Nhà văn – đạo diễn phim tài liệu Tô Hoàng đưa ra góc nhìn thẳng thắn: “Điện ảnh hầu hết các nước trên thế giới đã vĩnh biệt kiểu làm phim quay bằng phim nhựa 35 ly để chuyển đổi qua làm phim kỹ thuật số. Nói giản dị ra y hệt bạn không còn chụp ảnh bằng phim cuộn 36 kiểu rồi giao cửa hàng tráng rửa, mà chuyển sang chụp bằng card. Các nhà chuyên môn cho biết, nếu từ năm 2014, nước ta còn sản xuất bằng phim nhựa 35 ly thì không một Liên hoan phim quốc tế nào chấp nhận  phim Việt mình tham gia tranh giải nữa. Sản phẩm phim nhựa cũng không còn là “mặt hàng” trao đổi, bán mua trên thị trường phim các nước. Ấy thế mà cho tới năm 2013 này, ngay cơ quan duyệt phim của nhà nước cũng chưa có máy chiếu phim kỹ thuật số. Tính phạm vi cả nước, trừ Hà Nội và TPHCM ra, phòng chiếu phim ở các tỉnh thành khác đều chưa hề có máy chiếu phim kỹ thuật số. Liên quan đến các khâu để làm ra một bộ phim kỹ thuật số, tình hình còn phức tạp hơn nhiều…”



ĐIỆN ẢNH VIỆT MUỐN PHÁT TRIỂN
        PHẢI DÁM TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI CĂN CỐT

TÔ HOÀNG
           
Cuối tháng sáu vừa qua, tại Hà Nội và TPHCM đã diễn ra hai cuộc hội thảo khá rầm rộ, khá quy mô do Bộ VH-TT-DL chủ trì dành cho các nghệ sỹ làm phim, giới sản xuất phim và giới quản lý văn hóa quanh bản dự thảo “Đề án chiến lược phát triển Điện ảnh VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Giống như rất nhiều cuộc hội thảo khác, đề tài được đem ra bàn thảo, góp ý, tranh cãi bao giờ cũng mang tầm cỡ vĩ mô, lật sới mọi khâu, mọi ngóc ngách liên quan đến việc làm phim, đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu cao vòi vọi, ngõ hầu muốn tháo gỡ mọi trở ngại, khó khăn để nền điện ảnh dân tộc sau bản đề án lần này cứ thế mà vùn vụt tiến lên, vượt qua các nền điện ảnh trong khu vực và dóng bước sóng hàng ngay với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới. Thật thú vị nếu biết được ý nghĩ thật xuất hiện trong đầu các vị “ khai quốc công thần” của nền Điện ảnh Việt nam như các ông Lê Đăng Thực, Huy Thành, Đặng Nhật Minh, Bùi Đình Hạc, Trần Luân Kim… khi các ông tiếp cận hoặc có mặt tham dự hai cuộc hội thảo quanh bản đế án này. Ấy thế nhưng nhiều phóng viên trẻ vẫn bị lừa. Qua bài viết của họ, có cảm giác như Nhà nước bỗng giật mình tỉnh ngộ để xót thương, đoái hoài tới một đứa con lâu nay đã bị bỏ rơi nơi gầm cầu, xó chợ. Và sắp xảy ra một cuộc cách mạng kinh thiên động địa, nhằm thay máu để tạo ra một cơ thể điện ảnh khác, cường tráng, đầy sức sống và hào khí để nhập vào đội ngũ các nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới.

Sự thật đơn giản hơn nhiều: Điện ảnh hầu hết các nước trên thế giới đã vĩnh biệt kiểu làm phim quay bằng phim nhựa 35 ly để chuyển đổi qua làm phim kỹ thuật số. Nói giản dị ra y hệt bạn không còn chụp ảnh bằng phim cuộn 36 kiểu rồi giao cửa hàng tráng rửa, mà chuyển sang chụp bằng card. Các nhà chuyên môn cho biết, nếu từ năm 2014, nước ta còn sản xuất bằng phim nhựa 35 ly thì không một Liên hoan phim quốc tế nào chấp nhận  phim Việt mình tham gia tranh giải nữa. Sản phẩm phim nhựa cũng không còn là “mặt hàng” trao đổi, bán mua trên thị trường phim các nước. Ấy thế mà cho tới năm 2013 này, ngay cơ quan duyệt phim của nhà nước cũng chưa có máy chiếu phim kỹ thuật số. Tính phạm vi cả nước, trừ Hà Nội và TPHCM ra, phòng chiếu phim ở các tỉnh thành khác đều chưa hề có máy chiếu phim kỹ thuật số. Liên quan đến các khâu để làm ra một bộ phim kỹ thuật số, tình hình còn phức tạp hơn nhiều. Nhà quay phim Lý Thái Dũng cho biết, tại các cơ sở làm điện ảnh ở nước ta số người có thể tham gia làm phim kỹ thuật số không nhiều…

