“Nậm Rốm ơi hãy ngừng trôi mùa xuân
Anh đã về với em
Hoa ban trắng quá
Thung lũng trổ tím hoa riềng
                                phấn vàng bay lả
Ôi không gian uống rượu nắng say mềm…”
Đó là ký ức trẻ trung năm nào vào những ngày tháng cuối cùng của mùa xuân trên bờ sông Nậm Rốm, mà tôi có những cú say chếnh choáng, cách đây non hai mươi năm trong cuộc thi rượu, với cánh nhà báo trẻ ở Điện Biên, ngày nào…





MÊNH MANG ĐIỆN BIÊN

VƯƠNG TÂM
       

 Nỗi niềm ngày trở lại       
        Còn giờ đây, câu chuyện của tôi lại bắt đầu với con nước cạn vào tháng 11, Nậm Rốm đang thổn thức chờ những giây phút đầu tiên của mùa xuân trở về. Tình cờ tôi có mặt ở Điên Biên là thế. Hoa cúc quỳ vàng rực đôi bờ và trên những nẻo đường đi. Hoa vàng ươm như nắng làm ấm không gian chuyển mùa đang tê tái, trong gió đông. Đó là dấu hiệu báo sự tàn úa chuẩn bị cho một mùa hoa ban đón chờ năm mới chăng, tôi như gặp lại một Điện Biên khác lạ, tươi mới làm sao.
        Mới đây, vào dịp cuối tháng 10-2013, người ta vừa tổ chức Hội lễ ném Còn quốc tế lần thứ ba. Đây là một cuộc hội ngộ cứ hai năm một lần, giữa thanh niên của thành phố Điện Biên Phủ và các bạn của hai nước láng giềng, Trung Hoa và Lào ở giáp tỉnh Điện Biên. Lần này, hội ném Còn diễn ra tại đây tưng bừng lắm, vì ai cũng háo hức làm mọi việc tốt đẹp nhất để đón chờ kỷ niệm 60 năm, ngày chiến thắng Điên Biên Phủ, vào năm 2014.

                                     
Góc bản Khơ Mú


        Tôi chợt nhìn lên đồi D1, nơi có bức tượng đồng lớn, một biểu tượng cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu bốn biển. Nghe nói, dưới chân tượng còn dấu vết của 103 ngọn nến mà các thanh niên và học sinh đã thắp suốt đêm 6-10-2013 để tỏ lòng thương nhớ đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khóc bao nhiêu cho đủ nước mắt đây. Thật khó bù đắp cho sự ra đi này. Cũng giống như thanh niên ở đây, có những nhóm bạn trẻ ở nhiều nơi đã chọn âm nhạc và lời ca hùng tráng để làm lễ cho sự chia xa này. Họ hát những bài ca mà đại tướng đã dựng xây trong sự nghiệp cách mạng của mình. Đó là những bài ca “Chiến thắng Điện Biên”, hay “Chiến thắng Him Lam”, hoặc “Vì nhân dân quên mình” và “Đất nước trọn niềm vui”. Họ thay sự nghẹn ngào bằng những âm hưởng chiến thắng và niềm vui mà đại tướng đã đem lại cho dân tộc. Những giọt nước mắt chia tay, cùng những ngọn lửa bập bùng cháy và những giai điệu âm nhạc hào hùng xin nghiêng mình thương tiếc cho người chiến binh vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

