Đọc tập thơ “Đôi điều với con” của nhà thơ – nhà báo Dương Đức Quảng vừa xuất bản, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Tôi quen biết ông đã lâu. Ông là một con người giản dị và chân thành. Từ ông luôn luôn mang lại cho chúng ta cảm giác của sự gần gũi và tin tưởng. Điều làm tôi rất kính trọng ông là sự im lặng của ông. Chính sự biết im lặng ấy đã cho ông những câu thơ, những bài thơ mà tôi có lúc đã giật mình. Ông im lặng nhưng lòng ông luôn luôn cuộn chảy bởi ký ức và những suy ngẫm có khi dằn vặt đau đớn. Hầu như mỗi bài thơ của ông là một câu hỏi về chính ông và về chúng ta. Câu hỏi về đạo làm người mà chúng ta phải trả lời một câu trả lời dài đúng bằng cuộc đời mình kể từ sinh cất tiếng khóc chào đời và khi rời bỏ thế gian này. Tôi không phải là một người lính, nhưng tôi đã cảm nhận, đã hình dung về một mảnh đất mà ông và đồng đội ông đã đi qua. Ở đó là gianh giới gữa sự sống và cái chết, ở đó là câu trả lời về nhân cách của những con người”.



 Tản mạn về những câu thơ của một nhân cách   
                                   
                                       NGUYỄN QUANG THIỀU

Trong bản thảo tập thơ Một chút ông đưa cho tôi trước kia và bây giờ là tập thơ Đôi điều với con ( sửa chữa và bổ sung), bài thơ được để đầu tiên của cả hai tập thơ như là một lời tâm sự thật xúc động, một thái độ thật rành mạch và cả một nỗi buồn xa xôi, kín đáo nào đó. Tôi đã đọc bài thơ ấy và dừng lại rất lâu ở hai câu cuối:
Nếu ai đó đọc thơ tôi
Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn.
Lúc này, tôi đang hình dung một cái gì đó vượt qua cả thi ca. Đó chính là cuộc đời với sự chia sẻ của những con người. Theo tôi, Dương Đức Quảng đã viết những bài thơ trong cuộc đời mình với nhiều mục đích. Nhưng có một mục đích rất quan trọng  là tìm kẻ tri âm. Đôi khi, ta lại trở thành người tri âm của chính ta. Trường hợp này thấy rất rõ trong sáng tạo thi ca. Với tất cả những gì ông viết trong tập thơ: ký ức về người thân, về chiến tranh, nỗi buồn nhân thế, sự cảm nhận thân phận… thì người đọc không thể vô cảm. Văn bản lần thứ nhất thuộc về Dương Đức Quảng còn văn bản lần thứ hai của chính bài thơ đó lại thuộc về bạn đọc mà cụ thể là tôi lúc này. Hai câu thơ thật giản dị. Giản dị như thể làm thơ chẳng có khó khăn gì. Nhưng điều khó khăn rất lớn đối với người đọc là có khả năng dừng lại ở hai câu thơ đó và suy ngẫm.

Nếu ai đó vô cảm trước những câu thơ của ông thì không chỉ ông mà chính bản thân tôi cũng thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn. Bởi trong những bài thơ của ông, cao hơn cả ngôn từ là hiện thực của một đời sống ông đã trải qua với máu của những đồng đội đã hy sinh, với nước mắt của những mất mát và tan hợp, với tình yêu trong bom đạn của chiến tranh và trước thách thức của cuộc đời, với những ký ức ám ảnh như mộng mị, với những trống vắng trong lòng mà ta không lấp nổi và với những suy tưởng về nhân thế. Và với cái chết trong những năm tháng đó luôn luôn bám theo đồng đội ông và bám theo ông. Lẽ nào chúng ta đi qua những điều ấy với một trái tim giá lạnh? Nỗi buồn của ông ở đây không phải nỗi buồn về cái gọi là Thơ mà là nỗi buồn về Tình người. Hai câu thơ ấy không chỉ cho tôi thấy ông có những khoảnh khắc thảng thốt về cái Tình người đang có nhiều vô cảm trong đời sống hiện đại của chúng ta và chúng ta thật sự đang lãng quên đi không ít những điều đã làm nên ý nghĩa của đời sống và lẽ làm người của xứ sở này. Với hiện thực đời sống trong những năm tháng này, tôi thực sự cảm thấy hai câu thơ đó là một bức thông điệp. Tôi tin sẽ rất nhiều người khi đọc hai câu thơ đó sẽ cùng mang một cảm nhận như tôi.

