Tôi cứ ước, một ngày nào đó sẽ ngồi trên xe lôi lang thang ngắm những con phố nhỏ chạy dọc sông Hậu hiền hòa. Có lần tôi mơ mình lạc vào xóm người Chăm trên bến phà Châu Giang, trong thành phố Châu Đốc. Những cô gái có đôi mắt to đen huyền đi rất chậm, cùng  tà áo lụa bay phơ phất theo chiều gió. Tôi sững sờ vấp chính chân mình, rồi tỉnh dậy. Tiếc ngẩn ngơ. Thế rồi, đúng vào mùa nước nổi năm nay, tôi quyết theo mọi người đi lễ Bà Chúa Sứ. Vậy là Châu Đốc đã ở bên tôi…



LẠ LÙNG CHÂU ĐỐC

VƯƠNG TÂM

Đi chợ Tịnh Biên mua hàng “Nghĩa địa”
        Sau khi hành hương lễ ở Miếu Bà Chúa Sứ và Lăng Thoại Ngọc Hầu, tôi và anh Út, người dẫn đường ở Châu Đốc phượt thẳng lên chợ biên giới Tịnh Biên. Chợ xa thành phố khoảng chừng 25 km, lại nghe nói qua cửa khẩu sang Cam Pu Chia dễ lắm, nên tôi ham. Còn anh Út lại khoe chợ lắm thứ rẻ, nhất là các hàng “Nghĩa địa” lại càng rẻ thối ra. Vừa đi anh vừa nói, hàng “Nghĩa địa” chính là các loại hàng cũ mà thôi, có nơi gọi là hàng Si đa hay hàng Thùng, nhưng không hiểu sao ở đây lại gọi là hàng “Nghĩa địa”. Nghe thất kinh. Nghĩ đến người chết. Chính anh cũng không giải thích được. Chiếc xe máy của anh khá ọp ẹp, nhưng chắc quen đường nên cứ đi phăng phăng đi lên biên giới, cho dù trời rỉ rả mưa.
        Tất nhiên chợ Tịnh Biên cũng giống các chợ vùng biên khác. Đủ mọi chủng loại, gian nào cũng chất ngất hàng, tha hồ chọn. Thực ra họ bán buôn là chính, nên khách mua thường là những thương lái ở các chợ vùng xuôi lên, với những chiếc xe tải nhỏ chèn ních những hàng là hàng. Bất chợt tôi nghe thấy có tiếng xuýt xoa rồi tiếng cười rúc rich ở phía góc chợ. Có cô gái nhăn mặt quay sang nhìn tôi như gợi sự thách thức. Tôi bèn sán tới. Anh Út nói đó là mấy người bán hàng dị nhất chợ đó. Toàn những con côn trùng đã được chiên ròn hay còn sống. Đó là bọ cạp, nhện, mối chúa, bổ củi… hình như có cả rắn độc nhỏ. Ôi cứ nhìn đã thấy hãi. Thảo nào mấy cô rất nhát, nhưng lại tò mò ham muốn thử cảm giác mạnh. Các cô vừa ăn vừa muốn nhè, rồi cuối cùng vẫn nuốt chửng, cho dù miệng vẫn chọp chẹp chấm muối chanh, chua và cay, mà lại còn kêu, ghê quá, ghê quá.
        Nếu mua bò cạp rừng sống để ngâm rượu thì cũng phải tới 60 con. Tưởng rẻ nhưng cũng phải tới hơn một trăm ngàn một mẻ. Anh Út giải thích đây là những người Cam (Cam Pu Chia) ở sát vùng biên sang đây bán. Vì đó là món khoái khẩu của họ. Hơn nữa họ biết cách chế biến và khử được những chất độc của các chủng loại côn trùng hoang dã sống trong rừng. Do đó các thức ăn này rất giầu chất đạm, ăn quen thấy ngon và đậm, bùi và thơm phức.
         Nhưng rồi đột nhiên tôi nhớ ra chuyện lên tận cửa khẩu và mua hàng miễn thuế. Anh Út liền OK!. Nhưng đường chẳng mấy xa vèo một cái chúng tôi đã có mặt ở cái barie chắn ngang. Đúng như mọi người nói, ở đây hai bên đều chưa xây dựng gì lớn cả nên vượt qua cầu Hữu Nghị, cũng rất nhỏ, là tới ranh giới hai nước. Cam Pu Chia kia ư? Thân thiện và gần gũi xiết bao. Đúng như quê ta vậy. Mọi người đang hối hả chờ qua biên giới. Thỉnh thoảng có một xe máy biển số nước bạn đi sang chợ Tịnh Biên để mua hàng. Có người đi qua chỉ gật đầu chào hai chiến sĩ công an rồi “Vượt biên”. Không biết tới trạm chính họ có làm thủ tục gì không nhưng tôi thấy như chỉ đi qua một con đường có chiếc cầu, và đóng tiền lộ phí là xong.  
         Bỗng nhiên trời đổ mưa. Tôi nhờ anh Út chụp hộ vài kiểu ảnh rồi chạy vội vào hiên khu trung tâm mua hàng miễn phí. Có thể gọi đây cũng là một cái chợ Tịnh Biên hiện đại thì đúng hơn, bởi nhiều gian hàng cũng không hơn gì ở chợ là bao, chỉ có xây đẹp và vuông vức mà thôi. Gian hàng Thái Lan vắng tanh. Mưa! Hạt mưa to và lạnh. Tôi và anh Út dừng lại trú mưa trong một siêu thị nhỏ. Lẽ dĩ nhiên không biết chọn hàng gì. Nhưng ra phía ngoài thì may sao tôi gặp một cửa hàng gốm sứ “Nghĩa địa”. Ai đó bán mấy đồ bình lọ ấm chén cũ, hàng hiệu của Nhật hẳn hoi. Bà chủ nói, mình còn có hẳn một cửa hàng bán đồ gốm “Nghĩa địa” ở ngay chợ Châu Đốc.
        Mưa! Tôi háo hức quên cả trời mưa tầm tã. Một màn mưa biên giới rất đẹp. Bay bay, nghiêng nghiêng…Tôi chọn được một bình rượu có men bóng, mầu đen pha mảng vỏ trứng, nom lung linh như một bức tranh sơn mài vậy. Tôi nhìn sang phía nước bạn, giơ cao chiếc bình rượu, rồi chào một tiếng. Chúng tôi đi trong chiều nghiêng của làn gió dọc kênh Vĩnh Tế chạy hút về phía xa…

