Mỗi lần về làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, tôi lại được nghe những câu chuyện cổ ngàn năm, nhưng luôn luôn cảm thấy ngỡ ngàng, tươi mới. Và cô tiên kể chuyện dang đôi cánh trên bầu trời, trong trí tưởng tượng của tôi, với đôi mắt dịu dàng, giọng nói ấm như nhung lụa được dệt bằng sợi tơ vàng của thời gian… Vậy đó! Á Lữ  là sự khởi nguồn, chất chứa một bề dầy lịch sử, và là ngôi làng duy nhất từ khi hình thành đến trước cách mạng tháng Tám, năm 1945, chỉ thuộc sự quản lý trực tiếp của các triều đại vua chúa, kéo dài suốt hàng ngàn năm. Vì sao vậy?



MIỀN QUÊ CÓ NHIỀU DẤU VẾT CỔ TÍCH

VƯƠNG TÂM

Về ngôi mộ của ông nội vua Hùng
        Theo đúng cách nói nôm na của dân bản xứ quanh vùng Á Lữ thường gọi Kinh Dương Vương là ông nội của Vua Hùng. Có lẽ vì thế mà mọi chuyện trở nên gần gũi và thân thiện như mới xảy ra cách đây không lâu.
       Gặp tôi, nhà thơ Nguyễn Cát Chuyển, người ở làng Phú Mỹ cạnh làng Á Lữ nói, sự tích về ông nội của Vua Hùng đã được truyền lại từ khoảng năm 2879, trước Công Nguyên. Tộc Việt sơ khai đã được hình thành, và ông vua đầu tiên ở nước ta là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ, đã về đây lập thành lũy trên mảnh đất Liên Lâu (nay là Luy Lâu), Thuận Thành, Bắc Ninh. Sau này Ngài mất ở đây, và được chôn cất và thờ phụng tại làng Á Lữ, bên con sông Đuống, nay chính là Lăng Kinh Dương Vương.
       Nếu theo thứ tự truyền ngôi, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân, thì đến đời Vua Hùng, con trưởng của Lạc Long Quân, chỉ là đời vua thứ ba. Nhà thơ còn cho biết, bên cạnh đền thờ Kinh Dương Vương tại đây, người xưa còn lập đền thờ Lạc Long Quân và Âu cơ. Vậy làng Á Lữ là nơi duy nhất có lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ cả ba người, ghi dấu sự hình thành mô hình nhà nước và kinh đô đầu tiên ở nước ta. Hiện dấu vết thành Luy Lâu đã được các nhà khoa học xác định là có thực hình ảnh một kinh đô, cách đây hàng ngàn năm. Đáng chú ý là khi Vua Hùng lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, thì kinh đô vẫn còn ở Luy Lâu. Một thời gian sau, Vua Hùng mới dời đô lên vùng núi Phong Châu, nay là Việt Trì, Phú Thọ. Triều đại Văn Lang tồn tại và kéo dài đến đời Vua Hùng thứ 18 (vào năm 258 trước Công Nguyên).
       Nếu kết hợp với câu chuyện của huyền sử, vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 người con trai; khi cha mang 50 người con xuống biển, mẹ đưa 50 người con lên núi, thì mặc nhiên có thể coi, vùng núi Nghĩa Lĩnh, Châu Phong, Phú Thọ là quê mẹ còn Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là quê cha của Vua Hùng. Nay quốc lễ Vua Hùng được tổ chức hàng năm tại Việt Trì, Phú Thọ, nhưng thực ra phải nói gốc gác về con Hồng cháu Lạc, Nhà nước cần phải quan tâm, đầu tư để nâng tầm quốc gia cho ngày lễ 18 tháng giêng hàng năm, nhân kỷ niệm ngày mất của Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương, tại Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bởi từ xa xưa, ông cha ta đã truyền lại rằng: “Nhớ ngày Mười Tám tháng Giêng / Giỗ ngày thủy tổ thiêng liêng nước nhà / Dù ai xuôi ngược gần xa / Tìm về bái Tổ xứng là đạo con”. Nếu tính cho đến năm nay, Á Lữ đã tổ chức lễ hội kỷ niệm 4983 năm Đức Thủy Tổ mở nước, một dấu ấn huy hoàng của lịch sử nước nhà.
       Nhà thơ Nguyễn Cát Chuyển còn nhấn mạnh rằng, trước lễ hội Đền Hùng, người ta thường về đền Kinh Dương Vương làm lễ dâng hương, lễ vật để kính báo với các bậc thủy tổ và xin phép được mở hội đền Hùng và cầu cho quốc thái dân an. Sau đó rước các vua cha lên Nghĩa Lĩnh dự hội toàn quốc. Tôi cùng nhà thơ vào Lăng thắp lễ dâng hương, rồi sau đó ông đọc cho tôi nghe bài thơ mà ông đã sáng tác “Về Kinh Dương Vương”. Tôi bồi hồi lắng nghe. Giọng thơ ông ấm áp, truyền cảm: “Muôn dân Việt luôn hướng về nguồn cội. / Niềm tự hào là con Lạc cháu Hồng. / Ngăn bão giặc ông cha ta giữ nước. / Tiếng trống đồng xưa như vẫn còn ngân”. Ngoài kia, dòng sông Đuống êm đềm trôi về phương xa. Tiếng chim hót đâu đây ngọt lịm và hương trầm bâng khuâng bay lên thơm ngát…

