Nghe tiếng ve kêu, hè đã vắt vẻo trên đỉnh Mẫu Sơn. Con đường 237A bắt đầu thể hiện sự già nua với những nếp nhăn theo thời gian. Thật chẳng may lần này chúng tôi đi nhiều đoạn thanh chắn dọc con đường để ngăn chặn tai nạn đã bị hỏng, gãy và sụt lở theo vách núi. Nhiều con xe bò đúng như rùa chẳng sai tí nào. Có khúc đường bị sạt co lại chỉ còn độ hơn 2m, nom thấy vực mà rùng mình. Vậy cuối cùng chúng tôi đã vượt 15 cây số lên tới khu du lịch Mẫu Sơn.



Mẫu Sơn ngày không băng tuyết

CHUNG TỬ

      Nghe chuyện cổ tích trên “núi Cháu”
        Không ít người cho là khu du lịch Mẫu Sơn chẳng có gì khác so với dăm năm trước. Vẫn mấy quầy hàng sản vật hoa quả và măng ớt; vẫn chỉ một phản bán thịt lợn quay xuất hiện vào khoảng 9 giờ hàng ngày; và lại một nhóm năm, ba phụ nữ người Dao lên bán mật ong và thuốc lá rừng. Quanh quẩn chẳng có gì mới ngoài một khu nhà tắm bài thuốc lá gồm 36 loại thảo dược…Ai lên đây cũng giống nhau, ngắm quang cảnh, chụp ảnh rồi về, coi như đã lên đỉnh núi Mẫu Sơn. Nhưng bất ngờ lần này, tôi phát hiện ra có một địa chỉ chụp ảnh dịch vụ lấy ngay ở chính cửa trạm khí tượng ở giữa khu du lịch.
       Tôi tò mò bước vào hỏi thăm mấy người làm nghề đo mây gió ở đây. Hai bạn trẻ, Hùng và Thái rất vui vì có khách tới thăm. Bởi lẽ chả mấy ai rẽ vào với họ cả. Mọi người chỉ đều mải ngắm núi non hay tháp truyền hình cao chót vót. Hỏi về tuyết đổ về hồi tháng hai, Hùng trả lời tôi Mẫu Sơn không hề có tuyết cho dù nhiệt độ xuống tới âm 3 độ mà chỉ có băng, chứ không như ở Sa Pa, thường có tuyết ngay khi mới ở không độ. Nói rồi anh giải thích cho tôi biết vì chế độ khí hậu mỗi nơi một khác, nhất là trong khi độ cao ở đây chưa đầy 1000m. Tôi ngạc nhiên, khi anh chỉ lên hai đỉnh núi cao trước mặt nói, bên phải là núi Cha, còn bên trái là núi Mẹ (Đó mới là đỉnh Mẫu Sơn cao hơn 1500m). Rồi anh nói mặt bằng toàn khu du lịch này chỉ là đỉnh của núi Cháu thôi. Cô bạn đi cùng tôi tròn mắt vì thấy lạ. Chúng tôi thắc mắc vì sao người dân ở đây lại gọi tên núi có vẻ như trong một gia đình như thế, thì Hùng chỉ ra ngoài, trên một con dốc nhỏ; ở đó có một người đàn ông Dao đang ngồi trầm ngâm như một pho tượng khắc khổ dưới một chòm mây mỏng còn sót lại giữa ánh nắng mới bừng lên. Đó là một người kể chuyện cổ tích cho bất cứ ai lên đây và muốn nghe, vì sao rượu ở trên đỉnh núi này lại ngon và đê mê đến thế.

                                    