                                        


Vào xóm Chăm ăn bốc!?
        Theo lời hẹn trước. tôi vừa tới bến phà Châu Giang, đã chợt nghe một bản nhạc thật tình tứ vang lên từ một con thuyền trên sông Hậu. Lời ca nghe sao ngọt ngào đến vậy. Tôi lắng nghe: “Kìa xa thấp thoáng ai trên đường… Chú Khải đón tôi ở ngay đầu con phà đọc cho tôi nghe cả một đoạn bài hát “Tìm em”, bản dân ca cổ của người Chăm. Giọng chú ấm như giọng một ca sĩ, hát thì thầm: “Kìa xa thấp thoáng ai trên đường / Lại đây / Bóng áo xanh đeo cườm lấp lánh / Đến nơi đây / Hình như dáng em yêu đi nhịp nhàng” . Chúng tôi lọt vào một xóm người Chăm thuộc dòng Hồi giáo ở đây.
        Chú Khải ở cùng với xóm người Chăm này nói, theo thống kê cả vùng Châu Đốc có hơn 3000 hộ, ước chừng gần 15.000 người Chăm sinh sống ở tại 9 xóm rải rác khắp vùng. Đàn ông thì đánh cá, còn phụ nữ chuyên dệt lụa và chạy chợ, lo bữa ăn cho gia đình. Sau đó chú dẫn tôi vào một gia đình người Chăm. Đó là một ngôi nhà cổ hiếm hoi còn sót lại, khoảng 150 năm, chủ nhân là bà Ma-ri-yêm. Bà rất nhiệt tình dẫn tôi đi xem ngôi nhà của ông cha để lại rồi nói, hiện ngôi nhà có tới 5 thế hệ sinh sống. Cha bà có thời là Giáo cả thánh đường Mubarak, ông Mad-toy-dib, đã từng đóng góp nhiều cho cộng đồng người Chăm ở địa bàn này. Vừa hay, lúc đó con trai bà Ma-ri-yêm là A-ri-phin ở dưới nhà đi lên với nụ cười nhỏ nhẹ trong bộ váy hoa mầu đỏ. Anh đội chiếc mũ đen, đúng kiểu một thiếu niên Chăm. Vì người đàn ông đã trưởng thành ra đường đội mũ trắng. Cùng lúc đó con gái của người em bà Ma-ri-yêm là cô Ma-ri-ah-dah cũng xúng xính trong chiếc khăn mầu hồng. Tôi vội chụp mấy kiểu ảnh. Dường như mấy người trong gia đình bán lụa và thổ cẩm này cũng thích trình bày mặt hàng của mình. Họ còn bầy la liệt các loại vải ra khoe, rằng rất đẹp, rất bền và đòi tôi chụp ảnh. Quả là tôi quá vui khi được những người Chăm ở đây nhiệt tình đón tiếp đến vậy.
       Ngay sau đó, tôi tranh thủ hỏi về mọi chuyện về phong tục và lễ giáo của người Chăm ở Châu Đốc. Thí dụ như người Chăm theo chế độ mẫu hệ, con cái lấy theo họ mẹ, nhưng phải nói tôi thú vị nhất là chuyện con gái cưới chồng và chú rể phải ở nhà vợ. Đặc biệt khi người con trai về nhà vợ, phải chào lạy mẹ và hát lời “Tạm biệt mẹ”. Đây cũng là bài dân ca cổ của Chăm. Còn khi sang tới nhà cô dâu, các bà phải rửa chân cho chú rể, cùng lúc đó nhà gái có người đứng ra hát bài ca “Rửa chân”. Nhất là trước khi động phòng, hai người phải chơi trò lượm những đồng tiền bạc để lấy may. Sau đó cả hai ăn bữa cơm chung với bố mẹ vợ. Mâm cơm chỉ có hai đĩa, cơm và thức ăn. Đặc biệt là phải cùng ăn bốc.
        Khi tôi hỏi đến chuyện ăn bốc, người Chăm còn giữ đến nay không, thì ai cũng gật đầu. Chú Khải kể, khi ra đường ăn quà hay lỡ đường phải dùng bữa, thì người Chăm cũng theo thiên hạ. Nhưng khi đã về nhà phải theo lệ bao đời nay của người Chăm là ăn bốc. Tôi hỏi cách ăn bốc thì, A-ra-phin đưa ra chiếc đĩa có chút cơm làm ví dụ. Tôi được rửa hai bàn tay sạch sẽ. Lau khô ba ngón giữa và ngón cái của bàn tay phải để bốc cơm. Đây là những quy định của cộng đồng người Chăm ở đây, rất khác với những người Chăm ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Vậy nên người ta có câu: “Đàn ông mặc váy / Đàn bà đội khăn / Đến với người Chăm / Rửa tay ăn bốc”. Chú Khải còn nói ở môt số địa bàn khác, ngưởi Chăm tổ chức du lịch, theo gói dịch vụ, học làm người Chăm. Dệt vải, quấn Sà Rông và đội khăn gấp thành chữ “Nhân”…