                                     
Hầm Đờ Cát


         Tôi bồi hồi đếm từng bước, đúng 340 bậc đá dẫn lên đồi cao, để chiêm ngưỡng bức tượng đồng “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, lớn nhất (cao 16,2m) và nặng nhất (220 tấn) của nước ta, một dấu ấn đặc biệt nhất của thành phố trẻ Điện Biên Phủ. Khi lên tới đây, ở độ cao khoảng hơn 50m, ta có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố, nhất là con sông Nậm Rốm và cây cầu Mường Thanh dẫn tới căn hầm của Đờ Cát. Thật may sao, đúng lúc đó tôi gặp ông Xuân một cựu chiến binh, người thường hàng ngày lấy 340 bậc đá làm tiêu chuẩn, bước lên, bước xuống mấy lần, để rèn luyện sức khỏe trái tim. Ông kể, bố ông là một chiến sĩ đã từng ở đội kéo pháo cùng với anh hùng Tô Vĩnh Diện. Tôi gợi ý muốn được ông dẫn lối đến ngọn đồi mà đoàn pháo binh ngày ấy đã kéo pháo vượt hàng cây số lên trận địa. Vậy là chúng tôi lên đường.
          Đó là ký ức mãi trẻ trung trong lòng những cựu chiến binh năm xưa. Và giờ đây, tôi lại đang đứng trước ngôi  nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, người chiến sĩ Điện Biên năm nào đã lấy thân mình chèn khẩu trọng pháo. Cũng bên dòng Nậm Rốm, đầu xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách đây mấy năm, người ta cho xây một cụm tượng đài "Bộ đội kéo pháo bằng tay". Tác phẩm hoành tráng này mô tả đúng khí phách của những chiến sĩ khi kéo pháo lên trận địa. Trong đó biểu tượng của anh hùng Tô Vĩnh Diện hiển hiện một cách sống động qua từng ánh mắt và động tác, cùng hình tượng 29 chiến sĩ lực lượng pháo binh kéo những khẩu 105 ly xuyên rừng, vượt dốc. Tôi chợt nhớ đến bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong lòng xao xuyến làm sao khi đang đứng trước trận địa, nơi đã tạo nên những giai điệu hào sảng và mãnh liệt đến vậy.
        Buổi chiều, tôi lại lang thang đây đó với chiếc xe máy cũ thuê được tại nhà nghỉ. Bà chủ nhà, chiểu theo nguyện vọng của tôi muốn vào một bản cổ nhất của thành phố Điện Biên, bèn vẽ đường vào một bản nghèo người Khơ Mú, cách thành phố khoảng gần chục cây số. Tôi lần mò tìm và …

Lạc vào bản “Mưa rơi”
        Quả đúng như người ta nói, bản Co Pục còn nghèo lắm, chỉ có khoảng 57 nóc nhà sàn xiêu vẹo cũ kỹ, ở chênh vênh dốc núi. Hai bên đường lên nương, hoa cúc quỳ vàng rực trong nắng sớm. Gia đình tôi gặp đầu tiên lại là ngôi nhà sàn của chị Quàn Thị Thanh. Bỗng đâu đây có tiếng hát của trẻ làm tôi ngỡ ngàng vì thấy giai điệu quen thuộc quá. Tôi vừa ngồi xuống nói chuyện với chị Thanh thì cô gái đang hát ấy đi lên từ con đường nhỏ. Dường như tất cả lặng đi vì tiếng hát trong trẻo của cô gái. Tôi lắng nghe lời hát cầu cho mưa rơi của chính người Khơ Mú:
“ Mưa rơi cho cây tốt tươi
   Búp chen lá chen cành
   Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió
  Bướm tung cánh bay vờn…”
     Chợt nhìn thấy tôi đang giơ máy ảnh cô gái ngừng hát và thẹn thùng chạy đi. Lúc này chị Thanh nói:
-         Bài hát của người Khơ Mú đấy, ông thích à?

