Trò chuyện với nhà văn Tô Hoàng sau khi tham gia bộ phim “L’Oriana” của Ý, nghệ sĩ hóa trang Trịnh Xuân Chính khẳng định: “Hóa trang góp phần không nhỏ khắc họa nên tính cách nhân vật, vẻ đẹp thẩm mỹ của bộ phim. Khâu hóa trang còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo nên tính chân thực của một tác phẩm điện ảnh. Chúng ta quen nói cần xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, trong khi khâu hóa trang điện ảnh còn ở mức “không có cá lấy rau má làm trọng” như hiện nay, điện ảnh của chúng ta khó lòng đạt tới trình độ tiên tiến được.”



NÓI THẬT VỀ LĨNH VỰC HÓA TRANG ĐIỆN ẢNH TẠI VIỆT NAM

TÔ HOÀNG

            Đầu tháng 5-2014, nghệ sỹ hóa trang Trịnh Xuân Chính kết thúc phần công việc trong bộ phim Ý mang tựa đề “L’Oriana” của đạo diễn Marco Turco. L’Oriana  là tên nhận vật  chính, một nữ phóng viên chiến trường trẻ tuổi người Ý. Bà đã sang Việt Nam trong những năm 1960 trực tiếp xông xáo nơi hòn tên mũi đạn, để cung cấp những tin tức, những thước phim khách quan, chân thực nhất về cuộc chiến tranh của Mỹ tại  Việt Nam, về quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và những cán bộ, chiến sỹ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tên tuổi và sự đóng góp về phương diện báo chí của bà L’Oriana cho đến hôm nay vẫn được nhiều người Ý nói chung và dân làm báo Ý nói riêng nhắc tới với tình yêu thương và niềm tự hào.

            Dù đã bước qua tuổi bẩy mươi, nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính vẫn hết sức trẻ trung, đầy tâm huyết và đam mê khi kể lại những ngày lao động trên trường quay, nhất là những gì liên quan tới phần việc do ông đảm nhận. Với bộ phim “ L’Oriana” ông chỉ lo việc hóa trang gây hiệu quả đặc biệt- tức tạo hình- những vết thương do bom đạn hoặc do trầy sướt của 50 nhân vật lính Mỹ trong bộ phim. Ấy vậy nhưng đây là một bộ phim nhựa của nước ngoài quay ở Việt Nam, lại thực hiện theo đúng quy trình và bài bản làm phim hiện đại, điều này khiến nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính như gặp được niềm ao ước chợt lãng quên lâu nay.

                                              
Nghệ sỹ hóa trang Trịnh Xuân Chính với các diễn viên “quần chúng" sắm  vai lính Mỹ.

Ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên- nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính kể, đạo diễn Marco Turco đã nhấn mạnh, phim “L’ Oriana” là phim truyện nhưng vì nó mang đậm chất phóng sự người thật việc thật nên yếu tố chân thực là yêu cầu hết sức quan trọng; phải tuân thủ nghiêm ngặt tính xác thực ấy ngay ở từng chi tiết nhỏ.
-Tại sao ông Marco Turco lại nói với tôi như vậy ngay từ giây phút đầu gặp gỡ? Tôi hiểu rõ ông muốn gửi gắm gì ở tôi, một người làm công tác hóa trang. Nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính hồi nhớ- Tôi giật mình tự hỏi, hay ông đạo diễn này đã kịp ngó mắt tới vài ba tập phim truyện truyền hình làm nhanh làm ẩu của chúng ta? Cầu mong điều ấy đừng xảy ra…
            Rồi ông Marco Turco bảo tôi cho xem thứ mỹ phẩm làm máu giả xưa nay tôi vẫn tự pha chế lấy. Ông đạo diễn thử rất kỹ máu tươi ra sao, máu bắt đầu đông lại ra sao, lau tẩy thứ mỹ phẩm này có nhanh và sạch hết dấu vết không... Sau từng ấy công việc, ông Marco Turco tỏ lời khen ngợi, và đoàn  phim  đồng ý sử dụng.
Điều đáng tiếc, nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính không được biết trước là phim cần tới một lượng máu tạo hình vết thương cho 50 lính Mỹ nên nghệ sỹ chỉ pha chế có 1 lít máu giả. Đạo diễn Marco Turco quyết định cho chuyển thêm 15 lít máu giả bằng đường máy bay từ Ý sang.

