Lâu nay người ta nghĩ Bảo Lộc chỉ là nơi khách ghé ngang trên đường đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Cho dù thành phố Bảo Lộc đã vào tuổi 14, tươi sắc đỏm dáng, nhưng ai cũng chỉ chọn là điểm hẹn, để chờ, đợi rồi lại đi tiếp dọc con đường quốc lộ 20. Nhưng, trong một chuyến đi ngang qua lần này, tôi bỗng gặp một làn sương bay phả nhẹ lên vầng trán, một tà áo trắng rẽ vào phố vắng; một giai điệu “Ngày chủ nhật buồn…”, thế là tôi ở lại với Dam B’ri.



GHÉ BẢO LỘC NGHE TIẾNG GÀ GÁY KHAN BÊN ĐỒI

CHUNG TỬ


Lên thác Dam B’ri - vào bản người Mạ
        Thật may, nhà thơ Khuất Thanh Chiểu gọi được mấy anh em văn nghệ sĩ ở Bảo Lộc cùng đi với tôi đến thác Dam B’ri. Anh nói, nếu ai chưa đến thác Dam B’ri, coi như chưa đến Bảo Lộc. Bởi lẽ, ở Bảo Lộc ngoài thác 7 tầng kéo dài tới 2km, đạt kỷ lục kéo dài, thì có thể coi thác Dam B’ri thuộc vào loại hùng vĩ, cao nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Thác cao tới gần 70m, vào mùa mưa nước thác đổ ầm vang rừng núi, cách cả cây số vẫn còn nghe thấy. Khi đến tới nơi, quả đúng vậy, ai cũng ngỡ ngàng vì dòng thác lớn tung bọt khắp một vùng rộng lớn. Ngay nhà thơ Hoàng Ngọc Châu hay nhà văn Hương Thủy, những người sinh sống ở Bảo Lộc, đã từng đến với Dam B’ri không ít lần cũng phải trầm trồ ngạc nhiên, vì theo họ mỗi lần đến, dòng thác lại một khác, huyền bí, dữ dội và thao thiết biết bao. Nhà văn Hương Thủy nói một cách hào hứng, dường như tất cả những con thác nổi tiếng ở Đà Lạt hay cũng không thể đẹp bằng thác Dam B’ri. Không những dòng thác lớn mà còn ẩn chứa một câu chuyện tình đẫm lệ từ xa xưa.
       Nhà thơ Khuất Thanh Chiểu kể, dòng thác chính là sự bàng hoàng vì cõi lòng tan nát của một người con gái K’ho, khi người yêu bị cha mình đày đi xa, không bao giờ trở về. Nàng chờ đợi, khao khát hình bóng chàng quay lại, với thời gian mòn mỏi. Cuối cùng nàng đã chết trong thương nhớ. Nước mắt khóc thương của nàng đã biến thành dòng thác gào thét trong tuyệt vọng. Dam B’ri có nghĩa chờ đợi là vì vậy. Tôi bồi hồi lần theo những bọt nước trắng xóa một vùng trời. Chiếc cầu dẫn chúng tôi lên đỉnh tháp. Nước xối mát lạnh làm thấm ướt tâm hồn tôi với câu chuyện cay đắng của tình yêu. Nếu bước đi trên cầu ngang, không để ý rất dễ bay theo dòng thác. Từ đó, chúng tôi đi dọc theo con đường dẫn lối đến bản cổ người Mạ trong khu du lịch sinh thái Dam B’ri lúc nào không hay. Huyền diệu làm sao.

                                  
Cảnh trong bản người Mạ


 Đến với bản người Mạ, nhiều người giật mình vì sao lại có một không khí cổ xưa và thiêng liêng đến vậy, cho dù là đã được biết đây chỉ là những ngôi nhà sàn hay miếu thờ thần được dựng lại, đúng với những mô hình trong đời sống thực tế. Đây đó là nghi lễ cùng thần, hay nhà mồ, bếp lửa. Đẹp nhất là những ngôi nhà dài cùng với những trang phục người Mạ đầy mầu sắc. Ở đây còn có một đội văn nghệ biểu diễn những vũ điệu và hát dân ca Mạ. Tôi lắng nghe những lời ca mà những chàng trai Tây Nguyên đang đứng trên núi cao hát vang khắp núi rừng, thể hiện sức mạnh và lòng thành với thiên nhiên cây cỏ gắn bó với cuộc sống yên lành.Lời ca cứ văng vẳng bên tai:
                Hãy về nơi gió bão
                   Hãy lên miền gió rít
                        Đến chốn nào gió đã cuốn cao
                         Trong đồng nội, ngàn cỏ tranh thổi bạt
                           Chốn rừng thưa, êm phủ thảm nhung
                               Chốn R'ling cất cánh bay rồi…
         Tôi và những anh em văn nghệ sĩ Bảo Lộc bước lên những cầu gỗ, với những bức tượng và những nụ cười rất Tây Nguyên chào đón hồ hởi, hiền lành và bát ngát cùng với gió ngàn Dam B’ri. Phía trước là cánh dồng cỏ và một vườn hoa rực rỡ sắc mầu…