                                           


 Rộn ràng tiếng trống Pa Nà  
      Tôi đang mải hóng chuyện thì bỗng nghe thấy có tiếng trống dồn dập vang lên. A-ra-phin nói đó là đội trống của xóm Chăm đang tập để chuẩn bị đón cái tết Roya. Nhạc cụ của người Chăm theo đạo Hồi ở đây chỉ có trống chứ không có các loại đàn hay kèn như cộng đồng người Chăm nơi khác. Và đặc biệt người Chăm ở đây chỉ có hát chứ không có múa. Gần đây, trong các lễ hội họ đã bắt đầu đưa múa vào, chứ trước chỉ có hát với dàn trống 12 chiếc. Chú Khải đưa tôi ngược đường, ra tới gần Thánh đường Murabak, nơi cứ thứ sáu hàng tuần là mọi người đến lễ. Tiếng trống dồn dập theo một tiết tấu rất lạ, uyển chuyển như có tiếng người cười vui trong lễ hội.
        Thế rồi trống chuyển nhịp. Tiếng khoan nhặt hơn, rền nhưng trang nghiêm và sâu lắng. Và hình như có tiếng ai hát, ấm áp chan chứa nỗi niềm. Đây là lời tạ từ của người con trai, lạy mẹ trước khi đi xa. Lúc này chú Khải lại thì thầm: “Ai ru hỡi / Ơi mẹ ơi / Mẹ thương lấy mối tình con / Con xin lời mẹ tha thứ / Mẹ ơi. Thấu lòng con ngày biệt ly…”. Chợt chú Khải ngừng lại. Giọng nghẹn ngào không cất lên thành tiếng.

       Tôi chia tay và đứng như tượng đá giữa con phà Châu Giang. Tiếng trống Pa nà rộn nhịp như quấn chặt tâm hồn tôi. Chóp mái Thánh đường Hồi giáo vút cao in đậm trên nền trời xanh trong. Tôi muốn hú lên một tiếng cho cháy không gian giữa con nước mênh mang của dòng sông Hậu Giang. Gió lộng. Sóng cuồn cuộn trôi về phía biển Đông.