            Phim được bấm máy tại một căn cứ Mỹ giả định trong thung lũng Madagui, Đà Lạt. Đoàn làm phim dự kiến số cây sẽ bị bom đạn đốt cháy là bao nhiêu, trả tiền mua của lâm trường từng ấy cây và xì lửa cho đốt cháy thật, chứ không sơn phết hắc ín như cách làm trong nhiều bộ phim của ta. Những khẩu pháo Mỹ thì mượn các đơn vị quân đội nhưng cũng được sơn quét lại và “làm cũ” cho giống những khẩu pháo thời chiến tranh. Năm mươi “Tây balô” sắm vai năm mươi lính Mỹ, trang phục và quân phục của của năm mươi lính ấy đều được “đặt hàng” làm tại bên Ý.
            Muốn tạo mồ hôi, hoặc vấy bụi cát, vấy bùn đất trên tóc, trên mặt, trên trang phục của những người lính kia đều đã có những “tuýp” mỹ phẩm màu, được quấy đảo trong một chiếc máy, sau đó phun lên những chỗ cần thiết. Những điều như vậy nghệ sỹ hóa trang Trịnh Xuân Chính đã từng biết đến khi trực tiếp tham gia làm phim với các đạo diễn nước ngoài. Và đâu có gì mới. Song chúng quá mới, quá lạ là với công việc hóa trang điện ảnh của nước ta hôm nay…

- Tôi muốn nhấn mạnh những thứ mỹ phẩm tạo ra máu, ra mồ hôi, bụi cát kia đều bảo đảm không gây độc hại cho da dẻ, cho hô hấp, đường ruột của diễn viên. Lại thơm phức nữa- Nghệ sỹ Trịnh Xuân Chính nói- Chúng được điều chế theo đúng công thức khoa học và những yêu cầu về mặt y học để bảo đảm sức khỏe cho diễn viên.Còn điều này, chính thứ mỹ phẩm hóa trang đạt những yêu cầu như vậy biểu hiện sự tôn trọng của chúng ta với các người diễn.
- Ông vừa nói tới những yêu cầu của mỹ phẩm hóa trang…
- Những yều cầu ấy phải nhắm đạt tới 3 cái đích của hóa trang điện ảnh. Đó là GIỐNG, ĐÚNG và ĐẸP. Giống về vẻ bên ngoài, về nội tâm và tính cách nhân vật. Đúng- tiêu chí này bao gồm nhiều điểm lắm. Đơn cử, tạo hình một vết thương nhưng phải xác định được vết thương đó do dao chém., mảnh đạn rạch, hay do bỏng nước, bỏng lửa? Không thể chấp nhận một vết thương chung chung được. Vì theo tình tiết trong phim, người ấy bị thương trong hoàn cảnh nào, vì lý do gì cơ mà. Cái kiểu nhai kẹo cao su rồi dán lên mặt, lên tay, bôi thêm tý phẩm đỏ- xin hãy vĩnh viễn loại bỏ !