Phố trà cao nguyên
        Người ta lại nói, đến với Bảo Lộc mà chưa đến phố trà thì thật là thiệt thòi, quả vậy. Tôi cũng thấy như thế và xin chia tay mọi người để lang thang một mình qua phố. Đó là con đường Trần Phú nằm trên trục quốc lộ 20. Đoạn được gọi là phố trà Bảo Lộc kéo dài tới 3 km, chạy suốt từ ngã ba thành phố tới tận phường Tân Hà, vẫn còn hiệu trà. Trên phố, còn có nhà thờ Bảo Lộc nổi tiếng, với kiến trúc hiện đại và nổi bật, trên một gò đất cao rộng lớn. Nhà thờ Bảo Lộc được xếp vào loại “Khủng” về diện tích mặt bằng xây dựng lên tới 1764m2  và cao 31m. Riêng bộ tranh kính được thiết kế hết sức đặc sắc, phối mầu rất huyền ảo, với diện tích tròn 66m2, và được coi là bức tranh kính màu nhà thờ to nhất nước hiện nay. Nhà thờ là một dấu ấn cùng với chùa Phước Huệ tạo nên sự bề thế cho phố trà chạy dọc con đường chính.
        Tôi biết hiện có nhiều nhà đầu tư Đài Loan đã đổ tiền vào đây để tạo nên những thương hiệu trà nổi tiếng, rồi xuất trà đi các nước. Không ít các cửa hàng trên phố có những nét văn hóa đặc trưng cho sắc thái Trung Hoa từ cách bày trí trên bao bì nhãn mác, biển hiệu. Có người ở cửa hàng Kim San kể, đến thời vụ chế biến trà, họ thường phải thuê các chuyên gia người Đài Loan sang để sao chế thành phẩn trà Ô Long, Bát tiên…theo công nghệ đặc biệt. Chính vì thế mà trà của Bảo Lộc với thương hiệu B’Lao có sức lan tỏa đi nhiều nước trên thế giới.
         Tôi dạo chơi phố và rẽ vào bất cứ hiệu trà nào mà tôi thích. Riêng hiệu trà Trâm Anh là tôi dừng chân lâu nhất, bởi lẽ ở đây họ cho uống trà miễn phí, và đặc biệt họ có những mẫu ấm đất Tử Sa để pha trà rất phong phú. Họ bày để cho đẹp quẩy trà, nhưng tôi đòi mua ấm, bổ sung cho bộ sưu tầm của mình. Chủ hàng nấn ná và tỏ ý không thể bán, vì họ chỉ nhập về mỗi mẫu ấm, một chiếc mà thôi. Riêng chiếc ấm hình cây đàn ghi ta thì tôi nài nỉ mua cho bằng được. Cuối cùng họ đành bán với sự tiếc nuối khó tả, vì không biết nghệ nhân ở Đài Loan có còn làm nổi chiếc thứ hai hay không. Tôi hí hửng ôm chiếc ấm trong tay, mừng như bắt được vàng vậy. Bất chợt, có tiếng điện thoại, có người chờ ở ngay đầu phố Lý Tự Trọng, cắt ngang phố trà, tôi sững người vì chợt nhớ ra một chuyến đi, đã hẹn...
Về con phố xưa hát “Chiều chủ nhật buồn”
          Không ngờ, tôi đã mua được cái ấm hình cây đàn ở gần đầu con phố Cầu Đen, là nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ở trọ suốt hơn 3 năm từ 1964 đến 1967, ngay trên đường đi. Người hẹn đưa tôi đi qua những ký ức mà người nhạc sĩ tài hoa này để lại, không ai khác chính là nhà văn Ninh Thế Hùng, hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng, và anh cũng từng là một cậu học trò lớp 3 của thày giáo Trịnh Công Sơn ngày nào. Anh nói mình chỉ học thày Sơn một thời gian ngắn nhưng đến nay vẫn còn nhớ những gì gắn bó với mái trường cũ và dáng vóc gày gò, cùng tác phong nhẹ nhàng, điềm đạm của thày giáo. Cho đến nay, anh vẫn thuộc lòng bài hát: “Chuyện ông tiên” mà thầy Sơn dậy cách đây gần nửa thế kỷ.