Tôi quen biết ông đã lâu. Ông là một con người giản dị và chân thành. Từ ông luôn luôn mang lại cho chúng ta cảm giác của sự gần gũi và tin tưởng. Điều làm tôi rất kính trọng ông là sự im lặng của ông. Chính sự biết im lặng ấy đã cho ông những câu thơ, những bài thơ mà tôi có lúc đã giật mình. Ông im lặng nhưng lòng ông luôn luôn cuộn chảy bởi ký ức và những suy ngẫm có khi dằn vặt đau đớn. Hầu như mỗi bài thơ của ông là một câu hỏi về chính ông và về chúng ta. Câu hỏi về đạo làm người mà chúng ta phải trả lời một câu trả lời dài đúng bằng cuộc đời mình kể từ sinh cất tiếng khóc chào đời và khi rời bỏ thế gian này. Tôi không phải là một người lính, nhưng tôi đã cảm nhận, đã hình dung về một mảnh đất mà ông và đồng đội ông đã đi qua. Ở đó là gianh giới gữa sự sống và cái chết, ở đó là câu trả lời về nhân cách của những con người. Và ông cùng biết bao đồng đội đã đi trên mảnh đất ấy mà không hề gục ngã. Có biết bao đồng đội ông đã hy sinh nhưng niềm kiêu hãnh của họ không bao giờ gục ngã. Trở về từ chiến tranh, ông lại đứng trước những thử thách khác mà có lúc có phần nguy hiểm hơn khi đối mặt với kẻ thù trong chiến tranh. Bởi kẻ thù trong hòa bình của ông, kẻ thù khi ông có quyền chức không hiện ra rõ ràng mà lặng lẽ bám theo ông không bao giờ biết mệt mỏi và thường thì thầm dịu ngọt và  mỉn cười với ông. Nó chờ một cơ hội để hạ gục ông hay nói chính xác là hạ gục danh dự và nhân cách ông. Nhưng vẫn như những năm tháng chiến tranh tàn khốc, ông lại đi qua và chiến thắng bằng một thứ vũ khí của lòng tự trọng, của sự chân thành và của nhân cách sống của ông.
  Tôi giật mình không phải vì những thủ pháp ông dùng trong ngôn ngữ hay hình ảnh thi ca. Bởi ông làm thơ không phải là việc làm thơ của một nhà thơ. Ông làm thơ với nhu cầu tự thân, như tiếng cười vang lên khi vui, nước mắt rơi xuống khi buồn, như xa xôi thì thương nhớ, cách biệt thì tái tê… Cái ông làm tôi giật mình là những suy ngẫm và bản lĩnh sống của ông. Trong bài thơ Thử khác mình, ông thực sự làm tôi lúng túng. Tôi không bao giờ nghĩ một con người đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” từ nhiều năm rồi như ông, đã và đang giữ những vị trí sang trọng trong xã hội như ông, đã có một gia đình thật hạnh phúc như ông lại mang nỗi giày vò về một sự thay đổi như thế. Sự thay đổi ở đây vừa là do ông nhận biết sự nhàm tẻ của đời sống và vừa được sống như chính mình. Thực ra, bài thơ này là một cuộc đối thoại khó khăn nhất đối với mỗi con người chúng ta. Cuộc đối thoại giữa ta và một cái mang danh ta nhưng không phải là ta. Vậy ta sẽ thuộc về ai: Ta hay cái mang danh ta. Thách thức này là thách thức lớn nhất với mỗi người khi đang sống. Ông đã nhìn thẳng vào bản chất của con người với hai phần sáng - tối tự nhiên thông qua chính bản thân ông dù chỉ trong một khoảnh khắc. Bài thơ ấy là bài thơ của một người hiểu đạo và tới đạo. Bởi khi con người đi đến tận cùng của sự chân thành và công bằng với chính cái tôi của mình thì đã đến với đạo rồi.

Thơ ca là trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa. Dương Đức Quảng đã chứa đựng trong tâm hồn mình hai trải nghiệm ấy. Chính thế mà ông đã viết ra những câu thơ đầy tính triết lý nhân gian.
Có phải càng bình dị
Cuộc đời càng lớn lao
Hay:
Bất chợt thấy đời lặng lẽ
Trong tiếng hò reo vang trời
Những câu thơ giản dị nhưng sâu sắc như thế cho thấy ngay một điều: Ông là người đã thấu được lẽ đời. Bởi thế mà ông là người tránh được cái phù du, cái hão huyền và sự ồn ào trong đời sống. Ôi, cái “tiếng hò reo vang trời” ấy như một thứ bùa mê thuốc lú đã từng dẫn dụ không ít người để rồi làm cho họ gục ngã mà không đứng dậy được. Tôi quen biết ông nhiều năm, tôi nhận thấy ông đã sống như thế và bây giờ quan niệm sống và hành động sống của ông đã đúc kết bằng những câu thơ như vậy. Khi người ta thấu được lẽ đời thì người ta thoát được những hư danh, người ta biết được đâu là cái đẹp và đâu là giá trị thực của đời sống. Điều ấy viết ra đôi khi chỉ trong vài dòng thậm chí vài chữ, nhưng để đến được gốc rễ của những điều ấy, có khi đến chết mà nhiều người vẫn không nhận ra.

Dương Đức Quảng làm thơ như một hình thức tự sự của ông. Tôi quen biết ông đã nhiều năm nhưng gần đây mới biết ông có làm thơ. Và bây giờ, ông in thơ cũng không phải để trở thành tác giả của một cuốn sách văn chương mà chỉ là một hình thức lưu lại những ký ức, những sự kiện trong tâm hồn ông. Thậm chí ông làm thơ bởi chỉ có những câu thơ mới thay ông để làm hiện lộ cười, khóc, nổi giận, yêu thương, chia sẻ, bày tỏ, dày vò của ông. Ông không hề có ý định đóng góp điều gì đó cho nền thi ca của chúng ta. Nhưng những câu thơ như vậy của ông, nếu chúng ta suy ngẫm kỹ sẽ thấy rằng: Những câu thơ ấy đóng góp cho sự tồn giữ và phát triển nhân cách con người trong thế giới hiện đại.