại thuộc về cuộc đời của họ. Đó là những người đã đi qua những năm tháng ngắn dài, có khi dài cả một đời, đầy lận đận gian lao. Những chặng đời ấy như một thử thách lòng yêu văn chương của họ. Nhiều thử thách khắc nghiệt: vùi dập xã hội, tan vỡ hạnh phúc, túng thiếu, ốm đau... Nhẹ hơn thì là những nghề nghiệp kiếm sống vất vả lam lũ, không phù hợp với hoài bão văn chương nghệ thuật mà họ theo đuổi. Nhưng tất cả, những người nổi danh và chưa nổi danh ấy, đều đã vượt lên để đến bằng được với văn chương.



TRÊN ĐƯỜNG VĂN CHƯƠNG GẶP NHỮNG GƯƠNG MẶT NAO LÒNG

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Tập sách mang tên Nhà văn độc hành độc bộ phải chăng cũng là để nhấn mạnh cái khía cạnh âm thầm, đơn độc và quả cảm cầm bút viết văn của những con người ấy. Vũ Từ Trang biểu dương đời họ, khen ngợi văn họ nhưng cái chính, có lẽ ông muốn biểu lộ niềm yêu thương chia sẻ của chính lòng mình đối với những người đáng là thầy, là anh hoặc là bạn, là em mà ông từng quen biết, từng đồng hành cùng họ trong những ngày gian lao ấy. Vũ Từ Trang chọn họ và cuộc đời cũng chọn Vũ Từ Trang làm người có mặt trong những “sự tích” tác giả và tác phẩm mà ông nói tới. Viết về người mà như kể chuyện mình, rì rầm độc thoại, mình nhủ với mình  về một nỗi đời một thân phận. Điều ấy đã đã tạo niềm tin cậy gợi nỗi xúc động trong bạn đọc. Vũ Từ Trang không đi sâu vào văn phẩm và khảo sát nguyên nhân của những thành công của từng tác giả, ông cũng không luận bàn về tâm lý sáng tác hay lao động nhà văn mà ông chỉ kể những gì ông đã thấy, đã xót xa trăn trở. Kể hồn nhiên những chuyện đời thường cái chặng vất vả của mỗi người với những thói quen, những ngôn ngữ, những lối nghĩ, lối xử sự khi lầm lụi, khi khinh bạc, khi cao cả, độc đáo, xót thương. Qua những cuộc đời tác giả văn chương nghệ thuật ấy, ông cho thấy sức lôi kéo, an ủi, sức nâng dậy con người của văn chương nghệ thuật. Nơi ấy như ngôi đền thiêng, ai cũng có quyền vào, có quyền bộc lộ những khát khao, mơ ước, hi vọng. Nhưng mơ ước có thành hiện thực hay không là tùy ở từng người. Tùy tài năng hay tùy số phận? Tác giả hỏi và chúng ta, bạn đọc cũng hỏi. Nhưng chưa có câu trả lời. Trong tập sách này, nhiều người thành công, có người thành công rực rỡ, trở thành những tác giả lớn như Quang Dũng, Lưu Quang Vũ, hay những tên tuổi được yêu mến,chờ đợi như Ngô Quân Miện, Hoài Anh, Thanh Tùng, Võ Văn Trực, Nguyễn Xuân Thâm, Tô Ngọc Hiến...Nhưng cũng có người đối mặt với gian khổ suốt đời, can đảm sống, can đảm viết mà chưa được thành công đề đáp. Tấm lòng độ lượng và cái chết của Tuân Nguyễn, nỗi lận đận cuối đời của Phương Thúy, của Nguyễn Thị Hoài Thanh, Nguyễn Ngọc Ly... Cảm phục mà xót thương. Giọng kể Vũ Từ Trang như tiếng thở dài cám cảnh với văn chương. Tấm lòng người viết, vốn là một nhà thơ, đối với đồng nghiệp là cú hích đầu tiên tạo cảm xúc cho cả tập sách 330 trang về 30 số phận văn nhân nghệ sỹ này.     

