Hồi ức của nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai: “Đúng như dự đoán, ngày 4 tháng 4 năm 1975, chúng tôi nhận lệnh gấp rút tiến về Đà Nẵng biểu diễn phục vụ thành phố mới giải phóng. Phải thật nhanh gọn, ai cũng hăm hở chuẩn bị để gấp rút lên đường. Có một ngăn trở  bất ngờ trên đường hành quân mà không ai lường được trước, đó là những cây cầu trên các tuyến đường trọng yếu đều bị đánh sập. Nếu cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn và cầu Bà Rén ở Quảng Nam vẫn nguyên vẹn thì chúng tôi tiến vào Đà Nẵng sẽ không gặp nhiều khó khăn đến thế. Hai ngày mà xe chỉ đi được một đoạn đường ngắn. Phần lớn thời gian là chờ phà trên hai bến sông ấy. Nếu có phà cập bờ thì phải có giấy ưu tiên mới được sang sông. Còn không thì cứ thế mà chờ. Nắng như thiêu như đốt lại không một bóng cây che. Không quán xá cũng không có thứ gì để chống đỡ cơn đói và khát. Trong đoàn đã có mấy người lả đi vì không vượt qua nổi.



HÁT TRÊN ĐƯỜNG THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

TRƯƠNG TUYẾT MAI

Cuối năm 1974, đoàn ca nhạc A8, CP.90 (phiên hiệu của đoàn ca nhạc đài Phát thanh Giải phóng A) của chúng tôi nhận lệnh từ Ban Tổ Chức và Ban Thống nhất Trung ương phải thành lập một đoàn nghệ thuật tổng hợp, gấp rút dàn dựng chương trình để lên đường trực tiếp phục vụ chiến trường B. Đây là chuyến đi B dài, chúng tôi có nhiệm vụ biểu diễn suốt dọc Trường Sơn, từ Nghệ An, Vĩnh Linh cho đến chiến trường khu Năm.

Đúng như dự đoán, ngày 4 tháng 4 năm 1975, chúng tôi nhận lệnh gấp rút tiến về Đà Nẵng biểu diễn phục vụ thành phố mới giải phóng. Phải thật nhanh gọn, ai cũng hăm hở chuẩn bị để gấp rút lên đường. Có một ngăn trở  bất ngờ trên đường hành quân mà không ai lường được trước, đó là những cây cầu trên các tuyến đường trọng yếu đều bị đánh sập. Nếu cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn và cầu Bà Rén ở Quảng Nam vẫn nguyên vẹn thì chúng tôi tiến vào Đà Nẵng sẽ không gặp nhiều khó khăn đến thế. Hai ngày mà xe chỉ đi được một đoạn đường ngắn. Phần lớn thời gian là chờ phà trên hai bến sông ấy. Nếu có phà cập bờ thì phải có giấy ưu tiên mới được sang sông. Còn không thì cứ thế mà chờ. Nắng như thiêu như đốt lại không một bóng cây che. Không quán xá cũng không có thứ gì để chống đỡ cơn đói và khát. Trong đoàn đã có mấy người lả đi vì không vượt qua nổi.

Rồi cũng đến lượt chúng tôi được qua sông. Xe lại băng băng hướng về Đà Nẵng trong tiếng reo vui phấn khởi của người dân. Rất nhiều xe kết cờ hoa quanh ảnh Bác diễu hành trên đường phố. Loa phóng thanh thì liên tục loan tin chiến thắng cùng bước chân của giải phóng quân. Những bài hát hùng tráng vang vang khắp phố phường, ngợi ca tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta trên đà thắng lợi.
            Chúng tôi được bố trí ở cùng với dân trong một khu phố gần ga và bãi tắm của biển Đà Nẵng. Bà con và nhất là các em sinh viên, học sinh Đà Nẵng rất mến mộ đoàn, náo nức nhộn nhịp đến thăm hỏi, giao lưu với anh chị em  chúng tôi. Các dì các má thì sờ nắn, bóp vai, vuốt tóc cùng nụ cười và ánh nhìn vô cùng trìu mến. Có má như không tin ở mắt mình, vừa nhìn lom lom vừa bóp bóp cánh tay tôi, nói:
            -Sao đứa nào má cũng thấy đẹp qúa vầy nè? Nó đầy đặn da thịt chớ đâu phải “bảy đứa đeo cộng đu đủ không gãy”  như người ta nói.
            Một dì khác xen vô :
-Từ bữa tới giờ tôi để ý lắm chớ, mà cũng có thấy mắt ai nằm dọc đâu.
            Cả đám chúng tôi ngạc nhiên quá, buộc miệng hỏi :
            -Ủa, mắt nằm dọc là sao hả dì?
            -Người ta nói cộng sản ác như quỷ đói. Chỉ có da bọc xương, chân tay dài ngoằng phủ đầy lông lá, răng thì dài, mắt thì nằm dọc. Đói quá còn ăn thịt lẫn nhau nữa kia.
            Chúng tôi rùng mình nhưng lại cùng cười lớn:
            - Các dì các má có thấy tụi con giống vậy không ạ?
            - Có đâu! Tụi con dễ thương lắm chớ !…
            Chuyện cứ thế lan man không dứt. Các dì các má còn đón chúng tôi về thăm nhà và bắt phải ăn bữa cơm cùng gia đình, mới vui lòng. Các em sinh viên học sinh thì tranh nhau đưa chúng tôi đi thăm Viện Chăm, biển Tiên Sa, hòn Non Nước và cả chợ Cồn nữa… Các em gái Lan, Chung, Nhâm, Chi… của ngày ấy, giờ chắc thay đổi lắm rồi, có được an lành hạnh phúc không? Còn các em trai Lãng, Toàn, Thủy, Hồ… đang ở đâu? Có còn nhớ tôi không. Chưa có dịp nào quay về nhưng lòng tôi vẫn luôn bên các em đấy. Những kỷ niệm êm đềm giữa lòng Đà Nẵng ngày ấy, không dễ gì phai nhòa trong tâm khảm tôi…