                                         
Đạo diễn Ý Marco Turco trên trường quay tại Chợ Lớn, TPHCM

- Thưa ông, vậy ở nước ta đã có những hãng, những xưởng nghiên cứu và chế tạo ra những mỹ phẩm hóa trang như vậy chưa?
- Nói anh đừng buồn. Từ ngày ngành phim truyện Việt nam ra đời vào năm 1958 cho đến tận hôm nay, chưa hề có một hãng, một xưởng cung cấp những mỹ phẩm hóa trang nào như vậy. Những nhà điện ảnh nước ngoài sang làm phim ở nước ta đều tỏ ra ngạc nhiên, sửng sốt về điều này. Anh chị em làm công tác hóa trang chúng tôi thường mày mò tự pha chế lấy những thứ mỹ phẩm ấy. Còn để đáp ứng ba tiêu chí Đúng, Giống và Đẹp của hóa trang được bao nhiêu phần trăm là tùy ở khả năng, sự  hiểu biết hoặc vốn liếng tiền bạc của từng người. Cũng có người cẩn thận và kỹ càng hơn thì gửi mua các tuýp mỹ phẩm ấy ở nước ngoài.
- Được biết, ông là chuyên gia hóa trang đầu tiên của Điện ảnh Việt nam được đào tạo bài bản, dài ngày ở nước ngoài. Ông về nước vào năm 1988. Xin ông cho biết, từ ngày ấy đến nay chúng ta có cử thêm sinh viên sang học về ngành này nữa không?
- Sau tôi, không có một ai khác ra nước ngoài để học về hóa trang điện ảnh cả. Rất nhiều lần, và mỗi khi có dịp tôi đều lên tiếng báo động về thực trạng này. Những tín hiệu SOS ấy như rơi vào thinh không!
- Điều gì là quan trọng nhất, là bổ ích nhất ông đã thu lượm được khi tu nghiệp ở nước ngoài?
- Để trả lời câu hỏi này, với tất cả sự khiêm tốn cần thiết tôi xin nói như thế này: Cho đến tận hôm nay, tính từ trong Nam ra ngoài Bắc vẫn chỉ có riêng mình tôi nghiên cứu và được tin cậy trong công việc hóa trang hiệu ứng đặc biệt. Vậy cái gọi là hiệu ứng đặc biệt ấy là như thế nào? Là hóa trang tạo hinh làm biến đổi ngoại hình diễn viên như tạo hình đầu trọc, đầu hói giả;  hay làm vết thương, vết sẹo, vết bỏng, các bệnh ngoài da hay cụt tay chân,  chặt đầu …trong các phim chiến tranh, phim hình sự …  Hóa trang hiệu qủa đặc biệt cần chân thực và chuẩn xác vì dù khi tạo  hình vết bỏng thì phải thể hiện rõ đó là bỏng lửa, bỏng nước hay bỏng hơi. Hiệu ứng đặc biệt còn là tạo hình gương mặt già cho nam hoặc nữ diễn viên trẻ tuổi thành những cụ ông cụ bà thất thập. Điều khó hơn cả là tạo hình hóa trang biến gương mặt diễn viên bình thường thành những nhân vật lịch sử. Với phim truyện, chúng ta đã sáng tạo ra hình tượng Bác Hồ, Bác Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn…Đạt hay chưa, đấy là điều các nhà điện ảnh chúng ta phải suy nghĩ. Vốn văn hóa chung, sự hiểu biết về lịch sử, văn chương, mỹ học, y hoc…trong việc tạo hình hóa trang các nhân vật lịch sử càng cần thiết đối với người làm công tác hóa trang biết bao!     
- Khi yếu tố hóa trang chưa được xem trọng như vậy, điều này ảnh hưởng ra sao đối với nền điện ảnh nước ta trong tương lại?
- Hóa trang góp phần không nhỏ khắc họa nên tính cách nhân vật, vẻ đẹp thẩm mỹ của bộ phim. Khâu hóa trang còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo nên tính chân thực của một tác phẩm điện ảnh. Chúng ta quen nói cần xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, trong khi khâu hóa trang điện ảnh còn ở mức “không có cá lấy rau má làm trọng” như hiện nay, điện ảnh của chúng ta khó lòng đạt tới trình độ tiên tiến được.