                                     


Những chuyện lạ bên sông
        Theo như ông Phẩm người coi đền Kinh Dương Vương kể, thì trước kia lăng mộ Kinh Dương Vương nằm trong một khu rừng rất nhiều cây lớn, kéo dài hàng cây số. Hiện quanh lăng chỉ còn khoảng vài chục cây sà cừ, nằm trên cánh bãi rộng bờ sông Đuống, rộng chừng 6,5 ha. Có cây thân lớn đến hai người ôm. Ông còn kể trước kia có những cây ngâu xòe tán che mát cho lăng, và thường nở hoa cánh vàng, ngan ngát hương thơm. Lại nhớ theo người già kể lại, trước đây có cây ngâu lớn đã từng mọc ra một cành ở giữa có lá màu trắng, hoa ra quanh năm. Đó là sự lạ, sau này cành ngâu lá trắng ấy không còn, cây ngâu đã bị giặc Pháp chặt phá cùng cánh rừng nhiều cây gỗ quý. Nghe nói hiện ở gần lăng còn có cây sưa cổ khá lớn, hết sức quý hiếm và có giá trị cao. Vậy xem chừng việc bảo vệ lăng cần được tăng cường, ngày một nghiêm ngặt hơn, cần có tường xây bao quanh, chứ không để trống trải như hiện nay.
       Kể đến đây, ông sực nhớ về hai chiếc thuyền độc mộc cổ đã được người ta trục vớt dưới sông Đuống, vào năm 2012, ở phía trước cửa lăng Kinh Dương Vương. Đây là một vùng nước sông Đuống sâu tới 20m, nhiều xoáy nước bất thường, và cát hay dồn về. Không ít thợ khai thác đã bị tai nạn nơi đây. Chính họ là những người đã tìm thấy hai con thuyền ở dưới đáy sâu. Một chiếc thuyền đã mục nát, chiếc còn lại dài khoảng gần 10m, còn nguyên vẹn. Các nhà sưu tầm cổ vật đánh giá, chiếc thuyền độc mộc cổ được chế tác bằng gỗ sưa cách đây đã 2000 năm. Đây là chiếc thuyền độc mộc lớn nhất nước ta hiện nay. Người đã mua nó, từ những người thợ cát là nhà sưu tầm nổi tiếng Kinh Bắc, ông Lê Thành Nghị, dân gốc Thuận Thành. Chiếc thuyền cổ này được xác định là thuyền binh, dùng để chiến đấu, với nhiều chỗ ngồi cặp đôi, có giá trị như một phát hiện về trình độ phát triển dân sinh Việt tộc cổ đã sinh thành tại miền đất thuộc hoàng cung Luy Lâu một thời.
       Ngay sau đó, tôi gặp được một người đàn bà, đã từng nhiều năm quét lá, ở lăng mộ. Bà kể, cách đây ba năm, cũng tại trên vùng sông nước xoáy này, ông Lương ở làng đã câu được một con cá có hình mặt người. Thật kỳ lạ, và cũng thật rợn tóc gáy vì có lẽ đây là con cá dị nhất trên đời này. Nó giống như một thằng bé vậy. Cá nặng khoảng 8kg đã được ông Lương bán vội cho một lái buôn với giá 400.000 đồng. Nhưng cảm giác run rẩy, về một gương mặt đứa trẻ vẫn còn ám ảnh mọi người sau đó. Thế mới biết ở nơi sinh thành ra những câu chuyện cổ tích, cho đến nay triền sông bên làng Á Lữ vẫn luôn luôn xuất hiện những điều kỳ lạ.
       Chưa hết, mới đây người bán hàng nước còn kể, trong khi thu dọn và cải tạo vùng đất quanh lăng mộ, người thợ máy xúc đã bất ngờ gặp hai con rắn lớn bò ra từ một cửa hang bí ẩn, không rõ từ đâu. Không hiểu vì lo sợ, hay hốt hoảng mà người thợ này đã dùng máy xúc giết chết một con. Chú rắn còn lại vội vã chui vào bụi rậm và biến mất. Nhiều người lo lắng không biết đó là điềm báo gì, nên ai cũng khuyên người thợ máy đi lễ tạ tội, rồi chôn cất con rắn rất chu đáo. Mọi người đều cho đó là cặp rắn thần. Chắc chắn sẽ có chuyện xảy ra. Lâu lâu chuyện tưởng sẽ qua đi. Mọi người ngỡ như quên mọi lo âu, nhưng mấy tháng sau hay tin người thợ máy xúc đã chết không rõ nguyên nhân vì sao.
        Và, cũng từ đó không ai còn nhìn thấy chú rắn còn lại, trong suốt một thời gian dài cho đến nay. Người ta nói cặp đôi rắn vợ chồng lâu năm thường không thể thiếu nhau. Khi một con đã chết, thì con còn lại cũng nhịn đói cho đến khi khô xác và tiêu đi theo thời gian. Đó chính là sự ám ảnh của những chuyện khó tin là có thật trên dải triền sông Đuống.  
       Mãi mãi bền bỉ với thời gian, Lăng Kinh Dương Vương là bất tử. Đền thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ là vĩnh cửu. Mới đây, khi về dự lễ hội tại Á Lữ, năm 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dâng hương và thỉnh tiếng trống tưởng nhớ các Thủy Tổ Việt tộc với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng. Đó là tiếng trống rạo rực của một miền đất hình thành những câu chuyện cổ tích hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