Từ đây nảy sinh câu hỏi: Tiếp nhận quy trình làm phim kỹ thuật số thì còn duy trì sự sống của điện ảnh.Chối bỏ yêu cầu số hóa tức thị buông xuôi hai tay chấp nhận từ nay trong hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ không còn hoạt động điện ảnh nữa!
Tìm đến cái lõi này, bản “Đề án chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Bộ VH-TT-DL khởi xướng dù để cập tới rất nhiều khâu, nhiều vấn đề như: cơ chế chính sách và công tác nhà nước về sáng tác, sản xuất và phát hành phim; đào tạo nguồn nhân lực; công tác nghiên cứu thị hiếu người xem, cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng, bỏ vốn đầu tư vào khâu kỹ thuật làm phim; kêu gọi thành lập quỹ tài trợ người làm phim..v..v.. Ngẫm một lúc sẽ thấy ngay, đứng trước “cơn đại hồng thủy” kia, muốn vượt lên cần tới hai phương thuốc điều trị tức thời: Nhanh chóng đào tạo đội ngũ những người làm phim ( đồng bộ, kể cả phương diện nghệ thuật lẫn kỹ thuật ) và cũng mau chóng đổi mới, hiện đại hóa cơ sở làm phim và đầu tư thích đáng để mua trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm.

Không nói, bạn cũng đoán ra hai yêu cầu ấy động chạm ngay tới vấn đề ĐẦU TIÊN tức TIỀN ĐÂU. Mà là số tiền KHỦNG. Vì, như một nhà điện ảnh nước ngoài đã nói: “Nước nghèo, doanh nhân vốn hẻo, làm điện ảnh không khác gì người ăn bữa sáng chưa biết xoay bữa tối ở đâu, bỗng dưng nổi hứng lên lao vào thú chơi sưu tầm đồ cổ”. Ai sẽ bảo đảm kinh phí để đưa 100, 200, 300 sinh viên sang học làm phim một cách bài bản, l âu dài 4,5 năm tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…đây? Ai dám đầu tư tiền bạc để mua hàng chục, vài chục hecta đất để xây dựng cơ xưởng, phim trường? Mất khoảng bao nhiêu trăm, nghìn tỷ để mua trang thiết bị bảo đảm đổi mới, hiện đại hóa tất cả các khâu liên quan tới việc cho chào đời một bộ phim kỹ thuật số?

Trông đợi ở Quỹ hỗ trợ điện ảnh ư? Trong tình hình hiện tại, ở xứ ta liệu điện ảnh sẽ xếp hàng thứ bao nhiêu trong hàng trăm lĩnh vực “chết người” khác đang cấp thiết cần tới đồng tiền từ những tấm lòng hào hiệp? Trông đợi ở sự gom tụ vốn liếng, lớn lên dần dà của các doanh nghiệp tư nhân ư? Con đường này chắc sẽ có nhiều khúc khuỷu, gập ghềnh và chắc chắn sẽ dài lâu tới dăm bẩy chục năm.

Đương nhiên, niềm trông đợi hướng cả về phía nhà nước. Còn nhớ, trong một cuộc hội thảo “ Nâng cao chất lượng sản xuất phim truyện truyền hình”, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim vào công nghệ truyền hình 2013 diễn ra tại Hà Nội cũng trong tháng sáu vừa qua, khi bàn về việc làm sao để phim truyện truyền hình có thể xuất khẩu được, các đạo biểu của Truyền hình Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…đã nhấn mạnh đến vai trò đầu tư tiền bạc của nhà nước. Ví như vào năm 2010, chính phủ Malaysia đã đầu tư cho việc làm phim truyện truyền hình tới 1,6% GDP và tới năm 2020 dự định sẽ tăng tới 6,5% GDP của quốc gia này.
Theo dõi trên màn ảnh truyền hình những buổi giao ban hàng tháng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, ngay lĩnh vực văn hóa cũng lọt thỏm giữa biết bao vấn đề, biết bao lĩnh vực lĩnh vực “nóng” khác. Hoặc có được nêu ra là ở những gì tiêu cực, nhăng nhố cần được phê phán, chấn chỉnh. Liệu đến bao giờ chúng ta sẽ nghe thấy vị đứng đầu Chính phủ tuyên bố sẽ dành X,Y % GDP thực hiện  “Dự án chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”?