            Đoàn được bố trí biểu diễn tại rạp Trưng Vương và một số điểm trong thành phố. Ban phụ trách rạp hát cũng như những điểm biểu diễn ở ngoài trời rất nhiệt tình giúp đỡ đoàn dựng sân khấu, cho mượn phong màn, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ…
            Khán giả nô nức đến xem đông nghìn nghịt, đến hàng vạn người chứ không ít. Có một sự việc bất ngờ đã xảy ra mà chúng tôi không bao giờ quên được. Nguyên là trong đêm diễn tại “Ngã ba Huế”, trong lời thoại kịch có câu: “…Coi chừng có cảnh sát đến vây ráp…” Bà con phản xạ như hồi chưa giải phóng, tưởng cảnh sát Ngụy đến thật, nên bỏ chạy tán loạn. Sau khi nghe giải thích, bà con hiểu ra mới quay trở lại tiếp tục xem. Báo chí hồi đó có đưa tin tường thuật sự việc hy hữu này.
            Chiều 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi được tin quân ta toàn thắng. Tổng thống Ngụy quyền tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cả Đà Nẵng đổ ra đường reo hò vang dậy. Họ reo khàn cả giọng vẫn chưa thấy đủ, phải nhảy cao lên và hét to nữa mới thấy thỏa lòng. Nhiều nhà đem hết nồi chảo, sô chậu và thùng gánh nước ra đường gõ, khua inh tai…
 Cũng như tất cả mọi người, chúng tôi vui mừng không sao tả xiết, toàn đoàn đều rất phấn khởi có nguyện vọng đi tiếp vào Nam phục vụ. Ý nguyện đó đã được Khu Ủy Năm đồng ý. Chúng tôi đang gấp rút thu xếp hành trang để lên đường, thì liên tiếp có nhiều công điện gọi đoàn phải quay ra Hà Nội ngay để nhận nhiệm vụ mới.  
  
Gần một tháng với Đà Nẵng chứa chan bao ân tình. Nhiều kỷ niệm vẫn còn nóng hổi trong tim tôi mỗi khi nhớ đến. Trước khi rời xa nơi này, chúng tôi còn kịp dự mít tinh và biểu diễn kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1 tháng 5 và mừng ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại sân vận động Chi Lăng. Sớm hôm ấy, khắp các ngã phố cuồn cuộn những dòng người đổ về sân vận động. Bên trong không còn sức chứa thì họ đứng cả ra bên ngoài. Gương mặt nào cũng căng nở niềm hân hoan. Tôi chưa từng thấy lượng người tập trung đông như thế bao giờ. Đủ các thành phần công – nông - binh, học sinh, trí thức, sư sãi, tiểu thương… ai cũng rất chỉnh tề trong hàng ngũ của mình. Bây giờ nhớ lại, lòng tôi vẫn còn náo nức. Cả biển người mà gương mặt ai cũng sáng rỡ, miệng tươi như hoa, tay vẫy cờ vãy hoa không ngưng nghỉ. Niềm vui bị kìm nén bấy lâu, nay như được thể vỡ òa bất tận.
Chúng tôi từ giã Đà Nẵng trong sự quyến luyến của bà con, Nhiều gia đình còn làm tiệc thịnh soạn thết đãi đoàn trước lúc chia tay. Và hàng chục xe honda của thanh niên, học sinh đã vượt đèo Hải Vân tiễn đoàn ra tận cố đô Huế…
                                                        * * *
 Gần 40 năm trôi qua, nhớ lại mới càng thấy thật may mắn và vinh dự cho đoàn chúng tôi, đã kịp thời phục vụ quân dân khu 4, khu 5 và chiến sĩ Trường Sơn trong chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhờ cuộc hành trình ấy chúng tôi đã biết thế nào là hy sinh gian khổ nơi sương lam chướng khí sơn cùng thủy tận, biết thế nào là nguy hiểm của bom rơi đạn lạc, của cái chết có thể đến chỉ trong gang tấc, biết thế nào là khát là đói, Biết thế nào là sự hy sinh vô bờ bến của người lính xung trận và tấm lòng vàng của triệu triệu người dân miền Bắc!.
Trong chiếc “hộp tư trang” của riêng mình, tôi đã có thêm nhiều viên đá quý sáng lấp lánh, nó thật sự vô giá nếu ai hiểu được giá trị của nó. Nhờ cuộc hành trình ấy mà “kho báu” của tôi được có thêm “Đà Nẵng ơi hát lên”, “Huế - tình yêu của tôi”, “Rừng với tình em”… Nó cũng đã lẩn khuất, ẩn hiện rất nhiều trong mỗi sáng tác của tôi sau này. Đó là những tư liệu sống mà tôi phải đánh đổi nhiều thứ mới có được. Chắc chắn tôi còn cất giữ nó kỹ lưỡng trong tâm khảm mình, bởi sự quý giá vô cùng của nó.