            Lưu Quang Vũ, sau này được giải thưởng Hồ Chí Minh về kịch, ngày ấy, thời điểm Vũ Từ Trang nói tới trong tập sách này, ông đã có tập thơ đầu tay Hương cây cảm xúc tươi xanh và mơ mộng, được bạn đọc mến yêu thì ông gặp hạn, phải ra quân, xin việc làm không được, hạnh phúc gia đình tan vỡ, việc công bố tác phẩm gặp trở ngại. Chính trong lúc cùng đường bí bách ấy, ông đã viết tập thơ Cuốn vở xếp lầm trang, có thể là tập hay nhất của đời thơ ông. Vũ Từ Trang, với tư cách người trong cuộc, kể lại, dù rất phác họa, những mảnh tháng ngày lận đận ấy của Vũ đã làm hé lộ được nguyên do nảy sinh dòng cảm xúc mới lạ, khác biệt của thơ Vũ so với giọng thơ chung hồi ấy. Những mẩu chuyện đời cụ thể, nhỏ nhoi, cảm động đã có giá trị như những luận chứng xã hội học, tâm lý học cho bạn đọc thêm yêu thương tác giả và thấu hiểu tác phẩm sâu sắc hơn. Bài chân dung hồi ký lại có tác động như một văn bản nghiên cứu.

            Với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933), Vũ Từ Trang là lớp hậu sinh, ông không đồng hành được với hai chục năm tai họa văn tự của nhà văn này. Nhiều chuyện về sau ông mới biết. Biết rồi thấu hiểu nỗi lòng và cảm phục cách ứng xử việc đời và tâm niệm văn chương của bậc đàn anh nhưng trong giọng kể Vũ Từ Trang giấu lòng mình để người đọc trực tiếp với Nguyễn Xuân Khánh. Điều ấy lại có sức thuyết phục và cũng là một đức tính của người viết chân dung.

            Vũ Từ Trang khá nhạy cảm với cảnh ngộ những nhà văn có tuổi ấu thơ vất vả. Vất vả do côi cút, do nghèo túng, do thất thế. Cuộc sống ngặt nghèo buổi đầu đời thường tạo lên bản lĩnh, đức tính và cả phong vị văn chương  của nhà văn. Ông viết về nhà văn Nguyễn Bản, người đồng huyện Từ Sơn với ông:  Có hiểu qua đời tư của ông, mới rõ thêm vì sao (...) những khuôn mặt, những tính cách, những cảnh đời éo le của bao người phụ nữ trong thôn xóm in hằn trong tâm trí ông. Vũ Từ Trang không giấu lòng ông yêu văn Nguyễn Bản cũng từ lòng yêu tâm hồn người viết: Tôi như thấy văn ông luôn loát lên vẻ đẹp của con người, vừa thánh thiện vừa trần tục, vừa mơ hồ vừa cụ thể; như để khẳng định: cuộc đời dù có mệt mỏi đến mấy thì vẫn cần có tình yêu thương và tình yêu thương vẫn luôn tồn tại.