                                         
Nhà văn Ninh Thế Hùng (bên trái)-học trò lớp 3 của thày giáo Sơn năm 1964


        Nhà văn Ninh Thế Hùng dẫn tôi đến trước cửa nhà hàng Hồng Phát, số 26 phố Lý Tự Trọng kể, đó chính là nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thuê ở trọ cùng với ba đồng nghiệp khác. Trước đây trên mảnh đất này là một ngôi biệt thư của một gia đình cho thuê. Sau hàng chục năm trôi qua người chủ mới của ngôi nhà đã cho xây một nhà hàng kinh doanh. Nền móng của ngôi nhà đó hiện vẫn còn ở phía sau nhà hàng. Ngay sau đó anh chỉ ra con phố nhỏ nhìn thẳng vào nhà hàng Hồng Phát nói, đây là con đường mà hình ảnh cô gái cầm bông hồng cùng cuốn kinh thánh thỉnh thoảng đi qua, gây cảm xúc cho nhạc sĩ viết ca khúc “Lời buồn thánh”. Và cũng từ con đường xưa bụi đỏ này, Trịnh Công Sơn đã bao lần “Chiều một mình qua phố”, và ghi dấu lại bằng một giai điệu buồn, ấm áp và chan chứa nỗi đời.

                                           
Nơi nhạc sĩ Trịnh Công sơn đã từng ở trọ


         Theo như nhiều người biết cũng từ ngôi nhà trọ này, trong suốt những tháng hè năm 1965 và 1966, Trịnh Công Sơn đã cài then đóng cửa tập trung viết hàng chục ca khúc, tạo thành bộ Ca khúc da vàng nổi tiếng. Với chủ đề là nỗi khao khát cuộc sống hoà bình và yên lành cho những thân phận dân nghèo. Nhưng thực chất đó là những ca khúc phản chiến, nhằm chống đối cuộc xâm lược của giặc ngoại bang cùng bọn tay sai trong nước. Chính những năm tháng trốn lính bằng mọi cách và sự chiêm nghiệm trong cuộc sống đã làm thay đổi khuynh hướng sáng tác của một thời đoạn đặc biệt, trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh.
         Sau đó nhà văn Ninh Thế Hùng còn dẫn tôi đi dọc con đường dốc dẫn đến mảnh đất có lớp học ngày nào mà Trịnh Công Sơn dậy học. Giờ lớp học ấy đã không còn, nhưng nhà văn Ninh Thế Hùng không thể quên những hình ảnh đơn sơ của mái trường ngày ấy, và gương mặt hiền từ của thày giáo Sơn, luôn luôn hiển hiện trước mắt như chẳng thể nào quên.

Sương bay bao nỗi…
        Tôi đâu có hẹn hò ai ở đây để mà đợi chờ. Vậy mà tôi đã gặp và chất chứa tâm hồn mình những cảm xúc kỳ lạ và thân thiện với Bảo Lộc như đã ngày nào. Tôi chia tay những người bạn tâm giao Bảo Lộc. Tình cảm của họ chính là bến đợi của tôi mà sau chuyến đi này bỗng đầy nỗi nhớ nhung. Tôi định đi mà chẳng thể bước chân. Bạn hẹn, cái xứ B’Lao này còn nhiều cái lạ lắm và cả những câu chuyện cổ tích người Mạ, trầm buồn và tha thiết trong mỗi cuộc tình. Bạn còn nói hãy trở lại, đến với Cầu Đôi và thác Lộc Phát mà tìm duyên may…
  Nỗi chiều sương bồng bềnh, trôi ngẩn ngơ, trên cao nguyên đất đỏ ba zan. Có tiếng hú vang từ ngọn núi gọi người bạn làm tôi giật mình rồi mỉm cười. Những đồi chè xanh bao la như những bức tranh vẽ trong bài hát về Bảo Lộc, mà ai mỗi khi dừng chân đều nghe, và nhớ: “Mênh mông một màu xanh / Bạt ngàn đồi nương, ngan ngát hương đồi / Trong sương sớm bồng bềnh / Thơm mãi môi người vị chát đầy yêu thương…”