                                  
Tác giả thăm gia đình bà Thanh



     Tôi cười rồi hỏi về gia cảnh của chị. Không ngờ tuổi mới hơn năm mươi mà chị đã có tới 6 người con. Mấy người tò mò đến ngồi bên để trò chuyện. Chị Thanh vừa chẻ lạt vừa nói về bài hát được sinh ra từ trò chơi cầu mưa của người Khơ Mú như thế nào.
    Đó là thời điểm vào mùa mưa từ tháng ba, tháng tư tới tháng mười trong năm. Người trong bản thường tổ chức chơi trò cầu mưa. Mặc dù trời không mưa, nhưng trai gái, trẻ con trong bản lại mặc áo mưa, đội nón, rồi di đến từng nhà gõ cửa, làm náo động các gia đình trong bản, reo hò đòi trời mưa. Còn những người trong nhà lại lấy ống nước, chậu nước hắt vào đám trẻ con, rồi ai nấy đều reo vui: Mưa đây! Mưa rồi đấy! Mưa nào. Mưa… mưa…
     Thật thú vị, tôi nói khéo để ai đó trong nhóm mấy người mẹ này có thể hát toàn bộ bài hát “Mưa Rơi”. Không ngờ cả bốn người gật đầu rồi cùng hát. Giọng hát dù đã khàn đặc, thỉnh thoảng ngưng lại để lấy hơi nhưng nghe sao thật vui làm cái bản nghèo này như trôi trong tiếng kèn môi mà các chàng trai Khơ Mú hay thổi gọi người yêu trên nương vậy. Tôi như mộng mị trong câu hát:
   “Trên nương hương thơm nếp vàng
     Măng cười hé vươn lên cùng
     Ngọt ngào sương thơm bay bay theo gió
     Những chim nướng cùng nếp thơm
     Nhìn mà no…”
     Sau khi lên nhà chị Thanh để ghi lại những hình ảnh sinh hoạt trong một gia đình người Khơ Mú, mới hay không khác gì người Thái là mấy. Đáng chú ý ngoài ba cái bếp có những quy định rõ rệt, thì giường ngủ của những người trong gia đình đều xếp liền nhau theo thứ tự vợ chồng ông bà, kế tiếp là vợ chồng bố mẹ, rồi đến vợ chồng con cái. Tất cả đều được che bằng một tấm vải hoa, kéo suốt theo chiều dài của những chiếc giường, chạy dọc ngôi nhà sàn. Còn khoảng cách của các giường ngủ chỉ là tấm vải ngăn, nhưng rất sát nhau. Chị Thanh giải thích đó là quan niệm về sự chở che, và nương tựa của sự sống những người thân trong gia đình. Đó là sự tiếp nối các thế hệ và là một trật tự, một nền nếp gia phong của người Khơ Mú hay người Thái.

                                     
Đi chợ


     Trên đường lên mấy nhà trên dốc núi, tôi chợt nhớ câu chuyện cổ về sự ra đời của người Khơ Mú xưa như thế nào. Đó là khi nhà trời mang một trái bầu xuống trần gian để khai sinh sự sống. Trong quả bầu có mọi vạn vật, con người, của cải và dụng cụ làm ăn. Khi trời lấy dùi nóng khoan quả bầu để mọi người chui ra. Người Khơ Mú chui ra đầu tiên dính than bầu cháy nên da bị đen. Vì thế, người Khơ Mú còn được gọi là người dân tộc Xá đen. 
     Có người mách hãy ghé vào gia đình cụ Lò Thị Sinh mà nghe những bài hát Khơ Mú. Tuy tuổi đã ngoài tám mươi, nhưng cụ còn làm được nhiều việc và thuộc nhiều điệu Tơm của người Khơ Mú. Nào là Tơm Kân Chơ (hát giao duyên), Tơm Muôn (điệu hát về mùa xuân); hay như Tơm Đường Kmun (hát mừng đám cưới) và còn nữa, cụ kể nhiều chuyện về cái lễ cúng Ma của bản mình. Nhưng có lúc cụ lại lắc đầu nói rằng, cái chuyện lắm con của người Khơ Mú giờ mới thấy khổ. 
       Tôi thật sự bất ngờ với sự bộc bạch rất thông tuệ của cụ già này. Có lẽ cụ đã trải nghiệm cuộc đời với nhiều dân tộc khác, qua gần một thế kỷ, nên nhận biết cái hay cái dở của dân tộc mình. Nhưng giờ vẫn chưa thể khác được. Thế đó! Cụ chép miệng, ngồi im lặng rất lâu.

Mùa xuân đang về
        Sớm hôm sau tôi dạo bước cùng mọi người đi dọc bờ kè sông Nậm Rốm. Sương mù vẫn bảng lảng trôi lững lờ. Những cụm hoa cúc dại vàng như những đốm lửa sáng lên trong màn sương. Cùng với đó cánh đồng lúa chin muộn chưa kịp gặt cũng vàng rộm như mời như gọi, như níu kéo tâm hồn tôi. Vừa hay, ánh bình minh le lói hừng lên, tôi nghe như hơi thở của những hạt thóc Mường Thanh phả vào tâm hồn mình. Một nỗi ấm của hương lúa thơm. Một niềm xôn xao của những cánh hoa ban đang ngập ngừng ngó ra khỏi rừng cây. Điện Biên nghe mênh mang làm sao. Mênh mang hương. Mênh mang hoa và mênh mang hồn thiêng sông núi cùng lịch sử chiến thắng vĩ đại của nhân loại. Tôi ngẩn ngơ đứng giữa cây cầu Thanh Bình, bắc ngang sông mà nhìn về phía xa. Mây đang tan. Nắng ấm mang hơi thở của mùa xuân đang dâng lên ngập tràn thành phố.