        Tôi bước chân nhẹ nhàng theo làn mây vờn quanh đến bên ông và ngồi xuống. Tôi lắng nghe chuyện ngày xửa, ngày xưa…Trên núi có một gia đình sống rất hạnh phúc với một bầy con trẻ. Người chồng khỏe mạnh, dũng mãnh được nhà vua triệu đi lính để chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Người vợ xinh đẹp ở nhà tần tảo làm ăn nuôi dậy con cái. Có một kẻ nhà giầu muốn chiếm đoạt thân xác người đàn bà kia. Nhưng người vợ thủ tiết với chồng, kiên quyết chống cự và đuổi tên nhà giàu ra khỏi nhà. Sau ba năm đánh thắng giặc trở về, người chồng bị tên nhà giầu bịa đặt  mách chuyện người vợ ở nhà đã ăn ngủ với một thanh niên trai trẻ tên là Chóp Chài, thường lên đây làm ăn buôn bán với bà con dân bản. Người chồng mù quáng nổi cơn ghen, điên rồ hỏi tội và muốn giết chết vợ. Người vợ giải thích rõ ràng, Chóp Chài chỉ ngủ nhờ trong bếp mỗi khi lỡ việc vì bận rộn, không xuống núi được vì tránh hổ beo, gió bão. Tất cả bà con trong bản có thể làm chứng. Nhưng người chồng không tin và đã ra tay giết vợ. Sau đó người chồng mới nhớ ra và kiểm tra lại vạch đánh dấu dưới bụng vợ; Thấy vẫn còn nguyên, mới hay mình đã gây ra cái chết oan ức cho người vợ chung thủy của mình. Người chồng đã khóc ba năm liền và xây miếu để lễ cầu vợ tha tội cho mình…Giọng người kể chuyện nghẹn đi vì xúc động. Một lát sau ông mới thì thầm rằng, oan hồn của người vợ bay lên tận trời thưa với Ngọc Hoàng mọi chuyện. Ngọc Hoàng động lòng đã cho bày tiên nữ xuống minh oan cho người vợ. Mọi chuyện đúng như sự thực, khi họ thấy người chồng khóc ròng rã suốt ngày đêm, vì nỗi đau thương và ân hận trong lòng. Người chồng có nguyện vọng lấy cái chết để đền bù tội lỗi và chỉ mong sau này cả nhà được sum vầy và hạnh phúc như xưa.
        Ước muốn cuối cùng của người chồng đã được toại nguyện. Sau này cả gia đình hóa thành dãy núi dằng dặc điệp trùng. Hai ngọn núi cao nhất được gọi là núi Cha và núi Mẹ còn lại tính từ cao xuống thấp là các núi con và núi Cháu là vì vậy. Tôi ngước nhìn về hai đỉnh núi cao trước mặt với những làn mây mù đậm đặc. Có thể trời đang mưa trên đó. Nước mắt bao đời của đôi vợ chồng không bao giờ ngừng chẩy. Hơn chục con suối trên núi cao luôn như thác chảy tụ về con sông Kỳ Cùng xuôi về phương xa. Lúc này, bất ngờ ông già kể chuyện chỉ về phía tây xa xa, có một ngọn núi cao thứ ba tiếp dãy núi Mẫu Sơn; rồi kể đó là ngọn núi Chóp Chài, chính là người thanh niên ngày nào được giúp đỡ cũng đã đau khổ vì mình mà dẫn đến cái chết thương tâm của người vợ kia. Chàng thương cảm đến chết và hóa ngọn núi có cái chóp rất dễ nhận ra. 

Mọi thứ sinh ra từ sự bất tử
       Khi chúng tôi xuống một bản người Dao ở gần chân núi, mới hay họ còn kể rằng, hoa đào trên núi có mầu đỏ thắm, và thơm ngát vì đất nuôi cây đã thấm máu oan khuất của người đàn bà kia mà thành. Nên khi hết hoa, kết quả, trái đào cũng có mầu đỏ tươi như trái ớt, khi to dần mới nhạt thành mầu hồng là vì vậy. Nó đẹp và thắm hơn bất cứ đào nơi đâu, nên khoảng mấy năm nay có người tận Hà Nội cũng lên trên này mua đào cây về chơi tết.  

                               


       Chưa hết, một cô gái trong bản còn đưa ra một sọt chanh cho tôi xem, rồi nói đó là hình ảnh những giọt nước mắt đau khổ của người chồng kia mà thành. Khóc ròng ba năm liền, nước mắt người chồng tuôn trào như chín dòng suối chảy từ trên núi xuống. Những hạt nước mắt nặng tình và khổ đau đã kết thành những hạt to tròn tạo giống cho một loại chanh nhỏ, thơm ngon hơn nhiều loài chanh ở các nơi. Nó trở thành một loại đặc sản chỉ có ở Mẫu Sơn.
         Tôi còn biết nước để nấu rượu của bà con người Dao ở đây cũng nhờ nguồn nước suối trong này. Họ nói đó là một thứ rượu được nấu từ tình yêu thương vô hạn và từ nỗi đau của cuộc đời…Có thể đó chỉ là sự trùng hợp có lý, nhưng để nước được tinh khiết, họ thường lấy trên đầu nguồn từ tinh sương khi bình minh vừa tỏa rạng. Rượu được chưng cất với gạo nếp nương còn nguyên vỏ cám và men lá được ủ kỹ qua mấy ngày đêm. Men lá là một bí truyền ở nơi đây. Thơm và gây vị ngọt dịu nhưng chỉ ba chén thôi là biết tay nhau ngay. Nghĩa là khi đó không còn biết trời đất là gì nữa. Chỉ còn là ca hát và những điệu “Páo Dung” của tình yêu thương, cùng những điệu múa cuồng nhiệt trong ngọn lửa bập bùng cháy qua đêm.