            Yến Lan, nhà thơ quen biết từ phong tràoThơ Mới. Vũ Từ Trang biết thơ ông, tên tuổi ông ngay từ thuở ban đầu khi ông nhập tịch văn chương. Yêu thơ và mến người. Mến và thương vì có dạo Yến Lan cũng cô quạnh sau vụ Nhân văn. Vũ Từ Trang năng lui tới thăm ông, nghe chuyện thơ, nghe chuyện đời, làm ông vui và cũng là cách tầm sư học đạo của người làm thơ trẻ. Tình cảm của ông đối với Yến Lan, trài qua những biến thiên xã hội từ thuở đất nước cắt chia cho đến ngày thống nhất, khi Yến Lan người tập kết đã trở về sống với quê hương Bình Định, vẫn nguyên vẹn thành kính. Phong thái Yến Lan hiện lên rõ lắm trong những dòng văn dè dặt và tiết kiệm của Vũ Từ Trang. Đấy là văn của hoài niệm, của nỗi chưa xa đã nhớ. Nó là kết tinh của yêu thương, kính trọng. cái tình ấy như một màng lọc tự động, vô thức lưu giữ những nét tốt đẹp trong hành xử, trong tâm hồn của mỗi nhà văn. Đọc những bài về Thanh Tùng, Hoài Anh, về Tạ Vũ, Lê Bầu...ngỡ như đọc những giai thoại, những huyền thoại của những “lãng tử” văn chương này. Chi tiết thì không hẳn chính xác nhưng thần thái các vị thì đều hiển thị khá trung thành. Đặc biệt những nỗi niềm ẩn khuất, những ước vọng một đời của họ, Vũ Từ Trang  thấu hiểu và thể hiện lên trang giấy thấm thía nhân tình, góp phần không nhỏ để bạn đọc, bạn viết hiểu thêm và yêu thêm những trang viết, trang đời của họ. Những dòng ông viết về mối tình đơn phương và ước vọng làm nhà của Hoài Anh, hay chuyện gia đình của Thanh Tùng, hay những vất vả thiếu thốn trong cõi vật chất lẫn tinh thần của Tô Ngọc Hiến, Nghiêm Đa Văn... như có nước mắt ở bên trong.  Có thể nói Vũ Từ Trang rất “thuộc” nhân vật của mình. Rất thuộc và rất thương. Ông vốn mát tính và tận tụy nên chiều được các yêu cầu trái tính trái nết của các ông anh. Chiều từ thuở còn nghèo túng hàn vi như nhau cho đến bây giờ, so với bạn bè ông là người có bát ăn bát để. Cũng bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu mới làm ông “thuộc” họ. Ông như đứa em “điếu đóm” lại như người anh khuyên nhủ, đỡ đần chân tình ruột thịt. Những trang viết về họ mà như tâm sự của ông về đời người, về nghề văn. Viết như trò chuyện tếu táo mà người nào hiện ra người ấy. Có giấu tên nhân vật thì bạn yêu văn cũng nhận ra. Đây là một thứ tài sản tâm hồn rất có giá, và ngày càng có giá, của Vũ Từ Trang về lứa nhà văn hình thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông nên để tâm khai thác. Thời gian đã bắt đầu làm lẫn một số chi tiết, làm mờ đi một số gương mặt. Ai người trong cuộc, người cùng thời nên chi chút ghi lại. Đọc một số bài báo hôm nay viết về lứa “tiền chiến”, lứa kháng chiến chín năm đã thấy nhiều nét như tô theo những định hình như một quy ước hoặc lầm lẫn như trong khảo cổ học rồi.

            Tôi ngạc nhiên với trường giao tiếp rộng và sâu của Vũ Từ Trang. Rộng về tuổi tác: từ các bậc cao niên như cha chú đến lứa đàn em kém tuổi nghề, tuổi đời. Rộng về nghề nghiệp: bạn thơ, bạn văn, bạn vẽ tranh, bạn nặn tượng...Sâu vì điều ông quan tâm đâu chỉ văn chương nghệ thuật mà nhiều hơn lại là những nông nỗi đời người, có điều dễ thấy có điều chìm sâu trong tâm sự, trong nỗi chịu đựng lặng thầm của mỗi người. Một nét đặc sắc, Vũ Từ Trang thấu hiểu, yêu thương và mến phục chân tình với những người viết say mê mà lại trắc trở về nghề, tác phẩm ít được biết đến, tên tuổi chưa quen vơi mọi người. Đó là anh bạn xích lô bên Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Ly, là người em dâu trong họ, Thím Phụng, là người sửa bản in cần mẫn Nguyễn Hữu Cung, là người đàn bà đơn độc và quả cảm Nguyễn Thị Hoài Thanh, là người đàn ông mơ mộng và gian truân  Lương Vĩnh... Những ngả đường đời khó khăn khổ nạn khác nhau nhưng cùng hướng vào một đích đến: văn chương. Mà cái đích ấy như còn ở phía chân trời. Vậy mà ai cũng khao khát viết. Viết là ý nghĩa của đời họ. Có người quyết liệt từ trẻ, có người gắng gỏi lúc về già. Tìm vào chữ nghĩa mà rèn nghề mà lập nghiệp, hay chí ít làm chỗ giãi bày tâm sự, mình an ủi lấy mình. Vũ Từ Trang đọc thơ của cô em dâu họ, thím Phụng, mà cảm nhận được một chặng đời dằng dặc của Phụng. Một nỗi buồn kéo dài. Như một lạch nước âm thầm cô đơn và trong trẻo. Tôi ngỡ như gặp nỗi lòng Hồ Dzếnh trước cách mạng tháng Tám, khi viết về cuộc đời những người thân trong gia đình (bà chị dâu Trung Hoa hay cô em khác mẹ). Đó là nỗi cảm thương thân phận. Văn chương hay không văn chương, thì cuộc đời những người đàn bà nghèo xứ quê nặng gánh chồng con ấy cũng vất vả lam lũ như nhau, dù khoảng cách thời cuộc giữa họ đã là cả một cuộc cách mạng long trời lở đất và khoảng cách hiểu biết của họ là từ mù chữ đến đại học. Chi tiết cháu bé con chị Hoài Thanh được hưởng trong giấc ngủ ngọn gió mát của cái quạt điện vẽ trong tường là một chi tiết cảm động về nét thơ ngây của con và nỗi lòng thẳm sâu của mẹ. Lưu lại được chi tiêt đó là tấm lòng của người viết. Trước hết là tấm lòng rồi mới đến tài văn.