                                      


Thắm đỏ mầu thời gian
       Khi vào đền tại làng Á Lữ, tôi mới hay nơi đây còn lưu giữ được nhiều dấu ấn cổ của các triều đại vua quan, hàng trăm năm trước đã về Á Lữ tế lễ. Còn đó 18 đạo sắc phong của các triều vua Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn. Còn đó tấm hoành phi đề “Nam Bang Thủy Tổ”, tức là “Thủy tổ nước Nam”, cũng còn đó tấm bia đá cổ ghi rõ “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840), đánh dấu lịch sử ngàn năm bia mộ Thủy tổ đã hình thành từ xa xưa. Và, còn đó câu chuyện cổ tích vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một trăm quả trứng, sinh thành 100 người con trai, đặt nền tảng cho một thời kỳ ra đời và dựng xây đất nước huy hoàng, kéo dài suốt bốn ngàn năm.
       Tôi cùng nhà thơ Nguyễn Cát Chuyển bước tới mép sông, rồi quay lại hướng về lăng thủy tổ Kinh Dương Vương. Ở nơi đó có một vầng hào quang sáng bừng lên. Đó hẳn là ánh bình minh tỏa rạng? Không! Đó là ánh sáng từ mảnh đất thiêng liêng và bất tử. Ánh sáng của những câu chuyện cổ tích giầu sức tưởng tượng về một hiện thực huyền diệu. Ông cha ta đã ghi chép lại để cho con cháu nhớ về một Kỷ Hồng Bàng sinh thành tộc Việt, bắt đầu từ Á Lữ, một miền quê yêu dấu.