Chuyện sơn đầu và món thịt treo
         Chuyện này do bà Dương Múi Phan ở thôn Khuổi Lầy, xã Mẫu Sơn, nhưng thuộc huyện Lộc Bình kể, khi chúng tôi mò đến bản để tìm món ăn khoái khẩu đặc trưng nhất của người Dao, đó là món thịt treo bếp. Trước đây ắt nhiều người ngỡ chỉ là miếng thịt sống còn tươi được treo trên gác bếp lâu ngày mà thôi. Nhưng nghe bà Phan kể mới biết không phải đơn giản như thế. Thịt được cắt ra từng khúc dài, đem xát muối rồi đặt trong thùng theo từng lớp. Mỗi lớp lại rắc muối lên và tưới thêm một lượt rượu ngon. Ủ trong một đêm, cho đến khi thịt ngấm kỹ rồi mới lấy lạt buộc treo lên bếp lửa. Hàng ngày phải cho củi nhiều để ngọn lửa bốc cao nướng cho thịt chín khô dần. Đến khi có mầu vàng là có thế lấy ăn. Nhưng trước khi ăn, phải nướng lại miếng thịt, rồi rửa sạch bằng nước nóng. Thịt treo bếp tới hai năm những vẫn thơm ngon vì phương thức ướp cổ truyền như vậy. Quả nhiên khi ăn với xôi thì thôi rồi, thịt thơm ngọt đậm vì muối và rượu vương vấn theo thời gian.

                               


         Còn một chuyện rất xưa, nhưng lại rất mới lạ với tôi là chuyện người phụ nữ Dao ở đây vẫn còn giữ tục sơn đầu. Chính vì thế có nơi còn gọi người Dao với cái tên xưa là Mán sơn đầu. Về chuyện này bà Phan cũng nói khá tỉ mỉ vì chính bà đã nửa thế kỷ nay vẫn sơn đầu, thường cứ ba đến bốn tháng một lần. Nói rồi bà đi lấy cho tôi xem những dụng cụ như lược, nhíp (gọi là Mù Chẳn), chiếc lông nhím và cục sáp ong. Bà nhớ là trước khi sơn đầu bà phải gội đầu bằng lá thơm cho mềm tóc. Sau đó hong khô rồi quấn tóc thành búi lên đỉnh đầu.

         Nhưng việc sơn đầu cho bà phải là một người khác giúp đỡ mới đẹp được. Bà quan niệm theo đúng nguyên tắc của người Dao: “Mười phần đẹp thì chín phần do trang điểm”. Sau khi nhổ hết lông tơ ở trên trán, trên tai rồi mới dúng lược vào bát sáp ong đã được nướng cho chảy mềm ra; Vừa chải vừa miết cho đều mỗi lọn tóc nhỏ dính bết lại, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Mỗi lọn tóc được chải sáp bết lại sẽ được cuốn lên quanh đầu, cũng theo thứ tự đều đặn, ngay ngắn từ trên xuống dưới. Việc sơn đầu như vậy khá tốn thời gian nhưng họ quan niệm, tóc như thế mới óng ả đáng mặt cho các chàng trai ngó mắt tới. Chính vì thế phụ nữ Dao ở đây đội mũ cũng khác lạ như có mái che trên đầu bằng vải đỏ. Tôi cầm chiếc lông nhìm lên tò mò hỏi để làm gì, thì bà Phan nói để gãi đầu mỗi khi ngứa. Bà còn giải thích sau khi đã sơn đầu thì không được gội hàng ngày nữa mà phải ít nhất ba tháng sau mới dỡ ra tắm gội, rồi sơn lại. Nếu đi làm bị bụi bẩn thì chỉ việc cắt quả chanh sát lên rồi lấy khăn lau qua là tóc sạch bóng ngay.

          Thế mới biết trong cánh rừng bạt ngàn và âm u trên dẫy núi Mẫu Sơn này còn bao điều còn ẩn dấu. Ông Đặng Tăng Phúc trên khu du lịch nói, còn trăm thứ mà cánh nhà báo chưa biết, rồi hẹn lần sau lên ông đưa đi đến bãi đá cổ, đến miếu thờ Mẹ, đi dự lễ cưới người Dao và còn ăn thịt gà 6 móng nữa chứ. Ôi! Cha… cha thịt nó ngọt thơm, nếu được chấm với chanh ớt thì mới đã làm sao. Nghe nói cô bạn đi cùng xuýt xoa đôi môi, chắc là thèm lắm. Thôi đành hẹn Mẫu Sơn trở lại, kẻo không trời sập tối dễ quên nẻo đường về.