            Với Quang Dũng, nhà thơ tài năng của lứa nhà thơ kháng chiến chống Pháp, nhưng một chặng dài tài năng ấy bị che mờ. Tài năng ấy sống đạm bạc trong căn gác hẹp cuối đường Bà Triệu. Tài năng ấy mỗi sáng tập thể dục bên công viên Thống Nhất lại “nhân tiện” quét lá cho vào bao tải, vác về, làm chất đốt. Song song với nét sống thường ngày giật gấu vá vai ấy là những mảng trời mênh mông mây gió và ước vọng  xa rộng của tâm hồn người viết nên Tây Tiến. Khác biệt của bài chân dung này là Vũ từ Trang lại phân tích khá sâu về tác phẩm, vẽ cả sơ đồ về âm điệu câu thơ. Kể ra thao tác này được mở sang cho nhiều tác giả khác, tập sách sẽ có thêm được sức nặng học thuật. Có lẽ cũng do ý định khiêm nhường tự giới hạn của Vũ Từ Trang. Nhưng tôi nghĩ ông đủ sức làm.     
       
            Trước cách mạng tháng Tám nhà nghiên cứu Lê Thanh (1913-1944), qua những cuộc trò chuyện với các học giả, văn nhân như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Văn Triện, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long, Đào Duy Anh đã lưu lại được không gian hình thành tác phẩm của họ, giúp vào việc cắt nghĩa thành tựu văn chương nghiên cứu của những nhà văn buổi đầu nền văn  chữ quốc ngữ đó. Hơn nữa, cái cách viết giản dị, tự nhiên cứ như bưng cuộc đời mà đặt vào trang sách lại dễ cho thấy cái nếp sống thường ngày cùng không khí văn chương thời ấy. Cuốn sách nhỏ Cuộc phỏng vấn các nhà văn (1943) của Lê Thanh đã gợi cho người đọc chúng ta hôm nay nhiều nhận thức thú vị, bất ngờ và sinh động về một thời, một thuở của giới bút mực văn chương mà những chuyên luận khảo cứu, phê bình hàn lâm nhiều khi lại không làm được. Công việc của Vũ Từ Trang trong cuốn chân dung này cũng tương tự thế. Nó là kho hiện vật, kho tư liệu tâm hồn làm chứng tích cho một thời gian khổ, thiếu thốn, chật hẹp đủ điều nhưng ước vọng tinh thần và ý chí sáng tạo của con người văn chương thì thật đẹp, đủ sức giúp họ đứng vững và tạo nên một trong những điều kỳ diệu của cuộc đời này: Ấy là nghệ thuật, ấy là văn chương.