Lại nữa, trong tình hình tiết kiệm đang được nêu thành quốc sách, liệu Nhà nước dành cho “ Dự án chiến lược …” X,Y% GDP, liệu các ngành văn hóa nghệ thuật khác ( như sân khấu, ca nhạc, vũ, xiếc, hội họa…)cũng đang cần đổi mới, cần hiện đại hóa sẽ khoanh tay ngồi im mà không đòi được chia phần tỷ lệ % GDP sao? Quả sẽ là một phép tính đau đầu !

Còn việc này nữa, không thể không nói khi muốn bản “Dự án chiến lược..” kia khả thi. Ngồi tham dự cuộc hội thảo ở Hà nội và TPHCM vẫn còn thấy loáng thoáng bóng dáng “những con sâu mọt” trong ngành điện ảnh mấy chục năm qua- tức những vị nguyên là quan chức điện ảnh đã từng to mồm hò reo đổi mới, hiện đại hoá điện ảnh để hứng lấy phần trăm của nhà thầu và các khoản gian dối, hà lạm khác khi xây dựng các công trình này, cơ xưởng kia; hoặc săng sái, tiên phong ra nước ngoài mua máy móc và các trang thiết bị điện ảnh để hưởng lợi những phần trăm hoa hồng mà không ngó ngàng tới khâu đào tạo người xử dụng, kết quả là máy móc, trang thiết bị trùm bạt mưa nằm đó cho đến ngày hoen rỉ thành đống sắt vụn. Những việc như vậy hiện hữu rành rõ, sờ sờ trong hoạt động điện ảnh mấy chục năm qua nhưng chưa hề có một vụ phanh phui, chỉ mặt gọi tên đích đáng nào nên đám cựu quan chức điện ảnh ấy vẫn ung dung, tự tại tạo nên đội ngũ  “các đồng chí chưa bị lộ”.

Vậy nếu quả là có đầu tư lớn, có quyết tâm cao thực hiện “Dự án chiến lược phát triển điện ảnh..” lần này liệu có nên rung chuông cảnh tỉnh sẽ xuất hiện “lớp sâu mọt điện ảnh” mới không đây? Và trong đầu những ai tham gia hai cuộc hội thảo ở Hà nội, TPHCM không tránh khỏi sự xuất hiện mối dây liên tưởng giữa việc thực thi bản “Dự án chiến lược..” và vụ án thất thoát trên dưới 40 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh. Biết cả đấy nhưng không ai muốn, không ai thèm nói ra thôi.  Đã 2 năm trôi qua kể từ ngày vụ thất thoát 40 tỷ bị phanh phui. Vì sao cho đến tận  những ngày giữa năm 2013 này chưa có lời đáp số 40 tỷ bị thất thoát kia là do sự nhầm lẫn trong sổ sách hay đã lọt vào túi tiền của vị A,vị B nào? Vì sao trắng đen, phải trái, công tội chưa được làm phân miêng, sáng tỏ? Hay là vì 40 tỷ kia là “cái đinh rỉ” so với những thất thoát cả vài chục ngàn tỷ của những Vinashin, Vinaline? Nếu để “chìm xuồng” vụ thất thoát 40 tỷ tức thị sẽ chăm tưới, vun vén cho tệ nạn hà lạm, tham nhũng trong điện ảnh tiếp tục hoành hành.

Từ đấy có một kết luận tự nhiên, hợp logic như sau: Bộ VH-TT-DL và bộ máy lãnh đạo mới của Cục Điện ảnh phải mau mắn, phải nhanh chóng có kết luận cuối cùng về vụ thất thoát 40 tỷ. Thiết tưởng, đấy là việc làm đầu tiên, cần thiết, hữu ích, đáng tin cậy nhất, để thể hiện việc thực thi Dự án “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030”.


                                        Tp Hồ Chí Minh cuối tháng Sáu năm 2013